LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.8.2013


 

thai-ba-van


Tự nhiên thèm vẽ.

Trưa. Mưa tầm tã. Như từ trời, thác trút. Như từ trời, vỡ đê. Ngoài sân ngập nước. Nghe đâu quê nhà có bão. Ngồi trong nhà, ngước ra sân, ngó lên tường, lật ngửa hai lòng bàn tay, nhìn săm soi bỗng từ trong ngực dội lên một cảm hứng muốn vẽ quá chừng.

Lâu quá đã quên béng đi những cọ, sơn dầu, toan trắng. Quên cảm giác của người chuẩn bị lao xuống biển dù trong ý thức hoàn toàn không có một khái niệm gì về hình khối, màu sắc. Một cảm phiêu du bồng bềnh thử thách lòng gan dạ của gã làm xiếc trên chiếc đu bay không có bảo hộ. Cảm giác ấy khó có thể tìm được khi làm thơ. Cảm giác mới mẻ. Lạ lùng. Bồn chồn. Chỉ một cú nhíu mày, nghiến răng, tay cầm chặt cọ. Hồi hộp thở. Dứt khoát thở. Và quyết liệt ném xuống toan trắng trinh nữ kia những vệt màu bất chợt. Nỗi sung sướng vỡ òa ra. Thở phào nhẹ nhỏm. Như vừa nhắm mắt, lấy trớn, lấy toàn bộ sức lực để lao qua vực thẳm.

Hú vía, đã qua được bờ này.

Vẽ đi.

Hôm nọ đã trả lời bạn thơ Lý Đợi, vài quan niệm về hội họa. Đã in TT&VH. Trả lời rằng, mấy ý chính: Ông bà mình nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhờ có thời gian dài ngao du, đàn đúm với các anh chị họa sĩ - nhất là với Suối Hoa, con gái nhà thơ Huyền Kiêu nên từ tăm tối về hội họa cũng dần dần “sáng” ra đôi chút. Thấy họ vẽ, y cũng vẽ. Và dần dà đâm ra thích sắc màu. Vẽ như điên và cũng triển lãm chung với họ. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có thế mạnh riêng. Hội họa, là một cuộc thể nghiệm mới mà cảm xúc thơ khó có thể đem đến. Trước toan và màu, y luôn là đứa trẻ con giàu cảm xúc. Như người mù tập đi. Như đứa trẻ tập nói. Chỉ “vọc” màu sắc theo cảm nhận và hài lòng với nó.

Chơi thôi.

Chơi trong cảm giác của một người sắp lao xuống biển. Các kỹ thuật, ý tưởng chỉ  zéro nên vẽ hoàn toàn theo cảm xúc. Theo ngẫu hứng. Theo sắc màu thay đổi thiên biến vạn hóa mà bức tranh ấy rốt cuộc sẽ ra sao, như thế nào. Chẳng biết nữa. Vẽ là một cách giải bày cảm xúc. Không nhằm một toan tính gì khác. Những bức tranh trên tường đã lần lượt ra đi. Hầu hết tặng bạn bè. Họa sĩ Việt Nam nhiều người vẽ đẹp. Rất đẹp. Thế nhưng vẫn chưa có nhiều tập sách của họ viết cảm nhận về hội họa, có chăng chỉ của các danh họa Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Thái Tuấn. Chỉ có thế? Hay còn nữa mà thư viện của y không lưu giữ được? Những tập sách này đọc lôi cuốn, ngày đọc nhẩn nha vài trang, thấy thích. Thích bởi dấu ấn cá nhân, suy tư cá nhân về hội họa, không rập khuôn theo nguyên lý, nguyên tắc của sáo mòn lý luận. Thêm một quyển sách cũng viết cực kỳ hấp dẫn: Tiếp xúc với nghệ thuật của Thái Bá Vân. Thích bởi văn phong bay bướm khi trình bày một vấn đề thuộc về lý luận. Sự uyên bác về chuyên môn được ông trình bày dễ hiểu, rõ ràng. Quái, có nhiều người lại thích diễn đạt sự dễ hiểu, rõ ràng bằng câu cú rất tù mù rối rắm. Cứ như đánh đố người đọc. Thái Bá Vân không thế. Phải còn lâu lắm, nền mỹ thuật nước nhà mới có một Thái Bá Vân nữa. Nhìn ra ngoài trời vẫn lai rai mưa. Sao không lật hú họa lật vài trang? Thử đọc:

“Lịch sử và lịch sử nghệ thuật rất khác nhau ở một điểm là: lịch sử nghiên cứu và phán xét cái gì đã qua, còn lịch sử nghệ thuật thì nghiên cứu và phán xét cái gì còn ở lại.

Trên bàn viết của lịch sử là những con người, những triều đại, những nền văn minh đã đi. Nhưng trên bàn viết của lịch sử nghệ thuật là một đời sống thẩm mỹ còn lại. Nền văn minh nguyên thủy trồng lúa nước đã đi qua, nhưng nghệ thuật Đông Sơn thì vẫn còn đấy. Chế độ phong kiến đã chết, nhưng tranh làng Hồ và điêu khắc đình làng vẫn thờ.

Đó là cánh cửa ưu quyền mở cho các nhà lịch sử nghệ thuật, không phải để nhìn các tác phẩm như người ta nhìn ra hoa cỏ và mộ chí ở nghĩa trang mà là để vin vào Cái Đẹp, do con người làm ra, rồi vui vẻ đứng lên, bước tiếp vào cuộc sống”.

"Bước tiếp vào cuộc sống". Đúng thế, mọi giá trị, mọi lý luận từ cổ xưa, từ truyền thống đến hiện đại nếu không phục vụ cho cuộc sống hiện tại thì chẳng là gì. Tổng thống Mỹ Abraham Linconln đã nói được câu này, ghê gớm làm sao cho một tư duy đã nhìn ra quy luật của biện chứng: “Những giáo lý của thời quá khứ phẳng lặng không còn thích hợp với hiện tại đầy giông tố nữa. Chúng ta phải suy nghĩ và hành động theo một lối mới”.

Sáng nay vẫn phở. Rồi cà phê. Nhận được tin nhắn của bạn cũ. Đã lâu không biết tin tức gì. Cũng vui.  Quán cà phê này trước có tên Văn Cao. Sau đổi Một thuở. Giờ đổi lại Văn Cao. Cái tên Văn Cao có linh hồn, sang trọng, trí thức bởi gợi nhớ đến một Văn Cao nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ rất mực tài hoa. Năm xưa ra Hà Nội, có quen với nhà thơ Văn Thao, con trai của cụ Văn Cao. Anh vẽ, làm thơ đều tuyệt. Vợ anh cũng làm thơ, thơ thiếu nhi. Nhìn chung họ đều có thể nổi tiếng. Nhưng không. Bởi cái bóng Văn Cao quá lớn, che rợp hết một khoảng trời. Từng nghĩ, nếu các anh Văn Thao không là con Văn Cao, Nguyễn Đình Chính không là con Nguyễn Đình Thi… dù vẫn theo nghề viết nhưng có lẽ cuộc đời họ sẽ khác chăng?

Suy nghĩ vậy có đúng không?

Trưa về lại viết. Đến hẹn lại viết. Chữ ở đâu trong đầu mà ngày nào, giờ nào cũng có thể viết? Ngày thứ bảy là ngày của những bài viết về hôn nhân gia đình. Nghĩ cũng lạ, một gã trẻ con, trẻ con bởi vì không có kinh nghiệm, bằng chứng từng lên bờ xuống ruộng, trần ai khoai củ của tình non, tình già, tình xa, tình phụ lại trở thành một Chị Thanh Tâm, một Chị Hạnh Dung, một Anh Bồ Câu… bàn về chuyện này hết số báo này qua số báo nọ. Buồn cười chưa? Đang viết ngon lành. Một cú điện thoại gọi đến. Đồng nghiệp N.K.Luân tức Mr. Bim hỏi: “Ủa anh, thơ Tú Xương có câu: "Một trà, một rượu một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó hại ta/ Chừa được cái nào hay cái ấy/ Có chăng chừa rượu với chừa trà". Vậy chẳng lẽ uống trà là lăng nhăng?”. Một câu hỏi thú vị, bởi cách đặt vấn đề. Người thông minh luôn biết đặt câu hỏi thông minh. Lâu nay có những chuyện đã nghe, đã đọc, cứ tưởng dứt khoát phải thế nhưng khi đặt vấn đề lại mới thấy sự tréo ngoe; hoặc phải có cách giải thích khác.

Sáng nay, cà phê cùng  vợ chồng bạn Hữu Thân và vài người nữa. Ngạc nhiên khi thấy bạn mình đã khác trước nhiều. Cách đây chừng ba năm, sau khi biết có bệnh gì gì đó về gan, chữa thuốc Tây không hết. Chuyển sang thuốc Bắc và ăn theo chế độ kiêng. Ròng rã trong mấy năm liền Hữu Thân chỉ ăn cá lóc, bỏ bia rượu, bỏ thuốc lá. Không ngờ gặp lại thấy sắc diện hồng hào. Trẻ trung. Khỏe khoắn. Còn khối cô nàng phải Wink"ngất trên cành quất" Tongue out. Để được vậy, phải tuân theo một chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Chà, ngày nào cũng chỉ ăn độc một món, tất nhiên cách pha chế có khác nhau. Nghĩ mà phục quá. Rõ ràng, khi có niềm tin vì sức khỏe, lo sức khỏe của chính mình, con người ta có thể chấp hành những quy định khắc khe của thầy thuốc. Mừng bạn mình vẫn như trai mười tám.

Ngoài ra còn niềm tin gì nữa?

Cách đây dăm năm, người em - con ông cậu bị ung thư nằm bệnh viện ở đường Nơ Trang Long. Vào đó, mới thấy thấm thía nỗi khổ bệnh nhân phải chịu đựng. Họ nằm chen chúc, nằm xoay đầu, trải chiếu nằm luôn dưới gầm giường, thân nhân thăm bệnh chỉ vật vờ ngoài hành lang. Lúc đó, niềm tin nào có tác động an ủi bệnh nhân lớn nhất? Tôn giáo. Quan sát một lúc, thấy có nhiều tốp người cỡ trung niên, gương mặt hiền lành, ăn mặc quần áo cũ những tươm tất, sạch sẻ đến từng giường, đi từng phòng hỏi han bệnh nhân. Chẳng rõ họ an ủi những gì, chỉ biết, sau khi tạm biệt họ gửi lại một sấp giấy mỏng, đóng tập hẳn hòi. Tò mò mượn xem, đó là những tài liệu về tôn giáo. Nhiều tôn giáo lạ quá. Ngày sau, lại thấy những tốp người khác đến với bệnh nhân. Cũng tuyên truyền về tôn giáo. Trong giây phút giữa sinh tử có lẽ con người ta tin vào tôn giáo nhiều hơn lúc nào hết chăng? Tin ở phép lạ sẽ đến. Vậy đã may. "Phúc cho ai không thấy mà tin".

Trưa đang ngủ ngon giấc, chợt thức giấc bởi mưa đổ sầm sập. Ngồi trong nhà, ngước ra sân, ngó lên tường, lật ngửa hai lòng bàn tay, nhìn săm soi bỗng từ trong ngực dội lên một cảm hứng muốn vẽ quá chừng.

Vẽ đi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment