Thế nào là một buổi sáng đẹp khiến lòng vui tươi như đứa trẻ lên mười?
Mỗi người có một cách lựa chọn.
Có thể, bừng con mắt dậy đã ba chân bốn cẳng chạy một mạch xuống phố mua ngay bát cháo gà, đem về đặt lên bàn, rồi rón rén bước lên phòng ngủ, nhỏ nhẹ gọi vợ: “Thức dậy ăn sáng em à”. Rồi, xếp chăn màn tươm tất. Có thể, bừng con mắt dậy, dù sáng ấy có cuộc họp vào lúc 8 giờ, rất quan trọng, không thể vắng mặt, vậy mà vẫn tranh thủ ủi giùm vợ cái váy, tìm giúp cả đôi hài… Lúc cả hai bước ra khỏi nhà, dù cơ quan ở hướng Bắc nhưng vẫn chở nàng xuống hướng Nam điểm tâm, rồi vòng qua hướng Đông cho nàng vào công ty. Sau đó, tất nhiên không thể ghé chợ mua luôn một bó hoa hồng đỏ thắm, tạt sang hướng Tây tặng một người, rồi mới phóng hết tốc lực đến cơ quan làm việc.
Đàn ông gương mẫu và chỉnh chu như thế rất đáng khen.
Mẹ của Lê Minh Quốc (từ phải: Lê Minh Quốc, mẹ và em trai)
Y chả có gì đáng khen cả.
Một buổi sáng đẹp, với y, lúc thức dậy, từ trên nhà bước xuống đã thấy cửa mở, có tiếng quét sân, có tiếng bơm nước… Nghĩa là mẹ y còn khỏe, bà cụ đã làm mọi việc hằng ngày. Điều này khiến y yên tâm. Bao giờ y cũng thức dậy trễ hơn. Lo lắng nhất vẫn là lúc mỗi sáng thức dậy, bà cụ vẫn còn nằm trên giường. Như thế, chỉ có thể là ốm đau. Y lo sót vó.
Một buổi sáng đẹp, với y, lúc thức dậy, đã thấy mẹ đi chợ về. Mỗi ngày, mẹ y vẫn còn minh mẫn, sức khỏe. Vẫn đi chợ. Chợ Nguyễn Đình Chiểu. Chỉ băng qua đường TQĐ là đến chợ. Chợ nhỏ. Bày bán không thiếu một thứ gì. Có những bài thơ được viết do đã có nhiều lần quan sát mẹ đã mua những gì. Thật lạ, người đàn bà từ bé cho đến lúc gần đất xa trời vẫn không rời xa cái chợ. Ra chợ chỉ vì chồng, vì con, vì tấm lòng thương yêu vô bờ bến. Cảm nhận được điều thiêng liêng ấy, y viết "Thơ của mẹ". Mẹ y cũng làm thơ đấy chứ:
Mẹ đã đi chợ về
Hồng tươi con cá quẫy
Như câu thơ ngũ ngôn
Nhịp nhàng và mềm mại
Kìa bài thơ thất ngôn
Là chùm đào trĩu trái
Tôi cầm đưa môi hôn
Nhớ quê nhà xa ngái
Kìa thơ tình cỏ dại
Là những bó rau xanh
Nằm trên bàn tay mẹ
Lem luốc bụi thị thành
Kìa vần thơ lục bát
Là những ký gạo ngon
Hạt ngọc từ xứ Quảng
Phiêu lạc đến Sài Gòn
Kìa bài thơ tứ tuyệt
Là nước mắm đậm đà
Từng giọt thơm điếc mũi
Sực nhớ lắm quê nhà
Mỗi ngày mẹ đi chợ
Đem về vô số thơ
Qua bàn tay nội trợ
Cưu mang con từng giờ
Từng ngày trôi mải miết
Sống trọn vẹn với thơ
Nhưng thơ con bất lực
Dù nuôi mẹ trong mơ
Trăm năm như chớp mắt
Mẹ đã đi chợ về
Sống chung với mẹ nhiều năm, nhận ra rằng, dù ở bất kỳ nơi nào, trong ẩm thực của người đàn bà Quảng Nam không bao giờ bỏ được thói quen: Uống chè tươi, mỗi sáng nấu nguyên một nồi, nước sôi sùng sục, để dành uống dần trong ngày. Trong nhà, thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu cái bánh tráng nướng. Dù răng không còn, nhưng thỉnh thoảng bà cụ lại nướng cái bánh tráng trên bếp gas, nhai cho đỡ thèm. Cái bánh tráng ấy ăn nhiều chiều mới hết. Thật ra không riêng gì Quảng Nam, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... cũng đều ưa thích cái bánh tráng. Trong nhà, thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu nước mắm Nam Ô, từ ngoài quê gửi vào. Phải nước mắm không pha chế, chỉ cần dằm trái ớt xanh là ngon tuyệt. Nước mắm ngon,mắm nhỉ thường sánh, màu trong. Chạm vào lưỡi đã thấy vị mặn đậm. Mùi thơm khiến trong lòng nghe cả nhịp sóng vỗ và cá quẫy đuôi lấp lóe dưới nắng mặt trời… Thời thiếu nữ, mẹ y có ăn trầu nhưng vài chục năm nay đã bỏ hẳn. Không hút thuốc rê Cẩm Lệ như hầu hết đàn bà ở xứ Quảng.
Thật lạ, y luôn tưởng tượng ra rằng, ngày còn nhỏ, lúc ông ngoại đi làm bao giờ mẹ y cũng là người theo ra cổng và nói: “Trưa/ chiều về ba nhớ mua quà về cho con”. Thì bây giờ, tình cảm trìu mến ấy lại dành hết cho con. Mỗi sáng, y đi làm, bao giờ mẹ y cũng là người khóa cổng. Dù đang lục đục sau bếp, nhưng nghe tiếng dắt xe, bà cụ đã lật đật bước ra, chờ con ra khỏi nhà là khóa cổng. Không nói gì, chỉ nhìn vào ánh mắt, biết rằng mẹ y đang nhủ thầm: “Trưa/ chiều về nhà ăn cơm nghe con”.
Lúc nhỏ mẹ còn thơ ấu, ông ngoại ngồi ăn cơm, chỉ một mâm, một cõi riêng. Cưng lắm mới cho ngồi chung. Bằng không, chẳng bao giờ dám léng phéng lại gần. Ăn xong, không cần gọi, con cái đứng lấp ló phía sau liền lên dọn. Bây giờ cũng không khác gì. Y về đến nhà đã cơm nước đầy đủ, đậy lồng bàn chu đáo. Y ngồi ăn một mình. Xong, mẹ lại dọn. Thì ra, với người đàn bà Á Đông: “trẻ cậy cha, già cậy con”. Thuở nhỏ, cha là ông trời. Về già, con là ông trời. Ông trời này, không bao giờ mất vai trò vị trí, uy quyền cho dù có hư đốn, đổ đốn đến đâu. Cũng do từ lòng yêu thương vĩnh cữu từ thiên thu đến bất tận đấy thôi.
Thế nào là một đêm khuya đẹp khiến lòng vui tươi như đứa trẻ lên mười?
Mỗi người có một cách lựa chọn.
Có thể, lúc ấy đã khuya khoắt, chuông đồng hồ gõ gọn lỏn 1 tiếng, vừa bước vào nhà đã nghe tiếng vợ tru tréo: “Gớm thật! Giỏi thật! Sao không giỏi đi luôn mà còn vác cái mặt say xỉn tèm nhem vào cái nhà này?”, nghe thế bèn im lặng. Im lặng mà được à? Lập tức một cái ly ném vèo qua mặt, may quá, còn né được, có tiếng kêu loảng xoảng dưới nền nhà. Có người bước vào nhà, ngã bịch luôn xuống sàn nhà, vợ hoảng quá bèn lấy khăn nóng ra ướp mặt cho mau tỉnh, dù biết là vợ nhưng vẫn xua tay như đuổi tà, đã thế còn hét toáng: “Cô là ai? Cô đừng có tưởng cô đẹp, cô trẻ, cô duyên dáng, cô đoan trang, cô thùy mị, cô giỏi giang mà quyến rũ, mà dụ dỗ tôi nhá. Hãy buông ra để tôi về nhà. Tôi có vợ rồi!”. Bốn tiếng “Tôi có vợ rồi” cứ gào lên một cách thảm thiết ,hoành tráng như trong đời chỉ biết duy nhất là cơm. Vợ cảm động quá, sáng hôm sau, dậy sớm, lo chu đáo thức ăn cho chồng mà không một lời oán trách về vụ nhậu quắt cần câu đêm qua, nôn ọe đầy nhà.
Đàn ông gương mẫu và chỉnh chu như thế rất đáng khen.
Y chẳng có gì đáng khen cả.
Một khuya đẹp, với y, lúc mở cửa rón rén vào nhà. Đã quen hơi người, con mực không sủa, chỉ quẩy đuôi mừng rỡ. Chân y bước rất khẽ, thế mà vẫn nghe một giọng ngái ngủ vang lên trong tĩnh mịch: “Q về đó hả con”. Y chỉ trả lời một tiếng. Không gian lại im ắng lạ thường. Đâu đó đã có tiếng gà gáy. Đêm vẫn tối đen. Bình yên.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|