LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.7.2013

 

Sáng nay, tình cờ đọc một bài viết trên mạng, có đoạn: “Nhà thơ Lê Minh Quốc, vốn rất thân với mình. Anh  tài hoa, làm thơ viết văn hay khảo cứu, đều hay. Mưa, mình lại nhớ đến 4 câu ngắn của anh, 4 câu nằm trong một bài thơ dài, hình như là có tên Tình cờ đọc lại bài thơ cũ, Lê Minh Quốc viết: “Thơ viết thời con gái/ Đọc lại vẫn còn duyên / Cũng như em - tôi nhớ / Từ cái nhìn đầu tiên”. Đây không phải là những câu quá hay của anh, nhưng cực kỳ chính xác”. Rất tiếc không ghi tên tác giả nên chẳng biết là ai? Các trang mạng thường copy bài của nhau, cái tệ hại chẳng hề ghi tên tác giả bài viết. Bài thơ trên viết từ thời còn sinh viên. Mấy chục năm rồi. Lúc đó đang yêu ai nhỉ? Những hình bóng thoáng thoáng đến. Gần và xa. Buồn và vui. Lòng không thù hận. Chỉ còn là kỷ niệm. Trong tình yêu dù có phản trắc đớn đau, chia lìa tuyệt vọng cũng không thể ươm mầm thù hận. Nếu có, đó không phải tình yêu. Chỉ là sự chiếm đoạt bất thành.

Chiều qua, đọc nhật ký ngày 11.7.2013, Đoàn Tuấn comment:

Thời trẻ sục sạo rong chơi

Về già nhật ký mới lôi viết dần

Chữ “lôi” cho hợp vần, nhưng nghe ra cũng thô kệch và thật thà quá Tuấn nhỉ? Ủa, y già rồi à? Trả lời rằng:

Viết thì viết, chơi thì chơi

Chơi với viết, có tách rời được đâu?

Tiếc thầm những giọt mưa rơi

Tan trong nắng chẳng một lời phiêu du

Viết chơi, chơi viết vi vu

Cũng như cát bụi mịt mù lãng quên

Rồi cũng lãng quên thôi. “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa” (T.C.S). Những giọt mưa đọng trên trang sách cũ. Vàng ố. Nghìn sau lật lại. Vẫn có thể hình dung ra sự lãng quên của ngày ấy.

Ngày hôm qua, đọc linh tinh trên mạng mới biết có cô giáo nọ làm luận văn thạc sĩ thạc siếc gì đó về thơ của nhóm Mở miệng. Báo chí phê phán dữ quá. Các em sinh viên cũng phản đối. Tại sao phản đối? Ở đây không bàn chuyện về quan điểm chính trị, tùy lựa chọn mỗi người. Phản đối bởi do sự tục tĩu của cách dùng từ, trong thơ. Tất tần tật những từ, những chữ trong giao tiếp không ai dám mở miệng nói ra, nếu không muốn ăn một cú tát. Khi viết, người ta phải tự ý thức tìm một từ khác nếu không muốn bạn đọc xé toẹt ném luôn vào sọt rác. Nay, họ sử dụng “nguyên con” ở trong thơ, một cách hãnh diện.

Choáng thật.

Trang nhật ký này không tội gì phải dẫn chứng. Hóa ra y có quyền xem thường bạn đọc của mình à. Thưa, không. Chỉ ngẫm nghĩ rằng, loại thơ ấy mà có một cô giáo viết tiểu luận, một cô giáo hướng dẫn tiểu luận, một hội đồng khoa học ngồi chấm tiểu luận, một trường đại học tổ chức bảo vệ tiểu luận đặng xúm sít  nhau vung vít những từ, những chữ mà con người ta chỉ có thể nói thì thầm trong phòng the hoặc chưởi bậy trong lúc giận dữ.

Ô hô! đại học Việt Nam đó ư?

Dù có nhân danh bất kỳ sự vẻ vang nào, cao đạo nào về thơ, về sáng tạo, về cách tân hiện đại ú ớ gì nữa cũng không thể lôi những từ gớm ghiếc, tục tĩu ấy vào trang viết. Nếu muốn ư? Cứ việc, nhưng đừng nhồi nhét trong đầu các em sinh viên. Tội nghiệp các em chứ! Vậy mà có lũ người ngồi săm soi, phân tích, bình phẩm, bươi móc lên ngửi, rồi tung hô ca ngợi, rú lên mừng rỡ như một sự phát hiện mới mẻ của nền thơ nước Đại Cồ Việt. Chao ôi! Tội nghiệp cho các em sinh viên của nước nhà nếu chúng phải thọ giáo, học hành với những người đứng trên bục giảng có tư cách như thế.

Văn học có tách rời ra khỏi chính trị? Không, quyết là không.

Khi Sơn Nam viết Truyện ngắn của truyện ngắn bằng câu chuyện rề rà, không đầu không cuối, rời rạc những mẩu đối thoại mệt mỏi, nhát gừng bàn phiếm chuyện trên trời dưới biển để làm gì? Y hỏi tác giả Hương rừng Cà Mau, ông đáp, đại khái, ấy là một cách nhằm phản ánh tâm trạng trí thức miền Nam lúc ấy, khi họ chứng kiến sự hùng hổ của quân đội đồng minh vừa đổ bộ của vào miền Nam. Họ ngỡ ngàng chứng kiến và sống trong chống chếch, bơ vơ, lo ngại, e dè chưa biết lúc ấy, thời điểm ấy phải có thái độ ứng xử như thế nào.

Thậm chí, trước các sự kiện thời sự mỗi ngày đang lôi cuốn trí thức tham gia hoặc phản đối, Sơn Nam lại quay sang viết khảo cứu về chuyện xưa tích cũ, cũng là một cách bày tỏ thái độ chính trị đấy thôi.

ban-in-2006nguyen-dong-thuc-2006

Vĩnh biệt mùa hè, bản in năm 2006

 

Nghệ thuật vị cái gì? Vị cái gì cũng được. Nhưng cái gì thì nghĩ cho cùng, nó cũng không thể thoát ly ra khỏi quỹ đạo chính trị. Mỗi nhà văn chọn cho mình một thế đứng. Đừng buộc họ phải có tư thế giống mình. Nhưng dù tư thế gì, trang viết ấy cũng không cho phép nhà văn ném cái sự thô lậu, tục tĩu vào mặt bạn đọc. Bạn đọc thời nào cũng khôn ngoan. Hậu quả, chính người viết phải nhận lấy lại những cú đấm hục hặc, lòng hận thù, tiếng chưởi thề của chính họ.

Nghĩ vậy, càng thấy quý Nguyễn Nhật Ánh. Sự lựa chọn của anh khi quay về tuổi thơ với tất cả hồn nhiên, hướng thiện, trong trẻo như suối nguồn là cần thiết. Ít ra cho chính con em của y, cho lũ nhóc thế hệ này. Tác phẩm khác của bạn bè y cũng vậy. Vĩnh biệt mùa hè của anh Nguyễn Đông Thức vừa tái bản. Tái bản lần thứ 5 do Công ty Phương Nam và NXB Phụ Nữ phối hợp thực hiện. Chừng 20 năm trước đây, từ Vĩnh biệt mùa hè,  đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng thành phim nhựa cùng tên với dàn diễn viên nổi tiếng như Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh... ; rồi phim truyền hình VTV phát sóng bộ phim 12A & 4H (3 tập) do Bùi Thạc Chuyên đạo diễn. Chưa hết, đọc tác phẩm này ông nhạc sĩ Giọt nắng bên thềm, Lối cũ ta về... khoái quá bèn phổ ca khúc Vĩnh biệt mùa hè cũng được công chúng yêu thích v.v.. Rõ ràng, sức sống các tác phẩm của anh Thức còn bền.

Vậy, thứ bảy này nhậu chơi đi anh?

Còn có lời “gài độ” nào đáng yêu hơn không?

Y quả quyết rằng không.

 

ban-in-nam-2013

Vĩnh biệt mùa hè, bản in năm 2013

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment