Mục lục |
---|
LÊ MINH QUỐC bình thơ ÁO TRẮNG |
1. Trục trặc lục bát |
2. Râu này cằm nọ |
3. Hương xưa đã khuất |
4. Giục tằm nhả tơ |
Tất cả các trang |
Thứ Bảy, 20/08/2011, 11:21 (GMT+7)
Giục tằm nhả tơ
AT - Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi, tình non đã già rồi
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi
Mau với chứ, thời gian không đứng đợi
Mấy câu thơ mở đầu bài Giục giã, Xuân Diệu đang nói với người tình hay... nói với chúng ta? Thưa, nếu nhìn ở một góc độ nào đó cũng là nói với thế hệ trẻ làm thơ đó thôi. Trong sáng tạo văn học nghệ thuật, tuổi trẻ vẫn có những cống hiến lớn lao. Nhìn lại trong tiến trình văn học Việt Nam, chúng ta còn kinh ngạc trước sức sáng tạo khủng khiếp của những người trẻ tuổi thuở ấy.
Tố Hữu có Từ ấy ra đời năm ông 26 tuổi. Nhiều nhà phê bình cho rằng Lửa thiêng là tập thơ toàn bích nhất của phong trào Thơ mới, năm đó Huy Cận mới 21 tuổi. Xuân Diệu có tập Thơ thơ (1938) cũng năm 21 tuổi. Lỡ bước sang ngang (1940) của Nguyễn Bính được in năm ông 22 tuổi. Thế Lữ năm 28 tuổi đã có Mấy vần thơ (1935) được xuất bản và trở thành ngọn cờ đầu của phong trào Thơ mới.
Có thể kể thêm Anh Thơ có Bức tranh quê (1941) lúc 20 tuổi. Chế Lan Viên với Điêu tàn (1937) lúc tròn 17 xuân... Thời đó họ trẻ thật, hay... già trước tuổi? Tập thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư in năm 1939, lúc đó ông mới 27 tuổi nhưng đã thấy: “Tình anh đà xế bóng/ Còn chi nữa em ơi!”. Ngay cả thế hệ gần đây cũng có những nhà thơ tạo được tên tuổi thuở còn rất trẻ. Lê Anh Xuân năm 25 tuổi đã có Tiếng gà gáy (1965), Thu Bồn năm 27 tuổi có Bài ca chim chrao (1962), Xuân Quỳnh năm 21 tuổi có Chồi biếc...
Thế thì trong cả hàng ngàn bài thơ của bạn thơ gửi về AT, chúng tôi nhận thấy các bạn cũng đã... già rồi. Đã ngoài 20 thì không thể còn ỡm ờ, ngúng nguẩy: “Chứ em còn trẻ lắm mấy anh ơi!”. Suy nghĩ này khiến Nàng Thơ muốn thúc giục các bạn hãy nhanh, nhanh hơn nữa trong công việc làm thơ. Loạt bài trước đã ít nhiều chỉ ra cho các bạn thấy những khiếm khuyết cần tránh, nay Nàng Thơ muốn giới thiệu những câu thơ ít nhiều “đạt yêu cầu”. Qua đó mong rằng các bạn tiếp tục hào hứng phát huy nội lực chính mình:
Ôi con sông ôm chặt lấy làng quê
Đã bao lần ngập mình trong nước lũ
Con nước lớn chập chờn ru giấc ngủ
Đỏ ngầu cả tiếng mẹ ru...
(T.V.P. - Bình Phước)
Hai từ “ôm chặt” tuy còn phải đắn đo, nhưng hai câu cuối tạo nên sự liên tưởng thú vị. Người viết tinh tế nhận ra cả sắc phù sa đẫm trong lời ru của mẹ. Hay quá đi chứ!
Mẹ gọi con, chợ hẹn sớm mai
Con chạy vội về để quên đôi dép
Lại chân đất giẫm trên rơm nếp
Nghe thơm lừng từ phía đồng xa
(C. - ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Dù nhịp điệu còn trúc trắc nhưng câu thơ cuối gợi mở được nhiều điều. Chân giẫm lên rơm mà đã nghe hương lúa thơm, phải là người từng gắn bó với nông thôn nên viết cứ tự nhiên như không. Thoáng đọc ta nhớ đến nhà thơ Lê Thị Kim: “Giải phóng! Giải phóng/ Má như trẻ thơ/ Kêu ba ra đón/ Cây cũng hoan hô/ Niềm vui đất nước/ Em vội xuống đường/ Mang nhầm cả guốc”. Nhưng ở C., cái sự quên ấy còn được triển khai thêm. Vì thế câu thơ không lặp lại dấu vết của người đi trước.
Khát khao lời ru mẹ
Từ cái thuở nằm nôi
Mười mấy năm tìm kiếm
Giờ vẫn còn mồ côi
(T.T.N. - Trà Vinh)
Bốn câu thơ tạo nên được cái tứ cho thơ, không dàn trải khiến người đọc bùi ngùi, thương cảm. Cũng là một cách nói mới về thân phận mồ côi. Ở đây tác giả khai thác từ lời ru của mẹ nên nghe xót xa quá đỗi.
Trò chuyện râm ran dưới tán cây bàng
Tia nắng tò mò dòm qua kẽ lá
(N.T.T. - Cần Thơ)
Nắng “tò mò” cho thấy sự tinh nghịch trong cách nhìn của tuổi áo trắng, ở đó có cả tâm trạng hồn nhiên mới lớn. Cái sự hồn nhiên ấy ta còn bắt gặp qua hình ảnh thật dễ thương:
Xe vẫn dựng quanh những hàng bún ốc
Hoa điệp rơi vàng trong nhịp muỗng leng keng
(T.T.N.V. - TP.HCM)
Hình ảnh thật như đời sống, nhưng không sống sượng. Chính nhịp muỗng leng keng ngộ nghĩnh ấy đã tạo nên âm thanh reo vui, vô tư trong cảm xúc của người yêu thơ.
Chiều nay trước cơn mưa mùa hạ đến
Trẻ con đùa nghịch nước thả thuyền trôi
Chợt thèm lắm làn roi ngày mẹ mắng
Ta vẫn là đứa trẻ tắm mưa chơi
(L.T.V. - Đắk Lắk)
Vần điệu khá chỉn chu. Lại là một ước mơ có thật trong đời của nhiều người, vì thế câu thơ dễ tạo nên sự đồng cảm. Đọc xong, ắt “làn roi” vẫn còn hằn trong tâm cảm của nhiều người.
Thỉnh thoảng đọc những câu thơ này, Nàng Thơ thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng và yêu thơ hơn nữa. Chỉ tiếc bên cạnh những câu thơ hay còn quá nhiều câu dàn trải, lan man, khiến chủ đề của bài thơ thiếu đi sự cô đọng cần thiết. Thế thì ta có thể “rút được kinh nghiệm” gì không? Thưa rằng khi làm xong một bài thơ, bạn khoan vội gửi về AT. Hãy để nó “ngủ quên” trong sổ tay, dăm ba ngày hoặc một tuần đem ra đọc lại.
Lúc ấy tâm đã tĩnh hơn, cảm xúc đã lắng hơn, bạn có thể dễ dàng nhận ra những câu thơ thừa, câu thơ chỉ có tác dụng “độn” thêm cho dài bài thơ. Tự bạn sẽ thấy bất hợp lý và sẵn sàng “cắt phéng” đi những câu thừa thãi. Thậm chí có những từ đã dùng, bạn sẽ thay thế từ khác cho “đắt” hơn... Ấy cũng là một cách để có được bài thơ hay.
NÀNG THƠ
nguồn: http://tuoitre.vn/Ao-trang/451719/Giuc-tam-nha-to.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|