LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.6.2013

Hồi họp lật từng trang. Thơm mùi giấy mới. Những con chữ nhảy múa như nắng như mưa như gió như tình yêu như ngày tháng của Quách Tĩnh yêu Tiểu Long Nữ đã chạy vào mắt. Tràn trề. Đắm đuối. Y là người trước nhất cầm quyển sách đầu tiên vừa chở từ nhà in về NXB Trẻ. Y vội vã đứng ngay giữa ngã tư đường tấp nập ngựa xe, ngay lúc ấy, đứng ngay chỗ ấy và đọc một hơi đến hết 184 trang sách. Thiên hạ đi ngang qua bấm còi inh ỏi. Mặc kệ. Y cứ đứng đọc. Hả hê. Sung sướng.

ve-van-sagon-1-R

Bạn đọc Ve vãn Sài Gòn

 

Cuộc ra mắt sách Ve vãn Sài Gòn đã thành công. 200 cuốn sách đã bán hết sạch. Người đến tham dự đông như trẫy hội. Nhiều người chậm chân không có chỗ ngồi, không mua được sách. Sau ngày ra mắt sách, y đã xóa bỏ khá nhiều số điện thoại. Bạn bè chơi, từng ăn nhậu với nhau, lúc cần có mặt lại "mất hút con mẹ hàng lươn" thì chơi với ai? Dịp đám cưới, tang ma, thôi nôi, tân gia, đầy tháng, ra mắt sách... đã có lời mời nhưng không đến. Liệu có phải là bạn? Nghĩ làm gì cho mệt. Xóa luôn số. Vậy cho khỏe. Đỡ nghĩ ngợi. Đang chờ hình do Nghĩa Phạm chụp để post lên trang web. Vãn cuộc bèn kéo nhau nhậu nhẹt lai rai. Cũng vài gương mặt bạn bè. Rượu vào lời ra. Anh Biền đọc câu đối:

Gái Quảng Nam quản nam Nam Định

Câu này, anh cho biết do vợ thách đối. Đúng y chang trường hợp gia cảnh của anh. Anh em đang nhậu hào hứng nhậu bỗng im lặng lắng nghe. Nghe xong, bèn ngưng ly và mỗi người tản ra một nơi. Ngồi trầm ngâm. Nhăn mày nhíu trán. Vò tai nghiến tóc. Lật từ điển tìm nghĩa. Moi óc tìm chữ. Ghi ghi chép chép. Gạch gạch xóa xóa. Cả một không gian bỗng im ắng lạ thường. Nghe cả tiếng mưa rơi ngoài cửa sổ.  Nghe tiếng máy lạnh chạy ò è. Thời gian lặng lờ trôi qua. Cuộc nhậu đìu hiu như câu thơ của Huy Cận:

Nắng xuống, chiều lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu

Chừng hai tiếng đồng hồ sau, không ai bảo ai, tất cả đều đứng lên đồng thanh hô to. Như hô khẩu hiệu lúc ra quân tấn công chốt tiền tiêu trên đỉnh Danrek của thời y đi bộ đội. Tiếng hô rền vang cả quán nhậu:

- Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.

(Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước).

Tiên sinh Biền cũng bó tay.com. Thêm vài ly nữa và chia tay. Đấy! Ăn nhậu mà nói chuyện chữ nghĩa, hoạch họe nhau về từ, ngữ nghĩa chỉ có nước giải tán sớm. Tóm lại vế thách đối này quá khó. Ai có thể đối lại được? Nếu được, Chị Đẹp sẽ tặng luôn 100 quyển Ve vãn Sài Gòn!

Nhân vụ câu đối này, mọi người gặng hỏi về vụ câu đối mà y đã kể trong nhật ký 21.6.2013. Cụ thể ra làm sao? Thì đây: KTNN số 116 phát hành ngày 15.8.1993, chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây có câu hỏi: “Xin HT cho biết ai và báo nào đã đăng và thách đố câu sau đây:

Đến Củ chi, chỉ cu, hỏi củ chi

Nếu có thể xin chuyển hộ câu đối của tôi đến báo đó hoặc tác giả của câu đó. Câu của tôi như sau:

Vượt Cù Mông, cồng mu, phải cù mông

(Đèo Cù Mông nằm giữa Phú Yên và Bình Định)”

Trả lời: Về chuyện này, HT đã phải một phen tẽn tò. Chuyện xẩy ra đã lâu. Một hôm anh Phạm Vũ, cũng là cộng tác viên của KTNN cho chúng tôi biết bà Kim Hạnh, bấy giờ còn là tổng biên tập báo Tuổi Trẻ , đã ra một câu đối: “Chỉ cu anh, hỏi củ chi” và hứa hễ ai đối được bà sẽ thưởng cho một năm báo Tuổi Trẻ đọc chơi. Không biết vì nhớ thiếu hay vì vội vàng. Anh bạn chỉ đọc lên vẻn vẹn có 6 tiếng trên. Ngay hôm đó, HT đã có vế đối lại, chỉ xin bạn và bạn đọc đọc mà đừng có… chửi:

Mò đóc chị, mâng mồng đó”.

Đại khái là thế. Không cần phải trích hết câu trả lời này.

Lập tức báo PNTP.HCM số ra ngày 18.8.1993 có bài Vụ án văn hóa trong chuyên mục Chuyện phiếm, ký tên Ngọc Huyền. Đây là bút danh của một đạo diễn đang nổi danh. Sau khi lập luận tràng giang đại hải, bài báo này kết luận: “Vụ án thành ra chưa ngã ngũ. Nhưng có tin đồn ghi “KTNN” số 116 là văn tự giả mạo, vì nền văn minh của năm 1993 dứt khoát không như thế”. Báo TN số ra ngày 2.9.1993, có in toàn văn bức thư của nhà báo Kim Hạnh: “Về một bài báo xúc phạm danh dự và nhân phẩm công dân” gửi các cơ quan chức năng. Ngay lập tức, chuyên mục này tạm ngưng vài số liền và từ số 122 (1.11.1993) mới xuất hiện lại, từ đó bút danh H.T đã thay đổi thành A.C.

Ôi chuyện chữ với nghĩa. Không cẩn trọng là không xong.

Cẩn trọng có lúc cũng không xong. Thông tin đó nếu ta nhìn nó ở góc độ này sẽ thấy bình thường nhưng nếu bắt bẻ, soi mói và “nâng quan điểm chính trị” lại thấy “trầm trọng” như “phản động đến nơi”. Có khi chỉ đọc chơi nhưng muốn “lập công”, lập tức điện thoại đầu này, réo đầu kia “báo động” ầm ĩ lên như sắp xẩy ra một vụ cháy nhà. Người tiếp nhận thông tin, nếu yếu bóng vía, lập tức gọi xe cứu hỏa ngay lập tức. Sự việc trở nên rắc rối. Lớn chuyện. Không khéo có người bị quy kết này nọ. Chết oan mạng. Rất phiền toái. Cũng bởi hăng hái quá đáng. Nhiệt tình quá đáng. Để làm gì. Để cho vui? Để cho thấy mình là người có trách nhiệm đầy mình? Mà đã là anh em, có những tiểu tiết hãy lờ nó đi vì cũng chẳng chết ai, chẳng ảnh hưởng gì đến cái chung, đến đại cục. Mà đã là anh em, cách tốt nhất hãy điện thoại cho tác giả. Giữa hai người ngồi với nhau, đừng bao giờ tin lời khen của người đối diện. Giữa hai người ngồi với nhau, hãy tin lời góp ý, chỉ trích, phê phán của người đối diện. Vì cả hai lời trên đều không lọt vào tai người thứ ba do đó, tin và không tin là vậy.

Thú thật, y thích tính cách này ở người Bắc. Rất rõ. Đã chơi với nhau là hết mình. Bảo vệ hết mình. Lăng xê hết mình. Họ cũng có những mối quan hệ hời hợt xã giao như người Nam. Nhưng đã chí cốt thì huynh đệ còn hơn ruột thịt. Cứ nhìn xem, đảng phái chính trị thời Pháp thuộc mọc lên như nấm, nhưng tồn tại lâu bền và khiến kẻ thù khiếp sợ nhất là đảng phái ấy hình thành từ vùng miền nào?

Lúc nhà văn Xuân Sách còn sống, thỉnh thoảng gặp và bù khú lai rai. Tập Chân dung nhà văn mà y đang giữ còn có cả bút tích Xuân Sách chú thích tên của từng nhà văn. Sau đây là một bài:

Chuyện kể cho người mẹ nghe

Biển lửa bốc cháy bốn bề tan hoang

Đứa con nuôi của trung đoàn

Phá vây xong lại chết mòn trong vây.

Bài này viết về nhà văn Phù Thăng, tác giả của các tác phẩm như Chuyện kể cho người mẹ, Con nuôi của trung đoàn, Phá vây…Hỏi, nguyên cớ nào lại viết như vậy, nhà văn Xuân Sách cho biết, đại khái: Ngày nọ, một cán bộ cao cấp khi bàn về tác phẩm văn học nước nhà có nhận xét đại loại rằng, nhân vật của Phù Thăng có “tư tưởng lái trâu”, không phù hợp với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ một câu nói đó, cuộc đời của một nhà văn lên bờ xuống ruộng và biến mất khỏi “cuộc chơi”. Hư thực ra sao chưa kiểm chứng nhưng chắc chắn trên đời có những người chết oan mạng như vậy. Cũng chỉ một câu nói. Một câu bình luận. Lắm lúc câu nói ấy chẳng có gì nghiêm trọng, nhưng người chịu trách nhiệm xuất bản, biên tập sợ vãi đái là kệch mặt luôn tác giả đó. Như ghẻ né ruồi. Lần sau đừng mon men đem bản thảo lại nhá!

Thật quý khi cuộc đời vẫn còn những người cầm chịch một cơ quan ngôn luận không sợ bóng vía.

Thời N.Q.C in tập thơ Đêm mặt trời mọc bị thu hồi, NXB Trẻ bị kiểm điểm xói đầu. N.Q.C học chung lớp, ngủ cùng phòng y ở ký túc xá. Sau đó, chẳng còn tờ báo nào dám in thơ của tác giả này nữa. Chẳng biết do từ mệnh lệnh của ai? Cũng có thể chẳng có mệnh lệnh nào nhưng bởi sợ bóng sợ gió, sợ vạ lay nên chẳng ai dám “day vào”. Duy chỉ có người vẫn dám là nhà thơ Chim Trắng. Với cương vị Tổng biên tập báo Văn Nghệ TP.HCM, ông vẫn chọn in thơ N.Q.C. Ai có hỏi, ông chỉ cười rất đàn anh: “Bọn trẻ làm thơ thể nghiệm mà. Kệ nó”. Ông cứ in dù vài anh em trong bọn y có thời bị người ta đàm tiếu này nọ. Mà có ai “rày la” gì ông đâu! Ông có mất ghế gì đâu. Giới văn nghệ còn ca ngợi nhà thơ Chim Trắng qua vụ thẳng tay đấm vào mặt một nhà lý luận điện ảnh học từ Liên Xô về. Vụ cãi cọ đó vào thời báo Văn nghệ còn đóng ở Nguyễn Thị Minh Khai. Xẩy ra vào buổi trưa, ngay sát chỗ bàn cà phê y đang ngồi tán phét với bạn bè. Ông quát vào mặt của nhà lý luận: “Không tranh luận lôi thôi nữa. Anh còn chửi thề là tôi đấm ngay!”. “Đ.M! Đấm đi”. Kết quả là một vụ ôm mặt máu ầm ĩ một thời!

Nói trộm vía người đã khuất, nhà thơ Chim Trắng đúng là “dân chơi Nam bộ” thứ thiệt. Thứ thiệt theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Đời làm báo, nghĩ lại, y may mắn bởi được làm việc với nhiều người tử tế. Ngày nọ, y đưa cho Tổng biên tập Thế Thanh bài báo phê phán, chế giểu một đơn vị thêu ở Đà Lạt đã cố tình viết sai be bét chữ nghĩa, bày đủ trò nhố nhăng đặng gây chú ý dư luận. Y những tưởng sếp hào hứng sẽ cho in ngay. Bởi làm báo là phải kịp thời bám theo thời sự kia mà! Không ngờ sếp nhỏ nhẹ rằng, báo mình phát hành đúng vào ngày công ty người ta kỷ niệm sinh nhật, chẳng lẽ mình lại tát một cú đích đáng ngay trong ngày vui của họ? Thế là sếp gác lại, in vào số sau. Càng nghĩ, y mới thấy sự lịch lãm và phục phép ứng xử văn hóa của chị Thế Thanh.

Không gì trơ trẽn bằng khi con người ta lên xe hoa về nhà chồng, gã hàng xóm tốc váy réo đòi nợ. Chẳng lẽ hết dịp rồi chăng? Mươi năm trước đây,  quê y kỷ niệm ngày giải phóng có mời quan chức cả nước về dự. Một trong sự kiện quan trọng là khánh thành cây cầu thiên niên kỷ bắt qua sông Hàn. Cầu khánh thành vào buổi sáng, cờ xí rợp trời, diễn văn hoành tráng nhưng ngay trưa đó bắt luôn cán bộ phụ trách xây cầu vì tham ô, tham nhũng gì đó. Đành rằng, bắt không sai, nhưng sao không đợi lúc quan khách ra về rồi hãy thực thi nhiệm vụ?

Dư luận hỏi thế. Y cũng nghĩ thế.

Nếu chọn một nhà văn hiện thực phê phán của Việt Nam có tầm vóc nhất của giai đoạn 1932 - 1945, y chọn Vũ Trọng Phụng. Một nhà phê bình, nghiên cứu văn học người Mỹ đã dịch tiểu thuyết Số đỏ ra tiếng Anh, khẳng định đây là tác phẩm có thể sánh với các kiệt tác văn chương của nhân loại và làm vinh dự cho mọi nền văn học. Ai là người phê phán Vũ Trọng Phụng dữ dội nhất, đao to búa lớn “nện” ác nhất, quy kết chính trị hiểm ác nhất? Lật lại tư liệu, ta biết đó là Hoàng Văn Hoan. Sau cuộc chiến 1979 với Trung Quốc, ai tếch theo giặc? Hoàng Văn Hoan chứ ai!

Sài Gòn mấy hôm nay mưa lai rai. Những cơn mưa dịu mát. Lật tình cờ đúng trang 176 của Ve vãn Sài Gòn, có đoạn viết: “Nhưng đâu phải đàn ông Sài Gòn chỉ nổi tiếng về cách nhậu? Đàn ông Sài Gòn còn biết cách trăng hoa. Không bao giờ từ chối tình ái. Và không đểu, Không phải là cái kiểu cặp kè cho qua đường như người ta nghĩ về bản tính qua loa của người Sài Gòn. Yêu ai là yêu hết mình, hết người, hết nhà, hết tiền"

Hay quá ta?

Ve-van-sg-2R

Chị Đẹp ký tặng sách Ve vãn Sài Gòn

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment