LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.8.2013

 

Trong hồi ký, nữ sĩ Mộng Tuyết có kể lại những ngày Nguyễn Bính lang thang giang hồ đến Hà Tiên vào mùa hạ năm 1944. Ngày đó, gia đình Đông Hồ có thú vui tao nhã là sau khi cơm nước xong, cả nhà quây quần quần nghe cô cháu đọc truyện Tam Quốc Chí bản dịch Phan Kế Bính. “Nguyễn Bính cũng vào ngồi nghe. Có khi Bính vào trễ, cửa đã cài then thì Bính ngồi ngoài hiên cho tới khuya mới về mà không dám gọi cửa. Bính nói: “Ngồi trong đêm sương khuya, nghe trộm tiếng người ngọc đọc sách cách một lần cửa đóng kín cũng có một thú vị riêng”.

Trên đời này, có nhiều thú vị riêng như thế. Chỉ có điều, ta có thiện duyên để gặp hay không?

 

huyhh-thuy-kieuR

 

Đêm qua, y có thiện duyên. Rằng, ngoài trời mưa tầm tả, đang thèm ăn một chút gì, nhưng lười và ngại. Gió rú hiên ngoài. Mưa rơi nặng hạt. Bao nhiêu hào hứng của chàng tráng sĩ những muốn phóng lên lưng ngựa xông pha nơi tửu quán bỗng lịm dần rồi tắt ngúm. Bèn xuống nhà, lục cơm nguội. Sực nhớ đã đọc ở đâu đó, ăn cơm nguội với ba khía là ngon nhất trần đời. Thú thật, đã ngoài ngũ thập nhưng y chưa hề ăn ba khía bao giờ. Hôm trước em gái H.T.Kiều nhắn tin: “Anh, anh Thức, anh Biền thích mắm cá linh hay ba khía? Em gửi lên”. Còn có câu hỏi nào đáng yêu, cảm động đến thế không? Bèn trả lời chắc nịch: “Ba khía”.

Hôm nhận ba khía, mẹ y không biết món gì. Hầu như người miền Trung không biết nhiều đến ba khía. Hôm lai rai với anh em, y quả quyết trên toàn cõi nước Việt Nam thống nhất thì ở đèo Lăng Cô có nhiều loại mắm hơn cả, bởi nơi ấy vừa có biển, sông, vùng nước lợ. Ấy vậy, đạo diễn Mỹ Hà vẫn quả quyết rằng phải là xứ Châu Đốc. Chẳng rõ thế nào? Người miền Trung thường khoái khẩu với mắm cái. Mắm nguyên cả con cá cơm nhỏ bằng lóng tay, khi ăn có thể quên nhiều thứ nhưng phải nhớ xắt, bằm nhỏ thêm khóm thơm, trộn đều thêm ớt khô, chanh ớt, tỏi... kèm thêm rau sống; nếu "chơi sang" có thêm ít thịt heo ba rọi nữa là ngon.

Quả quyết ngon là trật lất.

Tại sao?

Phải nói rất ngon.

Ngon đến độ y dám quả quyết rằng đã có nhiều nam thanh nữ tú kể cả các bà cụ Việt kiều đang sống xa xứ vào một buổi chiều thu hiu hiu gió, nhìn mây trời man mác lòng chợt nhớ đến hương vị quê nhà, nhớ cồn cào ruột gan bèn thuê taxi ra sân bay, bỏ tiền mua vé quy cố hương ngay tắp lự. Về đến quê nhà, chỉ cần ăn món mắm là hả hê, sung sướng, mãn nguyện rồi ra sân bay quay lại xứ người. Nghĩa là chuyến đi ấy, chỉ nhằm thỏa mãn cơn thèm vị mắm.

Ngày còn nhỏ, y thấy trong nhà có nhiều hủ mắm cá cơm, để dành ăn dần. Tục ngữ miền Trung có câu: “Ăn mắm  mút dòi”. Cần kiệm là thế. Khi làm mắm, do “hở gió”, từ mắm có sinh ra dòi. Những con dòi nhỏ trắng, quậy líu nhíu, bơi lúc nhúc. Cái gì mà trợn mắt lên vậy? Chẳng sao, khi múc ra chén, ta lấy muỗng vớt ra là xong. Nếu thế tiếc quá, phải mút trước, mút cho bằng hết cái chất mắm đang đẫm ướt rồi mới bỏ dòi đi. Ai chê hà tiện ư? Bèn cười mà rằng: “Dòi mẹ thì ngon, dòi con thì béo”. Mà riêng gì mắm. Thời buổi chiến tranh loạn lạc thuở ấy, ngoài mắm còn có cả nước mắm và gạo chất đầy nhà. Chưa hết, dù sống trong đô thị nhưng người dân miền Trung còn làm thêm căn hầm lộ thiên. Hầm mọc lên ngay trong nhà nhằm tránh pháo kích, đạn lạc bom rơi... Hầm làm bằng gỗ kiên cố. Ngoài vách hầm,  trên hầm chất đầy các bao cát. Loại bao cát màu xanh rêu của Mỹ, bằng vải, chứa được chừng khoảng 5 ký. Bao bền chắc lắm. Hầm làm rộng, có đèn sáng, khi nghe tiếng pháo kích là cả nhà kéo nhau vào hầm. "Đại bác đêm đêm, ru da thịt vàng. Đại bác nghe quen, như câu dạo buồn. Trẻ con chưa lớn, để thấy quê hương" (T.C.S). Lúc ấy, y luôn nghe bà ngoại thì thầm đọc kinh “Nam mô a di đà Phật”. Nhớ lại, thấy thương bà quá. Thương những người phụ nữ Việt Nam  sống có tín ngưỡng, luôn làm điều thiện, rằm lên chùa dâng hương cúng Phật, gặp khổ nạn luôn nguyện cầu Phật.

Hình ảnh ấy đậm nhạt trong ký ức suốt đời.

Ngày mới ra trường, y ở khu nhà bình dân trong hẻm Nhà thờ Ba Chuông. Phòng trọ chật. Chỉ đủ kê giường chiếc. Mùa nắng nằm ngửa nhìn thấy trăng sao. Mùa mưa khi ngủ phải trùm thêm mảnh ni lon! Nhà có bà cụ đã gần 90 mươi xuân, phúc hậu, hiền lành. Cụ bán hàng vặt trước nhà vừa trông giữ cháu. Lúc vắng khách, thỉnh thoảng bà cụ đọc kinh thầm thầm trong miệng. Ngày ấy, y còn trẻ ham chơi, có những lúc về khuya, không dám gọi cửa. Dần dà y biết, sáng nào cũng như sáng nào, đúng 4g30 phút sáng bà cụ đều thức dậy đi nhà thờ. Cứ canh giờ đó, quay về nhà là chắc ăn. Nhìn các cụ già xúng xính áo dài, í ới gọi nhau đi lễ lúc rạng sáng, trong lòng cảm thấy bình yên lạ thường.

Hình ảnh ấy đậm nhạt trong ký ức suốt đời.

Trở lại với ba khía. Đêm qua là bữa cơm đầu tiên ăn với ba khía. Sực nhớ câu ca dao Nam bộ:

Đừng lo cưới vợ miệt đồng

Ba khía cơm nguội ăn ròng cả năm

Thấy ăn ba khía ngon lành quá, mẹ y ngạc nhiên hỏi: “Ba khía là con gì?”. Làm sao có thể trả lời? May quá trong nhà có quyển Từ điển từ ngữ Nam bộ do Huỳnh Công Tín biên soạn, thế là y vừa nhai ba khía vừa lật từ điển đến trang 98 vừa nhíu mắt vừa đọc vừa nhìn gương mặt của mẹ đang chăm chú lắng nghe: “Ba khía: Một loại còng (họ cua) có hai càng to màu đỏ, sống ở vùng nước mặn, được người dân ngâm trong nước muối để làm thức ăn như một loại mắm”.

Cám ơn em H.T. Kiều. Mắm cá linh và ba khía muôn năm. Đã thế, có người anh lại hẹn rằng, ngày X giờ Y tuần này sẽ đãi...  buffet mắm!

Cám ơn người gửi cá linh

Ăn mắm Nam bộ chút tình còn theo

Thời gian gió cuốn cái vèo

Mùi hương của mắm còn theo suốt đời

Cám ơn thơ, cám ơn người

Tình bạn còn mãi dưới trời mây bay...

Vui ơi là Đời!

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment