Tập truyện dài Gió vàng thu của nhà văn Từ Kế Tường in trước năm 1975
Có chuyện này vui:
Giây phút thư giản thú vị nhất vẫn là lục lọi, tìm kiếm, sắp sếp lại tủ sách của riêng mình. Chiều nay, tìm thấy quyển truyện dài Gió vàng thu của nhà văn Từ Kế Tường in trước 1975 do cơ sở in ấn Đồng Nai (270 Đề Thám, Sài Gòn) xuất bản. Bèn điện thoại hỏi tác giả: “Anh có còn giữ không? Nếu không. Q sẽ tặng”. Sở dĩ hỏi, vì thỉnh thoảng vào trang facebook của anh, biết chuyện anh đang tìm lại các tác phẩm đã viết thuở đôi mươi để tái bản. Đã có một hai bạn đọc nhiệt tình giúp anh.
Lật ra trang cuối cùng của quyển Gió vàng thu, thấy có dòng chữ giới thiệu của cơ sở in ấn Đồng Nai: “Sẽ phát hành một bộ tiểu thuyết tình cảm của nhà văn Từ Kế Tường: Suối mây hồng, Cơn mưa bạc tình, Đôi mắt sầu mây, Những sợi tóc chiều, Như một chỗ nghỉ chân. Đã đọc Gió vàng thu, các bạn không thể thiếu những tác phẩm trên sẽ làm bạn đọc say mê và thấy niềm ray rức - nỗi âu sầu - một linh hồn dân tộc đang ầm ĩ nung nấu làm bạn trở về thực tế mà bạn đang mộng mơ… Số in có hạn ưu tiên. Đại lý đặt trước”.
Tìm được tác phẩm đã in chừng 50 năm trước, nay không còn giữ, với nhà văn, niềm vui đó lớn lắm. Sau cuộc điện thoại ấy, lòng thấy vui vì đã đem lại niềm vui cho đồng nghiệp.
Có chuyện này vui:
Đã lâu lắm rồi. Ngồi lai rai đâu đó cùng anh Biền và Đoàn Tuấn. Câu chuyện lan man trên trời dưới biển, rồi quay về thời ở chiến trường K. Tuấn có kể về ngày tháng của năm 1981 - mà hắn đã viết trong tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc:
“Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh, không của đơn vị tôi thì của đơn vị khác chuyển đến. Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ, lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào. Tranh thủ lúc rỗi, chiều nào tôi cũng bẻ mấy cành tre xuống xua ruồi, đuổi muỗi cho anh em bị thương nằm la liệt không cử động được.
Chính dạo ác liệt đó, tôi được chuyển từ thông tin lên thay anh Nguyễn Văn Cúc, người Nghĩa Bình, làm trợ lý chính trị Tiểu đoàn. Anh Cúc về làm phó Đại đội trưởng C6. Quân số hy sinh quá nhiều. Lúc đầu còn có máy bay lên thẳng HU-IA đến chở đi hoặc chuyển lên Sư đoàn bằng cách khiêng bộ. Sau máy bay không có nữa. Khiêng bộ thì tốn kém. Hai trung đội dải đường dài 16 kilômét từ đơn vị đến phum Camtuất, cộng một tiểu đội dẫn đường, lại thêm mấy người thay nhau khiêng một ca. Mà vẫn bị phục, vẫn bị mìn clâymo quạt. Thêm bao nhiêu người hy sinh. Người chết rồi bị chết thêm lần nữa. Cuối cùng Sư đoàn quyết định làm một nghĩa trang ở ngay giữa Tiểu đoàn tôi. Cử thêm một trung đội vận tải xuống chuyên cưa cây, xẻ gỗ, đóng quan tài. Nghĩa trang được làm nằm giữa Tiểu đoàn bộ và đơn vị Quốc. Tôi biết Quốc phải đi tuần, đi phục liên tục. Rất dễ hy sinh. Mà tôi được tiểu đoàn giao nhiệm vụ giữ di vật tử sĩ và tổ chức chôn liệt sĩ cho chu đáo. Chính trị viên Nguyên Văn Vẳng giao nhiệm vụ cụ thể cho tôi: “Chôn vì người sống chứ không chỉ vì người chết. Làm sao để anh em đang sống, nhìn vào, biết được rằng, khi họ hy sinh, cũng được đối đãi tử tế như thế!”. Tôi hiểu. Và làm hết sức mình. Đun nước. Nhặt thịt xương. Rửa ráy. Chắp lại. Xếp cho đủ các bộ phận cơ thể. Mặc quần áo. Quấn vải liệm. Gác đêm, canh thú rừng khỏi mò đến ăn xác. Đào huyệt. Tổ chức đội vệ binh đứng bên bờ huyệt. Đọc lời điếu và bắn súng tiễn biệt đàng hoàng. Sau đó mới chôn. Hết sức “oách” theo kiểu nhà binh”.
Nghe Tuấn kể xong, anh Biền rưng rưng cảm động. Lặng người. Giây lát sau, anh bảo: “Thế T đã đọc Vài ngày làm việc ở chung sự vụ của nhà thơ Nguyên Sa chưa?”. Tất nhiên là chưa. Y cũng thế. Sở dĩ có câu hỏi đó, vì quyển sách của Nguyên Sa cũng viết về công việc tương tự mà T đã kể. Những trò chuyện trong các cuộc nhậu, hầu như sau đó ít người còn nhớ đến, dù rằng lúc đó do tác động của bia, của rượu nên đã hăng hái nói, tranh giành nói, nói hăng tiết vịt, nói bừa phứa, nói ngang cành bứa rồi quên tuốt luốt. Không ngờ anh Biền lại nhớ. Chiều hôm kia có mặt trong cuộc đàn đúm, chém gió do anh Lưu Đình Triều mời, vừa ngồi vào ghế, anh Biền đã lấy ra quyển Vài ngày làm việc ở chung sự vụ: “Q chuyển cho Tuấn”. Quyển này Nguyên Sa in năm 1972, Tự điển văn học (bộ mới) do NXB Thế Giới in năm 2004 có nhắc đến.
Cầm lấy sách, lòng thấy vui vì biết bạn mình khi nghe tin này rất vui ắt nhảy cỡn lên sung sướng như đứa trẻ được mẹ đi chợ đem về cho tấm bánh. Sẽ gửi cho Tuấn. Nhưng phải đọc trước đã.
Có chuyện này vui:
Quán mà anh Triều mời đến nhậu, đối diện với Thảo Cầm Viên, đi sâu vào con hẻm nhỏ. Quán lạ, nhưng tại sao y lại có cảm tình? Chỉ vi cái thực đơn thiết kế như trang nhã như một tờ báo. Ca dao, hò vè liên quan đến Hà Nội 36 phố phường, đã đọc, đã nghe nhiều rồi. Bây giờ mới biết thêm bài ca dao về Nam Định. In ngay trang đầu tiên của thực đơn:
Thành Nam quê tôi
Thành Nam cảnh trí an bài
Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông
Nhất thành là phố cửa Đông
Nhất lịch Hàng Ghế, Hàng Đồng, Hàng Thao
Hàng Giầy đẹp khách yêu đào
Muốn tìm quốc sĩ thì vào Văn Nhân
Ba năm một hội phong văn
Lại lều lại chõng về thăm Cửa Trường
Ngọt ngào lên đến Hàng Đường
Say sưa Hàng Rượu, phô trương Hàng Cầm
Hàng Tiện, Hàng Sũ, Hàng Mâm
Gặp nhau Bến Gỗ, vui sân một nhà
Hàng Cót, Hàng Sắt bao xa
Ai về Bến Ngự rẽ qua Khoái Đồng
Vải màn nhỏ chỉ, nõ bông
Hàng Cấp dệt lĩnh, Hàng Song buôn thừng
Hàng dầu, Hàng Lạc, Hàng Vừng
Hàng Nâu tươi vỏ đỏ lòng vốn quen
Hàng Vàng lắm bạc nhiều tiền
Hàng Sơn gắn bó gần bên Hàng Quỳ
Trăm năm nghĩa bạc tình ghi
Hàng Đàn, Hàng Ghế chung nghề thủ công
Cột Cờ lên đó mà trông
Đò chè lơ lửng bến sông cắm sào
Phố Khách buôn bán vui sao
Lợi quyền chểnh mảng nỡ trao tay người
Hàng Dầu, Hàng Mã, Hàng Nồi
Hàng Trống, Hàng Thiết lên chơi Hàng Thùng
Hàng Cau, Hàng Nón tưng bừng
Thành Nam văn vật lẫy lừng là đây
Thành Nam là tên gọi thành phố Nam Định. Hai câu: “Phố Khách buôn bán vui sao/ Lợi quyền chểnh mảng nỡ trao tay người” cho thấy lúc ấy đã sự cạnh tranh buôn bán với giới Hoa kiều. Đọc một văn bản, căn cứ vào từ ngữ, cách diễn đạt có thể suy luận thêm một vài thông tin cần thiết. Chẳng hạn, khi cái gì sắp mất đi thì người ta lại càng tiếc nuối, muốn ghi chép lại cho đời sau, mà cũng là một cách thể hiện tình cảm của riêng mình. Vì thế, đọc xong bài ca dao này, nghĩ rằng, có lẽ nó xuất hiện trước hoặc cùng lúc với Hà Nội 36 phố phường. Cụ thể xuất hiện trong thời điểm nào? Y nghĩ chỉ có thể vào thời người Pháp mới sang. Sự thay đổi cấu trúc chính trị, va chạm văn hóa, tâm tư tình cảm đã khiến nhiều người thở dài qua những câu vần vè gửi gắm nỗi niềm. Suy luận thế có đúng không? Trả lời câu hỏi đó, chiều nay bèn đọc lại quyển Thành Nam xưa của Vũ Ngọc Lý (Sở VHTT Nam Định) xem sao. Đọc lướt qua, mới biết còn có một dị bản khác. Dị bản này có nối thêm vài chục câu nữa, đã cho thấy suy luận trên là đúng:
Hàng Cau, Hàng Nón tưng bừng
Thành Nam văn vật lẫy lừng là đây
Lang Sa có mặt từ ngày
Đỏ đèn Bến Củi đọa đày hồng nhan
Hàng Thao tấp nập canh tàn
Tám nghề, bảy chữ mở hàng phấn son
v.v…
Câu kết thúc như sau:
Non xưa nước cũ tan tành
Nào ai phá lũy, dâng thành là ai?
Câu hỏi này xin dành cho các nhà nghiên cứu lịch sử Nam Định.
Có chuyện này vui:
Sáng nay đi dự tọa đàm triển khai Cuộc Vận động sáng tác văn học và âm nhạc về Tòa án nhân dân. Nhờ vậy, gặp lại một vài bạn bè đã lâu ngày không hàn huyên tâm sự. Trước khi đi họp đã phở cùng vợ chồng Trương Nam Hương và Ngô Kinh Luân. Mà vui nhất, trước đó đã thực hiện nghĩa vụ đưa một người đi ăn mì Nam Lợi, đã lưng lửng no, nhưng tiếp tục với phở. Vẫn ngon. Thế không vui là gì?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|