LÊ MINH QUỐC: Nhật ký mồng Một Tết 2013

 

Sáng mồng Một thức dậy. Đà Nẵng. Tịnh không một tiếng động. Nhìn xuống đường phố Triệu Nữ Vương,  đã thấy những bóng người đi hái lộc đầu năm, đã nghe  từ xa xăm của Ngũ Hành Sơn vọng về tiếng chuông chùa mà trong âm thanh ấy dường như có hòa lẫn sóng vỗ Mỹ Khê  của ngàn năm thương nhớ. Sáng, không còn cảm giác của tuổi thơ rạo rực như năm mươi năm trước. Hoàn toàn đã mất. Chợt nhìn xuống bàn tay, đã thấy những đường tử sinh hằn từng dấu vết loằng ngoằn của thời gian.

 

Rtime

Ảnh: Việt Tuấn Trinh

 

Sáng, đã thấy nhánh cây trước sân nhà xòe lộc xanh. Và hai chậu cúc mà Tẹo đã mua. “Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa”. Thơ Tế Hanh chăng? Thời trẻ, trong thơ tôi ngợp bóng vàng cúc trắng. “Hoa cúc không vàng thì hoa cúc trắng / màu trắng dửng dưng lạnh nhạt đến lạnh lùng / hoa cúc không vàng thì hoa cúc tím / màu tím buồn phiền đớn đau từng kỉ niệm”. Mẹ tôi lại khác, thích hoa vạn thọ. Chiều 29 Tết, trước lúc ra sân bay, tôi mua về hai chậu vạn thọ, mẹ tôi nói: “Hôm qua đi chợ thấy có mấy chậu hoa mồng gà đẹp ghê”. Hết biết, trong tâm tưởng của nhiều người thì hoa vạn thọ, mồng gà không sang trọng và quý phái. Thậm chí  còn “nhà quê” nữa. Vậy mà mẹ tôi lại thích. Cũng như suốt đời thích nước mắm Nam Ô và bánh tráng nướng.

Tôi nghiệm ra một điều, người Quảng Nam đi xa có lẽ nỗi tương tư sậu đậm nhất của họ trong “nghệ thuật ẩm thực” chính là cái bánh tráng nướng! Mẹ tôi mỗi chiều bẻ bánh tráng nhai rộp rộp cứ như trẻ con thời @ nhai “sinh gum” vậy!

 

Ranmay_3

Ảnh: Việt Tuấn Trinh


Sáng mồng Một đi lên mộ ba. Trời lất phất mưa. Mưa xuân chỉ đủ ướt ngọn cỏ. Mưa thấp thoáng và lờ mờ nắng. Vậy là Tết. Không gian yên bình. Tôi đố người viễn xứ có được cảm giác ấy. Thèm chết đi được. Xe lăn bánh qua những con đường mới, những cây cầu mới mà trong lòng tôi đã hoang vu, nguội lạnh một cảm giác bơ vơ của người khách lạ trên chính quê nhà của mình. Hình như Chế Lan Viên (hay Yến Lan?) có câu thơ, đại khái, chẳng lẽ về quê lại hỏi người? Mà đúng thật, tất cả đều xa lạ trong con mắt lơ ngơ láo ngáo  của  tôi. Và cảm giác sung sướng nhất của ai về về ăn Tết là trong cảnh vật cũ kỹ ấy, dân dã ấy, quen thuộc ấy lại tìm thấy sự mới mẻ. Điều nầy khiến con mắt hân hoan và chăm chú nhìn cảnh vật lướt qua…

Khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy một sự hân hoan lẫn bùi ngùi và sực nhớ rằng, mình đã già rồi.

Đã năm mươi.

Và tôi đã nghĩ đến cái khói nhang của mộ bia đang nằm la liệt, vô trật tự của một khu nghĩa trang mà con  người ta từ lúc sinh ra đã đời đời hò hẹn. Ba tôi nằm đó. Hỡi ôi! Con người ta khi sinh ra đời, dù đi khắp bốn phương trời, giang hồ khắp cõi thì bao giờ trong lòng cũng  ấp ủ  một nỗi niềm là được gửi nhúm xương tàn ở quê nhà, nơi từng chôn nhau cắt rốn. Mà mấy ai được như thế? Ba tôi nằm đây.  “Quê nhà  xa lắc xa lơ đó / Ngoãnh lại tha hồ mây trắng bay”. (Nguyễn Bính). Quê nhà? Nơi nào có mẹ cha ta, nơi ấy chính là quê nhà. Đứa trẻ sinh ở Việt Nam, sống lên ở Mỹ cùng cha mẹ, hẵn sẽ nghĩ nơi ấy là quê nhà của mình. Tình cảm ấy, tâm lý ấy đã phá vỡ cấu trúc về địa lý trong tâm thức con người. Ba tôi nằm lại Đà Nẵng, với tôi là quê nhà. Nghĩ cũng lạ, khi bước vào khu nghĩa trang là lúc ấy, tôi tin rằng, ai cũng nghĩ đến sự hư không của  đời mình. Có có không không. Như bỡn như đùa. Và sẽ nghĩ  đến phận mình sao mà ngắn ngủi, nhỏ nhoi và chật hẹp đến thế. Chỉ vài thước đất. Xong một kiếp người. Đã lâu, tôi đã nghĩ đến điều này:

Hai chân đã giẫm trên trái đất

Sao vẫn chông chênh một lối về

Mai sau cát bụi ai thắp nến

Dẫn cái linh hồn ghé thăm quê?

(Ca ngợi niềm vui)

Đã nghĩ đến:

Trong tôi còn chút quê nhà

Vẫn xin giữ lại dẫu là nhà quê

Ngó lên Hòn Kẽm lạnh tê

Đá Dừng hóa núi, suối về thành non

Dòng thơ phiêu lãng Thu Bồn

Ngày sau ai vớt linh hồn tôi lên?

(Thơ đề trên mộ)

 

Ran_may_4

Ảnh: Việt Tuấn Trinh

 

Câu hỏi đường xa hun hút gió. Mà cũng chẳng nên bận tâm làm gì. Xuân đang xanh và trái tình đang chín. Chiều qua, tôi ra sân bay và đột nhiên thèm lúc bước xuống sân bay là tơi bời gió và xộc vào mũi một mùi  biển mặn cho đã đời quay quắt. Sân bay cuối năm nườm nượp người đi như trẩy hội. Từng gương mặt nhẫn nai và vội vã. Ai cũng có điều gì đó sâu kín ở trong lòng. “Về quê ăn Tết”. Cảm giác ấy thiêng liêng biết chừng nào. Thật thương cho ai không có một nơi chốn để quay về. Ngồi một mình trong phòng đợi. Quan sát thử, thấy gì? Thấy rõ nét nhất là ít ai chúi mắt vào trang sách. Hầu như mọi người đều lững thững lơ thơ ngắm ngắm lớt phớt quày hàng và thỉnh thoảng liếc mắt xem đồng hồ rồi tặc lưỡi sốt ruột. Ít ai bình tâm dán mắt vào sách như tôi từng thấy ở sân bay nước ngoài. Vậy người Việt có thói quen đọc sách hay không? Chà câu hỏi nghiêm trọng quá. Thôi đi cha nội. Bỏ qua đi. Tôi lật ngược tờ vé máy bay khổ A 4 và ghi mất câu thơ tặng anh Lưu Đình Triều bởi lúc ấy, tâm hồn hoàn toàn trống rỗng không vui không buồn không háo hức bất kỳ một điều gì, chỉ thèm:

Bây giờ ngồi nhậu là vui

Buồn vui năm cũ rủ vùi vào ly

Một ly? Hãy  nốc cạn ly

Trăm ly? Cũng tựa một ly thôi mà

Giang hồ đã mỏi đường xa

Cuối năm an dưỡng quê nhà bình yên

Ước chi  có được bạn hiền

Trăm ly dồn lại uống liền một ly

Nói là nói thế. Đêm qua, giao thừa ngồi trước nhà với Tẹo, anh Tâm, Nghĩa và  Sanh mà nào có uống được đâu. Chỉ vào hớp và trĩu nặng hai con mắt và thèm ngủ ghê gớm.

Đã chiều mồng Một Tết.

Đã Tết.

 

L.M.Q
(Chiều 10.2.2013)


Cùng một chủ đề:

Nhật ký mồng Hai Tết 2103


 

 


Chia sẻ liên kết này...

Add comment