Từ phải (đứng): Lê Minh Quốc, Trần Hoàng Nhân; từ phải (ngồi); Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Đức
Đêm qua, lại một cái cớ để có thể ngồi bên nhau mà không áy náy vì đã mất thời gian, lại chìm vào men như kẻ vô công rỗi nghề: Chúc mừng, lại chúc mừng Ví dụ ta yêu nhau, Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay. Già hết rồi. Cần có một khoảng thời gian riêng. Ngồi bên nhau và không cảnh giác. Sợ nhất lúc nhậu phải tỉnh táo mà cảnh giác. Đêm qua không thế. Cứ thế, bia phóng túng rót ào xuống đất, rượu cao hứng hất tung lên trời như lúc nàng Kiều chỉ vung tay múa bút là hoàn thành những bài thơ số dzách:
Ví đem vào sổ đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai
Câu chuyện lan man và gương mặt vẫn cũ. Anh B kể, lúc hai "cao bồi già" làm những chuyến mô tô về miền tây Nam bộ phát học bổng cho các em nghèo hiếu học, đã nghe được nhiều từ lạ, hay và ấn tượng. chẳng hạn, khi ra nông dân đồng, vớt được tôm tép, cá các loại bất kỳ, bỏ chung vào nồi kho lên ăn, gọi là món hủng hỉnh! Sáng nay, tra lại Từ điển phương ngữ Nam bộ (NXN TP.HCM) do Nguyễn Văn Ái chủ biên không tìm ra từ này. Tra thêm Từ điển từ ngữ Nam bộ (NXB KHXH) do Huỳnh Công Tín biên soạn, trang 616 giải thích: “Hủng hỉnh (dt): một loại cá nhỏ ở mương rạch, có dạng như cá lia thia, nhưng không chọi được:
Rô, trê, sặt bướm dầy dầy
Ròng ròng, hủng hỉnh lộn bày lia thia
(ca dao)”
Từ trái: Đoàn Thạch Biền, Trần Hoàng Nhân, Ngô Kinh Luân, Hà Đình Nguyên
Câu ca dao này quá hay. Nghe lạ tai. Anh B lại kể thêm, khi xẻ trái dừa ra, thấy phần trắng bên trong dày cộm, gọi cơm dừa; nếu chỉ một lớp mỏng, mềm gọi là… cháo dừa! Lần đầu tiên được nghe hai từ này. Người Quảng Nam ít gọi cơm dừa, gọi cùi dừa. Từ điển do Huỳnh Công Tín chủ biên, có câu nói minh họa “cháo dừa”: “Dừa mới váng cháo mà ăn cái gì, chỉ có uống nước là ngon” (tr.295). Vậy biết thêm từ “váng cháo”. Năm kia, đọc cuốn sách nọ của nhà văn Băng Sơn, biết món xí quách, ngoài Bắc gọi bằng cái tên rùng rợn, cam đoan nghe xong hết dám xớn xác nhào vô bàn nhậu: bốc mã!
Khiếp! Nghe nổi da gà.
Câu chuyện lan man. Lại thơ thẩn về những câu thơ đã găm trong trí nhớ:
Ôi nghìn năm trắng sương mù
Một người úp mặt trả thù thiên cơ
(Hoài Khanh)
Tôi không buồn những buổi chiều
Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai
Tưởng là thơ Nguyễn Bắc Sơn, anh B quyết không phải vì xét về phong cách rõ ràng không thể. Đúng vậy. Sáng nay mới biết, thơ của Hoàng Thị Minh Khanh.
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà
(Phạm Hữu Quang)
Giang hồ nào có ai phong ấn
Mà cũng từ quan, trở lại quê?
(Vũ Hữu Định)
Những câu thơ cứ trôi dài qua trí nhớ của Luân, Nhân, Nguyên, Biền… và té ngã sóng soài trên bàn nhậu. Nhìn kỹ, trên bàn nhậu chỉ có các câu thơ nằm la liệt như chiến sĩ xông pha sa trường. Sực nhớ câu thơ Cuộc đời vui quá không buồn được. Thơ của Tuân Nguyễn? Chắc là thế. Anh B nghiêng vào tai, nói: “Thuở mới vào nghề, có lần tôi gặp nhà văn Mai Thảo. Ổng nói, các cậu có biết vì sao bạn trẻ bây giờ viết không hay hơn thế hệ chúng tôi?”. Anh B chưa trả lời, Mai Thảo nói tiếp: “Chúng tôi xem văn chương như tín ngưỡng, vì thế, khi viết, viết bằng tất cả sự thành tín, cẩn trọng từng chữ, từng câu. Anh em trẻ, nếu xem văn chương như một thứ trang sức, trò chơi, chơi cho vui thì viết thế quái nào hay được”.
Ngẫm thấy đúng.
Chơi với người thông minh, lịch duyệt là mình đã học được đôi điều hay. Có lần, ông Sơn Nam dặn, đừng nhậu với mấy ông cán bộ hưu trí. Ngạc nhiên ghê, hỏi tại sao? Thì mấy ông đã về vườn rồi nhưng vẫn còn “ưu thời mẫn thế” lắm, nhiều ông bất mãn, mượn chén rượu là chưởi vung xích chó, phê bình cái này, ca thán cái nọ, càm ràm chuyện kia… Nghe mệt cái đầu. Nên nhậu với các em trẻ, chúng nó còn trẻ, còn hăng, đầy nhựa sống, nhìn cuộc đời thoáng đạt, nhờ vậy mình cũng lây được cái sôi nổi trẻ trung đó. Nhìn đời thấy vui hơn.
Ngẫm thấy đúng.
Chiều qua đã làm xong kết quả thơ Facebook. Chỉ còn gửi Ban giám khảo xem lại. Lấy ý kiến thống nhất. Đã xem lại bản bon tập thơ. Đã ấn định ngày phát giải. 18.7.2013. Ngày này có hên không? Trả lời anh Long: “Rất hên. Đó là thứ 5. Có 115 tác giả thơ lọt vào chung khảo, có 1.500.000 người tham dự, Ban giám khảo có 5 người, MC mặc áo dài 5 màu và biết 15 ngoại ngữ… Vậy không hên là gì?”. Nói xong, lật tờ lịch treo tường, thấy ghi dòng chữ: “Năm Quý Tị, tháng Kỷ Mùi, ngày Ất Dậu, Giờ Bính Tý, 11 tháng 6 âm lịch”.
Vậy là ổn rồi.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức
Đêm qua, trời có loáng thoáng mưa.Câu chuyện vẫn ồn ào như bắp rang. Lúc ấy, anh Thức vẫn nhắn tin. Dạo này, mỗi lúc nhậu lai rai lại thấy anh nhắn tin liên tục. Vừa nhắn tin vừa tủm tỉm. Vừa nhắn tin vừa đăm chiêu. Vừa nhắn tin vừa thẹn thùng, kín đáo. Vừa nhắn tin vừa uống bia. Vừa chơi ghita vừa nhắn tin. Hai tay cầm hai điện thoại, cả hai tay cùng nhắn tin. Tóm lại, liên tục nhắn tin. Nhắn tin liên tu bất tận. Cứ đúng 1 phút 9 giây, chuyển đi một tin nhắn. Cứ đúng 2 phút 9 giây, nhận một tin nhắn. Đều như vắt chanh. Chính xác tuyệt đối. Thách các em tuổi teen tham gia cuộc thi “Người nhắn tin nhanh nhất thế giới” với ông Vĩnh biệt mùa hè. Các em chớ dại. Nốc ao ngay thôi. Bởi ổng có thể nhắn 999, 9 ký tự chỉ trong vòng 0,9 giây! Chính xác tuyệt đối.
Ví như thi với tuổi teen
Ổng đoạt giải nhất tèng teng tức thì
Hehe, về thôi. Khuya rồi.
Cuộc đời vui quá không buồn được.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|