LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.8.2013

 

Có buồn cười không?

Lẽ ra mỗi sáng chủ nhật, được quyền lững thững phố, lơn tơn phở, tào lao cà phê để giết thời gian như một gã tỷ phú cao hứng ném tiền qua cửa sổ máy bay. Ấy vậy mà, sáng nay cũng như mọi sáng chủ nhật khác, y chỉ có một lựa chọn: ngồi nhà. Sáng nay, ngồi nhà ngẫm nghĩ tìm câu trả lời, tại sao đàn ông khóc, lúc họ khóc thì sao? Bạn đọc cần thì viết. Đang viết ngon trớn, tin nhắn thúc giục một bài thể loại khác. Gấp à? Cho số ngày mai. Vậy dừng lại cái này. Qua viết cái kia. Đang vừa bắt nhịp ngon trớn, chuẩn bị viết lại điện thoại. Không nhớ gì ngày hôm nay à? Ngày gì? Ngày giỗ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Thế là xếp lại mọi thứ. Chưa nên trò trống gì. Đã buổi sáng. Đã nửa ngày. Hăng hái, xăng xái cũng chẳng đâu vào đâu. Biết thế, từ sáng sớm phóng xe xuống phố luôn thì có khoái hơn không?

 

ong-ba-NAN

Bàn thờ ông bà "nhà yêu nước vĩ đại" NGUYỄN AN NINH

 

Trưa nay, gặp lại vài người bạn quen trong tiệc giỗ. Cách đây đã mấy năm rồi? Ngày ấy, bắt tay vào viết tiểu thuyết lịch sử Nguyển An Ninh - Dấu ấn để lại. Mỗi chiều, trời cũng mưa thất thường như chiều này, y phóng xe lên nhà ông T, con trai cụ Nguyễn An Ninh tranh thủ đọc các tài liệu và ghi chép. Trời, cái thời đó sao lại cần mẫn đến thế? Đến một lúc nào đó, khi nhìn lại những gì đã viết, có lẽ câu đầu tiên bật ra trong óc các nhà văn vẫn là: "Ủa? Sao cày khỏe thế?". Như trâu cày chứ chẳng đùa. Tháng trước, ngồi ăn sáng với anh Văn Lê, đạo diễn Lê Hoàng. Cầm tập sách mới Mỹ nhân, anh Văn Lê vừa tặng, Lê Hoàng hỏi về nhuận bút. Nghe xong, anh ta bảo: "Có cho tôi gấp mấy tiền đó, chỉ để ngồi chép lại thì tôi cũng xin chào thua". Nghe xót nhưng đúng. Tập tiểu thuyết, viết ròng rã mấy năm trời, chẳng bõ bèn gì khoảng tiền nhuận bút. Ấy vậy, vẫn cứ viết. Không phải nghề. Cái nghiệp đó.

Lúc ăn giỗ, gặp anh Nguyễn Nghị - người làm chủ bút báo Đối Diện lừng danh, năm đó anh chỉ mới 30 xuân xanh. Anh hứa sẽ cho mượn lại bộ tạp chí này. Tạp chí Xưa & nay và y sẽ đem photy. Cả thẩy chừng 120 số. Để hiểu rõ một giai đoạn chính trị xã hội, văn hóa của miền Nam từ thập niên 1960 đến 1975, có thể không đọc cái này, cái kia nhưng không thể không đọc 3 bộ tạp chí này: Đối Diện, Trình bày, Đất Nước. Đã qua rồi cái thời làm báo oanh liệt thuở ấy. Cái thời người làm báo, viết báo đã tạo dựng nên một phong cách làm báo, viết báo kiểu Sài Gòn, chỉ Sài Gòn mới có mà trước đó cả nước không có, sau này chưa có.

Chỉ đưa vài ví dụ nhỏ: Tờ Đối Diện khi ấn hành công khai có giấy phép số 567 BTT - BC - HC, thường xuyên bị thu hồi, Linh mục Chân Tín - chủ nhiệm báo phải "vác chiếu hầu tòa" vì đã cho in nhiều bài không có lợi cho chế độ đương thời. Khi bị cấm xuất bản, họ vẫn tiếp tục ấn hành bằng cách quay ronéo, ngang nhiên ghi: "Tòa soạn CP Box 334 Sillery. P.Q/ Canada. Giấy phép số: Đ.11 HĐBL ngày 27.1.1974. Bổ túc bởi Đ.9 TCC ngày 13.9.1973". Ta hiểu, HĐBL là họ căn cứ vào Điều 11 của Hiệp định Paris, tự do ra báo. Tò mò hỏi thêm, anh Nguyễn Nghị cho biết, lúc ấy các số báo in chui này thực hiện ở Bến Gỗ (Đồng Nai), sau đó bí mật chuyển về Sài Gòn phát hành! Hoặc tạp chí Đất nước dám làm nguyên số báo thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc Người từ trần (số báo 14, phát hành tháng 10.1969) v.v... Nghĩ sâu xa hơn, đây là sự tiếp nối phong cách và tinh thần nhà yêu nước Nguyễn An Ninh khi ông làm tờ Tiếng chuông rè thập niên 20 của thế kỷ XX tại Sài Gòn.

 

DSCN0337R

Từ phải: Bà Minh - con gái cụ Nguyễn An Ninh, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Trầm Hương, nhà báo Nguyễn Hạnh- phó TBT tạp chí Xưa & Nay, nhà báo Nguyễn Nghị

 

Chiều qua mưa dữ dội. Như mọi lúc đã đi ăn. Mưa nên ngại. Ngồi nhà lướt web. Đọc tin, xem Cận cảnh đền thờ Hai Bà Trưng bị đốt phá trên TNO buồn ghê gớm. Muốn khóc. Ai đã xem mà không buồn? Hãy tin là thế. Nguyên văn như sau:

“Đền thờ Hai Bà Trưng tọa lạc trên một đồi thông đẹp ở thôn 3 xã Mê Linh, H.Lâm Hà (Lâm Đồng) bị kẻ xấu đốt phá nhưng chưa tìm ra thủ phạm.

Ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh (Lâm Hà), cho biết đền thờ Hai Bà Trưng và cổng tam quan được người dân đóng góp xây dựng từ năm 2002. Năm 2010, được nhân dân H.Mê Linh (Hà Nội) tài trợ 1,1 tỉ đồng, xã xây thêm nhà trung tế, nhà khách và hệ thống bậc cấp từ chân núi lên tới đền. Theo ông Nguyễn Đình Trọng,Trưởng ban Văn hóa xã Mê Linh, sáng 31.7 đại diện Hội người cao tuổi của xã vẫn lên đền dâng hương tôn kính Hai Bà Trưng. Nhưng đến sáng 2.8, người dân phát hiện đền bị đốt phá tan hoang.

Có mặt tại hiện trường, PV Thanh Niên Online chứng kiến có 8 trong số 12 cánh cửa vào nhà trung tế bị đốt cháy, một tủ đựng trang phục và một hòm đựng dụng cụ tế lễ; một đôi lục bình, trống khẩu, chiêng, cờ cũng cháy rụi. Một mảng tường lớn và nền nhà của ngôi đền bị bong tróc hoặc cháy đen, rất may lửa chưa bén vào hậu cung nơi có tượng và bàn thờ Hai Bà Trưng.

Cũng theo ông Dũng, do không có người trông coi nên ngôi nhà khách, ghế đá, cặp voi trước đền bị đập phá nhiều tháng trước, cổng tam quan bị vẽ bậy viết bậy... Nay, kẻ xấu lại dám đốt cả đền. Ông Nguyễn Đình Trọng cho biết thêm: “Đền thờ Hai Bà Trưng mang giá trị tâm linh, văn hóa rất lớn đối với những người con Mê Linh (Hà Nội) xa xứ, đang lập nghiệp tại vùng đất Lâm Hà, đã khiến người dân bất bình và bức xúc”.

Viết thêm lời bình gì đây?

Trên đời có những việc cứ chần chừ rồi tắc lưỡi cho qua. Im lặng. Mũ ni che tai. Riết rồi cũng thành kẻ vô cảm. Lạc loài trên chính xứ sở mình. Bàng quan. Vô trách nhiệm. Không quan tâm. Cứ như chuyện của ai đó. Chẳng là của mình. Buồn bởi sự vô vọng ấy đang hình thành dần trong ý thức. Của nhiều người à? Nói nghe phát ghét. Không, của chính y. Một vết dầu loang. Đang loang dần. Loang dần. Lúc ấy, ngoài trời vẫn mưa như trút. Sấm sét ầm ầm.

Chiều nay trời vẫn mưa tầm tã. Sài Gòn thật lạ. Dù mưa bão bùng nhưng lúc vào giường ngủ cũng phải máy lạnh. Phải mở cửa sổ. Đón gió lùa vào. Nửa đêm, sực tỉnh bởi tiếng gà gáy ó o. Xem đồng hồ, 2 giờ sáng. Tiếng gà trong thành phố lúc ấy nghe bình yên dân rơm rạ lạ thường. Có nhiều câu thơ hay về tiếng gà. Nằm trong bóng đêm nghĩ lan man với Huy Cận:

Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp

Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi.

Vẫn nhớ Hàn Mặc Tử:

Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ

Tôi hoảng hồn lên giật sững sờ

Vẫn thích. Thích nhất với Trịnh Công Sơn:

Về trên phố cao nguyên ngồi

Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi

Ca khúc sống dai dẳng trong tâm trí, thức dậy trong nỗi nhớ nhiều lần nếu nó có gắn với một kỷ niệm. Khó quên vì tình tự. Nỗi nhớ bởi hoang mang. Kỷ niệm của ngày tháng rong chơi mở đầu phù du thân xác mê hoặc đúng vào thứ Sáu ngày 13 Đức Mẹ về trời. Trưa ấy, nắng xanh biêng biếc như tình tự của một cuộc tình vô nhiễm nên đã nghe vọng lên tiếng gà trưa từ bên kia chập chùng đồi và lô xô mái nhà cổ kính trong một khu biệt thự cũ. Đà Lạt. Gió phất phơ ngoài khung cửa gỗ những tờ lụa trắng mỏng khiến chăn gối kia la đà và loãng một mùi hương lững thững phiêu du khi khởi đầu một sự dâng hiến đến tận cùng địa ngục.

Đêm qua, tiếng gà vẫn gáy. Chỉ dăm ba lần rồi im bặt. Rạng sáng lại nghe. Lần này lại khác. Nghe tiếng gà đuổi theo nhau tạo nên một vùng âm thanh rạo rực lạ thường. Hồi nhỏ đi học thích nhất nhìn cái hình minh họa trong sách giáo khoa ngộ nghĩnh, thân mật. Vẽ một chú gà trống đứng trên chuồng, ngửa cổ gáy từng chuỗi âm thanh tròn loang dần lên cao và phía sau mặt trời tròn nhú dần lên. Tự nhiên nhìn cái hình ấy, cứ nghĩ mỗi ngày chú gà trống đều có nhiệm vụ thổi mặt trời lên… Cũng như y mỗi ngày có nhiệm vụ phải ngồi vào bàn viết.

Để làm gì?

Để thỉnh thoảng tự cười vào mũi mình: “Có buồn cười không?”.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment