Một trong những điều khoái trá của Kim Thánh Thán, đọc đã lâu, còn nhớ đại khái, vào một chiều nhàn rỗi, ngồi một mình xem lại giấy tờ của các con nợ đã ghi. Giấy đã cũ. Vàng ố. Năm tháng đã qua. Không rõ họ đã phiêu dạt nơi nào. Cầm trên tay các tờ giấy ấy, tần ngần một lúc, đưa lên ngọn nến. Giấy cháy dần. Tro rụng xuống. Tỏa khói nhẹ lên trời. Nhìn khói lãng đãng bay. Há chẳng sướng sao?
Chiều qua trời mưa, ngồi một mình sắp xếp lại các phong thư cũ. Thư chứa đầy trong hai thùng carton. Bao nhiêu kỷ niệm cũ ùa về. Những lá thư của bạn bè thời ở chiến trường K. Những lá thư hẹn hò tình yêu đầu đời mực tím. Những lá thư của cuộc tình từ thứ A đến thứ Z. Đọc loáng thoáng. Không dám đọc kỹ. Sợ ngày tháng tháng ấy ùa về như thác lũ. Đành thôi. Tự dưng bùi ngùi khôn xiết. Không ai có thể sống lại thời hoa niên trong veo như mưa ngọt đầu mùa, như vạt trăng non tháng giêng cỏ non mộng mị. Không thể. Những cuộc tình đã xa của ngày tháng ấy, chẳng ai có lỗi, chúng ta ngây thơ, non nớt, bồng bột, dại khờ, trong trẻo và đáng yêu quá. Bây giờ, mỗi người một số phận, một đường đi, một giấc mơ, một nỗi niềm. Đã xa. Và đã khác. Không thể nào có thể níu kéo lại được. Những sợi tơ trời đã vụt khỏi tầm tay. Xa lăng lắc. Mơ hồ. Thấp thoáng. Vời vợi. Khói nhạt dần trên vòm trời. Hãy nghĩ tốt về nhau.
Chiều qua, mưa tầm tả. Bắt chước Kim Thánh Thán, đưa những lá thư ấy lên ngọn nến. Giấy cháy dần. Tro rụng xuống. Tỏa khói nhẹ lên trời. Nhìn khói lãng đãng bay. Nhưng rồi, không thể. Cất giữ lại. Như giữ lấy phần hồn, phần đời trong sạch nhất của thuở chưa vướng víu bụi bặm trần gian lục tặc tam bành hỉ nộ ái ố. Cất giữ lại. Dán kín lại. Vẫn giữ, dù thừa biết rằng, sau này cũng chẳng ai quan tâm đến nữa. Chẳng ai quan tâm những thư từ cá nhân còn để lại, nếu không là vợ, chồng, con cái. Biết thế. Vẫn giữ lại. "Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương /nét bút đa tình lả lơi / nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng / chờ đến kiếp nào / tình đầu trong gió mùa / người yêu ơi..." (Đoàn Chuẩn - Từ Linh).
Có những người thân tình, dù quen biết nhau đã hơn nửa đời nhưng vẫn chưa hề gặp mặt nhau. Mà vẫn nghĩ tốt về nhau. Ít ai biết, vì sao có thời gian y hay cặp kè với nhà văn Nhật Tuấn. Một phần vì nhà anh nhiều sách, một phần anh giỏi vi tính lại nhà gần nhà, khi máy móc trục trặc, anh qua giúp ngay, nhưng cái chính Nhật Tuấn là em ruột nhà văn Nhật Tiến. Y đã đọc hầu hết tác phẩm của Nhật Tiến từ thuở còn học lớp 8, 9. Cái thuở ấy, thuở mơ làm thi sĩ và sinh hoạt trong Gia đình Thiếu Nhi thuộc Tuần báo Thiếu Nhi do Nhật Tiến chủ bút, ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương chủ nhiệm. Phần thưởng trong các cuộc thi đều là tác phẩm của nhà văn Chim hót trong lồng. Đọc thời nhỏ, có điều lạ lùng là khó quên. Lớn lên, khôn ngoan hơn, học hành chu đáo, đọc nhiều hơn nhưng vẫn không thể nhớ rành mạch như thời còn trẻ.
Hôm nọ, ngồi cà phê với bạn văn P.C.L. Anh cho mượn tập sách Một thời để nhớ - Hành trình chữ nghĩa (tập 3) của nhà văn Nhật Tiến, do Huyền Trân in ở Mỹ năm 2012. Huyền Trân, tên nhà xuất bản mà nhà văn Thềm hoang đã chủ trương tại miền Nam của thuở đã xa, đã “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Cầm tập sách, cảm động như gặp lại cố nhân, dù chưa gặp mặt bao giờ. Đọc chậm rãi từng trang. Và bất ngờ, trong đó có tựa: “Nhà văn, Nhà thơ, Nhà biên khảo Lê Minh Quốc đã từng là độc giả của Thiếu Nhi”. Sau những dòng thiệu hết sức trân trọng, nhà văn Nhật Tiến đã “mạn phép in lại nguyên văn” Thuở mơ làm… thi sĩ. Bài này, in báo xuân Áo Trắng năm 2009, nguyên văn như sau:
“Năm lớp bảy, suốt ba tháng hè được nghỉ học tôi tha hồ trốn nhà theo lũ bạn đi tắm biển Mỹ Khê, Thanh Bình (Đà Nẵng). Lần nọ khi hay tin tôi suýt chết đuối, ba bực lắm. Biết chắc thế nào chiều về cũng bị một trận đòn nên thân, tôi láu cá xin mẹ cho lên nhà ông ngoại tìm chỗ náu thân. Ở đây, ngày qua ngày tôi tha hồ thẩn thơ dạo chơi trong vườn cây xanh, xem hoa nở, nghe chim hót... Riết rồi cũng chán. Tôi chui vào phòng ngủ của ông cậu tìm sách đọc. Bất kỳ sách nào lọt vào tay là tôi đọc. Để giết thời gian. Không hiểu cũng đọc. May mắn, có những bài thơ in trên tạp chí Phổ Thông do nhà thơ Nguyễn Vỹ làm chủ nhiệm thì tôi hiểu chút đỉnh.
"Bằng bằng, trắc trắc, trắc bằng bằng...". Nhịp điệu khoan thai ấy đã đi vào trong trí nhớ từ lúc nào cũng không rõ nữa. Đến một lúc, tôi bắt đầu tập tễnh... làm thơ. Bấy giờ, tờ báo Thằng Bờm cũng của nhà thơ Nguyễn Vỹ đã ra đời. Tôi bắt đầu gửi những bài thơ đầu tiên của mình đến tờ báo này, nhưng không được in. Ít lâu sau, tờ báo Thiếu Nhi của ông chủ nhà sách Khai Trí cũng góp mặt trong làng báo. Tờ báo do nhà văn Nhật Tiến làm chủ bút. Tôi lại gửi thơ của mình về địa chỉ mà đến nay tôi vẫn còn nhớ như in trong óc: "159 Thiệu Trị, Phú Nhuận, Gia Định".
Gửi thơ cộng tác với báo như gieo hạt. Chờ ngày hạt nảy mầm. Chờ từng số báo. Mỗi kỳ báo ra là hồi hộp lật từng trang báo còn thơm mùi mực in để xem bài mình có được in hay không? Sau nhiều lần thất vọng, lần đầu tiên tôi rú lên khi thấy cái bút hiệu của mình nằm chình ình trên mặt báo. Sướng nhé. Sướng suốt mấy ngày liền. "Tác phẩm" đầu tiên của tôi được in trên báo là bài thơ Em tôi - in trên báo Thiếu Nhi số 89 (13-5-1973). Năm đó tôi 13, 14 tuổi. Sau này, trong một lần lang thang tại các hiệu sách cũ, tôi mua lại được tờ báo này và đọc ngấu nghiến. Như gặp lại người bạn thuở ấu thời. "Em tôi bé nhỏ/ Bầu bĩnh dễ thương/ Trên môi son đỏ/ Nụ cười trầm hương...". Nay đọc lại những bài thơ thuở ấy, tôi thấy mình làm thơ ngày một... tiến bộ. Bằng chứng là sau đó tôi liên tục có thơ in trên báo này - mà thơ ngày càng hay thế có chết không chứ! Này nhé: "Mười ba tuổi tập làm thơ/ Ngồi trong lớp học ngẩn ngơ nhìn trời/ Lắng nghe chim hót đầy vơi/ Quên lời cô giảng được xơi trứng gà”; hoặc "Quê nhà buổi sáng tinh sương/ Con gà trống gáy sau vườn ó o/ Xa xa bác mặt trời to/ Như vừa thức giấc tròn vo là tròn"...
Ít lâu sau, tôi gửi thơ của mình đến các báo khác như tờ Tuổi Hoa, Mây Hồng phát hành hằng tuần và các nhật báo khác. Và cũng được đăng. Oách quá đi chứ! Nhưng khổ nỗi thuở ấy dù có thơ in nhưng tôi cũng không hề được tòa soạn gửi tặng báo biếu hoặc nhuận bút gì sất! Chả cần, mình "phục vụ cho văn học nghệ thuật" (!) thì cần quái gì ba cái chuyện lẻ tẻ ấy? Nghĩ thế, tôi ưỡn ngực về phía trước, ngếch mặt nhìn lên trời mà mơ mộng và tiếp tục làm thơ.
Mà hồi đó, tôi đã "nổi tiếng" lắm chứ chẳng đùa. Bằng chứng trên tờ báo Thiếu Nhi, ngay bìa 2 quảng cáo số báo Xuân Giáp Dần phát hành ngày 8-1-1974, giá bán 160 đồng, có câu, rằng... Khoan, để khỏi mang tiếng "nổ" cho phép tôi chép lại nguyên văn: "Nội dung là cả một công trình biên soạn của các cây bút quen thuộc đã góp mặt vẻ vang trên Thiếu Nhi trong những năm qua". Trong đó liệt kê những tên tuổi như Nguyễn Hùng Trương, Nhật Tiến, Minh Quân, Đỗ Phương Khanh, Nguyễn Đình Toàn... còn có Thiên Bất Hủ nữa chứ! Bút danh của tôi đó!
Chẳng nhớ vì sao tôi lại ký bút danh này. Có lẽ ảnh hưởng từ một tuồng cải lương nào chăng? Chắc chắn là thế vì bấy giờ cả xóm chỉ mỗi nhà tôi sắm được cái truyền hình - chỉ cỡ màn hình vi tính hiện nay, mỗi lúc có phát cải lương là cả xóm lũ lượt kéo đến xếp hàng ngồi xem chật nhà! Sau này tôi mới biết, thế hệ cùng làm thơ với tôi hoặc nhích hơn tôi một vài tuổi cũng đều ký bút danh, chứ ít ai dùng tên thật. Chẳng hạn, anh Nguyễn Đông Thức năm 11 tuổi đã làm thơ, ký Long Nhi; anh Phạm Sỹ Sáu ký Ngy Xuân Sơn; anh Nguyễn Nhật Ánh ký Hoài Mộng Diễm Thư; anh Nguyễn Thái Dương ký Nguyễn Mặt Trời; anh Đoàn Thạch Biền ký Nguyễn Thanh Trịnh... Riêng anh Đoàn Vị Thượng, lúc ấy đang sống ở Quảng Ngãi, ký tên thật Trần Quang Đoàn dưới nhiều bài thơ in trên tờ Tuổi Hoa...
Ngoảnh lại đã mấy chục năm trời. Viết dăm dòng chung vui với bạn đọc Áo Trắng trong dịp Xuân Kỷ Sửu (2009), cho phép tôi chép lại bài thơ của Thiên Bất Hủ đã in trên tờ Thiếu Nhi Xuân Ất Mão (1975):
KHAI DÒNG
Hát khúc ca viết từ nỗi nhớ
Xuân đã về cúc nở đầy hoa
Mừng năm mới tươi cười như nắng vỡ
Trong vòng tay cầu chúc mẹ cha
Lên chùa nghe kinh kệ thiết tha
Bé hồn nhiên môi cười rạng rỡ
Cầm tay bà hái lộc xanh mới nở
Tung tăng đùa nghe chuông đổ ngân nga
Mồng một Tết về thăm quê nội
Cắn hạt dưa môi đỏ màu son
Bé như chim mãi hát véo von
Bên dòng sông đậm đà ngăn trí nhớ
Đứng trong vườn mù sương hơi thở
Nhìn bướm ngoan vui hội mùa xuân
Bé nghe ông nhắc về kỷ niệm
Chợt cõi lòng cũng thấy bâng khuâng
Mùng hai Tết đi chúc láng giềng
Đầy hoa mai nở thắm đầu tiên
Cùng cô bạn nhỏ chơi u mọi
Lén ba me uống rượu sầu riêng
Năm mới đi lên chúc cô thầy
Ngoài trời nắng ấm có mưa bay
Bạn bè dăm đứa bưng trà rượu
Chúc thầy cô hạnh phúc đắm say
Thầy cảm ơn nước mắt rưng rưng
Chúc môn đệ học hành tấn tới
Như phấn thông hương rừng năm mới
Tình thầy trò ngát nắng mùa xuân
Mùa xuân đó, tôi học lớp chín. Đây là bài thơ cuối cùng tôi được in trên báo chí Sài Gòn. Ít lâu sau miền Nam giải phóng. Tôi vẫn tiếp tục làm thơ và trước ngày đi bộ đội, tôi bắt đầu ký tên thật dưới các bài thơ in trên báo Quảng Nam, Tin Sáng... Lần đầu tiên trong đời tôi được nhận nhuận bút là của báo Tin Sáng, tòa soạn trả tôi 13 đồng cho ba bài thơ in trên ba số báo trong năm 1976. Đến nay, tôi vẫn giữ được thư chuyển tiền, đánh máy chữ có chữ ký của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận...”.
Đọc xong tập sách Một thời để nhớ của nhà văn Nhật Tiến, tự hỏi, thế giới này rộng, mênh mông hay chật hẹp? Chẳng biết nữa. Dù gì đi nữa, “sân chơi” Thiếu Nhi, Thằng Bờm, Tuổi Hoa… rồi sau này, Áo Trắng, Mực Tím, Thiếu Niên Tiền Phong… chắc chắn sẽ còn được nhiều người nhớ đến. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (Thế Lữ). Sống trên đời, ta chịu ơn của nhiều người lắm. Chịu ơn cả những người làm báo đứng đắn, viết sách đàng hoàng mà ta đã đọc. Chịu ơn cả những người nắn nót từng lá thư tình ta đã đọc. Đọc một câu thơ hay, nghe một ca từ xao xuyến là đã chịu ơn rồi. Còn nhiều lắm, nhiều lắm. Nghĩ thế, chiều qua, vẫn giữ lại những lá thư, rất nhiều những lá thư của thời mới lớn ghi dấu tình bạn, tình yêu của một thời hoa mộng...
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|