LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.6.2013

 

Khuya hôm nọ, lặng lẽ một mình. Một mình tách khỏi dòng tiễn đưa tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về nhà. Thấp thoáng mưa. Từng hạt mỏng manh. Nhỏ xíu. Rơi trên môi. Không đủ xóa sạch bụi bặm của một ngày bận rộn. Về đến nhà. Một mình. Chỉ có tiếng chó sủa ma vu vơ ngõ vắng. Hoay loay một lúc mà đã 1 giờ khuya. Giấc ngủ đến vội vã từ câu thơ của Huy Cận lăn ra khỏi trí nhớ nằm lạnh lẽo trên giường. Một mình:

Untitled-VAN

 

Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt

Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày

Chiếu chăn không ấm người nằm một

Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay

Sáng mở mắt dậy, tự nhiên y cảm giác chung quanh trống trọi. Vẫn ly cà phê mỗi ngày. Vẫn mắt nhìn về phía màn hình. vẫn tay gõ phím. Tự dưng rầu rầu. Thọc tay vào túi quần, có thêm một chùm chìa khóa. Lúc ấy, một cú điện thoại gọi đến, đề nghị chụp hình căn nhà của y cho bạn đọc xem chơi. Cũng hay hay. Y bảo: “Đừng kỳ vọng những gì như đã từng chụp mái ấm diễn viên, người mẫu…”. Câu trả lời từ báo TN tuần san: “Bạn đọc tò mò muốn biết căn nhà của nhà thơ như thế nào. Lại nghe thiên hạ đồn rằng, nhà anh là cả một thư viện sách”. Ậm à ậm ừ một lúc rồi gật đầu luôn. Đã từ lâu, y không thích sống với cái quan niệm đã lỗi thời, đại khái, văn nghệ sĩ là có quyền bạt mạng và... không thèm đọc sách. Đọc bài viết Cha tôi của nhà văn Phan Thị Vàng Anh thấy thấm thía:

“Một ngày của cha tôi bắt đầu vào lúc bốn giờ. Cha tôi dậy sớm để nấu cơm, nấu nước, rồi sắp vào một cái khay con, một đôi đũa, một cái bát… xong hết mới gọi tôi dậy ăn.

Cha đã để sẵn nước sôi trong nhà tắm, dắt sẵn xe đạp ra ngoài sân… Làm xong hết những việc ấy, cha đi học bài.

Cha học cho đến lúc mẹ dậy. Học thơ, thơ từ cổ chí kim, của bất cứ ai, miễn đáng gọi là thơ, học kịch, học văn, học văn chương và học cả những gì dường như văn chương không bao giờ thèm đụng tới. Cho đến lúc gần bảy mươi, cha tôi vẫn là một học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa”.

Câu kết là lời dặn dò nhà thơ Chế Lan Viên: “Học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”. Học để thành người”.

Chiều nay, qua lại căn nhà của mùi hương tràn trề dục tính. Mở cánh cửa. Bước vào. Sững người trong chốc lát. Không một âm thanh quen thuộc của một người. Chỉ là mùi của nhớ đầm đìa cảm giác. Chiếc ghế nệm này. Đã nằm quen. Nằm không khéo có thể lọt xuống sàn nhà. Vuốt ve. Mơn trớn. Chìm vào giấc ngủ. Được sống lại thuở học trò như trong thơ Huy Cận:

Trốn tránh bơ vơ chạy ngủ lang,

Hồn ơi! Có nhớ giấc trần gian

Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,

Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?

Chiều nay cũng trong căn phòng này. Một mình. Nằm một mình đọc sách. Tìm thấy quyển Quán văn chủ đề Đinh Cương - Thi sĩ của hoài niệm (NXB Thanh Niên). Tò mò lật từng trang. Từ hình thức đến nội dung không có gì phải phàn nàn. Vẫn là những cây bút quen thuộc: Huỳnh Hữu Ủy, Đỗ Long Vân, Bùi Giáng, Hoài Khanh, Trịnh Công Sơn, Doãn Quốc Sỹ, Đặng Tiến. Luân Hoán…. Sực nhớ trước đây, ở miền Nam chỉ vài có tạp chí văn học nghệ thuật như Khởi hành, Văn học, Thời tập… mà nổi tiếng nhất có lẽ ấn phẩm Văn. Chỉ cần một bài thơ, truyện ngắn được Văn chọn đăng có thể xem như đã được cấp visa bước vào con đường văn chương. Loại tạp chí này dành phục vụ cho SVHS, những người trí thức… Có lần hỏi anh Phan Kim Thịnh, chủ bút báo Văn học, thời đó, báo của anh được bạn đọc vùng miền nào tiêu thụ nhiều nhất? Anh cười khà khà, phát âm giọng Phủ Lý (Hà Nam) cho biết chính là khu vực miền Trung.

Có một điều lạ, hiện nay hầu hết Hội văn học nghệ thuật của các tỉnh thành đều có “cơ quan ngôn luận” . Ấn phẩm chỉ có thể lưu hành nội bộ. Đố có thể béng mãng ra ngoài sạp. Nếu có ra cũng chỉ nằm phơi nắng tênh hênh không một ánh mắt nào liếc qua. Do đó, có được đăng cũng chẳng mấy ai biết đến. Đã qua rồi cái thời của tạp chí Sông Hương, Cửa Việt… với vai trò của Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Bửu Chỉ… Dân văn chương không đọc tờ báo văn chương là điều có thật. Báo Văn nghệ của đã qua rồi cái thời của Nguyên Ngọc. Nhìn tờ Quán văn, tự dưng bùi ngùi bởi ấn phẩm này chỉ in vỏn vẹn 1.000 cuốn, không có hệ thống phát hành và rất kén độc giả. Ai sẽ đọc?

Thỉnh thoảng nhận bài báo của các em sinh viên khoa báo chí gửi đến cộng tác. Đọc xong, lòng buồn rười rượi. Và không thể tin vào mắt mình. Điều gì đã tạo ra những lứa sinh viên như hiện nay? Có lẽ do báo chí mà y là một trong những người bền bĩ theo nghề đã góp phần chăng? Cứ nhìn trên các phương tiện truyền thông, sẽ thì rõ lớp trẻ hiện nay đang được thưởng thức món ăn tinh thần gì. Có lẽ do nền giáo dục chăng? Con trai của người bạn y làm báo NLĐ kể rằng, khi du học Mỹ, qua đó, bài luận đầu tiên em bị điểm rất thấp. Tại sao? Cô giáo ra đề là trên báo sáng nay có sự kiện nào mà em quan tâm nhất, hãy bình luận sự kiện đó? Trời, một cách ra đề quá giỏi và phù hợp với khơi gợi được sự sáng tạo của học sinh…

Thôi, không nghĩ ngợi gì nữa. Y dán mắt vào Quán văn. Cũng khó có thể đọc được gì. Bởi không một tiếng cười nói quen thuộc vang vọng đã từng càu nhàu, xét nét, cau có, than phiền, phê bình, mệnh lệnh... Tự nhiên y lại nhớ.

Một ngày trôi qua chóng vánh. Chưa kịp lật bàn tay đã sắp vụt mất một vòng quay của hăm bốn tiếng đồng hồ. Kể từ hôm nay lại bắt đầu “những ngày thương nhớ online”. Một mình.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment