Những chai rượu trên bàn. Hiên ngang. Kiêu hãnh. Ngay hàng thẳng lối. Sẵn sàng. Sẳn sàng vì cuộc vui của nhiều người đến mừng một người vừa Vĩnh biệt mùa hè. Cuối cùng chỉ là những chai rỗng. Không một giọt men nào lưu luyến ở lại. Tất cả, tất cả trôi vào tiếng nói cười trên một sân thượng lộng gió của một ngày cuối tuần. Trôi vào mây trắng trên đỉnh trời xa tít. Trôi vào hư không. Từng giọt rượu cứ trôi. Trôi qua khoảng thời gian ồn ào và lặng lẽ. Hạnh phúc chỉ có trong khoảnh khắc. Đời người rồi cũng trôi đi. Không còn tăm tích. Trôi đi và mất đi. Bạn bè có sách mới, anh em đến chung vui. Giữ lại hạnh phúc của nhau. Chia sẻ nhau sự nhọc nhằn của con chữ. Chữ viết từ bàn in đầu tiên của năm 1990, nay vẫn còn mới. Chúc mừng anh Nguyễn Đông Thức. Chúc mừng Vĩnh biệt mùa hè. Có nhiều lời chúc mừng chân tình, thành thật để bắt đầu bước vào cuộc nhậu. Từng giọt vàng, sóng sánh trong ly trắng. Men say bốc lên từ lưỡi. Và loang dần lên óc. Và trôi đi.
Bây giờ đi nhậu là vui
Khuya là khuya của ngậm ngùi lẳng lơ
Em là cỏ dại non tơ
Tôi là tôi của vật vờ tháng năm
(Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Vĩnh biệt mùa hè)
Nhậu chơi tri kỷ tri âm
Tri thiên mệnh đã được cầm trong tay
Trên trời lơ đễnh mây bay
Sao ta phấn đấu uống say làm gì?
(Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Vĩnh biệt mùa hè )
Em ngoan vú mọng xuân thì
Thôi thì, thì vậy... Vậy thì... thì em
Khuya chìm từng giọt nhẹ tênh
Có em thì mới là đêm vợ chồng
(Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Vĩnh biệt mùa hè)
Thưa rằng, đi nhậu vui không?
Đêm khuya men rượu mềm lòng cũng vui
Ngày sau cát bụi buông xuôi
Ông trời nhìn xuống ngậm ngùi Lưu Linh
(Nhà văn Nguyễn Đông Thức & diễn viên Quang Đại - người đóng một vai trong phim Vĩnh biệt mùa hè từ năm 1992)
Nhậu không? Ta nhắm với tình
Tình này? Vâng ạ, hữu hình vô ngôn
Nhậu không? Trái đất vẫn còn
Không nhậu? Chai rượu hết tròn lại vuông
(Nhà văn Đoàn Thạch Biền)
Chẳng khoái vui chẳng sợ buồn
Buồn vui là thuở cởi truồng tắm mưa
Ngày xưa đã hóa ngày xưa
Say sưa quên béng tuổi vừa năm mươi
Nhậu không? Người nhậu với người
Không người, tôi lại cười ruồi với tôi
Đăm đăm ngó mắt và môi
Mắt môi thơ dại buồn vui thế nào?
Nhân và Ka nói, đã hơn ba tuần rồi đó anh? Ừ. Thốt ra một cách ngậm ngùi. Hứa vẽ tặng cho Ka bức tranh, mừng nhà vừa tân trang lại. Lại hẹn Xu lúc có nàng. Thế là say ngất ngây mà vẫn còn nhớ đến đường về. “Cánh cửa mở ra / cánh cửa khép lại / cái kẹt nửa chừng / là tình thơ dại”. Tự nhiên lại nhớ đến câu thơ của Hoài Anh. Cánh cửa mở ra, vẫn chú cún mừng rỡ và phía góc kia vẫn con mèo đang nằm khèo nhàn rỗi. Giờ này mẹ đã ngủ. Online một chút. Đỡ buồn. Những con chữ nhảy múa trên bàn phím. Nhẹ tênh. Mệt nhọc. Chìm sâu vào mộng mị.
Đêm qua, cầm sách tái bản của anh Thức. Lại nhớ đến bà cụ, mẹ anh Thức. Bà Tùng Long, nhà văn. Lúc nhỏ, anh Thức tâm sự, sau này sẽ theo nghề viết, bà cụ đã can: “Mẹ thấy sống với nghề viết làm sao nuôi nổi vợ con?”. Anh đáp: “Con theo nghề báo của Thầy, nghề văn của Mẹ, sau này sung sướng thì nhờ, cực thì con cũng ráng chịu”. Và bây giờ, đã cho thấy sự lựa chọn này là đúng. “Đã mang lấy ngiệp vào thân”. Cầm bút, chẳng phải nghề, ấy là nghiệp.
Sinh nhật Bà Tùng Long (từ trái: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Bà Tùng Long, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc)
Trong thư viện của y còn nhiều báo của thời trước 1975. Đọc và biết ngày đó, có nhiều người ký bút danh bắt đầu như Bà hoặc Chị. Cuối cùng chỉ còn lại mỗi một Bà Tùng Long. Trên văn đàn miền Nam thập niên 1950 - 1960 ta thấy có nhiều nhà văn giương cao ngọn cờ cách tân, đổi mới. Họ thử nghiệm nhiều khuynh hướng sáng tác, muốn làm mới sự biểu hiện của văn chương. Trong số đó phải kể đến nhà thơ Thanh Tâm Tuyền - người đã đi trước một bước so với các cây bút cùng thế hệ. Thế nhưng đến một lúc nào đó, nhìn lại sự đóng góp của cây bút nữ: Bà Tùng Long, chính Thanh Tâm Tuyền phải thốt lên những lời thán phục vì sự lựa chọn bền bĩ, vì một quan niệm văn chương không chạy theo trào lưu văn học thời thượng lúc bấy giờ.
Thật vậy khi cầm bút, hầu hết các nhà văn đều có “tham vọng” bày tỏ về một quan niệm trong sáng tác của riêng mình. Nhưng với Bà Tùng Long lại khác hẳn. Bà tuyên bố: “Tôi là nhà giáo, tôi viết văn để nuôi con”. Đơn giản quá. Bình dị quá. Ừ! Cứ cho là như thế. Phải là người trong cuộc, phải là người câm bút thì mới thấm thía được sự nhọc nhằn của con chữ, của từng dòng chữ miệt mài trên trang giấy từ ngày này qua tháng nọ.
Ở Bà Tùng Long, điều đáng khâm phục là bà đã bền bĩ cùng chữ nghĩa suốt cả một cuộc đời. Viêt đối với bà là lẽ sống. Nhân vật của bà cũng từ đời sống này bước vào trang văn. Vì thế nó gần gũi, thân mật và có chung tiếng nói với người đọc. Những nhân vật ấy với những bi kịch của hôn nhân, của tình yêu đôi lứa… được viết từ những thập niên trước, nhưng nay vẫn còn được người đọc chia sẻ. Bởi những tình huống “nhỏ to tâm sự” ấy không bao giờ cũ. Thế hệ này có thể khác thế hệ trước nhiều thứ nhưng trong tình yêu thì họ cũng gặp những “ca” nan giải như nhau. Bà Tùng Long đã bắt mạch được điều để từ đó tác phẩm của bà có sức sống lâu dài. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà nhiều, rất nhiều tiểu thuyết của bà như Mẹ chồng nàng dâu, Vợ lớn vợ bé, Bóng người xưa, Đời con gái… đã tái bản đồng loạt. Còn tái bản dài dài.
Thêm môt điều đáng ghi nhận khác ở Bà Tùng Long cần phải nhắc lại: Bà là nhà báo tiên phong “gỡ rối tơ lòng” cho bạn đọc. sau này trên nhiều báo có những bút danh như Anh Bồ Câu, Chị Huyền Sương, Chị Hạnh Dung, Chị Thanh Tâm, Anh Cỏ Cú… hoặc những chuyên mục như “Thì thầm chị em”, “Nhỏ to tâm sự”, “Tình huống hóc xương” v.v… cũng là những người đi sau Bà Tùng Long, nói cách khác là họ tiếp nối công việc mà bà đã thực hiện thành công trên báo chí miền Nam từ thập niên 1960.
Lúc nhà văn Bà Tùng Long hồi ký, anh Thức thường kể, bà cụ cho biết đoạn khó nhất vẫn là viết về mối tình đầu. Đây là một trong những bài thơ tình của nhà thơ, nhà báo Hồng Tiêu viết, bà đã nhớ và mang xuống tuyền đài:
Gió lọt sương sa ngọn nến mờ
Trăm chiều tâm sự rối đường tơ
Đường trong gang tấc, trời đôi ngã
Tình nặng non sông, giấy một tờ
Vườn cúc gió lồng hoa nép mặt
Non thần mây khuất khách đường mơ
Hỡi người tri kỷ hay chăng tá
Có biết lòng ai nỗi đợi chờ…
Tình yêu, khi được nuôi dưỡng bằng cảm xúc của thơ, trải qua năm tháng giọt mật của hân hoan, buồn vui từ thống khổ của Đời vẫn còn đọng lại. Không mất đi. Chút thiên thu còn mãi. “Đó là mối tình đầu tiên và cuối cùng của tôi”. Bà cụ cho biết.
Về bút danh Bà Tùng Long, bà cụ giải thích: “Các vị nho học của chúng ta có câu “Vân Tùng Long, Phong Tùng Hổ” nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp... Tôi tên Vân cho nên lấy bút danh Tùng Long. Và khi ký bút danh này, tôi thấy không trùng với ai, cho nên tôi dùng luôn đến nay. Vì ký bút danh Tùng Long, tôi sợ độc giả hiểu lầm tôi là đàn ông, cho nên tôi thêm chữ Bà vào để phân biệt”. À, quên hỏi anh Thức, tựa tác phẩm đầu tay Ngọc trong đá của anh, bà cụ có "tư vấn" gì không? Nếu có thì hạnh phúc quá. Sinh mình ra, cha mẹ đặt tên; khi mình có đứa con tinh thần đầu đời, mẹ đặt tên cho nó. Trên đời, có mấy nhà văn được vậy?
Nhắc đến nàng, Nhân và Ka nói, đã hơn ba tuần rồi đó anh? Ừ. Thốt ra một cách ngậm ngùi. Y tự hỏi:
Đăm đăm ngó mắt và môi
Mắt môi thơ dại buồn vui thế nào?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|