Tháng 7 chỉ còn mỗi ngày hôm nay. 24 giờ. Ngày mai, 1.8.1959. Ngày 27 tháng 6 Kỷ hợi. Ngày chào đời cất tiếng khóc oe oe. Một ngày không có gì đặc biệt. Lật lại Việc từng ngày của Đoàn Thêm, ngày hôm đó chẳng thấy ghi một dòng nào. Vài ngay sau mới có những chi tiết hay, chẳng hạn, “ngày 7.8.1959: Khánh thành đường xe lửa Xuyên Việt từ Sài Gòn ra tới Đông Hà (Quảng Trị) sau nhiều năm sửa chữa. Theo thống kê của Bộ Công chánh, từ năm 1948 đến 1954, đường này đã bị phá hoại 3.407 lần”; “21.8.1959: Trường Y khoa đại học được thiết lập tại Huế (N.Đ 340/GD)”; “25.8.1959: “Bộ Giáo dục đã quyết định về đồng phục cho học trò: nam: quần xanh nước biển, sơ mi cộc tay trắng; nữ: áo dài trắng, quần trắng. Lễ phục: áo dài xanh lam”.
Ngày sinh của y, một ngày không có gì đặc biệt.
Lê Minh Quốc thời nhỏ
Một đời cũng một ngày. Rồi tất cả tan biến. Như bọt nước. Y sinh ra tại nhà thương bà Cách, phía sau chợ Cây Me, đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng). Lúc mẹ y vừa sinh xong, 12 giờ trưa, ngoài đường phố có xe chạy ngang qua, phát loa kêu gọi người dân đi bầu cử Quốc hội. Vì thế, mới đặt tên y là vậy. Đơn giản. Cuộc đời của y cũng đơn giản. Đơn giản như lòng bàn tay chỉ có vài đường ngang dọc rõ ràng, đậm nét. Không rối rắm. Ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ, mẹ y kể rằng, lúc ấy, y đã “nổi tiếng” vang lừng khắp xóm nhờ cái tài hay khóc. Khóc liên tu bất tận. Bất kể ngày đêm. Khóc đến độ nửa khuya sợ phiền lòng bà con chòm xóm, bà dì - dì Phi bên ngoại phải ẳm bồng y từ nhà ông bà ngoại ở kiệt Tân Thành chạy tuốt ra ngoài ngã tư Hoàng Diệu. Dỗ mãi, đến khi nào y nín mới bồng về. Mười đêm như một. Nước mắt đâu mà khóc dữ vậy? Nếu thời đó, ba mẹ có ghi nhật ký thì hay quá. Có lẽ đó là khoảng thời gian mà con người được khóc sung sướng nhất, hạnh phúc nhất. Bởi, khi khóc còn được yêu thương dỗ dành. Sau này, trên vạn dặm đường dài con người ta cũng sẽ có lúc khóc. Khóc không ra tiếng. Chỉ tiếng nấc. Khóc không rơi nước mắt. Nước mắt đã nuốt trong dạ. Khóc tức tưởi. Khóc ấm ức. Mà cũng chẳng có bàn tay nào lau khô dòng lệ ấy. Chẳng có tiếng ru nào dỗ dành. Chẳng có lời hỏi han nào an ủi...
Mới sinh ra thì đà khóc chóe
Đời có vui sao chẳng cười khì?
(Nguyễn Công Trứ)
Ngày còn nhỏ, y hoàn toàn không có khái niệm gì về sinh nhật. Chỉ sau này, mới biết đến. Những ngày đó, thường làm bài thơ tặng riêng cho mình. Đây “Đêm sinh nhật” của ngày 1.8.1989:
không có hoa lay - ơn thắp đỏ căn phòng
và ngọn nến chúc mừng ngày đẹp nhất
người tình cũ sao không về họp mặt
tôi thèm tiếng cười khỏa lấp thời gian
ngồi một mình nói chuyện với bức tranh
con nhện giăng tơ trên đầu tôi ngớ ngẩn
hỡi La Joconde nhếch môi bí ẩn
chính tôi cười chứ có phải ai đâu
những ngày vui vội vã qua mau
người tình cũ sao không về họp mặt?
căn phòng trọ tận hưởng tuần trăng mật
đâu đây còn sót lại chút hương thừa
sinh nhật ba mươi như trái chín lỡ mùa
đầy nếp nhăn trên chân dung phàm tục
chiếc gương soi không còn niềm háo hức
tôi loay hoay tìm kiếm lại nụ cười
đâu đây còn sót lại tuổi hai mươi
người tình cũ với mối tình lãng mạn
là ông Bụt hiện ra giúp kẻ hoạn nạn
quán cơm bình dân đói dạ lúc không tiền
tôi ngồi một mình tôi buồn bã soi gương
tôi chỉ thấy tôi trong đêm sinh nhật
quà tặng hiện ra là sợi tóc bạc
đang rùng mình rụng xuống giữa bình minh
Đây, “Ảo tưởng” của sinh nhật 1.8.1992:
sinh nhật
anh van xin những đóa hoa tươi
hoặc những môi cười
hãy hát lời thánh thiện
nhưng khốn nỗi tất cả đều im tiếng
anh đành ra chợ Bến Thành
mua một chùm cúc vàng, đen, đỏ, tím, xanh
tặng người bạn gái
nàng lịch sự một cách hờ hững rồi vui lòng nhận lấy
nhưng để quên một nơi nào đó ở cơ quan
tôi về nhà và nằm mơ thấy hoa héo tàn
hoa hát tặng tôi lời chúc mừng
sao buồn như tiếng khóc?
Đây “Cũng kệ” của sinh nhật 1.8.2006:
sinh nhật của tôi bốn mươi mấy tuổi đời
ngửa mặt lên trời dằn vặt mây trôi
mây trôi thì cũng kệ
tôi sắp già rồi
sắp già thì cũng kệ
vẫn còn em bé bỏng của riêng tôi
em đem đến cuộc tình như dao nhọn
đi chênh vênh vấp ngã sông dài
sông cuốn tôi về bão tố
bão tố thì cũng kệ
tôi vẫn còn đời sống của tôi
ngày đáng sống đến từng giây từng phút
tình yêu không chấm dứt
ngày điên cuồng sám hối chạy trên môi
sám hối ấy bỏng môi cũng kệ
tôi sắp già rồi
đâu bông hoa trong một ngày nắng nhạt
thắp đỏ trong tôi một ánh sáng lẻ loi?
giữa phố xá người đi như trẩy hội
chỉ riêng tôi đi hái ngọn sao trời
ngôi sao ấy ruồng rẫy tôi cũng kệ
tôi vẫn còn đời sống của tôi
Những năm trước, khi nhà văn Bà Tùng Long còn sống, y chẳng phải bận tậm gì về sinh nhật, bởi bà cụ cũng sinh đúng vào ngày 1.8 nên dịp đó là tập trung bù khú tại nhà anh N.Đ.T. Vui ơi là vui. Ngày vui qua mau. Bà cụ đã về suối vàng. Năm nay chẳng biết thế nào. Lại vẫn vài anh em ngồi chỗ nào đó chăng?
Ngoảnh lại mới biết thời gian trôi qua nhanh quá. Trong ký ức vẫn còn nhớ ngày đầu tiên mẹ dẫn đến trường làng. Theo y, đó là hình ảnh đẹp nhất, trong trẻo và thánh thiện nhất của đời người. "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. ...Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học". Chao ôi, ông Thanh Tịnh! Mỗi lần đọc, lại rưng rưng nước mắt. Kỷ niệm ùa về như thác lũ. Nhói tim. Bồi hồi. Xao xuyến. Mẹ dẫn con đến trường,dù ở bất kỳ thời đại nào, năm tháng nào vẫn là hình ảnh khó quên trong trí nhớ đời người. Thậm chí, trước lúc buông xuôi về cõi hư không, hình ảnh ấy vẫn còn hiện về như một sự nhắc nhở và an ủi rằng, trong kiếp người đớn đau này ta cũng từng có một khoảng thời gian êm đềm đến thế.
Mẹ dẫn y xin vào học lớp mẫu giáo. Trường học này chỉ mỗi một lớp nằm trong đình làng, ngoài sân có cây đa cổ thụ che rợp mát một khoảng trời tuổi thơ. Cô giáo tên Thân. Rồi sau đó, y học tiểu học ở Trường Nam Tiểu học. Ăn mặc gọn gàng. Áo trắng, quần xanh. Chững chạc và đẹp trai ra phết. Mỗi giờ ra chơi thường chạy ra ngoài phía hàng rào, đường Thống Nhất mua bánh cam. Chẳng bao giờ có thể tìm được cảm giác ngon lành như vậy nữa. Còn nhớ, lúc làm luận văn có lần viết: “Tôi dòm lên trời”, cô giáo gạch chữ “dòm”, đổi thành “nhìn”; có lần viết: “dấu diếm”, cô giáo sửa “giấu diếm”… Kỷ niệm ấy khó quên. Làm sao có thể quên mỗi giờ ra chơi, học trò ngày ấy phải uống sữa và ăn bánh mì. Nhà trường bắt buộc. Lại nhớ đến những tập sách giáo khoa in rất đẹp, giấy trắng và thơm. Thích lật từng trang và đưa lên mũi ngửi. Ngày tháng học trò ấy, đã có lần y viết lại trong một tạp bút, in A.T:
"Tháng chín của tôi là những cơn mưa dầm dề kéo dài lê thê. Gió run bông sậy bỏ buồn cho ai. Cô giáo thời tuổi nhỏ đã bỏ buồn cho tôi. Ngoài trời đang mưa. Tôi khóa cửa lại. Bước ra ngoài trời. Đứng trước cổng trường dù chỉ là trong tâm tưởng. Vậy mà, gió thổi cũng thấy lạnh lắm. Bây giờ, tại đây, vào lúc này, tôi chợt nhớ đến ánh mắt của cô giáo Vân đã dạy tôi thời tiểu học.
Thời đó tôi thường bỏ bê bài vở để say mê xem chương trình kịch “Sống” của nghệ sĩ Túy Hồng. Và có một lần trong vở kịch, tôi đã lắng nghe Túy Hồng hát qua tiếng khóc: “Thôi anh đi về đi, xa nhau rồi, thương nhau mà chi, năm canh dài nước mắt đìu hiu... Anh nhớ chăng ngày xưa đôi ta nghèo…”. Tôi không biết tác giả ca khúc ấy là ai, nhưng thấy ghét ông ta (nếu tác giả là đàn ông) vì đã làm Túy Hồng rơi những giọt nước mắt ướt đẫn lồng ngực thơ dại của tôi mà bây giờ mỗi lần tự hát ca khúc đó, tôi vẫn còn thấy đau trên môi và lạnh run những kỷ niệm ùa về trong ký ức.
Tôi mê Túy Hồng cũng chính vì nghệ sĩ này có gương mặt giống hệt cô giáo Vân đã dạy tôi ở năm lớp hai trường Nam Tiểu học (trường Kim Đồng bây giờ). Có lần cô giáo ốm. Nghỉ học. Chúng tôi rủ nhau đến thăm cô giáo. Giàn hoa giấy đỏ trước nhà cô giáo reo lao xao trong gió. Những cánh hoa mỏng mảnh rơi hững hờ. Tôi hồi họp và lính quýnh đến nỗi không làm sao mở miệng ra được. Và khi trở về nhà lần đầu tiên tôi nằm ngủ thấy trong giấc mơ hiển hiện bóng dáng nghệ sĩ Túy Hồng với ánh mắt nhìn tôi rất đỗi tha thiết. Để cho đến bây giờ, mỗi lần chạm vào một ánh mắt nào đó khiến tôi rùng mình như chạm vào gai nhọn, nhưng ánh mắt ấy vẫn long lanh như chở che, an ủi riêng tôi thì tôi lại nhớ đến cô giáo Vân thời tiểu học của mình. Năm tháng trôi qua. Tôi đã lớn. Thương hải tang điền. Người xưa biết đâu mà tìm”.
Ngày 1.8.1959. Tôi đã lớn. Ngày xưa biết đâu mà tìm?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|