Từ phải: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim, P.N. Thương Đoan, nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Lan tại nhà Lê Minh Quốc - nhân VTV quay chương trình thơ Xuân.
Thế giới @, thế giới di chuyển bằng năm ngón tay thông qua vài cú click, mối quan hệ của con người ta khác ngày trước nhiều lắm. Cũng nâng ly, cũng tay bắt mặt mừng, cũng vồ vập ôm hôn thắm thiết nhưng chắc đã hiểu nhau, đã vì lòng thân thiện? Một thói quen chăng?
Có những người bạn đã quen thân hàng chục năm, nhưng nhà ở đâu, làm nghề ngỗng gì cũng chỉ biết lờ mờ, không cụ thể. Bạn bè chung cơ quan hàng chục năm, nhưng chưa hề ai đến nhà ai, nếu có chỉ là dịp đặc biệt năm thì mười họa nào đó. Anh em họ hàng ruột thịt cùng dòng tộc nhưng xa cách đã lâu, ít gặp nhau cũng trở nên xa lạ. Có gặp nhau cũng chỉ câu chuyện nhắc về người đã khuất, về quá khứ, nhắc về mối liên hệ xa xa gần gần, dây mơ rễ má trong dòng tộc, nghe thì nghe vậy, trong lòng chẳng mảy may xúc động. Hoặc có xúc động thì cũng đến thế, câu chuyện đến thế, nếu kéo dài thêm một chút thì chẳng ai biết nói chuyện gì khác ngoài những câu mưa nắng vu vơ... Tục ngữ của người Việt hay thật, vừa bảo: “Bán anh xem xa, mua láng giềng gần”, lập tức lại dặn dò: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Chẳng phải trái ngược mà chính là bổ sung cho nhau khi nhận thức một vấn đề.
Nhận thức nào đi nữa, trải theo năm tháng cũng có sự thay đổi. Từ khai thiên lập địa đến nay, thời gian trong một ngày vẫn 24 tiếng đồng hồ. Vậy mà con người của đời sống hiện đại lúc nào cũng kêu rú lên không có thời gian cho riêng mình.
Lý giải như thế nào?
Phải chăng, thời buổi này con người ta sống cho mình, chui sâu vào trong vỏ ốc của chính mình nhiều hơn? Bản thân một con người đã là một thế giới, và họ còn có cả một thế giới ảo để chia sẻ, lân la, tán tỉnh, giải trí… Vậy chẳng việc gì phải gặp gỡ người này, trò chuyện người kia, nếu có, hầu hết cũng là từ nhu cầu công việc chung hơn là chia sẻ, tâm tình, tâm sự với nhau.
Ngày trước, một người ở quê ra, ghé chơi nhà là niềm vui, sự vinh dự, niềm nở tiếp đón nhưng thời buổi này lại là một sự phiền toái. Con người của đời sống hiện đại, hầu như họ không muốn ai đặt chân vào mái ấm của mình. Về nhà, chính là về với góc khuất an toàn đặng tận hưởng giá trị sống cho riêng mình sau một ngày tất bật. Về nhà, có nghĩa mọi bận rộn, tính toán, lo toan đã gác ngoài cửa. Họ bước vào nhà nhẹ nhàng, thơ thới, nếu cần tắt luôn cả điện thoại. Về nhà, chính là bước vào một ốc đảo bình yên, tâm hồn không xáo trộn bởi công việc, bởi bất kỳ sự ràng buộc nào.
Thế thì, khi có khách đến nhà, với họ đã là sự phiền toái. Một khoảng thời gian riêng tư của họ đã bị phá vỡ.
Ngày xưa lại khác. Có lần mẹ y kể, vào thập niên 1940 lúc gia đình còn nghèo mỗi lần khách ở quê ra là cả bà ngoại lẫn mẹ và các dì lo sót vó. Khách có phải một hai người đâu, có lúc cả chục người. Những người khách này đôi khi chẳng hẹn gì trước, có thể trên đường đi gặp người làng cùng ra tỉnh, dù chỉ quen sơ, tiện miệng rủ nhập chung luôn: “À, nhà ông anh/ ông bác tôi ở chỗ này chỗ nọ anh đến trú luôn cho vui. Bà con cùng làng cả mà!”. Những lúc ấy, cơm không đủ ăn lấy đâu lo cho khách? Mà tiếp đón không chu đáo, về làng họ kể người này, xì xầm người kia, sau này quy cố hương cái mặt biết vứt vào đâu? Vậy dù có gì gì đi nữa cũng phải tiếp đón đàng hoàng, thậm chí đi vây nợ đãi khách. Đã thế, lúc khách về, oái oăm thật, cũng níu áo họ ở chơi thêm vài ba bữa nữa. Thôi kệ, ít ra, khi quay về làng họ cũng nói được tiếng tốt cho gia đình mình, dù xa quê đã lâu nhưng trước sau vẫn nghĩa tình với anh em, bà con láng giềng. Tiếng thơm ấy cần lắm cho những mối quan hệ ràng buộc bởi lũy tre làng…
Vào những ngày cuối tuần, thói quen của y vẫn là đọc sách. Y hoàn toàn không thích xem truyền hình. Đêm qua đọc lại Văn minh Việt Nam (Nam chi tùng thư XB 1965) của nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu, có đoạn viết về lúc khách ở quê ra Hà Nội, ghé chơi nhà: “Lạ lắm! Nhiều khi gia đình tôi lấy làm như bắt cóc lấy khách. Vừa thấy cái càng xe kéo đặt xuống thềm, có độ ông bác chưa kịp bước xuống xe, là cả nhà, trẻ con người lớn đã reo ầm cả lên. Rồi đứa thì đón lấy ô, đứa thì dắt tay, đứa thì níu áo, lũ trẻ cứ lôi ông xềnh xệch vào nhà. Người lớn thì không cần phải hỏi ông ra tỉnh có việc gì, hay là định ở chơi bao lâu, hay là định đi đâu, trong khi pha trà mời ông uống là đã hô trẻ: Đi mời ông Cựu, ông Bá, bác Phó hay chú Cả đến đánh tổ tôm, nói có ông bác mới ra chơi nhé” (tr. 176).
Cứ tưởng như đang đọc cổ tích. Mà nào có xa xôi gì đâu, cũng khoảng chừng thời gian bà ngoại và mẹ y cùng các dì đón khách từ Đại Lộc xuống Đà Nẵng, ghé chơi nhà đấy thôi.
Ông Siêu phân tích rất có lý: “Người ở tỉnh có tiền của, mà nhà quê quanh năm không có ai ra chơi, thì thấy là một cái nhục đối với những nhà hàng xóm. Có người ra chơi, có độ vài miếng chè kho hay chè lam, vài đĩa xôi cúng đình, hay một ít quả mít, quả ổi, quả chuối mang theo ra cho, là chủ nhà lập tức sai con cắt cắt chia chia ra, đem biếu hết nhà nọ đến nhà kia ở hai bên hàng xóm, lấy làm một điều hãnh diện. Thế rồi người hàng xóm được quà biếu ấy lại chạy sang chơi, chuyện nở như bắp rang, tưởng không còn cái sướng nào thỏa hơn được nữa” (tr.174).
Cứ tưởng như đang đọc cổ tích. Thời buổi này, thời buổi của thế hệ facebook, yahoo… đã khác.
Sự niềm nở ấy đã khác, chẳng phải do không hiếu khách, không trọn vẹn nghĩa tình mà chính vì họ sợ phải gánh lấy sự phiền toái. Phiền toái nhất là họ cảm thấy đời sống riêng, không gian riêng bỗng dưng đảo lộn, dù chỉ vài ngày hoặc vài tiếng đồng hồ. Vậy thì cách lựa chọn gọn gàng, thuận lợi nhất vẫn là sau vài câu thăm hỏi lấy lệ bèn kéo rẹt ra quán. Bù khú ăn nhậu, tán hưu tán vượn, bán trời không mời thiên lôi cũng được, khi đứng dậy tính tiền về thì những gì đã nói bỏ luôn ngay ghế ngồi. Cần thiết, đóng luôn tiền cho khách ở khách sạn. Xong, lại quay về với ốc đảo của riêng mình, gia đình mình.
Hóa ra, con người hiện đại sống ích kỷ hơn à? Không phải, đơn giản chỉ vì họ không có nhu cầu phải chia sẻ sự riêng tư của mình cho người khác. Không muốn không gian riêng gia đình mình có sự xuất hiệ của người khác, dù thân thiết. Với họ, về nhà, chính là về với thế giới của mình, do đó, họ chẳng muốn ai béng mảng tới. Nói như thế, để thấy tâm lý con người trong đời sống đô thị có những đặc trưng riêng. Một đặc trưng dễ nhận ra nhất, họ quen với nhiều, ngao du với nhiều người, lưu giữ cả vài trăm số điện thoại, email nhưng chắc gì có ai hiểu được họ và ngược lại. Nếu có, đếm không đủ mười đầu ngón tay. Mối quan hệ ấy chỉ nằm ở bề mặt, bề nổi.
Rõ ràng, con người hiện đại ngày càng cô đơn hơn chứ?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|