Trang facebook cá nhân của nhà báo Hà Đình Nguyên (Báo Thanh Niên)
Sáng thứ Bảy vừa rồi, dẫn chương trình cho buổi ra mắt tập truyện nắng Cỏ lau vạn dặm của nhà văn Tiểu Quyên. Không khí thân mật, ấm áp tình bạn. Sau đó cùng Hà Đình Nguyên, một vài nhà báo khác đến thắp nén nhang vĩnh biệt GS-TS Trần Văn Khê. Có một dòng chữ cực lớn, ấn tượng, nổi bật ngay linh đường tang lễ: “Thiên Nhạc Vinh Quy”. “Bốn chữ Thiên Nhạc Vinh Quy là chữ dùng của Thượng tọa Thích Lệ Trang (người chủ tế nghi thức an táng GS Khê theo di nguyện của ông). Bốn chữ này mang ý nghĩa Thiên tài âm nhạc quy tiên; hay Thiên tài âm nhạc đã trở về đất mẹ” (báo PL số 27.6.2015).
Ngày hôm qua, ngày Chủ nhật. Vẫn như mọi lần. Đôi lúc tự hỏi, mỗi ngày, bề bộn thông tin, chọn lấy tin nào?
Không còn trẻ, không còn cảm hứng hăm hở như thuở mới vào nghề. Mỗi ngày, có thể cần cù nhặt nhạnh từng thông tin đáng nhớ, tương tự Chuyện từng ngày của ông Đoàn Thêm. Loại sách hữu ích này, cần thiết cho đời sau nhưng mấy ai kiên tâm đeo đuổi? Đã không thể ghi chép đầy đủ, bình luận theo suy nghĩ riêng tư mà phải uốn éo, giả vờ nói vuốt đuôi, né tránh nhiều sự việc đã nghe, đã thấy, đã biết, đã nhận thức thì cách tốt nhất là gì? Là không nghe, không thấy, không biết.
Vì thế, Nhật ký chỉ có thể ghi chép những gì mà mình thích, đang lưu tâm. Thích gì? Thích mày mò, tìm hiểu ngữ nghĩa tiếng Việt. Nếu trẻ, còn trẻ, sẽ học hỏi, nghiên cứu sâu hơn, nay không còn thời gian. Chẳng mấy chốc sẽ quay về nơi hư không thăm thẳm. Làm gì có kiếp sau mà mơ với mộng. Ham hố làm gì nữa? Thôi thì, “gặp đâu xâu đó”, nói đùa tếu táo “không nở bề ngang cũng nở nang bề dọc”.
Báo TT ngày 25.6.2105, có bài tường thuật phiên làm việc của Quốc hội vào chiều ngày 24.6.2015. PV V.V.Thành ghi nhận ý kiến của đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế), điều ngạc nhiên là ngay cả các văn bản Nhà nước cũng sử dụng tiếng Việt không chính xác: “Ví dụ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương, dùng từ “chấp nhận” trong trường hợp đại biểu HĐND xin thôi nhiệm vụ, đúng ra phải dùng từ “chấp thuận”. Nghĩa là HĐND chấp thuận cho đại biểu xin thôi nhiệm vụ (vì lý do nào đó) chứ không phải là “chấp nhận”. Hoặc trong Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) vừa thông qua, tại điều 27 quy định về miễn nhiệm kiểm toán viên nhà nước đã dùng cụm từ “bị miễn nhiệm” trong các trường hợp như khi bị kết tội bằng bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, vi phạm về phẩm chất đạo đức kiểm toán viên nhà nước... Ông Đồng Hữu Mạo cho rằng trong các trường hợp như vậy mà dùng cụm từ “bị miễn nhiệm” là không đúng. Luật cán bộ công chức đã định nghĩa “miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh”. Lẽ ra trong các trường hợp trên nên dùng từ “bãi nhiệm” (với hàm ý như là hình thức kỷ luật không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh - PV). Ông Mạo cho rằng dùng từ ngữ thiếu chính xác trong luật sẽ dẫn đến dùng sai trong xã hội và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Do vậy, trong quy trình xây dựng pháp luật phải có bộ phận rà soát từ ngữ trước khi trình Quốc hội thông qua”.
Những chi tiết này, lý thú quá phải không?
Vâng, ạ.
Còn gì nữa?
Rằng, hôm chủ nhật ngồi với nàng kể chuyện ngày xưa ở quê ngoại có người đàn ông tên Xu, không vợ con, mỗi ngày gánh đậu hủ bán quanh xóm. Tiếng rao lanh lãnh “ai… đậu… hẩu… hôn…” mai mái giọng nữ, mọi người bảo “lại cái”, có thể hiểu “ái nam ái nữ”. Sực nhớ, trong tập sách tập Ngôn ngữ văn hóa vùng đất Sài Gòn và Nam bộ (NXB THTP.HCM - 2012) của người bạn ngày trước làm việc chung cơ quan là TS Lý Tùng Hiếu, ghi nhận: “Cùng với sản phẩm văn hóa, một loạt từ ngữ tiếng Chăm đi vào tiếng Việt ở Trung và Nam Trung Bộ, và lưu dân Việt chuyển tiếp vào Nam Bộ” (tr.61). Anh dẫn chứng, tiếng Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận gọi “likay” để chỉ “đàn ông, nam, trai”, chính nó là nguồn gốc của “(đàn bà) lại cái” mà Nam Trung bộ đã sử dụng. Không những thế, anh còn liệt kê một loạt từ có mối quan hệ giữa tiếng Chăm và Nam Trung bộ, chẳng hạn:
ray: (vậy) > ri;
re ro: (rón rén, lân la, lò mò) > rị mọ;
rik: (cổ, xưa) > (cũ) rích;
têh (đó, nọ, kia) > tê;
ro ro (trơn tru) > ro ro;
palao (đảo, cù lao) > cù lao;
ke (ghe, bè, đò) > ghe;
lôi (bơi, lội) > lội
v.v…
Vậy hóa ra “lại cái” có nguồn gốc từ “likay” tiếng Chăm? Nghe thế, nàng bèn cười mà rằng: “Này anh, chẳng hạn, ngày Tết, bánh tét, bánh chưng đã nấu chính nhưng khi cắt ra ăn lại thấy từng hạt sống sít, ta gọi “lại gạo”. Xét theo nghĩa “lại cái” đã xử dụng, vậy “lại” trong “lại cái” / “lại gạo” có gì khác nhau đâu?” Biết trả lời thế nào? Thế là, dù trời đang mưa tầm tả, sấm sét đùng đùng, dù đang ngất ngưỡng men say, khề khà rượu đỏ, dù đang thèm thuồng mắt ngon môi đỏ nhưng vẫn quyết rời khỏi quán ăn, phóng xe quay về nhà… lật từ điển xem sao.
Việt Nam tự điển do Hội Khai Trí tiến đức khởi thảo (1931) ghi nhận “lại”, loại trừ các nghĩa khác, trong đó có nghĩa đang bàn, chẳng hạn, “lại mặt”: Tức là lễ nhị hỉ. Lễ làm sau hôm cưới, dâu rể về thăm nhà vợ: “Đám cưới chẳng tày lại mặt”; “Lại quả”: Nói khi đưa lễ sêu, lễ hỏi, lễ cưới nhà gái biếu lại nhà trai một phần lễ”. Với nghĩa trên, từ điển Huình Tịnh Paulus Của không hề ghi nhận. Thử hỏi, trong Nam có dùng từ “lại quả”? Từ điển từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín cho biết: “Lại mâm: lại quả, tặng lại một phần lễ vật của nhà trai đưa đến”. A, nơi dùng “lại quả”; nơi dùng “lại mâm”. Tiếng Việt phong phú quá đi mất. Cứ thế, đôi bên cứ tranh luận nhì nhằng. Cuối cùng, nàng thỏ thẻ mà rằng: “Thôi, tùy anh. Miễn anh đừng “likay” là được”. Nàng vừa dứt lời, y lập tức knock-out ngay tấp lự. Đã bảo rồi mà không nghe, chớ dại tranh luận với người đẹp. Chớ dại.
Dù biết thế, nhưng rồi những lần gặp sau lại tiếp tục tranh luận. May quá, trưa qua cũng rượu đỏ tại một nhà hàng sang trọng trên đường Đồng Khởi. Bèn đố rằng: “Hiện nay có một từ mới nào vừa du nhập vào Việt Nam. Đố nàng, từ nào?”. Câu đố rất đỗi hàm hồ, vì nó không có sự khu biệt, giới hạn rõ rệt nào cả. May quá, do đang mơ màng cùng vị ngon beefsteak, cá chẽm đút lò nên nàng nhẹ nhàng lắc đầu. Y bèn buột miệng nói chắc chắn như đinh đóng cột: “Đó là từ Kiss cam”. Rồi vội vội vàng vàng chạy ra khỏi quán ăn, may quá, trời không mưa, bèn tìm mua ngay tờ báo TT số ra ngày 26.6.2015. Lật trang 11, thì thầm cùng nàng như đang đọc thư tình:
“Trên mạng xã hội những ngày qua, các bạn trẻ nói nhiều về một trò chơi mang tên Kiss cam xuất hiện trên đường phố...”. Nguồn gốc của trò chơi này, bài báo cho biết: “Từ những năm 1980, Kiss cam là một trò chơi xã hội diễn ra trong các sân vận động thể thao của Mỹ và Canada. Nó như một trò tiêu khiển nhẹ nhàng trong thời gian chờ trận đấu, chờ truyền hình lên sóng hoặc bù đắp thời gian chết. Một camera lướt qua khán giả, và dừng lại ở người nào thì người đó sẽ hôn người bên cạnh, hình ảnh của họ (thường là vợ chồng) được hiển thị trên màn hình lớn ngay sân vận động. Nhưng nó không phải là Kiss cam như những người trẻ hiện nay chơi. Năm 2014, một trò Kiss cam khác lấy cảm hứng từ clip ngắn First kiss của đạo diễn Tatia Pilieva được thực hiện vào năm 2014 với 20 nhân vật. Họ vốn là những người không quen biết, gặp lần đầu và trao cho nhau những nụ hôn mà không phân biệt giới tính, độ tuổi với thông điệp đầy tích cực về tình yêu không biên giới. Giữa tháng 6-2015, Kiss cam hôn người lạ trên phố phổ biến ở Mỹ, các nước phương Tây và Việt Nam”.
Sau này, khi tái bản Từ điển Từ mới tiếng Việt ắt Viện Ngôn ngữ học sẽ bổ sung. Nếu không, có những từ đã quen dùng, nhưng nay đã mang thêm một (hoặc nhiều) hàm nghĩa khác. À, chuyện này mới vui. Với từ từ “sao” đã có thêm nghĩa mới chỉ những người trẻ tuổi nhưng nổi tiếng, nổi bật nhất - thường dùng trong giới showbiz. Nhiều người mặc nhiên thừa nhận "sao" là thế nhưng lại mù tịt nghĩa đã có. Trên trang facebook cá nhân của nhà báo Hà Đình Nguyên cho biết: “Định nghĩa “Sao”: Sau loạt bài (11 kỳ) HĐN viết về GS-TS Trần Văn Khê trên báo TN (chấm dứt ngày 21.6) thì đến ngày 24.6.2015 ông vĩnh viễn ra đi. Tiễn chân thầy Khê, mình viết bài "Sao Khuê phương Đông đã tắt" (báo TN ngày 25.6.2015). Lúc 12:15 cùng ngày, nhà thơ Lê Minh Quốc nhắn tin: "Tựa của anh trên TN sáng nay rất đắt giá, có sức khái quát". Nhưng chỉ ít phút sau, có một người đàn ông gọi điện thoại tới tòa soạn, tự xưng là "đang làm ở quận" (không biết quận nào) mắng mình tới tấp: "Tại sao dám gọi GS-TS Khê là..."sao". Ổng già gần 100 tuổi chứ có còn ở tuổi teen, hay như cỡ... Đàm Vĩnh Hưng thì gọi là "sao" mới đúng ! Đồ... không biết kính trọng người già! Mình... bó phổi, đành lả giả: "Chúc mừng quận nào có một cán bộ tầm cỡ như ông!”.
Thế đấy! Oái oăm thật!
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|