Tạp chí Văn thực hiện chuyên đề về Thi sĩ Tản Đà - số 35 (1.VI.1965) ấn hành tại Sài Gòn.Tư liệu L.M.Q
Phường chèo bôi nhọ trắng xanh
Cái nơi lục tặc tam bành nhiễu nhương
Đã chơi. Chơi với văn chương
Chơi gì với cái hội trường mà chơi
Văn nhân bước xuống cuộc đời
Ngoa ngôn mồm mép tuôn lời quỷ ma
Lập lờ láu lưỡi líu lo
Nhe răng phọt tiếng hoan hô rầm rầm
Dọn mặt? Mặt cũng từ tâm
Dọn tâm? Giấu lưỡi dao đâm bất ngờ
Văn chương? Chữ nghĩa? Câu thơ?
Cũng tang thương đến dật dờ tang thương
Về chơi trong cõi thư hương
Chơi gì với cái hội trường mà chơi
Có những câu thơ viết cho riêng mình. Nó thoáng qua nhưng thật ra suy nghĩ đã lâu. Có cần phải ghi vào Nhật ký? Nàng bảo thôi. Chẳng cần đâu. Cuối cùng vẫn ghi. Tại sao? Sự hiện diện của từng con chữ rành rành giấy trắng mực đen đã là sự nhắc nhở mỗi ngày. Một mũi tên đã rời khỏi cung, đố thu lại được. Vết mực mong manh là thế, nhạt mờ là thế, đố tác giả có thể tẩy xóa. Làm sao có thể tẩy xóa lòng mình?
Thế thì, y biết tỏng tòng tong cái tính giao động, sáng nắng chiều mưa, bốc đồng, dễ nghe theo lời dụ dỗ, mời mọc, thiếu kiên định, quyết đoán của chính y. Y biết y lắm mà. “Đó là một gã đàn ông mạnh mẽ, ngang tàng nhưng thích bông phèng và dễ bị chìm đắm. Một người thường đút tay túi quần lững thững đi bộ, mắt ngước cao xanh. Khi đã chán đi bộ thì như vùng chạy. Chạy mãi miết, không còn nhìn thấy gì mà chỉ nghe hơi thở của chính mình. Hoặc đi bộ, hoặc là chạy chứ không có kiểu lật đật, vội vội vàng vàng. Đó chính là Lê Minh Quốc”. Nhận xét này là của bạn văn Trần Nhã Thụy, lúc viết Bạt cho tập trường ca Hành trình của con kiến, năm 2006. Ngẫm lại, vẫn thấy đúng. Một người “dễ bị chìm đắm”. Biết thế, phải tự thoát ra trong trường hợp cụ thể này. Viết vào Nhật ký như một sự nhắc nhở. Đừng quên. Đừng dễ dãi. Đừng vui đâu chúc đó. Ừ, vâng ạ. Sẽ vắng mặt trong cuộc họp ở hội trường vào ngày mai.
Đã gần đến Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đã có nhiều chương trình giao lưu, sinh hoạt nghiệp vụ về nghề. Ngày hôm qua vui. Có dịp đến Hội Nhà báo xem các đồng nghiệp trổ tài nấu bếp. Lúc nghe bác sĩ Yến Thủy nói chuyện về dinh dưỡng, sức khỏe của bác sĩ Yến Thủy - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, ghi được câu này: “Giầu ăn ba bữa, khó cũng đỏ lửa ba lần”. Sau khi kết thúc, Ban Tổ chức mời cùng ra quán Ngon ăn trưa, nhưng từ chối. Bởi là ngày Chủ nhật. Ngày của rượu đỏ. Ngày của hai người. Ngày của cái sự phiêu bồng. Nến thơm. Trầm dậy lên thoang thoảng. Bám lấy da thịt người. Nhai ngấu nghiến. Vì lẽ đó, vội vã chuồn ngay. Sợ đồng nghiệp níu kéo.
Trưa qua, tạt vào đường Hai Bà Trưng, đối diện khách sạn Park Hyatt. Ở đó có một ngõ nhỏ, bề ngang độ bốn mét. Đi sâu vào bên trong, tả hữu đều có quán ăn. Có một khoảng sân rộng. Có thể nhìn thấy cả bầu trời xanh giữa bốn bề cao ốc. Hầu hết bảng hiệu các quán đều ghi bằng tiếng nước ngoài. Do dốt ngoại ngữ, nên không thể nhớ hết. Chỉ biết, nếu dịch ra tiếng Việt các quán có nghĩa như Tinh chế, Phù dung v.v… Trong tập Ve vãn Sài Gòn, Chị Đẹp cho biết “thực chất trước đây là một nhà máy chế biến thuốc phiện từ thời Pháp”. Thông tin lý thú này, trong Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển cũng không nêu ra.
Ngồi ăn và thầm mong có một cơn mưa ùa đến cho đất trời thanh tân mát mẻ. Nhưng không hề. Trong khi đó, ngày 13.6.2105 ở ngoài Hà Nội lại có lốc xoáy, giông bão lớn. Theo báo TN sáng nay: “2 người chết, 5 người bị thương, hơn 1.290 cây xanh bị đổ, gần 140 căn nhà bị tốc mái, nhiều ô tô, xe máy, trạm điện bị hư hại. Hai người chết do bị cây đổ đè đều xảy ra ở Q.Hai Bà Trưng, trong đó 1 người chết tại chỗ, 1 người chết trên đường đi cấp cứu; 5 người khác bị thương do rơi mái tôn, rơi biển báo xây dựng và cây đổ ở các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm…”. Chi tiết này mới lạ lùng: “Tại đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương… cũng có nhiều cây xanh mới trồng bị giông lốc quật bung gốc để lộ bầu cây còn nguyên lớp ni lông bọc kín khiến rễ cây không bám sâu được vào đất”. Với y, lạ nhưng không mới, vì vài năm trước đây khi về thăm quê sau bão, đã nghe các đồng nghiệp ở Đà Nẵng đã kể cho nghe cái kiểu trồng cây kỳ quặt, cẩu thả thế này rồi. Tưởng chỉ là “sáng kiến” của một địa phương, không, nó cũng phổ biến rộng đấy chứ?
Những ngày này, lúc cà phê tán phét, bàn phiếm mua mua vui thường nghe bạn bè kháo nhau nhiều thông tin. Bằng không, cứ lang thang trên các trang mạng xã hội thì rõ. Thượng vàng hạ cám. Đủ tất. Biết tất, Cuối cùng, để làm gì? Vì thế, lại quay về với chuyên môn, với sở thích cá nhân. Chẳng phiền ai mà cũng chẳng phiền mình.
Lâu nay, trong lòng tự nhủ, cố gắng sưu tập các bản Truyện Kiều. Chẳng phải ham hố chơi sách cũ. Đơn giản, có dịp, có lúc đối chiếu xem câu đó, chữ đó các bản đã in sử dụng thế nào; hoặc đã chú giải, giải thích ra làm sao. Nói thật, rất thích bản Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện của thi sĩ Tản Đà. Lúc viết Thi nhân Việt Nam, nhằm tổng kết một gian đoạn rực rỡ nhất của phong trào Thơ mới, Hoài Thanh Cung chiêu anh hồn Tản Đà: “Tiên sinh sẽ đại biểu cho một lớp người để chứng giám công việc lớp người kế tiếp. Ở địa vị ấy còn có ai xứng đáng hơn tiên sinh”. Vậy người đó thẩm thấu Truyện Kiều ra sao? Lâu nay, tìm mãi vẫn không mua được tập sách Tản Đà chú giải về Truyện Kiều. Ngày kia, tình cờ tạt ngang qua một tiệm sách cũ như một cách giết thời giờ, lại thấy nó sờ sờ ngay trước mắt. Đọc xong, nghĩ rằng, nghệ sĩ cỡ như “ông thần ngông” Tản Đà là có quyền mỗi ngày đàn đúm, ăn nhậu bạt mạng, xem trời bằng vung, “sáng sỉn, chiều say, tối lai rai nhậu tiếp”?
Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa
Mê man chìm đắm trong rượu để làm thơ, sướng quá chăng? Tâm sự của Tản Đà đó chăng? Y từng nghĩ thế. Các nhà phê bình văn học cũng nghĩ thế. Nay phải nghĩ khác một chút. Có lẽ phải xếp nó vào dạng thơ “tự trào” của Tản Đà thì hợp lý hơn. Đọc Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện, mới cảm nhận được sức lao động miệt mài chữ nghĩa của Tản Đà - một người nghệ sĩ đích thực. Ai lại không lao động mỗi ngày? Nhà văn nào không viết? Vẫn biết thế nhưng lý thú ở chỗ, đôi khi tư duy của nhà thơ về Truyện Kiều lại có những phát hiện lý thú.
Rằng: “Nghe nổi tiếng Cầm Đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”
Một, hai điển tích, điển cố trên không cần phải giải thích nữa. Đọc bản Kiều nào cũng có thể tìm thấy. Theo học giả Đào Duy Anh: “Một hôm Bá Nha đàn mà bụng nghĩ đến núi, Tử Kỳ khen: Tiếng đàn cao vòi vọi như núi. Đến khi Bá Nha đàn mà bụng nghĩ đến sông, Tử Kỳ khen: Tiếng đàn cuồn cuộn như nước chảy” (Tự điển Truyện Kiều). Tuy nhiên chỉ ở bản của Tản Đà mới có được câu này: “Chung Kỳ người sành nghe đàn, Bá Nha đánh đàn, bụng nghĩ ở non hay ở nước, Chung Kỳ nghe điều hiểu cả. Cho nên trong câu đây có hai chữ “nước non”. Thú vị chưa? Cái hay của Tản Đà là phát hiện ra hai từ “nước non” ở đầu câu. Nó có ý, có tứ chu đáo rõ ràng mà nhiều văn bản khác không đề cập đến, bỏ sót, kể cả nhiều người tự xưng "nhà Kiều học".
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười
Nếu thật sự Tản Đà sống trong tâm thế đó, liệu ông có kiến văn, thời gian để suy ngẫm được gì khác?
Văn nhân bước xuống cuộc đời
Ngoa ngôn mồm mép tuôn lời quỷ ma
Lập lờ láu lưỡi líu lo
Nhe răng phọt tiếng hoan hô rầm rầm
Học tập người xưa, y cũng răn lấy mình đấy thôi. Nếu cứ cả nể, nể nang rồi đu đưa mãi theo những gì ngoài chữ nghĩa, liệu có còn thời gian làm được cái gì khác? Mà cũng chẳng cần được đến thế, chỉ cần hỏi, liệu tâm hồn có còn an nhiên để mỗi ngày bình tâm "Về chơi trong cõi thư hương"?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|