THƠ Tập thơ Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn - ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC - LÊ MINH QUỐC giới thiệu ĐOÀN TUẤN

Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn - ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC - LÊ MINH QUỐC giới thiệu ĐOÀN TUẤN

Mục lục
Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn - ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC
LÊ MINH QUỐC giới thiệu ĐOÀN TUẤN
TUỔI 18
MẸ VÀ HÒM THƯ CON
TÔLLÊ SÁP ĐÊM 5 THÁNG MỘT NĂM 1979
ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC
LÍNH TRÁNG
LÁ MỤC
HOÀNG HÔN ĐỨC LẬP
ĐƯỜNG LÍNH
SAU MÀU XANH LÁ
VẬN ƠI!
AN-LUNG NĂM 1981
ĐIẾU THUỐC
CƠN KHÁT VÀ TIẾNG GÀ RỪNG
ĐÊM ẤY CHÚNG TÔI NGHE LỜI RU BỖNG SỢ
MƯA
ĐÊM Ở RỪNG NGHE THƠ
MỘT NÉT LÀNG
TIẾNG NGÀY MỚI BÌNH YÊN
TỐI THỨ BẢY
CHIẾC KHĂN RẰN KHƠ-ME
KHÚC DÂN CA TRÊN ĐIỂM TỰA
MIẾNG TRẦU PHUM CHOĂMSRE
HẾT NƯỚC CẤM NHÌN
DẢI ĐỒNG BẰNG THƯƠNG NHỚ
GIẤC NGỦ
BÀI THƠ KHÔNG VIẾT NHÁP
TÌM BẠN
NGÀY TÔI RỜI MẶT TRẬN
KÍNH GỬI SƯ ĐOÀN 307
TRỜI SAO
KỶ NIỆM NGÀY NHẬP NGỦ
ĐOÀN TUẤN giới thiệu LÊ MINH QUỐC
ĐẤT NƯỚC VÀ NGƯỜI LÍNH
ĐỀ TỰA THƠ MÌNH
NGỦ ĐẤT
NHẬT KÝ MỘT NGÀY
BINH NHẤT
ĐỌC LẠI TRUYỆN KIỀU
NHỮNG MÙA KHÔ TRONG TRÍ NHỚ
UDAĐAO 1979
MÙA TRĂNG PHUM GIỀNG
GẶP Ở ĂNGCO VÁT
CHUYỆN TRÒ CÙNG VÁCH ĐÁ
ANGLUNGVENG 1980
MẸ
TRỞ LẠI NƠI ĐÓNG QUÂN
ĐÊM Ở RỪNG CHOANSAN
VIẾT TỪ AN-LUNG-VENG
ĐỌC “BẠCH VÂN THI TẬP” NĂM 1977
VIẾT TỪ CÁNH RỪNG ĐÔNG BẮC CĂMPUCHIA
DỖ GIẤC NGỦ
TRÊN ĐƯỜNG RA TUYẾN TRUỚC
NHỮNG LIỆT SĨ TRINH TIẾT
BÀI THƠ VỀ HOA CÚC
MÙA XUÂN
ĐỨNG TRƯỚC NGHĨA TRANG SVAY RIENG
TRÒ CHUYỆN VỚI CỎ
ĐÊM TRÚ QUÂN Ở XAM CÔNG THMÂY NHỚ HÀN MẶC TỬ
TRÊN ĐƯỜNG VỀ NƯỚC UỐNG RƯỢU Ở STUNG TRENG
TRỜI ĐỪNG VỘI SÁNG
HOÀI NIỆM CÁNH RỪNG
NHỊP THỞ ‘MỘT- HAI”
CƠN SỐT
ĐỒNG ĐỘI
ĐÊM HẠNH NGỘ
GIẤC MƠ XANH
TRONG MƠ ÁO LÍNH
HỒI TƯỞNG TUỔI HAI MUƠI
TRƯA NAY
ĐẾN HÀ NỘI NHỚ BẠN THỜI ĐI BỘ ĐỘI
THƠ MỪNG NHÀ MỚI
NHỮNG NGÀY LÀM THƠ
Thơ ĐOÀN TUẤN
Tất cả các trang

 

Thơ

Đoàn Tuấn

(Lê Minh Quốc giới thiệu)

TUẤN ƠI! TUỔI TRẺ CỦA CHÚNG MÌNH...


I.

Những tháng ngày này, 7.1997, tình hình chiến sự ở Campuchia đã kích động tôi dữ dội. Kỷ niệm cũ tưởng đã quên, nay bỗng sực nhớ, nó như đốm lửa cháy bập bùng trong ý thức lãng quên. Những bài thơ của một thời trên quê hương Chùa Tháp trong sổ tay nhem nhuốc, được viết dưới ánh sáng của dầu khộp khi nằm trong hầm thùng Anlungveng, được viết sau những giây phút hiếm hoi nghỉ giải lao trên chặng đường truy kích, được viết bâng quơ đâu đó... nay bỗng vọng về như một lời thầm nhắc về tuổi trẻ của mình. Tuổi trẻ đã đi qua. Những sợi tóc đã bạc. Những kinh nghiệm của cuộc đời đã cày từng nếp nhăn trên gương mặt. Tôi sực nhớ đến những liệt sĩ có nụ cười tinh khôi như nắng mới. Môi hồng hào như chưa một lần sốt rét. Thịt da thơm tho như chưa bao giờ hứng trọn quả B.40 giữa lồng ngực. Tôi gọi đó là những liệt sĩ trinh tiết. Những linh hồn ấy dường như còn bay vất vưởng, lượn lờ đâu đó trên mỗi bước chân tôi đi trong dòng đời xuôi ngược. Những linh hồn ấy còn nằm trong sổ tay: “Huỳnh Lộc 15-6-1980, Đỗ Nhờ 16-7-1980, Nguyễn Tiếp 21-7-1980, Nguyễn Luôn 13-8-1980, Lý Văn Nga 18-8-1980, Mai Công Ngói 15-6-1980, Lê Văn Lâm 21-6-1980, Phạm Hữu Phước 17-6-1980, Trần Thanh Biện 25-11-1980, Lưu Thanh Sơn 25-11-1980, Hoàng An 28-12-1980, Huỳnh Hoan 13-12-1980, Trần Lợi 13-12-1980...” Ấn tượng dữ dội nhất của tôi trong nỗi nhớ về Campuchia vẫn là nghĩa trang Anlungveng - nằm trên khu Đông Bắc - nơi ấy, cỏ lau ngút ngàn, những ngày mưa lội bì bõm đi chôn đồng đội của mình. Giọt nước mắt không còn để ứa ra. Những nụ cười tắt ngúm. Những căm thù bủa vây. Và từ bên kia ngọn Đănrek những loạt pháo gầm thét ngày đêm. Trời rực lửa. Chúng tôi đã sống dưới lòng chiến hào. Đôi lúc ngước mắt nhìn sao trời xa xăm trên đỉnh trời lạnh lẽo.

II

Lại nhớ đến những lần luồn rừng để tìm rau rừng. Hãy đọc lại một đoạn trong tiểu thuyết Thời của mỗi người (Lê Minh Quốc -NXB Trẻ - 1991) mà tôi đã viết: “Bước luồn qua những bụi gai nhọn hoắt, bóng tối nhập nhoạng. Như một linh tính đã báo trước, tao chợt cúi rập người xuống để né cành cây ngang tầm mắt thì đó cũng là lúc một tiếng nổ dữ dội gầm lên. Tiếng gầm khủng khiếp. Cái chết đã đến. Trung đội trưởng ngã vật người ra phía sau với tiếng thét rợn người. Một quả mìn KP.2 đã cắt ngang nửa người anh ấy. Trái mìn không chôn dưới đất mà nó được nối vào dây kim hỏa - sợi dây ấy như màng nhện giăng là đà dưới mặt đất. Trung đội trưởng đã vướng dây mìn. Kim hỏa bị kéo tụt ra và phóng chính xác vào hạt nổ. Cả đất trời tối sầm lại.” Vậy đó, làm sao quên? Lật lại quyển sổ tay, thấy còn ghi: “Sáng: 7 ký bột, trưa: 8 ký gạo; chiều: 5 ký bột cộng 4 ký gạo”. Đố Tuấn nhớ được là lúc ấy, năm 1979, quân số của đại đội mình là bao nhiêu người? Xin trả lời; chỉ còn vỏn vẹn 35 người. Khẩu phần buổi tối nhiều hơn, vì còn phải vắt thêm những cục cơm cho những thằng đi phục kích đến mười giờ sáng mai mới về lại hậu cứ. Thời gian ấy chúng ta trú quân trên ngọn đồi. Suốt ngày chỉ ăn măng tươi. Ăn đến phát nôn. Còn nhớ mình với Nguyễn Đình Huần nửa khuya thèm thuốc, lội vào rẫy. Hai thằng đã phát hiện được một rẫy thuốc lá còn xanh mơn mởn. Hai thằng vặt sạch lá. Đem về. Dùng dao cắt nhỏ. Bỏ vào soong rang khô để hút dần. Lại nhớ, có lần cả đơn vị nhốn nháo cả lên. Thằng nào cũng vật vờ vật vưởng. Hút lầm lá... cần sa. Bố khỉ! Lại nhớ Hồ Bi, thiện xạ vác B.41, nói tiếng Miên thật tuyệt:

Me ơi me miên ây đô

Ao ni xà át kho này thơ mây

Me sơi me xốc xờ bay

Oi con xum tít ớt cay, bụi hành

Tuấn còn nhớ là bọn mình đã “dân vận” như thế nào đó không? Còn nữa, đây là ngôn ngữ của Hà móm, của Dân lác, của Trần Tuấn Bảo và của tất cả chúng ta:

Me ơi sờ lanh côn tê?

Oi con xì cọ mang về me ơi!

Me ơi vào nói với âu

Con mượn cái liềm cắt cỏ cho bò hốp bai

Me ơi con tốp lò o

Thơ man con hốp sơ nganh chờ rờn

Những kỷ niệm còn tươi rói trong trí nhờ. Nhớ những ngày đem quân phục vào phum đổi chó? Chúng mình leo lên nhà sàn, ngồi uống rượu. Ném những cục cơm xuống dưới đất để nhử chó, những con chó háu ăn vừa lao tới thì lập tức một loạt đạn vang lên... Bởi khi ấy nòng súng A.K đã chỉa xuống. Bắn chính xác. Cột bốn chân của xác con chó lại. Xuyên qua một thanh tre. Chúng ta đã hào hứng khiêng chó về hậu cứ. Đó là những ngày hội tươi đẹp của một thời tuổi trẻ. Lại nhớ một kỷ niệm cùng Dũng B.40. Đêm. Trăng sáng. Trên đường từ phum Choangs’re, có một chiếc xe bò chở theo một con bò đã chết lọc cọc đi vào rừng. Quốc và Dũng bí mật bám theo. Trong rừng, những nông dân Campuchia đã đào một cái hố lớn để chôn con vật xấu số. Sau khi họ bỏ đi, hai đứa vội vã đào lên, rồi dùng liềm cắt những miếng thịt tươi roi rói đem về, trong bụng khấp khởi mừng vì đêm nay sẽ có một bửa liên hoan ra trò. Khi về hậu cứ không dám đi vào đường chính, vì sợ đại đội phát hiện, hai đứa phải cắt rừng, không ngờ lại lọt vào ngay hướng của đơn vị! Tưởng bọn mình là địch mò vào căn cứ, thế là một loạt đạn đinh tai nhức óc, cả hai thằng kêu toáng lên. May mà không “tiêu” đời một cách lãng xẹt như thế.

Hình như Huần rời khỏi chúng ta vào ngày 27.8.1980? Quốc lật trang nhật ký thì trong ngày hôm  đó có ghi bài thơ tặng Nguyễn Đình Huần:

Im nghe từng giọt mưa đêm

Như từng giọt máu rơi trên hình hài

Tình yêu bầm tím hai vai

Phố xưa hoang vắng trong ngày Prech-vihear

Im nghe trăm mảnh trăng khuya

Tan trong dĩ vãng đầm đìa thương yêu

Sao nghe từng nỗi quạnh hiu

Sầu ngông vật vã tim yêu ngỡ ngàng

Nhớ về ngày cũ miên man

Từ Liêm (Hà Nội) bàng hoàng mộng du...

Lại nhớ về Lê Văn Lâm (Lâm lùn - Hải Phòng) ngày mà anh Lâm trung đội trưởng vĩnh viễn từ bỏ trần gian này, trong nhật ký còn ghi ngày 1.6.1980:

Thèm miếng thịt hộp

Sáu mươi người ăn chung một lon

Ngày đi phục tối gác sáng đêm

Cối 60 địch bắn dập dồn

III

Trên cung đường 19B. Trung đoàn 29 vào thay cho E.95. Tôi đang nằm đung đưa trên võng trong căn hầm thùng. Bỗng có tiếng nói: “-Báo cáo hạ sĩ...” Tôi ngước mắt lên nhìn. Một chân dung trắng trẻo, môi đỏ, giọng nói Hà Nội. Quân phục còn mới. Thoạt nhìn hắn, tôi có cảm tình ngay. Hắn là một trong những tân binh được bổ sung khi chuẩn bị mở màn chiến dịch. Lúc ấy, tháng 12.1978. Trời thường mưa. Mỗi sáng được ăn những cục mì đen đúa và cứng như đá. Hắn cùng tôi, sau đó, trở nên như hình với bóng. Hai thằng đã đi hết một chặng đường chiến binh. Hắn có một quyển sổ nhỏ. Thường giấu ở túi áo, mỗi lần tìm được một câu thơ hay, hắn ghi vào đó. Tính tình của hắn hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ như con gái. Hắn chơi thân với Trần Đào Hiền Nhân, Hoàng An, Nguyễn Đình Huần, Hạm, Tuấn quản, Hà móm, Dân lác, Trung đen... một phần vì đồng hương Hà Nội với nhau. Tôi thân với Trần Tuấn Bảo, Nguyễn Đăng Lâm, Võ Đình Chiến, Mai đù, Huỳnh Lộc... một phần vì đồng hương Đà Nẵng. Rồi bạn bè tụ, tán. Tôi ở lại với bộ binh. Hắn làm lính thông tin. Rồi gặp nhau. Đọc thơ cho nhau nghe. Những bài thơ trong sổ tay. Rồi những giải thưởng thơ trao cho hắn. Hắn chỉ cười. Rồi hắn sang Mạc Tư Khoa học nghề đạo diễn biên kịch gì đó. Bây giờ, đọc lại những bài thơ của hắn viết thời gian ở Campuchia, tôi vẫn còn xúc động, rất xúc động. Quái lạ! Sau này, khi rời bỏ quê hương Chùa Tháp thì hắn không còn giữ được mạch cảm xúc tuyệt vời ấy nữa. Tại sao? Tôi chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ đặt câu hỏi đó với hắn cả.

Ngày tôi rời mặt trận

Vừa đặt chân về đến Hà Nội

Dốc hết tiền

Mua một chiếc đồng hồ đeo tay...

(Ngày tôi rời mặt trận - Đoàn Tuấn)

IV

Kỷ niệm tròn 20 năm, ngày đặt chân vào quân ngũ. Một tập thơ ra đời. Hai thằng từng đứng chung một chiến hào nay lại đứng chung trong một tập thơ. Đời sống có gì vui? Những bài thơ này hầu hết được viết trước năm 1982, nay tìm lại được trong nhật ký, trong trí nhớ hoặc trong sổ tay của bạn bè cũ. Bên cạnh đó cũng có những bài thơ được viết sau này, nhưng thật ra nó cũng nằm trong mạch cảm xúc binh nhất, binh nhì của thời trai trẻ hoa niên còn quá nhiều mơ mộng:

Mặt chúng tôi gầy như gương mặt núi

hào phóng như trời xanh

tính thẳng như nòng súng

ăn cơm cục

uống nước đục

hồn như sông in mây trắng vô tư

(Ankung năm 81 - Đoàn Tuấn)

Một tập thơ ra đời, không dám mong sẽ được nhiều công chúng đón nhận khi nó bày bán trên kệ sách. Chỉ mong đồng đội cũ đọc và nhớ đến những ngày tươi đẹp đã qua mau. Không dễ ai lại đem đổi bán những kỷ niệm và niềm tin của chính mình. Tuấn ạ! Thời ấy chúng ta còn trẻ quá. Mắt còn biếc. Môi còn tươi. Dòng máu trong tim còn sôi nóng. Chính vì thế, đôi lúc, tôi thương tuổi trẻ của chúng tôi quá! Bao giờ quay lui lại dĩ vãng, tôi cũng thấy một gương mặt tân binh non choẹt:

Vẫn nói cười, vẫn thổi mắt cho nhau, ôm súng xông lên và những loạt Đ.K dập xuống

Bạn bè tôi hóa trăm mảnh sao trời

(Tìm bạn - Đoàn Tuấn)

Một tập thơ ra đời để tặng cho đồng đội Hòm thư 5A 2106 Pleiku (Đoàn 330 chuyển), tặng những liệt sĩ - như trong nhật ký ngày 29-12-1980, tôi viết cho Huỳnh Lộc và Lý Văn Nga:

Về đâu khi tóc còn xanh?

Ai chờ ta giữa nội thành mùa xuân

Ngủ quên trong một mùa trăng

Sao mắt không nhắm? Còn bâng khuâng gì?

Cười lên đi! Khóc lên đi!

và:

Còn lại bao nấm mồ, hài cốt

Đồng đội tôi giá lạnh giữa rừng hoang

(Kính gửi Sư đoàn 307 - Đoàn Tuấn)

Câu hỏi ấy mãi còn vang vọng trong nỗi khắc khoải. Đời sống có gì vui? Tôi sực nhớ đến phum Choams're của những năm 1979. Đêm trăng sáng. Tôi cùng một cô bạn người Khmer gốc Chàm đi dưới lòng suối cạn. Mười tám tuổi, môi tôi run rẩy chạm vào môi nàng. Khẩu súng A.K chếch lên vai. Gục đầu trên vai tôi, tóc nàng khét nắng, nàng nhỏ nhẹ: “-Contốp ơi! Boong ơi! Oi on sum tích xàbu, giúp ní cà xọ”. Nàng xin tôi một ít xà phòng để tối nay gội đầu. Sau khi chia tay, khuya ấy, tôi đã lẻn vào hầm của chính trị viên Trần Thanh Chương (quê ở Nam Đàn, Nghệ An) ăn cắp một ít xà phòng để sáng mai tặng nàng. Hỡi ôi! Rạng sáng hôm sau đã có lệnh bí mật hành quân. Từ đó, chẳng bao giờ, tôi còn gặp nàng nữa. Hỡi Maní Chàm, bây giờ em ở đâu? Đời sống có quá nhiều xáo trộn. Mới đó, ngoảnh lại đã 20 năm. Có người đã kết thúc cuộc đời. Có người đang loạng choạng đi về phía hoàng hôn. Tuấn ạ! Tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc hôm nay đến tay bạn đọc. Ai còn nhớ? Ai sẽ quên? Duy nhất một điều mà chúng ta thầm mong: Những linh hồn vất vưởng đâu đó sẽ đọc được trong mịt mù âm dương cát bụi. Trong nhật ký ngày 30.12.1980, tôi viết:

Ta viết từ nghĩa trang

Bằng máu người đã chết

Ta chưa hề biết khóc

Sao thấy lạnh môi cười

Ngồi buồn ôm rách nát

Bia mộ tuổi hai mươi

Ngày từng ngày xanh rêu

Tiếng chim rơi buồn bã

Giữa hoang vu đất lạ

Máu thịt tặng cho đời

Bạn ngàn năm yên ngủ

Linh hồn vật vờ bay

Bạn không còn chân tay

Sao về nơi yêu dấu?

Ta tặng người giọt máu

Ướt đẫm sỏi Angkor

Một mùa khô nóng bỏng

Đầu môi cười ngây thơ?

Ngày từng ngày súng nổ

Quên lãng mộ bia hoang

Bạn nằm cùng cây cỏ

Chiến trường xa điêu tàn

Ta đốt lên điếu thuốc

Nằm ngủ ngoài nghĩa trang

Lửa bập bùng cháy sáng

Thấy bạn về mênh mang...

Điều ấy đã được bạn bè của sư đoàn 307 cùng tâm niệm như thế chăng? Bây giờ, tháng 7.1997. Lật lại tấm bản đồ và nhìn lại những địa danh quen thuộc nơi tuổi trẻ của chúng ta đã đi qua, bỗng dưng lòng như muốn khóc. Tuấn ơi! đời sống có gì vui?

Sài Gòn 14.7.1997

LÊ MINH QUỐC



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com