LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 9.8.2013

 

Quyển sách đó nằm chỗ nào? Có trời mà biết. Trước sách ít, còn ngăn nắp, phân loại dễ tìm. Nay vô phương. Bốn bề là sách. Biết tìm đâu? Quyển sách này có in nhiều bài diễn văn nổi tiếng của các nhân vật lừng danh. Trong đó, có Adolf Hitler. Chỉ đọc qua bản dịch nhưng rõ ràng Hitler có lối trình bày vấn đề rất lôi cuốn, thoạt đầu có những điều ta không tin, còn nghi ngờ nhưng dần dà lại bị thuyết phục. Với Hitler, chủ nghĩa phát xít Hitler là một tội ác, bởi đã xiển dương một quan niệm man rợ về chủng tộc: Có chủng tộc “thượng đẳng” và ngược lại. Vớ vẩn. Trên trái đất này mọi dân tộc đều bình đẳng. Các màu da đều bình đẳng. Các sắc tộc nào cũng có Thiện và Ác. “Cái Đẹp và cái Thiện liên kết mọi người. Cái Ác và cái Xấu chia rẻ họ” (L. Tolstoi). Mẫu số chung ấy, giá trị ấy bất biến, hiểu thế, để thấy rằng địa cầu vốn không phân chia biên giới. Từng chủng tộc người phân chia ranh giới địa lý vùng miền và sẵn sàng bảo vệ từng “tấc đất, ngọn rau, ơn chúa” đến hơi thở cuối cùng.

Sáng dậy sớm, ngồi nghĩ vẩn vơ một chút về chuyện đó, bởi trời đang đẹp và cũng do đọc mẩu tin về bộ ảnh đồ họa "The Difference Between Hanoi and Saigon" (Sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn) của Lê Duy Nhất -27 tuổi, sinh viên thiết kế đồ họa. Chắc chắn địa lý vùng miền, văn hóa, sắc tộc… ảnh hưởng rõ rệt đến tính cách con người. Đành rằng, bất kỳ sự so sánh nào cũng khập khiểng nhưng nếu nhìn ở góc độ trào lộng, tếu táo vẫn có thể chấp nhận được. Chấp nhận bởi so sánh để làm rõ hơn nữa khái niệm của sự vật, chấp nhận nó chứ không phải miệt thị, đối kháng, phê phán, dè bĩu.

Thử hỏi, Đông - Tây có khác nhau không?

Ông Yuan Zuzhi (1827-1898) người Trung Quốc, sang châu Âu năm 1883 rút ra vài điều như:

“Ở Trung Quốc, hôn hít là một trò dâm uế; ở phương Tây ôm nhau, hôn vào miệng là một cử chỉ lịch thiệp và tôn trọng nhau.

Ở Trung Quốc, phụ nữ mặc quần áo để bảo vệ thân thể, họ sẽ cảm thấy hết sức hổ thẹn nếu để lộ một phần nào đó của thân thể; ở Viễn tây, phụ nữ để hở vai, hở ngực nhưng không để ai thấy được đồ lót của mình.

Ở Trung Quốc, vai trò của người đàn bà là phục vụ, săn sóc chồng; ở phương Tây, chính người vợ lại ra lệnh, điều khiển, người chồng phải vâng theo. Phụ nữ Trung Quốc cảm thấy bất bình, tủi nhục khi bị ngắm nghía, bình phẩm về nhan sắc. Ở phương Tây, phụ nữ lấy làm thích thú khi được bất cứ ai ngắm nghía, quan sát tỉ mỉ cho đó là một vinh dự.

Ở Trung Quốc, món chính được ăn trước, sau đó mới đến các món canh; ở Viễn Tây, món súp lại được đưa ra trước.

Gọt vỏ trái cây, rau củ, người Trung Quốc đưa lưỡi dao ra phía ngoài; người phương Tây đưa lưỡi dao về phía mình.

Ở Trung Quốc, màu trắng là màu tang tóc, màu đỏ là màu của cưới xin, của việc vui mừng; ở phương Tây màu trắng là màu của cưới xin vui mừng, còn màu đen là màu tang tóc.

Ở Trung Quốc, các gia đình khá giả trích trữ thóc lúa, hàng hóa đầy nhà kho; còn ở phương Tây thì các nhà giàu đua nhau gửi tiền ở ngoài.

Ở Trung Quốc, người ta rửa mặt và tay sau khi ăn; ở Viễn Tây thì rửa rồi mới ăn”.

Cái sự liệt kê này có thể còn dài ngoằng nữa, nhưng thôi. Bàn chuyện "nhà mình" vẫn hay hơn. Gần đây, người ta thường so sánh giữa Sài Gòn và Hà Nội. Đã đọc đâu đó. Nhớ nhớ quên quên. Sau đây, ý kiến của nhiều người, từ nhiều nguồn. Chắc gì đã đúng nhưng không phải là không thú vị. Còn tranh cãi chán. Ngẫm lại có đúng không?

Hà Nội: Đạp xe chở hoa đi bán dạo; Sài Gòn: Hoa bán trong nhà.

Hà Nội: Món ăn đường phố là gánh hàng rong; Sài Gòn: Dùng xe đẩy.

Hà Nội: Ngày Tết hoa đào; Sài Gòn: Hoa mai.

Hà Nội: Mưa kéo dài dầm dề giống tính tình cô gái Hà Nội âm ỉ, dai dẳng; Sài Gòn: Chỉ trong chốc lát, giống tính tình cô gái Sài Gòn đỏng đảnh nhưng mau quên (?)Tongue out.

Hà Nội: Khi ra ngoài phố ăn mặc chỉnh tề; Sài Gòn: Ưa sự thoải mái, tiện lợi.

Hà Nội: Nhiều hồ rộng; Sài Gòn: Nhiều kênh rạch, chỉ có mỗi… hồ Con Rùa (!)Foot in mouth

Hà Nội: Chiếc mũ cối bộ đội thời chiến tranh vẫn còn sử dụng; Sài Gòn: Không hề.

Hà Nội: Sử dụng cách nói nhiều ẩn ý, bóng gió, khéo léo sâu sắc, đằm thắm. Sài Gòn: Nghĩ gì nói nấy, thoáng, thoải mái, nói rồi là rồi.

Hà Nội: Món ăn nào của người Sài Gòn đã "nhập cư"?

Sài Gòn: Ngoài lẫu dê, cơm sườn, bánh mì lề đường, hủ tiếu, bánh mì bò kho… còn có các món ăn của Huế (bún bò, bánh căn, bánh bèo, bánh nậm), Nha Trang (bún cá), Tây Ninh (bánh canh Trảng Bàng), Vũng Tàu (bánh khọt), mì (Quảng Nam)... và tất nhiên cũng không thể thiếu các món đặc trưng của Hà Nội mà người Sài Gòn “kết model” như phở, canh bún, bún đậu mắm tôm, miến gà…

Hà Nội: Đi thong thả nhưng thỉnh thoảng vượt đèn đỏ. Sài Gòn: Đi hối hả tất bật nhưng luôn giảm tốc độ khi tới ngã tư.

Sài Gòn ít có phở quát, cháo chửi hơn Hà Nội. Tongue out

Người ta thích vào Sài Gòn sinh sống nhiều hơn ra Hà Nội

Hà Nội: Nhiều đánh giày; Sài Gòn: Nhiều bán vé số.

Hà Nội: Chuộng hình thức; Sài Gòn: Chú trọng nội dung, hiệu quả.

Hà Nội: Đi hai bước gặp một quán trà đá vỉa hè; Sài Gòn: Đi hai bước có một quán café.

Hà Nội: Buổi sáng, một cốc trà nóng vỉa hè; Sài Gòn: Một ly cafe đen nóng.

Hà Nội: "Tiệc tùng" ở hàng quán hạn chế, buổi chiều thường chỉ "lai rai" ở nhà. Sài Gòn: Bất kể lúc nào có thể, “chơi xả láng sáng về sớm”.Undecided

Hà nội: Có… cháo lòng tiết canh Laughing;  Sài Gòn: Có… KFC Laughing!

Hà Nội: Cơm bụi có bát nước rau dầm sấu không lấy tiền; Sài Gòn: Tô canh khổ qua hai ngàn rưởi.

Sài Gòn: Bạn dửng dưng khi thấy cô receptionist cúi gập người chào bạn; Hà Nội: Bạn xúc động đến sững sờ khi thấy ai đó nói lời cảm ơn.

Hà Nội: Các bác xe ôm có thể mặc đồ vest đứng chờ khách bên Bờ Hồ; Sài Gòn: Có thể mặc quần short, dép lê đàng hoàng bước vào Rex.

Hà Nội: Cốc trà đá của mấy bà hàng nước giá năm trăm đồng; Sài Gòn: Cốc trà đá đó có thể pha làm bốn ly nhưng miễn phí

Hai con đường đôi vắng vẻ với tán lá xà cừ rậm rạp đầy tiếng ve trong những trưa hè - giống nhau đến lạ: Đường Hoàng Diệu (Hà Nội) - Tôn Đức Thắng (Sài Gòn).

Khi hai cô gái cùng thích một món đồ giống hệt nhau, con gái Hà Nội: "Tớ với ấy cùng mua nó nhé?"; con gái Sài Gòn: "Ấy mua rồi à? Vậy tớ sẽ chọn thứ khác".

Khi nói với một cô gái: "Thế em có yêu anh không?", con gái Hà Nội: "Nếu nói không thì sao?"; con gái Sài Gòn: "Tại sao lại không nhỉ!"

Khi vừa thanh toán xong tiền cho cave, cave Hà Nội: "Cho em xin thêm 10 nghìn để còn đi xe ôm về?; cave Sài Gòn: "Em bớt cho anh 10 ngàn, lần sau nhớ kêu em nha..."

Hà Nội: "Dạ vâng!"; Sài Gòn: Đã "Dạ" thì khỏi cần "Vâng".

Hà Nội: Sở hữu rất nhiều tiền là giàu có; Sài Gòn: Giàu có là tiêu pha rất nhiều tiền.

Hà Nội : Cắt ngang trái chanh; Sài Gòn : Cắt dọc hai bên, bỏ phần giữa.

Sài Gòn: Tô hủ tíu mì được bưng ra với tô được đặt trên chiếc đĩa; Hà Nội: Bát phở gà được khuyến mại với ngón tay cái của con bé bưng bê vừa nhúng vào đó.

Cái sự liệt kê này có thể còn dài ngoằng nữa, nhưng thôi. Chiều nay mưa. Lại mưa. Trời đất thoáng mát. Ngắm mưa không? Hỏi chỉ để mà hỏi. Đã từ chối đi Đà Lạt với Fahasa nhân khai trương nhà sách ở đó. Xa quá. Nghĩ ngồi xe mất hút một ngày mà ngại. Ngó lại trên bàn, tập bản thảo thơ Dự thi chủ đề về nông thôn mới đang nằm chình ình. Tranh thủ đọc thôi. Sắp đến hẹn lại lên rồi. Chưa biết thù lao ban giám khảo bao nhiêu nhưng nhìn bản thảo đã ớn. Dày cộm. Chữ chi chít. Không có ai để rủ ngắm mưa thì đọc thơ vậy. Đã cuối tuần.

Sáng mai làm gì?

 

L.M.Q


Tái bút: Tình cờ vào facebook của Trần Hoàng Nhân thấy chữ viết của ai bay bướm quá, xinh tươi quá, thơ mộng quá nên bèn "tịch thu" luôn cái hình này .Cool


tran-hoang-nhan

Chia sẻ liên kết này...

Add comment