Hễ đọc báo là y như rằng, có chuyện đáng phàn nàn bởi có những sự việc đã xẩy ra ngoài sức tưởng tượng. Dẫu Vũ Trọng Phụng sống dậy cũng không thể nghĩ cái trò này quái đản này nhằm xây dựng tính cách Xuân Tóc Đỏ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa cho biết, anh viết trường ca Đi đánh thần hạn vào năm học lớp 5, lúc ấy: “Tôi viết trường ca này, cũng vì lúc ấy, quê tôi đang phải đối mặt với hạn và lụt vô cùng gian nan. Tôi định viết hai phần, lấy tên là Trường ca Giông bão, phần đầu là Đánh Thần Hạn, phần sau là Đánh Thần Lụt, và Thần Lụt mới quan trọng, vì quê tôi như hòn đảo, xung quanh là các sông lớn, mùa mưa nước chảy rất dữ, có năm đứng trên đê có thể khỏa chân xuống dòng chảy được. Làng tôi lúc nào cũng âm âm tiếng trống từ trên đê vọng về và cứ đến mùa lũ là mất ăn mất ngủ, bởi nếu vỡ đê là chết hàng vài vạn người, nếu không có biện pháp gì đó rất có hiệu quả, ứng cứu”.
Tại Vũng Tàu nhân kỷ niệm 1 năm báo VTCN, từ trái: Nhà báo Lê Minh Quốc, Nguyễn Trọng Chức, Nam Đồng, Lâm Quốc Trung (3.1992)
Ai đời, trường ca này lại được thẩm định, đưa luôn vào một công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ và xếp vào văn học dân gian! "Các nhà nghiên cứu" công bố ràng rành trong Từ điển type truyện dân gian Việt Nam (NXB Lao Động - 2012). Công trình khoa học này của Viện Văn học, được Chính phủ tài trợ, do Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Huế làm chủ biên, cùng các cộng sự khác cũng Phó Giáo sư, Tiến sĩ hoặc bét lắm cũng Thạc sĩ.
Trước phản ứng gay gắt của Trần Đăng Khoa, các nhà nghiên cứu trên cho biết đã sử dụng lại tư liệu từ tập sách Văn học dân gian Bạc Liêu do PGS. Chu Xuân Diên (chủ biên), NXB Văn nghệ TP.HCM in năm 2005. Họ kết luận: “Như vậy, về nguyên tắc chúng tôi đã sử dụng văn bản truyện kể đều có xuất xứ và ở dưới dạng tự sự và đã được công bố, xuất bản”.
Lập luận như vậy nghe có lọt tai không?
Miễn bình luận, rác tai người nghe, mỏi mắt người đọc. Chỉ trích lấy ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Thực ra, những chuyện cẩu thả như thế này trong các công trình được gọi là khoa học, cứ dựng lên để vét tiền dân vẫn diễn ra như cơm bữa, chán đến mức chẳng còn muốn nói nữa. Nhưng ở đây nó lại liên quan đến một tác phẩm của tôi, một tác phẩm đã in đi in lại nhiều lần và nhiều người cũng đã biết nên tôi buộc lòng phải lên tiếng, kẻo rồi có bạn đọc lại hiểu lầm, lại tưởng là lão Khoa đã đạo văn, mà đạo văn từ khi mới nứt mắt. Một công trình khoa học, một cuốn sách công cụ đòi hỏi sự chính xác và tính khoa học rất cao mà ngay từ những trang đầu đã lởm khởm và cẩu thả đến như thế thì liệu công trình ấy có tin cậy được không?
Thật kinh hoàng!”.
Chẳng biết từ bao giờ sự nghiên cứu khoa học của ta lại đẻ ra cái tư duy quái đản như thế? Cứ lấy sách người này đã viết, người kia chép lại. Nếu đúng thì không sao, nếu sai là sai dây chuyền. Ít ai bỏ công truy tìm, kiểm tra, kiểm chứng tận gốc, văn bản gốc, tài liệu gốc để rút ra kết luận của riêng mình. Có những tài liệu quý lâu nay y vẫn sử dụng, xem như sách gối đầu giường, vậy gần đây lại phát hiện ra một chi tiết bất hợp lý. Chẳng hạn, tuần trước, khi viết kịch bản truyện tranh Chu Văn An, y đưa vào chi tiết lúc vua Trần vời thầy Chu Văn An ra Thăng Long giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử giám, bấy giờ quan Tư đồ Trần Nguyên Đán - cháu bốn đời của danh tướng Trần Quang Khải có thơ mừng:
Học hải hồi lan tục tái thuần
Thượng tường Sơn, Đẩu đắc tư nhân
Cùng kinh bác sử công phu đại
Kính Lão, sùng Nho chính hoá tân.
Bản dịch của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học:
Bể học xoay chiều, tục đổi thay
Thượng tường Sơn, Đẩu xứng ngôi thầy
Công phu nấu sử, sôi kinh lớn
Chính hóa tôn Nho, kính Lão hay
Sử sách xưa nay chép thế, y cũng chép thế. Hỡi ôi, tại sao không đặt câu hỏi, năm 1325 Chu Văn An ra Thăng Long, đây cũng là năm Trần Nguyên Đán sinh ra đời. Vậy làm sao có thơ mừng nhân sự kiện này? Quả thật Trần Nguyên Đán có làm bài thơ Hạ Tiều Ẩn Chu tiên sinh bái Quốc tử Tư nghiệp, Hoàng Việt thi tuyển có chọn, nhưng ông viết vào thời điểm nào, bối cảnh nào thì chẳng có ai tìm hiểu chu đáo cả. Vì thế, các tài liệu viết về Chu Văn An khi dẫn chứng đều không lưu ý đến chi tiết này.
Hoặc trong quyển sách có giá trị Lịch sử báo chí Việt Nam của Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng khẳng định tờ Nam kỳ địa phận ra đời vào năm 1883. Do thư viện của y có được các số báo này, xem lại tư liệu gốc nên biết thông tin trên sai. Trang bìa tờ báo Nam kỳ địa phận số 522 ra ngày 20.1.1919 cho biết, mỗi số báo dày 20 trang, khổ 14x23 cm, phát hành hằng tuần. Nhìn trên góc trái có dòng chữ “11è année” (năm thứ 11), như vậy số báo này đã ra đời được 11 năm, cụ thể năm 1908. Kiểm chứng lại từ Thư tịch báo chí Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia), quả đúng vậy.
Trường hợp của Từ điển type truyện dân gian Việt Nam cũng thế. Họ chép lại từ cái sai của người đi trước nên mới xẩy ra cớ sự oái oăm. Chỉ đáng phàn nàn, hầu hết các công trình nghiên cứu cấp Bộ đều nhận kinh phí từ Nhà nước. Nhà nước bỏ tiền để thu về các “công trình” thế này thì gay go quá.
Tại Vũng Tàu, nhân kỷ niệm 1 năm báo VTCN, từ trái: Lê Minh Quốc, Đoàn Thạch Biền (ảnh: Lâm Quốc Trung)
Sáng nay, nhận được tin anh Lâm Quốc Trung qua đời. Không rượu chè, đàn đúm chỉ khoái uống trà ngồi viết báo, làm báo lại chết vì căn bệnh của người hay rượu. Cũng lạ. Trời kêu ai nấy dạ. Biết cãi làm sao?
Có thể ghi nhận, đây là một trong những con người thông minh nhất mà y đã biết. Anh lăn lộn trong nghề in từ thời còn là cậu nhóc mới lên mười nên rất giỏi về nghề. Ngày trước, vẽ maket (maquete) lịch lốc là một bí mật, chỉ có thể “cha truyền con nối” bởi maket ấy cho phép sau khi in xong, công nhân gấp lại đúng quy trình, đưa thành phẩm ấy vào máy cắt xén là nhà in đã có hàng ngàn, hàng triệu cuốn lịch lốc. Mỗi cuốn lịch ấy đầy đủ 365 ngày trong một năm. Chính xác. Không thừa. Không thiếu. Không lẫn lộn bất kỳ một ngày nào.
Vậy anh Trung học bằng cách nào?
Ngày nọ, anh đến nhà in ở Chợ Lớn xin việc, chủ xua tay đuổi, không nhận. Anh lủi thủi bước ra, lúc ấy, bỗng có gì đó ném từ trong nhà ra, rơi cái bịch trước mặt. Anh giật mình, theo thói quen cúi xuống nhặt lấy và đút luôn vào túi. Cái gì đó? Đó là mẫu maket lịch lốc do vẽ bị sai nên người ta vứt đi. Từ miếng giấy người ta đã vứt đi, anh đem về mày mò nghiên cứu, tìm ra bí quyết cách vẽ maket, nhờ đó, anh hốt bạc bằng nghề này.
Giỏi chưa?
Chưa hết, nếu ông Moris cha đẻ của Lucky Luke biết chuyện này cũng phải thán phục cho tài trí láu cá của anh Lâm Quốc Trung. Bấy giờ, trong thập niên 1960 tại Sài Gòn, truyện tranh Lucky Luke đã được dịch sang tiếng Việt, bán rất chạy như tôm tươi. Trẻ già lớn bé nam phụ lão ấu đều khoái đọc. Nguyên bản của Moris như ta biết là không nhiều, sau một thời gian, các nhà xuất bản cạn nguồn. Biết độc giả trên thị trường đang khoái, ngay lập tức anh vẽ luôn và bán nhiều bản thảo cho các đầu nậu. Cũng nhân vật Lucky, anh em nhà Danton v.v… nhưng toàn bộ cốt truyện, lời thoại do anh “chế” ra! Ấy là chưa kể các bộ truyện chưởng, kiếm hiệp anh cũng "chơi" luôn. Rồi sau này, anh còn dịch sách, trình bày bìa sách, vẽ tranh minh họa, chụp ảnh nghệ thuật, viết bài nghiên cứu về đồ cổ v.v... Mà "chơi" ở lãnh vực nào anh cũng thông thạo. Có lần quan sát lòng bàn tay anh, thấy có nhiều đường chỉ tay chằng chịt, đan chéo rối rắm.. Bàn tay ấy đã sống với nghề báo đến mức tuyệt hảo.
Giỏi chưa?
Trong thập niên 1990, y có thời gian dài cộng tác với anh Lâm Quốc Trung làm tờ VTCN. Từ số đầu tiên đến số cuối cùng. Y phụ trách một chuyên mục chẳng liên quan gì đến sở trường: Viết bài hướng dẫn đàn bà, con gái nên ăn gì, uống gì cho da đẹp như trứng gà bóc; tập thể dục ra sao để eo nở mông thon, muốn tích trữ mỡ ở vùng bụng thì phải làm sao v.v… Tóm lại, nghệ thuật làm đẹp cho phái đẹp mà mỗi tuần, phải lấp đầy hai trang báo. Sở dĩ, y dám làm vì nhờ có tư vấn của vợ chồng ca sĩ Thu Cúc, lúc ấy, anh chị đang là chủ thẩm mỹ viện Thanh Thảo ở Tân Bình. (À nói luôn, cái nốt ruồi ngay sóng mũi bên phải, thầy bói bảo “không tốt cho đường tình duyên”, ghét quá, y cũng xóa ở thẩm mỹ viện này! Mà xóa xong cái nốt ruồi hắc ám, cà chớn ấy, đường tình ái lăng nhăng của y nào có “cải thiện” được gì đâu).
Nhờ sưu tập lại bộ VTCN (không đầy đủ) và bộ VH (cũng do anh Trung chủ biên), y mới biết anh Lâm Quốc Trung viết nhiều, ký nhiều bút danh khác nhau. Trước ngày anh mất, y có cho anh mượn để chụp lại, kể cả những bộ truyện tranh Tôn Ngộ Không, Na Tra... để anh sử lý, in thành sách gì đó. Chắc công việc chưa đến đâu. Chẳng nhớ duyên cớ nào, gặp gỡ và cộng tác lâu dài với anh. Chỉ nhớ, chính y là người môi giới Đoàn Tuấn gặp anh để sau đó, anh đứng ra làm tờ TGĐA, phụ san của tờ Điện ảnh. Lúc này, anh đã thôi làm tờ VTCN, y cũng hết cộng tác, vì thế ít gặp nhau. Ít gặp nhưng thỉnh thoảng vẫn viết cho anh những tờ mà anh đang làm... Và hiện nay vẫn nhận báo biếu hằng tuần.
Nếu nói thêm gì về anh, chỉ xin nói rằng anh là người đầu tiên lấy giấy phép từ NXB hoặc từ chính cơ quan truyền thông, từ cơ quan báo chí để thực hiện nhiều đặc san nhất. Anh đã đi những bước tiên phong của cơ chế “thoáng” vừa mở ra trong thời điểm ấy: Giấy phép của của nhà nước nhưng tư nhân thực hiện từ A đến Z. Anh là siêu “Tổng biên tập” do cùng lúc đã xây dựng nhiều ê-kip thực hiện nhiều tờ báo. Siêu T.B.T này rất khiêm tốn, anh chỉ ghi tên mình bằng bút danh "Song Mộc". Họ Lâm của anh, bộ Mộc. Với với bút danh đó, ta khắc biết. Cách làm việc của anh là giao khoán trang, khoán nhuận bút cho anh em, còn nhớ trên tờ VTCN, nhà văn Tạ Nghi Lễ phụ trách trang Tuổi mới lớn; anh Lê Tây Sơn phụ trách trang Quốc tế v.v.. Cứ tuần này giao bài, nhận tiền nhuận bút tuần trước. Không thiếu một xu. Đúng hẹn, đúng giờ. Dù phụ trách nhiều tờ báo nhưng điều đặc biệt hiếm có ở Lâm Quốc Trung là không bao giờ ra khỏi nhà, không đàn đúm bia rượu, không gái gú linh tinh. Bạn bè đến nhà giờ nào cũng được, đến là gặp, tiếp khách chỉ trà ngon hoặc cà phê. Do giỏi nghề in nên những tờ báo anh thực hiện, anh tự tay vẽ maket hoàn chỉnh một tờ báo, có người đưa xuống nhà in; bản in thử đem về, anh tự đọc, sửa luôn từ chính tả, câu cú đến font chữ... Không phải thuê bất kỳ một ai. Thậm chí công in, giấy in loại nào, mực in, in nhà in nào... anh tính toán chu đáo.
Cái giỏi của anh làm báo bán chạy, nhưng không chạy theo thị hiếu rẻ tiền. Không thèm kiếm tiền bằng công thức "tiền, tình, tù, tội..." mà hiện nay nhiều tư nhân làm báo đang thực hiện triệt để, khiến độc giả có tư cách không dám đem về nhà, bởi sợ con em mình đọc thì ngộ độc như chơi, uổng công nuôi nó ăn học nên người. Tờ báo nào của anh Lâm Quốc Trung làm cũng có thể lưu trữ để làm tài liệu về sau. Đến nay, theo y, bộ V.H của anh làm với giấy phép của Bộ VHTT thời đó có thể xem như một mẫu mực về nghề.
Nghe tin anh Lâm Quốc Trung mất, tự nhiên lại nghĩ đến một thế hệ tư nhân làm báo sau 1975. Nếu viết lịch sử báo chí Sài Gòn, không nhắc đến các anh P.C.S của tờ Tuổi Hồng, N.Đ.T của tờ Thời Văn; T.T.T với tờ Tuổi mười tám; P.H của tờ Mỹ thuật; Đ.D của tờ PNAB hoặc N.L.C v.v... thì sẽ không "vẽ" ra được cung cách làm báo của một thời. Thời mà tư nhân làm báo, điều hành một tờ báo đúng nghĩa nhưng vẫn không được gọi "chính chủ" với đúng danh xưng. Tư nhân thời đó làm báo khác bây giờ, chỉ vì họ quá yêu nghề chứ không hẳn vì lợi nhuận. Cái lý tưởng cao đẹp ấy, làm báo thời buổi này đã khác.
Sáng mai, chở anh B đi viếng anh Lâm Quốc tại nhà riêng. Tên đường nghe lạ quá, lần đầu tiên mới biết: "Gò Ô Môi". Cái tên đường nghe êm ái như thơ. Nghe đỏng đảnh như nữ sinh mười tám.
Xin vĩnh biệt anh Lâm Quốc Trung và xin chia buồn cùng gia đình.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|