ĐẤT NƯỚC VÀ NGƯỜI LÍNH
I
Em hãy cùng tôi đến thăm người lính trẻ
trở về quê nhà đang tập hát ru con
lời ru vụng về mênh mang hương lúa chín
dẫu hai mươi năm tâm hồn họ mỏi mòn
Em hãy hát lên cho người tình yêu dấu
trở về từ Plây me hay chiến khu Đ
đôi mắt rưng rưng muộn phiền từ đất lửa
đang thèm khát yêu thương đang cần được vỗ về
Đất nước không còn chiến tranh, mẹ già lên núi
tìm xương con mình thầm hát thong dong
“cái cò lặn lội bờ sông
gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non”
mẹ thao thức như chưa hề ngủ được
ngồi hiên nhà ngóng đợi đứa con xa
bếp lửa cũng trăn trở đêm khuya âm ỉ sáng
thắp từ thâm tâm mẹ ngọn lửa đợi chờ
Hai mươi năm đất nước mình chia cắt
khúc ruột mẹ đứt đoạn hai miền: Nam Bắc
đứa con lên rừng, đứa vượt tuyến sang sông
mẹ nhớ thương nước mắt chảy ròng ròng
Tôi lớn lên tự cội nguồn dòng Bến Hải
nghe lời mẹ ru vật vã muộn phiền
trái tim đau từ vĩ tuyến mười bảy
đánh mất tự bao giờ năm tháng hoa niên
Hai mươi năm dài hai mươi năm trằn trọc
từng đêm nhìn pháo bắn đỏ quê hương
em bé xuống hầm lật trang vở học
mơ được tung tăng cùng bè bạn đến trường
ngày ấy anh tôi trở thành người lính
máu thịt một phần gửi lại Quảng Trị, Đức Cơ...
người vợ trong chiến tranh khát khao làm mẹ
thèm khát sinh con để được hát ầu ơ
Em hãy hát ngày quê nhà đoàn tụ
anh thương binh chống nạng dạo quanh làng
nhìn rẫy sắn nương khoai ngày lúa chín
không nghe tiếng đạn gầm, nghe tiếng mẹ hò khoan...
II
Sáng nay mở cửa thấy cờ bay trên phố
mỗi lá cờ mang một mặt trời hồng
cánh bướm bay đem theo làn sương mỏng
trong tim mình chim chóc hót thong dong
Đất nước hồi sinh từ tràng hoa sứ trắng
em bé hồn nhiên đang theo mẹ đến trường
dẫu ngỡ ngàng nhưng đời đầy hoa nắng
chim đã về ca hát trên nương
Mẹ cưu mang tình yêu của mẹ
hai mươi năm dài tuổi tác già nua
đất nước hồi sinh mẹ như trẻ lại
kể chuyện mừng vui trong ngày hội gặt mùa
Ai đã khóc khi nghe còi thống nhất
chuyển bánh cho lịch sử sang trang đến thành phố Bác Hồ
có phải ngăn tim nhỏ và niềm vui ngây ngất
máu ba miền tụ lại một thủ đô
Cờ giải phóng như lòng mình reo phơi phới
người lính về cuốc đất trồng khoai
thèm nghe tiếng đánh vần, nghe trẻ thơ gọi mẹ
được đổi đời mơ ước có xa xôi
III
Thuở tôi lớn, những tháng năm giông bão
đi giữa quê nhà mà đôi lúc bơ vơ
ngày tháng trôi như bông hoa tí ngọ
cứ nở bình yên mỗi sáng mười giờ
Thuở tôi lớn, mẹ chắt chiu hạt gạo
mỗi bữa cơm độn thêm sắn khoai
cha còng lưng kéo xe ngoài phố
nhưng môi cười đã khắc khoải niềm vui
Thuở tôi lớn, vé tầu vé xe vào rạp hát
chỉ có thể mua từ tay con buôn
nếu không muốn làm cái đuôi xếp hàng chờ đợi
con người vẫn nhiều hơn lũ dế giun
Thuở tôi lớn, điệu nhảy valse không còn trên đường phố
ghế đá công viên nhiều gái điếm hơn những cặp tình nhân
xe ô tô không nhiều hơn xe đạp
điện chưa nhiều bằng ánh sáng đêm trăng
Thế mà hoa đến giờ vẫn nở
như mặt trời bát ngát tự phương đông
ngày qua ngày vẫn hồn nhiên họp chợ
trẻ học ê a, lúa vẫn nở thắm đồng
Thuở tôi lớn, đất nước hồi sinh từ khu triển lãm
khẩu hiệu nhiều hơn những công trình
nhà máy điện còn nằm trên bản vẽ
chinh phục thiên nhiên bằng những mô hình
Thuở tôi lớn, có những cô con gái
ngúng nguẩy mái tóc đơmi gac - xông
những cô gái đã một thời son phấn
về lại quê hương cùng với gót chân trần
Thuở tôi lớn, cũng có người xa rời Tổ quốc
thân phận lênh đênh cùng sóng đại dương
họ đi tìm tự do và lý tưởng
hay tìm nỗi li quê và năm tháng đoạn trường?
Thế mà hoa đến giờ vẫn nở
rất tự nhiên như tiếng gà đánh thức bình minh
lúc yêu nhau vẫn hẹn hò trên bãi cỏ
mời uống cà phê thong thả viết thư tình
IV
Năm 1975, tưởng khẩu súng chỉ nằm trong cổ viện
đất nước hân hoan vòng nguyệt quế rạng ngời
đất nước đoàn viên đâu còn đưa tiễn
chim bồ câu ngậm cành hoa ô-liu bay rợp bầu trời
Vậy mà lửa từ bên kia biên giới
lửa đốt phòng cưới của chị xã viên
lửa đốt cánh đồng lúa lên phơi phới
em thơ giật mình giấc ngủ lật nghiêng
Chúng nó muốn nã pháo trên đầu mẹ
muốn bẻ gãy chiếc đòn gánh mẹ tì trên vai mấy ngàn năm
hối hả áo xanh lên miền xa biên giới
chặn bàn tay chém mẹ nhát dao đâm
Chúng tôi rời mái trường trở thành người lính
gửi lại quê nhà ước mơ thành người thợ, nhà văn
gửi lại môi hôn cho người tình bé nhỏ
mang lên rừng tiếng chim gáy vang ngân
mang lên rừng tiếng còi xe buýt
để nhớ về thành phố tuổi lên năm
để nhớ quê nhà đến đầu nguồn Tổ quốc
máu một dòng gắn bó thương thân
Mảnh đất biên thùy pháo bầy cấp tập
trên tán lá xanh non chim vẫn hót vô tư
tôi ngủ trong lòng mẹ - vững bền trong lòng đất
ngâm câu: Nam quốc sơn hà nam đế cư
Những kilômét đường rừng tôi đi - nếu đem cộng lại sẽ thấy dài bằng chu vi trái đất
Gia Lai - Công Tum, Mang Giang, Đắc lắc...
bao suối bao rừng tôi đã đi qua
hành quân ngày đêm nắng mưa tầm tã
giấc ngủ lưng đèo gió rét căm căm
con suối Đắc Đam đã trở thành kỷ niệm
gió lạnh về mơ một chỗ nằm
Chúng tôi trở thành đoàn quân tình nguyện
ba năm chưa nhận được thư nhà
tìm Tổ quốc qua những trang thư mỏng
đêm ở rừng nỗi nhớ bay xa
Tôi đến Cămpuchia từ ngày đầu giải phóng
làm người khổng lồ che lấp đau thương
làm con kiến bò trên từng kilômét
nhận về mình cay đắng lẫn yêu thương
V
Em hãy hát cùng tôi khi về thăm chốn cũ
lời ngọt mềm như dòng sông tháng giêng
đồng đội tôi đã có người nằm xuống
giấc ngủ thiên thu ao ước thấy mẹ hiền
Họ nghĩ gì khi nằm trong lòng đất
môi thơm tho chưa hôn môi người tình
chưa ngỡ ngàng cầm bàn tay mềm mại
phiên gác còn đếm những ngôi sao lung linh
Em hãy đến cùng tôi thăm người lính trẻ
trở về sau cuộc chiến tranh
quên tất cả ngoài trái tim một lần tự nguyện
hiến dâng đời vì Tổ quốc quang vinh
VI
Giữa khoảng trời xanh biên giới
Chúng tôi: Lê Minh Quốc - Đoàn Tuấn - hai người lính yêu thơ
Trăm nhớ ngàn thương nói bằng tiếng khóc
Xin mỗi lần về lại quê hương...
Lê Minh Quốc
< Lùi |
---|