Bộ Gia Định Báo từ năm 1882 đến năm 1885. Tư liệu của L.M.Q
Ngày hôm kia, đã nhận Gia Định Báo. Bản photocopy. Cân nặng đúng 7 ký rưỡi. Đó là các số báo liên tục từ năm 1882 đến năm 1885. Thư viện của Trường Đại học Khoa học và Nhân văn TP.HCM hiện nay chỉ lưu trữ chừng đó. Cô cán bộ giảng dạy ở trường là Thạc sĩ Hoàng Khuyên cho biết, Thư viện Quốc gia Việt Nam còn lưu trữ nhiều hơn. Đã “số hóa” toàn bộ Gia Định Báo hiện có. Tờ báo này tồn tại bao nhiêu năm? Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất. Có tài liệu cho rằng Gia Định Báo đình bản chính thức vào ngày 1.1.1910.
Nhìn hai tập Gia Định Báo, khổ lớn, tự nghĩ, chẳng thể đọc một cách chu đáo. Chỉ có thể lật qua loáng thoáng. Đọc nhảy cóc. Chỉ lúc trẻ, nhất là thời sinh viên, khoảng thời gian đó luôn thèm đọc. Đọc ngấu nghiến. Hễ cái gì lọt vào tay là đọc. Hơn nữa, thời bao cấp, những ngày cuối tuần, các bạn đã về Sài Gòn; hoặc về quê ở các tỉnh lân cận như Sông Bé, Long An, Biên Hòa…, y ở lại ký túc xá với cái bụng đói meo. Cô độc. Vắng vẻ đến lạnh người. Giết thời gian, chỉ có thể nằm đọc sách. Đọc cho quên đói. Quên ngày rộng tháng dài của cái thời đang trẻ, đang sung sức, thèm bay nhảy mà phải bó gối nhìn thời gian trượt dần ngoài hiên nắng... Lúc rời bộ đội, phục viên về cố xứ, đã có ý định làm giấy tờ đi học ở Nga. Bấy giờ, Đoàn Tuấn đang học ở đó, thư về, hắn cho biết bên đó bọn sinh viên còn khổ hơn thời đi bộ đội. Chẳng biết hư thực ra sao. Nghe nản quá, bỏ luôn ý định đó.
Bây giờ, chẳng thiếu thốn gì, kể cả thời gian nhưng rồi lại lười. Lười đọc. Chỉ bù khú, tán phét, buôn dưa lê, chém gió là giỏi. Ngày hôm kia, ngồi lật từng trang. Đọc qua, để biết tình hình chính trị xã hội, lời ăn tiếng nói của năm tháng xa xưa có gì lạ? Tất nhiên, nhiều cái lạ, cái mới mà lần đầu tiên y được tiếp cận. Sau đây, một vài ghi chép vụn vặt, ngẫu hứng:
Ngay trang nhất của tờ Gia Định Báo có mục “Tóm tắt” nhằm liệt kê các tin bài chính trong số báo đó.
“Cấm nhặt các chủ ghe lồng cùng các thứ ghe gì khác của người Annam hay là người Khách, hễ đi lên hay là đi xuống sông Saigon, mà có gặp tàu khói, thì đừng lướt mà đi trước các tàu lớn ấy”. Nếu xẩy ra tai nạn, tự chịu trách nhiệm. “Từ nay trở về sau, hễ các ghe thuyền đi trong sông Saigon ban đêm, đi xuống hay đi lên thì phải có thắp hai cái đèn, một cái ở trước mũi, một cái ở đàng sau lái… Còn những ghe chạy buồm thì phải có thắp một cái đèn một bên ghe, cho người ta biết ghe đi hướng nào” (Gia Định Báo số 32 - mồng 9 Aout 1884).
Ngày 22 janvier 1885, lúc 8 giờ rưởi tối cháy Khám lớn Sài Gòn “khi ấy trong khám có 600 tội nhơn”. Những người Việt Nam phạm tội, bị xử ở tòa án Nam Vang bên Cao-mên (Campuchia) cũng bị đày ra Côn Lôn. Có đăng nhiều thông tin liên quan đến Cao-mên. Mối quan tâm lớn nhất của nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ vẫn là tổ chức Thiên Địa Hội. Những người Khách (tức người Hoa) bị bắt, giam tại Khám lớn Sài Gòn, hoặc đày ra Côn Lôn; có thể sau đó bị trục xuất; toàn bộ gia sản bị “biên phong”. Có số báo ghi rõ đã “biên phong” những gì, qua đó, có thể biết vật dụng sinh hoạt của thời xa xăm đó. Vài ba số báo lại thấy đưa tin về bắt bớ, xử án những ai liên quan đến Thiên Địa Hội.
Theo y, đến nay, quyển Hội kín ở xứ An Nam (bản tiếng Pháp) của G.Coulet in năm 1926 tại Sài Gòn vẫn là quyển biên khảo đầy đủ, giá trị nhất về tổ chức Thiên Địa Hội. Ông Trương Minh Hiển - Ban Tu thư ĐH Dân lập Hồng Bàng đã dịch ra tiếng Việt, dày gần 300 trang, khổ A 4. Mới đây, y có “xúi” một đơn vị làm sách cần liên hệ tác quyền với người dịch để in ấn, phát hành rộng rãi. Không rõ nay đã đến đâu rồi? Thị trường sách hiện nay có quá nhiều loại sách vô thưởng vô phạt. Cũng phải thôi, phải làm sách bán chạy, ăn khách thì mới tồn tại. Nhưng đáng tiếc vẫn thiếu, rất thiếu những người làm sách vì mục tiêu truyền bá văn hóa, chứ không đơn thuần vì lợi nhuận. Cỡ như NXB Đời Nay của các ông Tự Lực Văn Đoàn, như NXB Tân Dân của ông Vũ Đình Long thời tiền chiến; hoặc trước năm 1975, tại miền Nam có ông Nguyễn Đình Vượng với cơ sở ấn loát Văn; hoặc ông Lãng Nhân với Nam Chi Tùng Thư; hoặc sách của NXB Tân Việt v.v... Tất cả của tư nhân, chứ không phải trực thuộc "cơ quan chủ quản" của một tổ chức chính trị nào. Ý thức của người xuất bản gắn liền với sứ mệnh mà tự họ nghĩ rằng, mình phải gánh vác. Sự tự nguyện ấy cho thấy ngoài lợi nhuận còn là một sự thúc đẩy cho nền văn hóa nước nhà. Nghĩ thoáng qua, lại thấy còn có ông Khai Trí “chịu chơi” cỡ nào. Nếu không có tài chính của ông, làm sao tập san Sử Địa, tờ báo Thiếu Nhi có thể thực hiện? Nghe đâu, bộ Sử Địa đang được một đơn vị làm sách tư nhân in lại trọn bộ.
Nếu có ai chịu khó ghi lại các vụ án thuộc chuyên mục “Ngoài công vụ”, tường thuật trên Gia Định Báo, qua đó, có thể hình dung ra thực trạng xã hội của một thời.
Cần xác định lại, người Việt Nam đầu tiên phổ biến thơ La Fontaine là Trương Minh Ký, chứ không phải ai khác, trước Nguyễn Văn Vĩnh rất nhiều năm. Có điều, ông Ký viết lại thành văn xuôi, chứ không dịch thành thơ. Chuyên mục “Thứ vụ” trên Gia Định Báo đã cho phép dẫn đến kết luận đó.
Trong cuộc họp hội đồng quản hạt, người chủ trì gọi là “ông làm đầu”; khi biểu quyết, ý kiến đồng thuận, ghi văn bản là “ưng”. Chữ Nho gọi là “chữ Nhu”. “Cò” đã xuất hiện trong các vụ kiện tụng, nhất là bọn biết tiếng Pháp: “Khuyên ai chớ nghe lời những đứa gian trá, biết một hai tiếng Langsa, một hai chữ Langsa, lếu láo không biết làm ăn chi”, dù án đã tuyên nhưng vẫn nhận tiền chạy án!
“Người chủ xe đò số 193 có đặng hai cái dao cạo bỏ quên trong xe ấy, bây giờ để tại tại lính tuần thành Bang-kok. Nếu ai mất thì tới đó mà nhìn” (Gia Định Báo số ra ngày 14 Mars 1882). Thì ra cái dao cạo thời ấy là một vật mà không phải ai cũng có thể sở hữu, chắc rằng giá bán không rẻ. Mặt hàng quảng cáo nhiều nhất thời đó là thuốc Tây chữa các bệnh như ghẻ lác, đau mắt, ho, nghẹt mũi…
Ôn cố tri tân là cái lẽ cần thiết của người đọc báo cũ. Trước đây và gần đây, có những nơi hễ xe đò, xe lửa đi ngang qua bị kẻ xấu ở địa phương đó ném đá, gây thương tích cho hành khách. Mới đây, ngày 1.6.2015, khi xe khách đi trên đường Hồ Chí Minh, ngang qua thôn Brông Mỹ, xã Đắk Môn, huyện Đăk Glei (Kom Tum) đã bị một lũ thanh niên hư hỏng ném đá gây thương tích nhiều người. Đã nhiều năm rồi vẫn chưa thể ngăn chận triệt để được hành động bất nhẫn này. Thời thuộc Pháp, những trường hợp tương tự xẩy tại địa phương đó như mất an ninh, đánh nhau, ẩu đả, giết người, nhà cầm quyền xử lý bằng biện pháp nào?
“Vì có giấy quan tham biện Biên Hòa ngày 23 décembre 1884, nói trong đêm 19 rạng ngày 20 tháng ấy, có một đảng ăn cướp đến đánh giết một tên Khách cùng lấy của cải trong nhà tên Khách ấy tại chợ Lò-gạch, làng Bình-điền, tổng Phước-vĩnh-trung;
Xét trong làng ấy không lo tiếp cứu người ấy;
Xét vì quân ăn cướp thường năng tới đánh phá làm dữ như vậy, là bởi các làng không tuần cảnh chăm sóc.
Y theo lời quan Thượng thơ tỏ bày.
Đã có bàn cùng tòa nghị tư.
Nghị định:
Khoản thứ nhứt - Phạt chung làng Lò-gạch, làng Bình-điền, tổng Phước-vĩnh-trung thuộc hạt Biên Hòa tám chục đồng bạc. Các người ở gần chỗ ăn cướp đánh hơn hết phải tùy theo ruộng đất, mà chịu.
Khoản thứ 2 - Người giám thâu thuế tại Biên Hòa sẽ thâu tiền ấy cùng đem vô kho, để nhản hiệu là: các phần lợi, phạt cùng tịch ký, trong sổ thâu chuẩn năm 1884.
Khoản thứ 3 - Quan Thượng thơ lo cho lời nghị này thi hành.
Sài Gòn, ngày 12 janvier 1885”.
(nguồn: Gia Định Báo số 4, ngày thứ bảy 24 janvier 1885).
“Tám chục đồng bạc” năm 1885 nhiều hay ít? Giá bán Gia Định Báo thời điểm đó, mua 6 tháng phải trả 2 đồng.
Qua văn bản này, ta có thể rút ra điều gì?
Thời trước, nếu vớ phải sách báo cũ, tài liệu quý, đã hào hứng đọc say mê và viết thành bài gửi cộng tác các báo. Cái thời sinh viên mới ra trường, ai ai cũng khó khăn, khó nhờ cậy nhau:
Đều là sa sút khó khăn
May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi
Nhờ đó, có thể “kiếm ăn lần hồi” một cách thong dong. Viết cũng là một cách học. Ai đó, đã nói một câu cực kỳ chí lý, đại khái, muốn tìm hiểu một vấn đề gì, cách tốt nhất hãy viết một quyển sách về vấn đề đó. Bây giờ trong tay có 2 tập Gia Định Báo cân nặng đến 7 ký rưỡi, có thể xem bất kỳ lúc nào, không phải ngồi ngáp vặt, đứng chầu chực tại thư viện, nhưng rồi lại khó có thể viết được gì từ nguồn tư liệu ngồn ngộn này. Khó có thể kiên nhẫn, hăm hở đọc từ trang báo, từng số báo như thời trẻ. Mà chiều qua càng đọc, càng phát hiện ra nhiều vấn đề cực kỳ lý thú về Sài Gòn xưa từ văn bản gốc, chứ không phải từ những gì người ta đã viết trước đó.
Kinh nghiệm của người già là cần thiết, về già, ai cũng tích lũy kinh nghiệm, nhờ vậy họ sẽ làm được nhiều việc hơn chăng? Chưa chắc. Thời trẻ, tuổi trẻ mới là sức bật, là sự năng nổ, năng động quý giá gấp bội phần.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|