LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.7.2013

 

Sáng hôm qua đến cơ quan. Vui vẻ. Huýt sáo. Nhìn thấy ở ngã tư đường, có những em học sinh mặc đồng phục đứng hàng ngang, tay cầm tấm bảng ghi dòng chữ như “Đi trên đường, nhường nhịn nhau”; “Dừng đèn đỏ, tỏ văn minh”, “Chậm một giây, hơn gây tai nạn”, "An toàn là bạn, tai nạn là thù", "Đi đúng tuyến, dừng đúng vạch"...

Lòng thấy vui.

Một cuộc họp sáng thứ tư. Thân thiện. Cười nói hân hoan.

Lòng thấy vui.

Chính vì thế, bèn cúi xuống đọc lướt qua một chồng báo cũ mới, đủ các loại đang bừa bộn trên bàn. Con mắt chạm vào vài dòng chữ. Ngay lập tức, lúc ấy, khoảnh khắc ấy, thông tin ấy đã khiến lòng buồn xo. Lúc ấy, khoảnh khắc ấy, không gian ấy vẫn đẹp nên càng oái oăm khi vụt mất hút cảm giác tươi đẹp của một ngày.

Thông tin gì vậy cưng?

Thông tư số 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định tại quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vừa được Bộ GD-ĐT ban hành. Theo đó, các trường hợp được bổ sung vào đối tượng 3 trong chính sách ưu tiên trong tuyển sinh gồm: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng”.

Trời! Không cần phải giỏi cỡ nhà toán học Ngô Bảo Châu, ngay cả “cháu lên ba, cháu vô mẫu giáo” cũng thừa biết, bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng trước năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ tháng 1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945 là ở độ tuổi nào? Cái độ tuổi mà hiện nay làm gì còn sức "lai kinh ứng thí" nữa? Họ đã già lụ khụ cả rồi. Nói không ra hơi. Thở không ra tiếng. Chống gậy từ nhà đi ra ngõ còn khụm cái lưng. Vậy đi thi cái nỗi gì nữa hở trời?

Đọc và nghĩ.

Không buồn cười mà có cảm giác đôi khi con người ta đang lửng lơ đâu đó ở trên mây mà ban hành các quy định xem ra rất cà lăm, ú ớ. Vô tình hay cố ý? Chưa bàn vội, nhưng ít ra ra các cơ quan chức năng này cũng “chơi đẹp” với y và các nhà báo đang là đồng nghiệp của y, nếu không có những cái loại quy chế ấm ớ, cà giựt này, lấy cái gì mua vui cho bạn đọc?

Lần nào cũng thế, các cuộc trao giải Trái cóc xanh, lúc nói và ghi biên bản, bao giờ anh em cũng thòng một câu, đại khái, hy vọng năm sau sẽ không còn những hiện tượng cà chớn để ban giám khảo thất nghiệp chơi. Mà có thất nghiệp được đâu. Cứ đến hẹn lại lên. Ấy mới là đời. Ấy mới vui. Ấy mới hay. Rất hay. Hay cho đời  sống cứ vận động theo biện chứng của nó.

Chừng mươi năm trước về ĐN ăn tết. Lại gặp bạn bè. Ngồi nói chuyện linh tinh lang tang, thượng vàng hạ cám, đầu cua tai nheo, chuyện xọ chuyện kia, nói năng nhăng cuội. L.T. Hiền kể, ngày nọ một đoàn cán bộ của ta tổ chức một cuộc “ra quân” hoành tráng, rầm rộ, tiền hô hậu ủng, còi xe ầm ĩ, cờ xí rợp, tóm lại cảnh tượng ấy như thi hào Nguyễn Du miêu tả:

Đùng đùng gió giật mây vần

Một xe trong cõi hồng trần như bay

Xe nối xe và trực chỉ phóng thẳng lên huyện vùng núi, vùng cao, vùng sâu của QN tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhận quà xong, các mẹ chưởi vung trời. Tặng cái gì vậy? Có nên nói ra không? Thô tục thật. Họ tặng quần lót. Chẳng phải cố ý chơi khăm gì đâu. Chẳng qua, họ chẳng thèm kiểm tra, chẳng cần biết đang tặng cái gì. Hễ vận động được quà gì của đơn vị nào, họ cứ đóng gói đem trao mà không thèm động não suy nghĩ gì thêm.

Chán như con gián.

Chiều qua, thắc thỏm lo ngại một cú điện thoại sẽ rủ bù khú. Không có ai. May quá. Đêm qua ngủ sớm. Không nằm mơ và cũng không một cú điện thoại nào quấy rày lúc nửa khuya. May quá. Vậy là may hả cưng? Sao lại không? Nếu không may, sao đêm qua, y tình cờ đọc lại tập Sáu trăm năm Nguyễn Trãi (NXB Tác phẩm mới - 1980), trong đó có bài viết của Xuân Diệu bình bài thơ Ba tiêu của thiên tài “Bình Ngô đại cáo”:

Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm

Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm

Tình thư một bức phong còn kín

Gió nơi đâu, gượng mở xem

Đọc kỹ, ngẫm nghĩ mới thấy hay. Thâm thúy. Nhất là hai câu cuối. Hai câu đầu khó hiểu. Trước đây khi chú thích bài thơ này, từ “mầu” học giả uyên bác Trần Văn Giáp cho rằng: “Đáng lẽ là mùi mới đúng. Mùi thâu đêm là mùi hương suốt đêm”; còn “buồng lạ”, nhà văn hóa Đào Duy Anh giải thích: “Chỉ buồng chuối, so với các quả cây khác thì cũng lạ. Mầu thâu đêm: Chuối chín thơm ngát suốt đêm”. Tóm lại “buồng” ở đây là buồng chuối.

Có đúng không?

 

600-nguyren-trai

 

Nhà thơ Xuân Diệu cho biết, ông phải mất 24 năm mới có thể hiểu và lý giải theo cách khác, đại khái, “mầu” có nghĩa là mầu nhiệm; “buồng”, ta hiểu là căn phòng riêng: “Ôi! Nếu nhà thơ Ức Trai nói về sự rung động đầu tiên của giai nhân vào tuổi đương thì, việc ấy có giảm gì uy tín của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi? Bao nhiêu nhà thơ lớn trước Nguyễn Trãi ở Á Đông, ở trên thế giới đã từng nói và nói một cách trang nhã, sao lại muốn Nguyễn Trãi đừng nói, dù là nói một cách trang nhã?”. Ngẫm nghĩ kỹ, mới thấy hết sức sống, sự trinh nguyên, hăm hở, gọi mời dâng hiến và cũng đầy dục tính trong bài thơ Ba tiêu. Từng câu thơ kín đáo mà gợi cảm, gợi mở và cũng gợi dục thanh thoát tràn trề sức sống. Ôi thơ ơi! Làm thơ đạt đến sự cao siêu, tuyệt bút khó vậy thay.

Để dễ hiểu hơn tuyệt bút Ba tiêu của thiên tài Nguyễn Trãi, y sẽ nghiêm cẩn “diễn nôm” rằng: Ngày xuân, do bén hơi xuân nên hình hài, thân xác của nàng đã tốt tươi, nay lại tươi tốt hơn thêm. Thêm mơn mởn xuân tình. Thêm căng đầy sức sống. Vì thế, hương thơm tho lạ lẫm, từ nàng, đã phiêu du, phiêu bồng, lãng đãng thâu đêm trong phòng. Mà tình của nàng còn e ấp lắm, còn rụt rè lắm - tựa phong thư vẫn còn niêm kín. Hỡi trang tài tử phong lưu là gió, muốn xem thì hãy nhẹ tay, nương nhẹ nhàng…

Tự dưng lại nhớ đến cái thuở hay ngồi ở quán cà phê X.O nằm phía sau khách sạn Majestic, phía đường Nguyễn Huệ, cũng có những chậu trồng cây chuối. Nơi đó, có lúc y vẽ; hoặc leo lên phòng ngủ trưa và viết. Trong tùy bút Một chỗ ta ngồi, viết thế này: “Vâng, chỉ có những lúc ấy, tôi mới có thể tĩnh tâm quan sát những cây chuối dân dã quê khiểng, hiền lành bên cạnh mình. Không biết, tại sao lúc ấy, lúc này và lúc nào nhìn cây chuối ấy thì trong tôi lại nhớ đến những câu thơ của thi hào Nguyễn Trãi. Người xưa tinh tế biết bao chừng, khi hạ bút:

Tình thư một bức phong còn kín,

Gió nơi đâu gượng mở xem.

Thư tình viết trên tàu lá chuối, từng câu còn xanh, còn thơm, còn hương, có nồng nàn yêu nhớ. Người run rẩy. Người rụt rè không dám mở. Người chờ gió xuân đến nhẹ nhàng đến đặng “mở xem”... Tôi lặng lẽ, bồi hồi nhìn tàu lá chuối nõn và bỗng nhiên tâm hồn mình chùng xuống, như vừa được cởi rũ những bụi bặm nhỏ nhen mà lâu nay mình cứ đánh đu theo ngày tháng. Tàu lá chuối xanh vô tội giữa một không gian riêng ở Sài Gòn đã khiến tôi nhẹ nhỏm. Nhẹ nhỏm như khi nghe em: “Anh ạ, em rất yêu Sài Gòn”.

Không yêu Sài Gòn, làm sao có thể Ve vãn Sài Gòn?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment