Chiều tối mồng 2 tết 2015 tại nhà em Lê Minh Tuấn ở Đà Nẵng. Từ trái: Lê Minh Quốc, Nguyễn Nhật Ánh & An May, Hoài Trinh - vợ con em Lê Minh Tuấn.
Ngày hôm qua, báo chí đồng loạt đưa tin một nữ sinh bị bạn bè cùng lớp đánh hội đồng. Sự việc tồi tệ này diễn ra vào chiều 9.3.2015 tại trường THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh. Xem video clip mà choáng. Mà đau. Nếu các cô cậu học trò ấy biến thành hung thần, thể hiện bằng sự căm giận, bực bội thì còn dễ hiểu nhưng ở đây ghê rợn nhất là sự hả hê, sung sướng hiện rõ trên từng nét mặt thư sinh. Đã có nhiều bình luận. Ý kiến của bạn đọc Ngoc Huan trên TTO cũng là suy nghĩ của nhiều người: “Không những ngoài đường, bây giờ thói hung hãn cũng đang lên ngôi và ngự trị trong học đường. Một hồi chuông báo động cho nhân phẩm, đạo đức, sự vô cảm. Thật nguy hiểm! Nguyên nhân do đâu? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời xác đáng. Xã hội? Gia đình? Nhà trường? Tại người lớn? Tại con trẻ?...Không lẽ đến môi trường giáo dục cũng khủng hoảng niềm tin rồi sao? Xã hội ngày mai sẽ đến đâu khi những sự việc đau lòng vẫn tiếp diễn mà không có biện pháp ngăn chặn?” (Vụ nữ sinh bị đánh: sốc, rùng mình, đau lòng).
Ai sẽ người trả lời? Chính chúng ta đấy thôi. Trước đây, tháng 4.2010, Sở Giáo dục và Đào tạo có tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phòng chống bạo lực trong học đường”. Trong phát biểu đề dẫn của ông Huỳnh Công Minh - GĐ Sở đã nhấn mạnh và “Đề nghị nghiêm cấm hoạt động game show bạo lực”. Nhiều tham luận cũng cho rằng trò chơi điện tử là một trong những nguyên nhân làm tăng bạo lực trong học đường. Nguyên nhân chắc chắn không chỉ có thế. Lâu nay, y vẫn quan niệm, muốn giải quyết một vấn đề không thể tách rời nó ra khỏi cấu trúc chung của một xã hội đang vận hành. Một con cá không thể sống mãi trong hồ, nó phải ra sông suối. Sông suối ô nhiễm, liệu nó có sống nổi không? Phòng chống bạo lực trog học trường không thể tách rời 3 thành tố: Nhà trường - Gia đình - Xã hội. Ai cũng biết nhưng rồi câu trả lời thế nào?
Trong khi đó, phía nhà trường đã dạy cho các em những gì về đạo đức công dân? Không rõ hiện nay nội dung giảng dạy vẫn y chang trạng của thập niên 2000 hay đã có sự thay đổi? Lật lại tài liệu lưu trữ nhớ rằng, vào tháng 12.2007, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông trung học TP.HCM". Nhiều thầy cô giáo đã lên tiếng về sự bất cập của các bài học trong chương trình Đạo đức - công dân. Ngoài các bài học về giá trị nhân văn có ý nghĩa bất biến như yêu Tổ quốc, nhớ ơn cha mẹ, kính trọng thầy cô giáo, đi học đúng giờ, cám ơn, xin lỗi v.v… lại là những bài “quá hớp”.
Chỉ liệt kê ngẫu hứng một cách chính xác, chẳng hạn, học sinh lớp 5: Em tìm hiểu về Liên hiệp quốc; lớp 6: Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em; lớp 7: Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo; Bộ máy nhà nước cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn); lớp 8: Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng, chống nhiễm HIV/AID; Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân; lớp 9: Quyền và nghĩa vụ công dân trong hôn nhân; Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế; Quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của công dân; lớp 10: Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng; Thế giới vật chất tồn tại khách quan, Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất v.v….; lớp 11: Công dân với sự phát triển kinh tế, Hàng hóa - Tiền tệ - Thị trường, Quy luật giá trị trong sản xuất và lưu thông hàng hóa…; lớp 12: Luật hình sự; Luật Lao động; Pháp luật về thuế; Luật Hôn nhân và gia đình…
Những bài này rõ ràng cần thiết, nhưng liệu ở lứa tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” có phù hợp? Trong khi đó, các em cần được giáo dục những gì cụ thể, cần thiết và phù hợp với sự định hình nhân cách hơn là những “chuyên đề” to tát ấy. Mà thôi, câu chuyện này còn dài và cũng không phải lãnh vực am hiểu nên không dám lạm bàn gì thêm. Chỉ ghi lại để thấy đã có một thời gian dài môn Đạo đức - Công dân đã được cấu trúc lạ lùng đến thế. Một người lạc quan nhất khi nhìn về thực trạng giáo dục nước nhà cũng khó có thể có một cái nhìn lạc quan. Hầu như giữa sách vở và hiện thực đời sống đang có một khoảng cách chăng?
Những ngày Tết vừa rồi ở Hội An, lần đầu tiên nhìn thấy và biết đến “gậy selfie” (gậy tự sướng). Sự ra đời của nó có ảnh hưởng gì đến tính cách của các cô cậu học trò không? Chuyện này không nhỏ đâu. Không phải ngẫu nhiên ở một vài nước châu Âu cấm sử dụng “gậy selfie” khi vào bảo tàng. Tại sao? Sử dụng facebook nên và không nên thế nào? Có phải đây là bài học của bộ môn Đạo đức - Công dân không? Tuần trước, tại trường THPT nọ đã kỷ luật 2 em nữ sinh, nguyên nhân em A post tấm ảnh “tự sướng”, em B vào comment với lời lẽ trêu chọc. Thế là từ thế giới ảo cả hai choảng nhau một trận ra trò ngay tại sân trường. Cuộc sống đã có quá nhiều thay đổi, có tác động trực tiếp đến nhận thức, hành vi các em nhưng rồi, các bài học giáo dục trong nhà trường có theo kịp? Ai sẽ là người trao đổi với các em?
Tối qua, ngồi lai rai cùng vài bạn thơ. Ngồi ở quán bên lề đường Lê Quý Đôn. Câu chuyện lan man về chữ nghĩa. Đoàn Tuấn kể lần nọ sang Nga, có gặp một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng đã từng làm tự điển Nga - Việt nhưng ông ta thở dài: "Trong tiếng Việt, thú thật tôi không rõ lúc nào dùng từ "các", lúc nào dùng từ "những". Nó giống và khác nhau thế nào?". Tuấn cho biết đã làm xong bộ phim về văn hóa Chăm. Nhờ những ngày đi thực tế ở Ninh Thuận, anh được nghe bà con địa phương giải thích địa danh “Cà Ná” có nghĩa “bên nay, bên kia”. Hôm qua, sực nghĩ tại sao về xưng hô và vị thứ trong Nam không gọi người con trưởng là “con cả”? Con trưởng trong Nam gọi thứ vị là “hai”, ngoài Bắc vẫn xử dụng “cả”. Quán cơm bà Cả Đọi nổi tiếng một thời, ta hiểu, bà con dâu trưởng v.v…
Trước kia, đã có lần nghe nói ở trong Nam có “hò sạo”. Ngạc nhiên quá, “sạo” hay “xạo”? Bèn cầu cứu anh bạn Nguyễn Hữu Hiệp ở An Giang, anh giải thích rằng: “Hò ở đây chỉ là một sự “đẩy đưa cho vừa lòng bạn”, chuyện đối đáp đúng hay sai, có lý hay không có lý không thành vấn đề. Cái chính là phải thể hiện sự thông minh, nhanh nhạy có duyên và tạo được sự hứng thú chung. Vì thế, khi nghe ca từ của một cuộc hò đối đáp, người ta không bao giờ dựa vào sự “thổ lộ tình cảm” mà “đánh giá” các cô thôn nữ đầy nghệ sĩ tính ấy. Và, hơn ai hết, những chàng trai thông minh kia khi đã “đáp” (bắt) được lời hò “bỏ” (buông) của người đẹp, anh ta không vội nghĩ rằng mình sẽ gặp duyên nợ, hoặc được... vợ. Hò Sạo mà!
Rõ ràng, hò sạo hay hò bắt quàng là điệu hò ngẫu hứng mà “xuất khẩu thành văn”. Đặc điểm của hò sạo là một sự cùng nhau “trò chuyện”, kẻ buông người bắt cho vui, lấy vui là chính, cốt cho rôm rả cuộc hò:
Hát mấy câu giải sầu chư vị,
Việc hát hò có ý cầu vui!
Thành ra hò sạo đích thực là hò “đối chơi cho vui dạ”, là “có ý cầu vui” mà thôi, đúng như chính những người trong cuộc đã nói rõ trong câu hò, hát của mình. Nói cách khác, lời lẽ của đôi trai gái đối đáp nhau trong cuộc hò cũng giống như đôi đào kép diễn tuồng trên sân khấu hát cải lương. Họ tỏ ra như vợ như chồng, yêu nhau đắm đuối, có khi ôm, hôn rất thắm thiết, nhưng khi đã vãn tuồng, chuyện hoàn toàn không phải như thế. Chính vì vậy nên hò sạo còn được gọi là hò môi mép (hay hò môi, hò mép). Đã là chuyện ngoài môi thì không lấy gì làm chắc như lời lẽ của ca từ, nhưng không có nghĩa là láo, dối. Nó gần như xạo nhưng không phải xạo! (vì xạo là xạo xự, rộn ràng, không đứng đắn, bậy bạ). Mà chính xác là Sạo, bởi vẫn theo Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, Sạo là khua miệng, nói chuyện trò, học đi học lại cùng nhau, nói truyền ngôn, không có điều chắc chắn”.
Những câu chuyện linh tinh lang tang thế này, trong cuộc nhậu đã gợi mở nhiều suy nghĩ lý thú. Mà chỉ có thể diễn ra khi người ta ngồi cùng dăm ba người tâm đầu ý hợp, chứ đông người quá, mạnh ai nấy nói thì cuối cùng lúc quay về nhà trong cơn ngất ngưởng quắc cần câu chẳng rõ lúc ấy mình đã nói, đã nghe những gì.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|