LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.7.2013


 

Trời không nắng cũng không mưa,

Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung

Ơ hay, thơ Hồ Dzếnh mà nhiều trang mạng lại nhầm sang Huy Cận. Sài Gòn sáng nay, tưởng chừng như thu Hà Nội. Đã có mắt biếc, môi son khoác áo ấm xuống phố. Những sắc màu tươi mới. Lòng y lại chùng xuống. Cứ để ý mà xem, hễ lúc nào vùng đất phương Nam có chút rét ngọt, chỉ đủ mím môi trong gió sớm là y như rằng một nơi nào đó đang có bão. Hơn hai mươi năm trước, y là “chuyên gia” đi cứu trợ bởi lúc ấy, phóng viên nam trong tòa soạn chỉ loe ngoe vài mống. Năm nào cũng về miền Trung, hoặc một vài tỉnh miền Bắc và đem theo “lá lành đùm lá rách”.

 

bia-sach-R

 

Nhờ đi nhiều, y cảm cay đắng rằng, đôi dép sử dụng ở Sài Gòn, có khi còn bền lâu hơn cái nhà ở vùng quê y. Sống cái nhà, chết cái mồ. Vun vén, chắt bóp từng đồng, từng xu xây dựng kiên cố. Chỉ mùa sau, bão tới, tất cả lại bứt móng cuốn treo theo lũ lụt. Bài thơ viết ngày tháng đó, sáng nay, vọng về trong trí nhớ. Có một chút bùi ngùi. Có một chút nhớ lại thời trai trẻ đã viết những câu thơ bên dòng sông Thu Bồn vào một chiều hiu hiu rét. Bão vừa tan. Lũ vừa rút. Lụt vừa đi. Xám một vòm trời rơi rớt từng vạt mưa trắng xóa. Ghi vào sổ tay:

Đôi dép mua ở Sài Gòn

Hai năm “cứu trợ” vẫn còn y nguyên

 

Quê nhà - nhà mới dựng lên

Bão năm nay đã xô nghiêng mái nhà

 

Sài Gòn - xứ Quảng bao xa

Hai vùng đất ấy lại là ngược nhau

 

Cái nhà trôi xuống biển sâu

Còn đôi dép vẫn bền lâu đến giờ

Sáng nay, vào cơ quan đã nhận sách tặng của NXB Văn hóa Văn nghệ, Trẻ. Đã nhận được tập sách Cỏn con và bé xíu của tác giả Trần Thị Nhung. Ngày ra mắt Sóng đưa nước, Nhung là người đến sớm nhất, chung vui với nàng và sau đó, viết bài giới thiệu đăng trên tạp chí Mẹ yêu bé. Bài viết hay. Chơi với bạn thân tình. Vì thế, y gửi tặng Tôi và đàn bà, như một cách cám ơn lần nữa bởi chắc đã có Ve vãn Sài Gòn rồi. Nào ngờ, lại nhận được Cỏn con và bé xíu. Vậy là vui. Đang đọc.

 

conconvabexiu

 

Năm kia, gặp nghệ sĩ hài Xuân Hương và khen bài viết trên SGGP. Trong đó, bạn y viết, đại khái, khi gặp những người bạn của ba mình, trong lòng tự nhiên thấy quý mến bởi họ đã từng gắn một phần đời sống tinh thần với người cha. Suy nghĩ của Xuân Hương chắc nhiều người cùng tâm cảnh.

Ngày xưa, sát bên tiệm vàng của mẹ y ở chợ Cồn là bà Sáu bán nho Mỹ và nhiều người khác nữa. Không nhớ hết tên. Thỉnh thoảng ra chợ chơi, mẹ đi đâu đó là y ngồi giữ hàng. Vậy mà mẹ luôn dặn: “Chị Sáu coi hàng giùm”. Bẵng đi vài chục năm. Vật đổi sao dời. Mẹ và bà Sáu gặp nhau tại Sài Gòn. Thỉnh thoảng bà Sáu sang nhà chơi, trò chuyện, ăn trầu rồi về. Dịp cuối năm, bao giờ mẹ y cũng hỏi, có chai rượu nho mô ngon đưa cho mẹ một chai sang biếu nhà chị Sáu. Tình nghĩa như bát nước đầy.

Lại có thêm bà Năm Tình nữa, lâu rồi không thấy ghé nhà. Hỏi mẹ mới biết bà bị tai biến mạch máu não đã hai năm rồi. Bà nhỏ thó, cận thị, lưng còng, chống gậy, tai lảng, nói chuyện rổn rảng. Khi đến trước cửa nhà, chó sủa vang trời là bà luôn gọi: “Chị Năm ơi chị Năm! Tui đây!”. Có lần ngồi tiếp chuyện, thấy trong túi áo bà ba của bà chẳng biết bỏ cái gì mà dày cộm, lại còn ghim thêm kim băng nữa. Chắc là tiền hay giấy tờ quan trọng? Y tò mỏ hỏi. Thì ra đó là giấy học trò mà con trai của bà cẩn thận ghi tên người cần liên hệ, số điện thoại, số nhà để rủi bà có đi lạc thì họ đưa về giúp. Thường, mẹ và bà Năm Tình nói chuyện lâu, có khi cả buổi sáng. Hai bà già lụ khụ những chuyện gì chẳng rõ, chỉ biết thỉnh thoảng cười. Nụ cười mém mép của người già trông thương lắm. Như trẻ thơ. Sở dĩ thế vì ở tuổi già, lòng đã hết sân si, nhìn cuộc đời nhẹ nhàng hơn, độ lượng hơn, bụi trần không vương vấn. Trẻ con cũng vậy. “Thơ là tuổi thơ của loài người còn sót lại”, Trần Mạnh Hảo viết thế, nhớ mang máng vậy.

Đêm qua, đúng là ngốc dại. Đi tìm mãi không ra cái điện thoại đã vứt lăn lóc đâu đó mấy năm rồi. Để tìm một số đang cần. Tìm mãi không ra bèn xuống nhà hỏi mẹ. Mẹ có thấy đâu không? Vậy là nửa khuya, bà cụ lọ mọ đi tìm. Hết tìm góc này, sang kiếm góc nọ. Tìm đâu ra bởi chính y đã tìm mấy hôm nay rồi. Đêm đã khuya, bèn bảo, thôi tắt đèn ngủ đi mẹ, chắc mất rồi. Ấy mà, bà cụ vẫn không nghe. Tự nhiên thấy ân hận vì câu hỏi không đáng ấy. Chỉ làm bà cụ thêm lo lắng. Sáng sớm, vừa bước xuống nhà đã nghe nói, mẹ tìm cả đêm nhưng không ra. Thấy rưng rưng. Đêm qua, y cần một số điện thoại để hỏi han đôi điều. Đành chịu. Mất ngủ cả đêm. Cái tính y nó thế, đã làm cái gì là quyết phải xong. Xong mới có thể sang việc khác.

Sáng sớm, viết bài thơ cho nhẹ lòng.

Viết nhật ký là nhằm ghi chép lại những gì xẩy ra trong ngày mà mình quan tâm. Sự quan tâm ấy phải đồng hành cùng xã hội, cùng cộng đồng nếu chỉ là những ghi chép vụn vặt, vặt vãnh của cá nhân, chẳng ai thèm quan tâm dẫu người viết có là “ông trời” đi nữa. Nhiều người hỏi, ủa cái chuyện ca sĩ nọ vừa bị tố mượn tiền, lừa tình đang ồn ào rổn rảnh, bình luận tóe loe trên mặt báo sao không thấy anh ghi một dòng nào? Đơn giản, y không quan tâm và cũng không muốn bạn đọc của mình quan tâm đến những tào lao ấy.

Nhật ký là viết cho riêng mình. Nó chỉ chia sẻ cho người ngoài, khi cái riêng ấy phản ánh được cái chung nhằm tâm tình với bạn đọc, từ góc độ cá nhân. Vì lẽ đó, những gì thuộc về riêng tư chẳng ai dại gì viết trong nhật ký. Có chuyện chỉ một người biết. Vậy là đủ. Vậy đừng ngại, khi đọc.

Mà viết nhật ký cũng là một cách trình bày về quan niệm sáng tác, về cảm nhận nghệ thuật, cuộc sống... nếu là người viết là dân viết lách.

Ngày nọ, anh Trần Phá Nhạc đưa cho mượn nhật ký của cụ Vương Hồng Sển. Cụ viết kỹ từng ngày với các món ăn trong ngày. Y chợt dừng lại với trang viết, tóm lược như sau: Ngày nọ cụ nhận lời viết bài nghiên cứu về sân khấu hát bội, cải lương. Người ta ứng tiền rồi. Mọi tài liệu đã chuẩn bị xong, chỉ chờ có hứng là viết. Viết nhanh thôi Đến lúc có hứng, cụ ngồi vào bàn viết, cảm thấy tư liệu lung tung cả lên, cái có cái không, chẳng đâu vào đâu. Bí rị. Gõ máy đánh chữ được vài chữ thì hư ru - băng, kẹt giấy…

Đêm đó, cụ nằm ngủ chợt mơ thấy bà Năm Sa Đéc hiện về, bà khuyên chồng không nên viết về đề tài này bởi vợ đã mất, khó có ai giúp cho chồng hiểu sâu hơn về chuyên môn, hậu trường nghề hát. Giật mình tỉnh dậy, cụ toát mồ hôi hột. Thầm khấn bà Năm Sa Đéc. Qua ngày hôm sau, kỳ lạ chưa, mọi thứ lại đâu vào đấy, vẫn với tài liệu ấy, cụ viết luôn một mạch.

Tin hay không tin chuyện “duy tâm” này? Những chuyện này kể lại trong nhật ký là hợp lý nhất.

Nhật ký của y cũng vậy. Chỉ đơn giản những gì xẩy ra trong ngày hôm đó mà y quan tâm.

Chẳng hạn, trang web của y sáng nay đã chính thức ra mắt chuyên trang media. Hoành tráng nhỉ? Chẳng hạn, ghi nhận tình bạn thơ, từ Cà Mau vừa nhắn tin, các anh thích mắm cá đồng hay ba khía để em gửi lên? Xúc động ghê, bèn hấp tấp nhắn lại, ba khía đi em, anh nghe nói ba khía ăn với cơm nguội rất ngon. Nhận câu trả lời, em gửi lên anh và anh Biền, anh Thức luôn nha. SmileHehe.Tongue out Chà, cái điệu này Vĩnh biệt mùa hè phải có một quyển cho H.T.K rồi đó anh Thức ơi!

Chiều qua mưa, ngồi cà phê T.N làm kịch bản cho MC Phương Huyền của Đài TNND TP.HCM. Buổi phát giải cần một kịch bản chu đáo. Đã xong. Đã nhận lời phát biểu cho HTV, VTV trong ngày phát giải thi thơ facebook. Chiều mai, từ Hà Nội, anh Nguyễn Trọng Tạo và Hồng Thanh Quang vào Sài Gòn. Vậy xôm tụ. Ban giám khảo không thiếu một ai. Sáng nay đã phát biểu cho Đài TNVN về vài thời sự văn nghệ. Chiều nay, nhận lời mời tham dự hội nghị tổng kết của Fahasa. Ngó mông lung ra ngoài cửa sổ và viết:

Một ngày sắp cạn

Nỗi nhớ vẫn Nàng

Online một chút

Gió chiều hoang mang...

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment