Thơ
Lê Minh Quốc
(Đoàn Tuấn giới thiệu)
TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CHIẾN TRANH
Tôi nhớ mãi một buổi chiều trung tuần tháng 12 năm 1978. Tôi đang nằm trong một căn hầm giữa rừng lồ ô trên biên giới Việt Nam - Campuchia thì nghe ngoài cửa hầm có tiếng nói chuyện giữa Lê Quỳnh Lang, trung đội trưởng thông tin của tôi với một người nữa. Người này có giọng to và sảng, dứt khoát. Anh đòi mượn tập thơ Việt Nam mà tôi mang vào chiến trường. Lang dùng dằng, nói là của người khác. Nhưng anh ta cứ đòi, cứ giằng lấy. Cuối cùng, Lang phải gọi tôi ra. Tôi chui lên. Trước mặt tôi là một chàng thanh niên không có vẻ gì là lính nhưng mặc quần áo lính rất xịn, vai vắt chiếc khăn mặt xanh. Anh để tóc dài. Gương mặt vuông vắn, trắng trẻo, đẹp trai. Tôi chưa kịp nói gì, anh ta đã bắn liên thanh phủ đầu:
- Ông cho tôi mượn tập sách này nghe. Tôi hứa là sẽ giữ cho ông thiệt cẩn thận. Thôi, tôi về nghe!
Tôi chưa kịp nói gì, đành nở nụ cười nhũn nhặn. Tôi đang mệt mỏi, vừa trải qua trận sốt rét kinh người. Cứ đúng 5 giờ chiều lại gây gây lên cơn. Được thôi. Tập thơ ấy, tôi đã đọc. Và ở chiến trường có một người cướp thơ như thế, còn gì quý hơn. Tôi nhìn theo dáng đi kềnh càng như giữa chốn không người của anh ta. Anh đi băng băng về đơn vị như con hổ vừa vồ được chú thỏ non. Tôi hỏi Lang:
-Ai đấy?
-À, đó là Quốc. Lê Minh Quốc, quản lý đại đội 7.
Dạo đó đơn vị tôi, tiểu đoàn 8, trung đoàn 29, sư đoàn 307 đang phải đánh nhau với Pôl Pốt dọc biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa phận tỉnh Gia Lai - Công Tum. Các đại đội vào chốt thay nhau, lại phải rải quân dài mấy chục kilômét nên lính tráng, tuy cùng đơn vị, nhưng ít gặp nhau. Trong mắt tôi, người quản lý đại đội là người cân đo đong đếm từng hạt gạo hạt muối cho 50 người mỗi ngày - mà yêu thơ thì quả là lạ. Nhưng về sau, tôi nghe Trần Đào Hiền Nhân, đồng hương tôi ở đại đội 7 khoe rằng, ở đó, lính ăn khá nhất vì Quốc cho ăn thả cửa! Thảo nào sau này, khoảng năm 1981, Quốc mất chức quản lý, trở thành lính chiến đấu trực tiếp.
Ít lâu sau, tôi tình cờ gặp lại Quốc trên đường chiến dịch, ở tỉnh Công Pông Thom. Quốc nhìn tôi, cười nhận lỗi:
- Tập sách của ông, tôi cố gắng giữ nhưng nhiều thằng đòi đọc quá. Mỗi thằng xé trộm một bài. Giờ nằm rải rác khắp nơi. Tôi rất cố gắng nhưng vẫn không thể nào lượm lại được.
Giọng Quảng Nam của Quốc cùng cách nói phân bua bằng tay một cách trung thực khiến tôi tin ngay. Tôi mỉm cười. Thậm chí thấy vui vì nghĩ đến hình ảnh tập thơ được xé lẻ, mỗi người giữ một vài bài. Chi tiết này có thể viết được một câu chuyện hay.
Tôi là lính thông tin tiểu đoàn. Được trực ở Tiểu đoàn bộ trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Nhẽ ra, cả tiểu đoàn tôi đã hy sinh khi đánh đồi 328, điểm cao X.B, vào ngày 23.12.1978 rồi. Bởi sau này, tôi được một thằng bạn ở Sư đoàn tiết lộ rằng, Sư đoàn quyết định “tung” tiểu đoàn tôi để đột phá cửa mở chiến dịch, nếu gặp địch kháng cự mạnh! Nhưng sáng sớm ngày 23.12, mới bắn pháo và đại bác lên đồi 328 và X.B, chừng hơn 1.000 quả, địch đã rút. Đơn vị tôi chiếm được quả đồi khi trời còn chưa tan sương. Nếu không may, tôi và Quốc cùng hàng ngàn đồng đội đã thành đất ở đó ngay từ những ngày mới quen nhau. Nghĩ lại, vừa mỉm cười, vừa rùng mình.
Sau đó tôi được cử đi phối thuộc với các đơn vị khác. Đến tháng 5.1979, tôi mới được phân công đi theo C7, tức đơn vị Quốc. Dạo đó, đơn vị Quốc nhận nhiệm vụ đón 5 vạn dân tị nạn từ Thái Lan trở về. Đại đội có chừng 40 người nhưng phải rải ra trên quãng đường dài 60 kilômét. Tôi đặt máy thông tin Silic-71 của Trung Quốc trong trường học cũ, dưới mái nhà tôn. Đối diện bên kia, qua sân rộng, là nhà của y tá Nguyễn Quốc Vương, mấy anh nuôi và quản lý Quốc. Được gần nhau, chúng tôi toàn nói chuyện văn chương. Lúc ấy coi như hai đứa từ hai nền văn hóa, hai nền giáo dục khác nhau, kẻ Bắc người Nam, giờ cùng là lính, chuyện trò thật hấp dẫn. Tôi kinh ngạc vì Quốc đọc nhiều, thuộc nhiều và làm rất nhiều thơ.
Dạo đón dân tÿ nạn, tôi và Quốc cũng như nhiều anh em C7 được dân tÿ nạn, hầu như là người Hoa tất, cho rất nhiều vàng, bạc, kim cương nhưng hầu như không ai dám lấy. Buổi chiều mùa mưa, tôi chỉ căng giúp một người phụ nữ có con nhỏ tấm vải mưa thành cái lều thôi, chị ta cũng cho tôi cả một cái hộp có 12 hạt xoàn, nhưng tôi vội từ chối ngay. Chị lại mời uống cà phê với lạc, tôi cũng không dám. Nhớ một buổi trưa, tôi ngồi chỗ Quốc, có cả y tá Vương, người Tam Kỳ, nói chuyện tào lao. Bỗng ngoài cửa, xuất hiện ông già Khơme trong đoàn tÿ nạn. Ông vừa thấy chúng tôi, vội quỳ ngay xuống đất ướt, vái lấy vái để “xin bộ đội Việt Nam đôi giày”. Tôi nhìn bàn chân phồng rộp, rướm máu của ông mà lạnh người. Thật khó cho chúng tôi vì chúng tôi cũng rất thiếu thốn. Ăn cơm độn ngô, đi giày thủng. Quốc mò vào chỗ để gạo, tìm được đôi giày rách nhưng khô ráo, mang cho ông già. Quá cảm động, ông già lấy từ trong túi ra một nắm những thỏi vàng cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi vừa xua tay vừa nói bằng tiếng Khơme: “Không lấy đâu”. Ông lại hỏi chúng tôi bằng tiếng Việt, xin ít muối. Quốc xúc cho ông một muôi. Sợ chúng tôi nghĩ lấy vàng là độc, ông già lại cho chúng tôi nắm bạc. Nhưng chúng tôi kiên quyết không lấy một thứ gì. Chúng tôi thừa hiểu giá trị của vàng bạc nhưng không lấy. Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều: lúc đi lính, mình không có vàng. Nhớ mình lấy, đêm chết, đơn vị kiểm tra di vật tử sĩ, thấy có vàng trong ba lô, không những mình không ra cái gì mà gia đình mình ở phía sau cũng không được anh em tôn trọng. Những ngày đó, tôi và Quốc cùng Nhân “mù” và An “bột” thường lội qua suối, sang phum bên, đến chơi nhà “bà má Hậu Giang” - một bà má Việt kiều, nhờ vá áo và mò vào các vườn nhà dân bỏ trống, hái trộm xoài ăn. Vậy thôi. Còn rất nhiều chuyện không tham vàng của Quốc mà tôi không biết. Chỉ biết sau này Quốc được đơn vị đề nghị Trung đoàn thưởng Giấy khen vì thành tích “không tham của lạ, giữ vững danh hiệu Anh bộ đội Cụ Hồ”.
Đầu năm 1980, tôi phải chia tay đơn vị Quốc. Tôi được cử đi với đại đội 5, lên đóng quân ở phum Kầmprạ, một phum heo hút nhất của tỉnh Prếch-vihia nằm tít tận biên giới Campuchia - Thái Lan. Ở đó tôi đã sống những ngày rất vui nhưng cũng đầy đạn, đầy mìn, đầy thương vong, hy sinh của anh em trong đơn vị.
Đến đầu mùa mưa năm 1981, khoảng tháng 6, cả Tiểu đoàn tôi được lệnh chuyển lên khu vực An-lung-viêng để chặn đường vận chuyển lương thực, đạn dược từ Thái Lan về của địch. Thời gian này Quốc thôi chức quản lý, phải làm lính trơn. Vì nghe đâu, được giao chức tiểu đội trưởng, Quốc không nhận. Những ngày đó thật ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị địch tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh, không của đơn vị tôi thì của đơn vị khác chuyển đến. Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ, lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào. Tranh thủ lúc rỗi, chiều nào tôi cũng bẻ mấy cành tre xuống xua ruồi, đuổi muỗi cho anh em bị thương nằm la liệt không cử động được. Chính dạo ác liệt đó, tôi được chuyển từ thông tin lên thay anh Nguyễn Văn Cúc, người Nghĩa Bình, làm trợ lý chính trị Tiểu đoàn. Anh Cúc về làm phó Đại đội trưởng C6. Quân số hy sinh quá nhiều. Lúc đầu còn có máy bay lên thẳng HU-IA đến chở đi hoặc chuyển lên Sư đoàn bằng cách khiêng bộ. Sau máy bay không có nữa. Khiêng bộ thì tốn kém. Hai trung đội dải đường dài 16 kilômét từ đơn vị đến phum Camtuất, cộng một tiểu đội dẫn đường, lại thêm mấy người thay nhau khiêng một ca. Mà vẫn bị phục, vẫn bị mìn clâymo quạt. Thêm bao nhiêu người hy sinh. Người chết rồi bị chết thêm lần nữa. Cuối cùng Sư đoàn quyết định làm một nghĩa trang ở ngay giữa Tiểu đoàn tôi. Cử thêm một trung đội vận tải xuống chuyên cưa cây, xẻ gỗ, đóng quan tài. Nghĩa trang được làm nằm giữa Tiểu đoàn bộ và đơn vị Quốc. Tôi biết Quốc phải đi tuần, đi phục liên tục. Rất dễ hy sinh. Mà tôi được tiểu đoàn giao nhiệm vụ giữ di vật tử sĩ và tổ chức chôn liệt sĩ cho chu đáo. Chính trị viên Nguyên Văn Vẳng giao nhiệm vụ cụ thể cho tôi: “Chôn vì người sống chứ không chỉ vì người chết. Làm sao để anh em đang sống, nhìn vào, biết được rằng, khi họ hy sinh, cũng được đối đãi tử tế như thế!”
Tôi hiểu. Và làm hết sức mình. Đun nước. Nhặt thịt xương. Rửa ráy. Chắp lại. Xếp cho đủ các bộ phận cơ thể. Mặc quần áo. Quấn vải liệm. Gác đêm, canh thú rừng khỏi mò đến ăn xác. Đào huyệt. Tổ chức đội vệ binh đứng bên bờ huyệt. Đọc lời điếu và bắn súng tiễn biệt đàng hoàng. Sau đó mới chôn. Hết sức “oách” theo kiểu nhà binh.
Tôi cũng chôn cất nhiều người của đơn vị Quốc. Một buổi chiều, đi gùi đạn, về qua đơn vị Quốc, tôi thấy một căn hầm lạnh tanh, mốc, trống trơn. Tôi thoáng rùng mình. Anh em trong hầm đã hy sinh cả. Tôi không thể nghĩ đến số phận Quốc thế nào. Thỉnh thoảng, anh Lâm Xuân Liễm, trợ lý tác chiến tiểu đoàn, lại rủ tôi sang chỗ Quốc uống rượu. Đi uống rượu nào có an toàn. Khoác AK, đội mũ cối, mặc trời mưa, phải bò qua hai vọng gác, bò qua nghĩa trang. Khi qua đó, tôi thấy anh Liễm lại lầm rầm khấn anh em phù hộ cho mình được sống. Tôi cũng thầm khấn theo.
Chính những ngày ác liệt đó, tôi biết Quốc làm thơ, ghi nhật ký nhiều. Tôi nhớ một lần Quốc vừa cười vừa khoe đơn vị Quốc chuẩn bị làm báo tường và Quốc đóng góp một bài thơ có tên là “Tường Vi”. Những bài thơ của Quốc ở An-lung-viêng rất lãng mạn, mơ về cuộc sống thanh bình, có những buổi chiều vàng, có người chị hát ru, có bóng dáng người con gái dịu hiền. Nhưng bao trùm lên là những dòng nhật ký, ký sự nóng hổi về cuộc sống gian lao, về cuộc chiến kinh hoàng, về những đồng đội thân yêu đột ngột hy sinh một cách không thể tưởng tượng nổi chỉ vì mìn. Và đến lượt Lê Minh Quốc, cái chết không buông tha. Một sáng đi tuần, chàng trai của thành phố Đà Nẵng đi đầu, vấp ngay phải quả mìn của địch. Nghe “tạch” một cái, mọi người chưa kịp nằm xuống thì quả mìn đã nảy ngang người Quốc. Nhưng nó không nổ mà rơi bịch xuống đất. Sau phút hoảng hồn, mọi người nhặt quả mìn lên. Thì ra quả mìn đó bị tra kíp ngược. Mặt Quốc tái xanh, được phen cận kề cái chết, nếm cảm giác bất ngờ sang thế giới bên kia. Trưa đó, Nhân “mù” khoác súng sang chỗ tôi, vừa cười vừa nói:
- Mẹ kiếp! Hôm nay thằng Quốc suýt toi! Chắc thằng ôn dịch là lính mới nên mới tra kíp ngược!
Ngừng một lát, Nhân mù nói tiếp:
- Số thằng Quốc vẫn may! Nó chết đi thì tiếc thật!
Phải nói thật lòng rằng, lính Hà Nội chúng tôi ai cũng quý mến và chơi thân với Quốc. Trong Quốc có một cái gì ngang tàng, phóng túng, rất thành phố. Tôi sang thăm Quốc. Buổi trưa. Quốc ngồi một mình trên thân cây đổ đã cháy đen ngọn. Quốc nở nụ cười hiền lành. Nụ cười sau cái chết. Tôi không quên.
May cho tôi, không phải chôn một trong những người đồng đội thân yêu nhất trong quãng đời làm lính của mình!
Mùa khô năm sau, nhiệm vụ hoàn thành, tiểu đoàn chúng tôi được rút về phum Giềng để củng cố. Tôi và Quốc cùng một số bạn thân thường mang quần áo lính vào phum đổi gà, chó về bồi dưỡng sức khỏe. Tối đến lại mò sang chỗ hạ sĩ Huy Lụa, người Nghĩa Bình, bí mật nghe Khánh Ly hát từ hải ngoại. Đêm đến, tôi và Quốc thường thức làm thơ. Những bài thơ không đăng ở đâu, âm thầm viết. Âm thầm đọc cho nhau nghe. Sợ anh em biết được, kêu là dở hơi. Cán bộ biết được sẽ phê bình là tư tưởng yếu hèn.
Sang cuối năm 1982, tôi được chuyển lên Trung đoàn. Quốc vẫn ở đại đội 7. Tôi nhớ mãi một câu chuyện cảm động. Mỗi lần Quốc về Trung đoàn gùi gạo - đường dài 15 cây số - Quốc thường ghé vào tôi. Gặp nhau mấy phút buổi trưa, không kịp mời nhau bát nước thì chỉ huy đơn vị Quốc đã giục về. Có lần Quốc nhét vào tay tôi lá thư rồi đi luôn. Tôi nhìn theo dáng Quốc đầm đìa mồ hôi, còng lưng gùi ba lô gạo nặng chịch. Tôi về hầm, mở thư ra. Những dòng thư thật thương cảm:
“Tuấn ơi, mai lên E gùi gạo. Biết gặp nhau chẳng được lâu, chẳng nói được chuyện gì, Quốc viết thư nầy trước để Tuấn đọc...”. Những dòng thư ấy đã thấm vào máu thịt tôi. Thư toàn nói chuyện văn chương, về mơ ước về một cuộc sống bình yên. Thư Quốc viết hay, rất ấn tượng. Tôi rất muốn viết một cái gì đó về kỷ niệm này mà chưa thể hiện bằng cách nào được. Lại nhớ một lần Quốc viết cho tôi: Người ta có một tình yêu đẹp nhưng không biết cách kể, tình yêu ấy sẽ không đẹp nữa.
Rồi Trung đoàn được bổ sung lính mới. Quốc được ra quân. Những đêm cuối cùng ở Trung đoàn làm giấy tờ ra quân, Quốc cho tôi xem hai quyển sổ thơ của mình. Tôi thực sự bàng hoàng trước những bài thơ - nhật ký trận mạc rất hay của Quốc. Quốc dặn tôi đưa lại trước 10 giờ đêm vì Quốc phải về nơi tập trung nghe phổ biến kế hoạch hành quân về nước thế nào. Tôi kiếm dầu cà-boong cắm đầu đọc một mạch. Thực sự phục tài năng của Quốc. Nhưng tiếc thay, một sự tiếc nuối ngang với việc chết người. Sau này tôi hỏi Quốc: “Sao không lấy thơ chiến trường ra in?” Quốc buồn bã trả lời: “Mất mẹ nó rồi...” Thì ra, đêm ấy nghỉ ở C19 vận tải, lính tráng thiếu giấy hút thuốc rê, đã lục ba lô Quốc ăn trộm, xé hết sổ. Quốc sang chỗ Lai - thông tin, nhậu. Về ngủ luôn. Sáng dậy, sờ đến ba lô, thấy mất nhiều thứ. Đành tự an ủi mình có niềm vui sắp được trở về quê hương.
Tôi cảm thấy như mình bị trọng thương.
Đến bây giờ viết những dòng này, tôi vẫn còn ngao ngán, mệt mỏi. Phải chi những cuốn sổ đó còn đến bây giờ?
Tôi nhớ những câu thơ của Quốc:
Chiều cuối năm ngồi một mình
Xôn xao trời đất gập ghềnh niềm tin
Bay qua trời mấy cánh chim
Cho mòn con mắt dõi nhìn quê xa
Nửa đêm thức dậy nhớ nhà
Bỗng ôm mặt khóc như là trẻ con
*
Rừng đông bắc có con chim hay hót
Như nỗi lòng người lính xa quê
*
Em ơi đất lửa chiến trường
Làm sao vọng lại gió hương bạch đàn
Mùa xuân ơi có hân hoan
Trăng đêm Đà Nẵng, nắng vàng Tây nguyên
*
Giã từ mày nhé! Đăng Lâm
Chiều mưa năm ấy ướt đầm Đắc Đam
*
Mùa khô
em bé Khơme bú bầu sữa mẹ
những hạt sữa nóng như hạt lửa
*
Một ngày đi ba chục cây số vẫn chưa được nghỉ
Dáng người đi như cây khộp khẳng khiu
(Vâng, đó là nhưng câu thơ của Lê Minh Quốc còn nằm trong trí nhớ của tôi từ dạo còn ở chiến trường K. Tôi xin ghi ra đây. Nếu lúc nào chợt nhớ những câu thơ khác, tôi xin ghi tiếp).
Quốc đi rồi, phải hai năm sau tôi mới phục viên chuyển ngành về khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Và cũng trong thời gian đó, tôi nhận được thư Quốc, báo tin vui là đã trúng tuyển vào khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Rồi thư Quốc kể chuyện trước ngày nhập trường, đi thăm Hội An, Ngũ Hành Sơn, thăm cố đô Huế. Những lá thư chan hòa tình cảm rất đặc biệt của Quốc với thiên nhiên. Những lá thư đó đến nay tôi vẫn giữ.
Hà Nội. Đêm 12.7.1996
ĐOÀN TUẤN
< Lùi |
---|