LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.7.2013

 

Chiều qua, Đoàn Tuấn ở Đà Nẵng, họp nghe báo cáo về tình hình điện ảnh. Cả hai nhắn tin liên tục. Hỏi thăm hắn về kịch bản Sống cùng lịch sử vừa được Bộ VH-TT-DL phê duyệt, đưa vào danh mục sản xuất phim truyện nhựa do Nhà nước đặt hàng năm 2013. Bộ phim này được chọn thực hiện kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có độ dài 90 - 100 phút. Hơn 20 năm trước đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã cộng tác thành công với Tuấn qua phim Chuyện tình trong ngõ, nay lại tiếp tục với Sống cùng lịch sử.

Chúc mừng bạn mình.

Trong phim có đoạn nào mới, lạ hơn các phim đã làm về Điện Biên Phủ không? Có đoạn về gái điếm ở đó. Nghe ngạc nhiên quá. Chắc lúc đó đang nhe răng cười hì hì, hắn cho biết tìm chi tiết này trong hồi ký của tướng Navarre.

 

fc058

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn (nguồn: Internet)

 

Đọc lại quyển Nous étions à Dien Bien Phu, qua bản dịch của Lê Kim thấy có đoạn này:

“Một loạt đạn 105 nổ gần trạm quân y cắt đứt những suy nghĩ của Péraud. Gần tối đạn pháo càng bắn dữ dội hơn vào phân khu Trung tâm.

Không có ánh sáng để làm việc. Đây là khoảnh khắc rất ngắn của hoàng hôn nhiệt đới.

Ánh sáng giữa ngày và đêm chuyển nhanh sang màu tối, mượt mà như những gần như có thể sờ thấy được. Trên nền đen đó, một ngọn đèn điện nhỏ lóe lên ánh sáng yếu ớt của một ngôi sao.

Nhà phóng viên ảnh Péraud thường rất tiếc chưa ghi được tấm hình nào của cảnh đẹp này trong phim ảnh.

Anh đã nghĩ đến chuyện quay về hầm trú ẩn nhưng không thấy buồn ngủ và cũng không muốn ngồi một mình trong cái hầm nhỏ như ngôi mộ này. Anh bèn đi về khu dân cư của người Thái trắng dọc theo bờ sông Nậm Rốm. Những binh lính thủ hạ của Đèo Văn Long từ Lai Châu rút về đây cùng với gia đình, đã xây dựng được một khu sinh sống tạm gọi là làng bản, nửa chìm nửa nổi, có hầm trú ẩn. Trong những ngày chờ đợi Việt Minh tiến công cái bản người Thái này thường là nơi những khách quen thuộc lui tới ban đêm.

Khi đi qua một hộp đêm, Péraud nghe thấy giọng nói lanh lảnh của những gái điếm người Việt. Nhà chứa này được xây dựng trong một khu hầm rộng để có thể hoạt động trong mọi trường hợp. Nhưng vài hôm nay, khu nhà này đã khép kín các cửa chớp. Các cô gái điếm không còn lòng dạ nào tiếp khách nữa, quay sang chăm sóc lính bị thương hoặc làm những việc lặt vặt ở bệnh xá. Những công việc này không sạch sẽ, không được trả tiền cao, nhưng rất là có ích. Mọi người đều phải nghiêm chỉnh tuân theo luật lệ quân y: cho lính bị thương uống nước, lau mồ hôi trên mặt họ, tắm rửa cho những thân hình bẩn thỉu, đổ bô, ngồi cạnh những người sắp chết…Những cô gái này đã thực hiện các nhiệm vụ một cách nhẫn nhục và với một tình thương xứng đáng với sự quản lý của bà chủ là Marie Madeleine”.

Có thể từ thông tin này chăng? Sẽ hỏi lại Đoàn Tuấn sau.

Cái chán nhất của hắn là không biết nhậu. Chỉ vài chai đã say mềm. Khi đã say, nếu có người đẹp ngồi cạnh thỏ thẻ đôi lời như mật rót vào tai, than nghèo kể khổ, lập tức máu Từ Hải đùng đùng dậy sóng, hắn ngất ngưởng đứng dậy vét sạch tiền trong túi trao ngay, ngay cả cái đồng hồ đeo tay cũng cởi ra nốt, tặng luôn! Đã mấy lần dẫn vào chốn karaoke lộng lẫy bàn tay vàng, chứng kiến vài lần nên lần nào y cũng phải canh chừng lúc hắn nổi máu mủi lòng...

Bạn y cùng thời ở chiến trường K đó, dễ thương chưa? Đọc lại vài câu thơ của Đoàn Tuấn, bởi nhớ đến hắn là nghĩ về tháng ngày 18 tuổi trong sạch, đầm đìa kỷ niệm máu thịt của một ngày. Một đời:

Chiều chôn bạn trong nghĩa trang quen thuộc

Đêm về hầm còn lại mỗi mình tôi

Tôi mới thấy xót xa thương bạn

Nằm bên ngoài Tổ quốc dưới mưa rơi


Tôi không thể sống thiếu người đã mất

Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi

Tổ quốc nặng sâu hơn bởi tình yêu mảnh đất

Đất bên ngoài Tổ quốc, Việt Nam ơi!


Có phải một mảnh đời tôi ở đó

Một mảnh đời ý nghĩa nhất của tôi?

Tổ quốc - nơi tôi sinh ra và lớn lên cùng bạn

Đất của đời tôi lại chính đất bên ngoài

 

Dẫu nghĩa trang đã chuyển về Tổ quốc

Đất muôn năm vẫn ở lại nơi này

Ở lại nơi lần đầu tiên nằm xuống

Hơi thở cuối cùng lẫn xứ lạ cỏ cây...


Những câu thơ viết từ thời chiến trường. Vẫn nhớ. Trong sổ tay vẫn còn những câu thơ của một thời tuổi trẻ. Nhớ ơi là nhớ. Sắp đi Điện Biên chọn cảnh chưa Tuấn ơi? 

Mấy hôm nay đã cày xong. Nghỉ ngơi một chút. Lại cày tiếp. Công việc không khác người nông dân trên đồng cạn dưới đồng sâu. Đôi khi chẳng rõ để làm gì. Thì, sống là phải thế. Phải làm cái gì đó. Nếu không thời gian trôi qua vô vị, đêm nằm ngẫm lại công việc một ngày lại thấy vô bổ, vô ích, vô tích sự quá. Mấy hôm nay online mới biết máy vi tính xách tay của nàng đã hư. Mua máy mới chưa cưng?

Cuộc thi thơ facebook đã kết thúc. Nghe T.H.Nhân nói nên mới tìm đọc một bài viết của nhà thơ nọ. Định trao đổi lại, nhưng thôi, bởi do đọc comment này trên trang của anh N.T.Tạo: “Gặp ai cũng chửi, cuộc thi của các em trẻ cũng chửi. Chửi quá quen thói rồi. Chó cắn càn. Riết rồi như chó điên, gặp ai cũng cắn. Trang web uy tín này pót lại lời chưởi này làm gì?”. Quả thật, trên đời có những người như thế, bất kỳ cái gì, ai làm gì cũng có thể ngoác mồm ra phán xét, phê phán vô tội vạ, vô trách nhiệm. Cứ như Chí Phèo. Chê ư? Quá dễ. Tìm ra cái hay, khen đúng mực mới là khó. Gặp cái người mà lúc nào cũng hậm hực hục hặc với đời, ganh ghét, chê ỏng chê eo với người thì cách tốt nhất né xa. Miễn bàn.

Sáng nay trời đẹp. Phở thôi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment