Một ngày.
Lại một ngày đầu tuần. Không có gì mới. Đến một lúc nào đó, cảm giác về thời gian sẽ mất đi. Chẳng náo nức đã cuối tuần hay đang thứ bảy. Thời gian đó, việc làm đó. Bất kể ngày thứ mấy trong tuần. Đường phố đó. Cửa hàng đó. Chỗ ngồi đó. Gương mặt đó. Tất cả lướt qua. Rõ nét. Mờ nhạt. Công việc đó. Cảm hứng đó. Kim đồng hồ nhích dần. Từng giờ. Nắng xuống. Chiều lên. Đêm đang tới. Quyển sách trên tay. Thả qua một bên gối. Mắt nhắm. Giấc mơ không hình tượng rõ rệt, lúc có lúc không, nhớ nhớ quên quên. Bừng con mắt dậy. Công việc đó. Ly cà phê đó. Bàn phím đó. Những con chữ ùa trên màn mình như vãi thóc ngoài cánh đồng. Hạt lép. Hạt mẩy. Kiếm sống bằng nghề viết. Chẳng thể có đồng tiền nào khác công việc đổi chữ. Nghề lương thiện. Đủ sống. Vậy đã may. Còn khối người phải bán sức lao động bằng cơ bắp, mồ hôi, cả máu để kiếm miếng ăn mỗi ngày. Còn khối người phải bán cả tư cách để kiếm chút danh bèo bọt mỗi ngày...
Trước kia cứ nghĩ, một ngày không đọc báo chắc chắn sẽ không thể sống nổi. Sẽ lạc hậu thời cuộc. Sẽ như người rừng xuống phố. Ngây thơ thật. Gần đây, hầu như đã bỏ hẳn thói quen đó. Nếu có cũng chỉ lướt vài thông tin trên mạng. Là đủ. Đã ngấy. Không phải bận tâm gì nhiều. Đã có thể tập trung làm việc. Lúc ấy, việc đầu tiên là cắt internet. Trở về riêng mình. Một mình một cõi. Nếu không có quyết liệt ấy, sẽ đọc lan man, cái này rủ rê cái kia đến bất tận thời gian với vô số thông tin thượng vàn hạ cám. Chẳng ích gì. Những thông tin u ám quá dù muốn dù không, lâu ngày, dần dà cũng khiến nhìn cuộc đời bằng con mắt khác. Cái nhìn chỉ muốn buông xuôi. Những tị hiềm tham ô. Những đấu đá tham nhũng. Tanh những máu. Những đảo chính cung đình tanh những máu. Nghe phát mệt. Ngồi nghe bàn luận, tranh luận. Muốn ói. Giữ sự yên lành trong tâm hồn không dễ. Nhất là thời buổi này. Những giá trị đã xáo trộn. Ma ma phật phật. Người người ngợm ngợm.
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm
(Cung oán ngâm khúc)
Sáng vào cơ quan. Nhận được quà từ một vùng quê Quảng Nam, chưa biết mặt, gửi tặng tập sách Người ăn chay (NXB Trẻ) của nhà văn Hàn Quốc Han Kang, Hoàng Hải Vân dịch. Trang đầu tiên là nét chữ học trò, “Chúc chú Q sinh nhật thật vui. Lúc nào cũng tìm được niềm vui và tiếng cười trong cuộc sống:
Khi vui chẳng để vui lâu
Khi buồn cũng đủ nỗi buồn qua mau”
Thói quen “biên tập” trỗi dậy, đọc ra rằng:
Khi vui, chẳng đủ vui lâu
Khi buồn, buồn lại qua mau nỗi buồn
Câu kế tiếp: “Tặng sách cho một người am hiểu về văn học và sách như chú quả là không dễ. Nhưng cháu hy vọng chú sẽ thích cuốn sách này”. Cảm động câu này nên ở cơ quan tranh thủ đọc luôn. Ai đã đọc tập truyện này chưa? Kể tóm tắt: Có một người đàn bà tên là Yeong-hye sau một giấc mơ, thấy máu nên không thể ăn thịt được nữa. Dù chồng và cả gia đình cô cố ép nhưng không thế. Ông bố bực lắm, tát hai cái vào mặt cô. Anh chồng kể tiếp: “Ông gạt cả tay con gái, ấn miếng thịt vào mồm vợ tôi. Cô ấy mím chặt môi, miệng phát ra tiếng rên. Có vẻ như cô ấy muốn nói gì đó nhưng sợ mở mồm ra thì bị miếng thịt tống vào nên không thể nói được… Ông bố vợ cố ấn miếng thịt vào mồm con gái đang vật vã khổ sở. Ông bành miệng bằng ngón tay nhưng không thể làm gì với hàm răng nghiến chặt”.
Mọi người chạy đến can ngăn, cô ta thoát được sự hung tợn của ông bố. Định quay ra cửa bỏ chạy, nhưng cô tiện tay cầm con dao gọt hoa quả, cứa vào động mạch. “Máu từ tay Yeong-hye phun ra như vòi nước”. Lập tức, cô được đưa vào bệnh viện. Tất nhiên, anh chồng phải là người trực chăm sóc vợ. Một lần, do quá mệt anh ngủ thiếp đi, lúc dậy không thấy vợ đâu bèn hoảng hốt đi tìm. Cô ngồi ở sân bệnh viện. Anh chồng nhìn thấy “Vợ che nắng chói chang trên trán mình bằng tay trái còn vết dao”. Tay phải thì sao? Một chi tiết lạ lùng. Lạ đến độ khi đọc, y hoàn toàn không nghĩ ra: “Tôi tõe bàn tay phải đang nắm chặt của vợ. Một con chim đang bị ấn chặt cổ từ lòng bàn tay cô rơi tuột xuống ghế băng. Một chú chim, màu trắng, lông rụng xuống lả tả. Vệt máu loang lổ dưới vết răng thô bạo như bị loài thú ăn thịt nào đó mổ”.
Lạnh cả xương sống.
Nếu ai đã đọc, nắm bắt đầy đủ các tình tiết cụ thể sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao lại có chi tiết này?”. Đại khái câu chuyện là thế, chỉ kể loáng qua của 58 trang in. Chỉ mới là phần 1, còn hai phần nữa. Sẽ đọc tiếp. Sách dày 200 trang in. “Tại sao lại có chi tiết này?” Câu hỏi còn bám theo đến lúc về nhà. Trên đường đi, y nghĩ lan man chuyện nọ xọ chuyện kia. Đầu Ngô mình Sở. Nghĩ rằng, đầu bếp và nhà văn có giống nhau không? Quả quyết rằng giống.
Chỉ với một miếng 1 gram thịt bò tươi roi rói, tay đầu bếp thiện nghệ có thể chế biến thành miếng bít tết thật ngon. Không chỉ ngon vì miếng thịt, còn vì xà lách, khoai tây, bánh mì, nước chấm, các trình bày món ăn…, thậm chí còn vì không khí trong quán nữa. Ăn xong, dù no nê, vẫn còn thèm. Cũng với miếng thịt bò chất lượng như thế, dù có là 1 kg đi nữa nhưng rơi vào tay đầu bếp vụng về, chỉ nhai một miếng đã chán. Buông đũa. Đứng dậy. Tay nghề của nhà văn cũng vậy. Miếng thịt bò là chi tiết. Có những truyện ngắn chỉ một, hai chi tiết nhưng viết giỏi, có nghề, người đọc còn ám ảnh mãi. Chi tiết keo dán sắt trong Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đọc rợn người là một trong muôn vàn ví dụ. Có những truyện ngắn nhiều chi tiết nhưng đọc xong chẳng đọng lại gì. Sự chuyên nghiệp và nghiệp dư ở đó chăng?
Chiều nay. Mây xám.
Vớ tay lấy cuốn giai phẩm Giữ thơm quê mẹ, đọc loáng thoáng. Tập san này do NXB Lá Bối chủ trương, nhà thơ Hoài Khanh phụ trách, số 1 phát hành vào tháng 7.1965. Số 2 có truyện ngắn Một bức chân dung (hồi ức văn nghệ thì đúng hơn) của nhà văn Sơn Nam. Trong đó, có chi tiết hay: “Lúc bấy giờ, tôi ở miền Hậu Giang, vùng đất thênh thang, trên bờ có lúa, dưới sông có cá. Giặc Pháp ít ruồng bố. Tôi được thong dong, nghiên cứu văn nghệ, và tập làm văn nghệ, đi theo cơ quan “văn hóa kháng chiến”. Đó là một tổ chức. Nhưng làm sao tổ chức được những người mang nặng máu… giang hồ! Người lãnh đạo thường nhắc nhở vấn đề nội quy, kỷ luật, phòng gian bảo mật, kế hoạch sáng tác 3 tháng, 6 tháng… Vài bạn của tôi thích bàn cãi. Thời gian chứng minh rằng những kẻ ưa cãi vả, khen chê ấy là những “ông quan văn nghệ”, sáng tác quá ít và quá dở. Nguồn cảm hứng như mây bay gió thổi, con người làm văn nghệ giống như dòng sông linh động phản chiếu. Tổ chức người làm văn nghệ thành một khối chặt chẽ, thiệt chẳng khác nào múc nước bằng hai tay hoặc bằng cái rỗ. Thế nào nước cũng chảy tuôn ra ngoài khuôn khổ”.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|