THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC bình thơ ÁO TRẮNG

LÊ MINH QUỐC bình thơ ÁO TRẮNG

Mục lục
LÊ MINH QUỐC bình thơ ÁO TRẮNG
1. Trục trặc lục bát
2. Râu này cằm nọ
3. Hương xưa đã khuất
4. Giục tằm nhả tơ
Tất cả các trang

Đón gió lấy trầm

          Đây là chuyên mục mới của tập Áo Trắng, được mở ra theo yêu cầu bạn đọc. Quanhận xét của các nhà thơ đi trước hoặc cùng thế hệ có thể giúp cho các bạn thơ nhìn lại sáng tác của mình. Tại sao các sáng tác thơ của bạn chưa thể xuất hiện trên AT? Vì chất lượng chưa thuộc“hàng Việt Nam chất lượng cao”? Vì nội dung không phù hợp với tiêu chí của AT? v.v… Hàng loạt câu hỏi “tại sao” ấy sẽ được giải đáp trong chuyên mục này. Chúng tôi tin rằng sau khi đọc xong, các bạn sẽ tìm ra một kinh nghiệm cần thiết cho riêng mình trong công việc làm thơ.

Mở đầu chuyên mục này, Nàng Thơ của AT (xin “bật mí”nàng… rất xinh đẹp) sẽ hầu chuyện cùng bạn yêu thơ.


 


              TRỤC TRẶC LỤC BÁT

         “Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy đuổi theo mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào để thể hội rằng lục bát Việt Nam là một cõi thi ca hoằng víễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba sông bảy hồ” (Tạp chí Văn số ra ngày 18.5.1973). Đó là lời của trung niên thi sĩ Bùi Giáng đã phát biểu. Hầu như khi làm thơ, ít nhiều ai ai cũng đã thử phóng bút với thể thơ lục bát. Ừ, có gì khó đâu. Chỉ cần chữ cuối của câu sáu vần với chữ thứ sáu của câu tám, câu kế theo, là ổn thôi. Bài học vở lòng ấy, tiếc rằng không phải bạn thơ nào cũng thực hiện được. Trong hàng ngàn bài thơ gửi về AT, Nàng Thơ đã nhặt ra không ít bài thơ sái vận. Như thế quả đáng lo. Điều đáng lo này cũng tựa như khi mời người yêu vào quán nước, nhưng lúc thanh toán… lại quên tiền ở nhà. Có ai chấp nhận cái sự quên ấy không? Chắc là không. Thi pháp của thơ lục bát cũng vậy thôi.

       Nói có sách, mách có chứng. Nàng Thơ xin nêu ra vài trường hợp phổ biến, đặng chúng ta cùng… rút kinh nghiệm chung.

Qua Đèo Ngang lá đua chen

Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chào

(N.T.T)

Trà nồng mất vị từ lâu

Trăng soi gió lượn ngỡ người cõi tiên

(T.M.H)

Bà già không hiểu đành cười

Dù sao nó cũng là con cháu mình

(H.Y)

Ngày đi xóa mãi câu thề

Buổi ban sơ thoắt có còn chi đâu

Còn đây yêu dấu qua tay

(B.K.L)

Thỉnh cầu trời đất xếp đôi

Vợ chồng hòa thuận “con rồng cháu tiên”

(L.T.T.H)

        Có một điều Nàng Thơ lấy làm lạ, trong cái sự trực trặc này đã có không ít bạn đang là sinh viên, là hội viên của chi hội văn nghệ nào đó nhưng vẫn còn va vấp! Có những bạn gieo đúng vần, nhưng lại trùng từ, trùng chữ thì cũng không thể chấp nhận được. Sự trùng lắp này cho thấy người viết nghèo nàn chữ nghĩa, hoặc ít ra cũng là một sự cẩu thả cần nên tránh. Ví dụ:

Tôi về thăm tuổi thơ tôi

Khói un rơm rạ mắt tôi cay xè

(V.L)

Xa rồi những buổi chiều mưa

Tôi em đứng lặng nhìn mưa trắng đường

(T.V.P)

Con xin làm đất quê hương

Má hòa cùng đất ươm hương ngọt ngào

(N.V.Q)

Về làng hái trái mù u

Thời gian khắc nghiệt mù u rụng rồi

(V.L)

         Lại có những câu thơ vần từ chữ thứ sáu sang chữ thứ tám, để rồi câu lục kế theo cũng nối vần. Cách gieo vần lặp đi lặp lại khiến câu thơ cũng… đơn điệu. Lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Chẳng hạn:

Giá gì có chiếc đò ngang

Để tôi sớm tối đi sang thăm nàng

Đằng này cách trở đò giang

Để tôi mỗi tối ngóng sang bến bờ

(C.G)

Bánh mì đặc ruột thơm giòn

Tạo nên thương hiệu Sài Gòn món ngon

(H.N.L.Q.T)

       Có bạn biết gieo vần đúng bài bản, nhưng tiếc thay lại là một sự gượng ép, khiến câu thơ cũng trục trặc nốt. Ví dụ:

Cây tùng dám thách mùa đông

Đố ông dám thách cái ngông… con gà

(H.A.T)

Ngờ đâu bé đã sang đò

Tháng ba bé cưới làm to nhất làng

(H.L)

        Sau khi đọc mấy câu thơ này, có ai nén được cái cười tủm tỉm không? Hoặc cũng có thể gieo đúng vần, nhưng chữ nghĩa lại quá cũ khiến ta ta có cảm giác như nó được viết từ đầu thế kỷ XX. Chẳng hạn:

Thầm mong con thảo dâu hiền

Công hầu nào biết kim tiền trao tay

(P.A)

Tôi, em như giấc chiêm bao

Đời không phụ bạc, tôi nào dối gian

(T.T.N)

        Trên đây là những “ca” phổ biến nhất, Nàng Thơ hy vọng các bạn thơ sẽ né tránh. Có như thế, may ra chúng ta mới “làm chủ” được thể loại lục bát - một thể loại mà thi sĩ Bùi Giáng cho rằng: “lục bát Việt Nam là một cõi thi ca hoằng víễn nhất, kỳ ảo nhất”. Nhân đây cũng xin thưa, khi các anh Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức giao mở đầu chuyên mục này, có ân cần dặn dò: “Cố gắng đãi cát tìm vàng, tìm ra những câu thơ hay của bạn đọc và giới thiệu trên AT để “động viên” anh em”. Thưa, dù đã cố gắng nhưng Nàng Thơ vẫn chưa tìm ra. Vậy xin hẹn vào dịp khác nhé.

NÀNG THƠ


 

Chủ Nhật, 31/07/2011, 04:14 

Râu này cằm nọ

        AT - Thao tác trong công việc làm thơ?  Thì cũng tựa một người bước ra sàn nhảy. Tùy theo điệu nhạc đang du dương cất lên mà chúng ta nhảy theo Rumba hoặc Valse, Bebop hoặc Tango...

           Thậm chí, người ta còn có thể nhảy một cách ngẫu hứng, không theo khuôn mẫu. Nhảy gì thì nhảy. Nhưng trước hết, người đó phải thuần thục những bước đi cơ bản. Làm thơ cũng vậy thôi. Khi tâm hồn đang dạt dào cảm xúc như thác lũ mưa nguồn, bạn tự biết chỉ có thể sử dụng thể loại tự do; hoặc khi tâm hồn trầm mặc cây rừng đìu hiu lá trút, bạn tự biết chỉ có thể mượn hình thức ngũ ngôn...  Nói cách khác, bạn sẽ chọn lấy một hình thức phù hợp với nội dung. Giai điệu tâm hồn sẽ “quy định” thể loại thơ bạn sẽ múa bút. Thể loại gì cũng được. Chả ai bắt buộc. Nhưng đã chọn thể loại nào, phải tuân thủ quy định, phép tắc của nó. Thì khiêu vũ cũng thế, điệu nào cũng được nhưng phải nhảy đúng điệu kẻo đạp chân lên người khác.

Thu nghiêng mình chiếc lá vàng trút bỏ

Thẩn thơ qua lối cũng lá lấp đầy

Mùa đất kia sao nồng nàn đến lạ

Vương mãi trong hồn ký ức nào qua.

(H.M.L.)

Ta khẽ đặt bàn tay lên lồng ngực

Ta siết chặt để biết từng có đau?

Ta khẽ xoa vào trái tim bé nhỏ

- Thôi ngủ ngoan cho giấc mơ tròn.

(V.T.H.N.)

          Ở đây “vần chéo” đã bị phá bỏ một cách nghiêm trọng, khó chấp nhận. Tại sao? “Đầy” và “qua” hoặc “đau” và “tròn”  không thể sánh đôi nhau, cũng tựa như chân này mang guốc nhưng chân kia mang giày. Thử so sánh: “Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh/ Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần/ Đàn buồn, đàn chậm, ôi đàn chậm/ Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân” (Xuân Diệu). Rõ ràng, vần “ngần” và “ngân” quấn quýt với nhau, không thể tách rời khiến khổ thơ chặt và âm vang trong trí nhớ.

Mưa vội vàng như lữ khách phương xa

Phiêu bạt khắp mọi miền quen lạ

Để sau chuyến đi là một trời sũng ướt

Nước mắt mưa hay nước mắt của đời?

(M.D.)

       Ở đây “vần ôm” cũng vi phạm, tựa như... phóng xe vượt đèn đỏ. Quy định của thể loại này, buộc câu hai và ba phải “bấu”, phải “níu” vào nhau. Thử so sánh về vần: “Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già/ Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi/ Và khi thét khúc trường dữ dội/ Ta bước chân lên, dõng dạc,  đường hoàng” (Thế Lữ). Khổ thơ này, “núi” và “dội” cùng  trắc và cùng âm như thể anh em sinh đôi một cách tương xứng.

         Thể thơ bảy chữ cũng có quy định riêng, chẳng hạn, câu 1,câu 2 và 3 phải vần với nhau. Nhưng bạn N.N.G. lại viết rất “vô tư”:

Ánh nắng bừng lên trong sớm mai

Ngõ vắng rực rỡ sắc xuân hồng

Khung cửa chói lòa một màu trắng

Áo trắng mượt mà tuổi thiên thai.

       Đọc xong, cảm giác đầu tiên của ta là sự tréo ngoe, trục trặc. Ta thử đọc: “Chẳng biết xa lòng ghi những ai?/Thềm son từng dội gót vân hài/ Hỡi ôi! Người chỉ là du khách/ Giây phút dừng chân Vọng hải đài” (Phạm Hầu). Vần “ai” cả ba câu thuận theo nhịp đọc của ta, vì thế nó ở lại trong trí nhớ.  Lại có bạn như T.T.K.G. lại viết:

Khi xa nhau anh ơi em hiểu

Nỗi nhớ đến cồn cào, da diết

Đêm từng đêm, lặng thầm giọt lệ

Mắt cay nào... nhìn về phía anh?

     Cảm giác đầu tiên của người đọc là trúc trắc, bởi cả ba câu đều trắc hết cả. Mà lẽ ra phải là trắc bằng, trắc bằng/ hoặc bằng trắc, trắc bằng/ hoặc trắc bằng, bằng trắc... Cũng có những câu thơ liên tiếp âm trắc, nhưng người đọc vẫn thấy xuôi tai vì kế theo là hai âm bằng. Chẳng hạn, Chế Lan Viên viết: “Trưa! Một ít trưa, lạc vào lăng tẩm/ Nhập làm hồn những tượng xưa u thảm/ Trưa, theo tàu, bước xuống những sân ga/ Dựng buồn lên gửi đến Muôn Xa”...

       Những nguyên tắc thơ đơn giản như trên, hầu như bất kỳ ai làm thơ cũng phải biết qua. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là tại sao thơ gửi về AT - đối tượng của SVHS - lại có quá nhiều bạn lại không nhớ (hoặc không biết đến)? Chỉ mới khảo sát ở loại thơ 7 và 8 chữ như trên, chứ nhìn qua ở thể thơ 5 chữ, 4 chữ, cũng thấy chưa vượt qua những sơ đẳng ấy.

     Nói nghiêm khắc thế, chắc có bạn tự ái, cãi: “Ối dào! Vần với chả vần. Phép với chả tắc. Miễn thơ hay là được. Thơ là tiếng lòng, là cảm xúc thì gieo vần thế nào là mặc kệ người ta, chứ việc gì phải tuân theo phép tắc?”. Về chuyện này, Nàng Thơ xin mời thi sĩ Xuân Diệu phát biểu giúp. Trong tập sách Công việc làm thơ, ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng, một số cây bút trẻ... do thiếu huấn luyện, mà làm thơ bất chấp cả những phép tắc thông thường. Những phép tắc này, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, những nhà thơ có tài, có nhiều sáng tạo và độc đáo nhất cũng không bỏ qua”.

Gạch nối

    Sau bài Trục trặc lục bát (AT số 12.2011), Nàng Thơ có nhận được ý kiến của bạn Huỳnh Đắc Nhất (101/25 Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.10, TP.HCM) “xin có vài thắc mắc: Số là tôi đọc qua một số bài thơ của những nhà thơ nổi tiếng, tôi thấy cũng có nhiều câu thơ gieo vần không khớp trong thơ lục bát gữa câu lục và câu bát. Trong thơ Việt Bắc: “Ở đâu u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc, cụ Hồ sáng soi.../ Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”. Trong Truyện Kiều: “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi... Khi hương sớm khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn... Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa... Vật mình, vẫy gió, tuôn mưa/ Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai”. “Mong Nàng Thơ giải đáp giùm”.

        Nàng Thơ rất hoan nghênh thư của bạn, bạn đã bổ sung rất hợp tình hợp lý và kịp thời. Xin trả lời: “Vần (rhyme) là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Đây là một quy luật để nối các câu trong bài thơ với nhau. Thường vần được dùng để nối câu gieo vào chữ cuối cùng của câu thơ”. (http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%Á). Có hai loại vần: “vần bình” và “vần trắc”. Tuy nhiên, nó còn có cả “vần thông” nữa. Đó là trường hợp mà bạn vừa nêu trên. Nói cách khác, ngoài “toàn vần” (như trong bài trước đã phân tích); ta còn có “bán vần”. Cụ thể là “bán vần trong nguyên âm” và “bán vận trong nguyên âm và phụ âm cuối” (chẳng hạn những câu thơ bạn nêu, hoàn toàn không hề sái vận).

     Nhân đây cũng nói thêm, trong thơ lục bát còn có phá cách như: “Bao giờ cho tới Bắc phương/ Chuột chạy ra đường, con mới nên danh” (Lục Vân Tiên). Ở đây, chữ cuối của câu lục thay vì hiệp vần chữ thứ 6 của câu bát, lại hiệp vần xuống chữ thứ 4.

NÀNG THƠ

nguồn: http://tuoitre.vn/Ao-trang/448966/Rau-nay-cam-no.html


 

Thứ Năm, 11/08/2011, 05:05 (GMT+7)

Hương xưa đã khuất

           AT - Thử tưởng tượng, nếu Robinson biết làm thơ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Sống một mình trên đảo hoang, không giao tiếp với con người, không biết gì  thế giới bên ngoài..., liệu vốn từ của chàng như thế nào?

     Sở dĩ hỏi như thế vì vốn từ trong thơ mỗi thời mỗi khác, phong phú hơn và cũng đa dạng hơn. Khi làm thơ có một số từ thuộc về mỹ cảm của số đông. Thử đọc: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau một giậu mồng tơi xanh rờn” (Nguyễn Bính). Thì cái giậu mồng tơi ấy là mỹ cảm của Nguyễn Bính và được nhiều người chấp nhận. Nếu đổi cái “giậu mồng tơi” ngăn cách ấy cho “hiện đại” hơn, “cái hàng rào” chẳng hạn. “Nhà mày ở cạnh nhà tao/ Cách nhau một cái hàng rào con con”, bỗng dưng thấy như đang đọc thơ trào phúng, nghe buồn cười nữa.

         “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung/ Thành tiền mong tiến bệ rồng/ Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời” (Chinh phụ ngâm). Những từ như hào kiệt, xếp bút nghiên, đao cung, bệ rồng...  rõ ràng hợp cảnh, hợp tình của tâm thế người làm thơ trong thời “Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi” (Vương Hàn). Nhưng vốn từ tạo ra một mỹ cảm cho người sáng tác lẫn người thưởng thức luôn thay đổi theo thời gian. Ở thế kỷ @ này, chỉ cần một cú nhấp chuột thì đã Tây sang Đông, nếu cũng sử dụng vốn từ ấy thì liệu có tạo ra mỹ cảm cho người đọc hôm nay? Chưa vội tranh luận, bởi điều đó còn tùy thuộc vào tài năng nhà thơ, vào ngữ cảnh của mạch thơ... Nhưng có một điều chắc chắn, mỗi thời đại đều có cách nói mới, vốn từ mới phù hợp với thời đại đó. Nếu với vốn từ vừa trích dẫn, ta dùng để miêu tả hình ảnh người lính đi nghĩa vụ quân sự thì nghe rất sáo! Đó cũng là một trong nhiều cách để phân biệt thơ của mỗi thời đại.

       Ấy thế mà đọc thơ của nhiều bạn thơ gửi về AT, tôi có cảm tưởng như các bạn đang sống từ nửa đầu thế kỷ XIX. Bởi vốn từ đã cũ, đã trở thành sáo mà nay không mấy người sử dụng nữa. “Rồi tôi chợt nhận ra/ Thời gian sao quá phũ phàng/ Cứ trôi mãi chẳng tuần hoàn trở lại” (L.H.N.). Thế nào là tuần hoàn? Là “lặp đi lặp lại đều đặn sau khoảng thời gian bằng nhau (gọi là chu kỳ)” (Từ điển tiếng Việt). Thế thì dùng từ như thế liệu có hợp lý?  Lại nữa:

Bước đi là bóng phai mù

Trong sương trùng lấp miên du cuộc tình

(L.T.T.D.)

Anh là tiền kiếp cô đơn

Sa trường mù mịt mỏi mòn tâm can

(K.N.B.)

       Miên du là cái gì vậy? Những tiền kiếp, sa trường, tâm can có phải là cách nói của những người trẻ hôm nay? “Trong lòng biển ôm ấp bóng Hằng Nga/ Gió hiu hắt cho chiều tà mỏi cánh” (N.T.N.), Bây giờ còn ai gọi vầng trăng là chị Hằng Nga nữa không? Chắc có, nhưng chỉ có trong... cổ tích. Chính vì thế câu thơ đọc lên, ta cứ ngỡ như được viết từ xa xưa lắm.

       Một trong nhiều từ các bạn hay dùng, chẳng hạn như để chỉ sự trong trắng gì gì đó:

Tôi tìm em giữa hoang vu xa lạ

Ðánh rơi trinh nguyên mảnh vụn... vỡ òa

(fanynhi@...)

Ở dưới đó người có trông thấy

Nụ cười con vẫn mãi trinh nguyên

(T.T.T.T.)

Trinh nguyên lòng dạ trắng ngần

Ðể anh rạo rực chân thành yêu em

(T.T.N.)

       Có còn cách diễn đạt nào khác không? Hay cứ phải mãi bám riết lấy hai chữ “trinh nguyên”? Lại có những câu thơ liên tục xuống dòng, như: “Hồn thơ/ Lạc/ Kiếp con người/ Hèn sang/ Sinh tử/ Luân hồi cuồng quay” (N.T.H.), thì những từ rất to tát sinh tử/ luân hồi vẫn không mảy may đọng lại trong trí người đọc một điều gì cả. Lại thêm một từ nữa các bạn hay sử dụng là “lệ”, thoạt đọc đã nghe “Thôi nín đi em lệ đẫm vai rồi...”. Từ “lệ” chẳng “tội lỗi” gì cả, nhưng trong ngữ cảnh của thơ hôm nay, đọc lên nghe thấy nó sáo lắm, mòn lắm, thậm chí còn buồn cười nữa:

Anh cứ đứng chờ em nơi cuối phố

Là giọt lệ buồn hoen đôi mắt đỏ

(chuthienlam@...),

Trai truyền thanh không anh hùng gan dạ

Phút yếu lòng rơi lệ dưới chân em

(P.Q.L.)

Có ngờ chia ly

Ngày xưa tình mộng mị

Nên lệ sầu hoen mi

(N.H.M.D.)

Mặt trời nâu ứa lệ chia sầu

Nỗi buồn đôi lối tít tận sâu

Lả chân dựa vào triền núi

Ôm giọt máu tình biết về đâu

(T.V.P.)

       Mặt trời nâu ứa lệ thì nó ra làm sao? Rồi chẳng lẽ tâm thế của các đấng mày râu hôm nay hở một chút là rơi lệ? Chắc không. Nhưng có thể theo họ, do vốn từ ấy tạo nên mỹ cảm của thơ nên họ chỉ sử dụng như một thói quen đấy thôi. Thói quen ấy khiến câu thơ trở nên không thật.

       Trước đây ta thường nghe “hoa lệ”, nay có còn ai sử dụng cụm từ như “Trong ánh đèn của phố phường hoa lệ” (L.M.N.)? Từ “phong trần” cũng được các bạn sử dụng nhiều. Chẳng hạn: “Ta khô khốc/ Tưởng chừng như cô độc/ Bụi phong trần bủa ấp ngày qua” (N.Q.T.). Những từ ấy, cách nói ấy, người ta đã sử dụng nhiều lắm và cũng... đã lâu lắm rồi. “Thầm mong con thảo dâu hiền/ Công hầu nào biết kim tiền nào hay” (P.A.), Cô khách ngày xưa đã lấy chồng/ Cô đã làm quen với thuyền rồng” (L.V.N.)... Những từ “kim tiền”, “thuyền rồng” nghe xa xăm quá thể, cứ như những câu thơ được viết đâu từ thế kỷ trước vậy.

        Nếu Robinson sống đến ngày nay và làm thơ, tôi tin chắc rằng chàng chỉ sử dụng những vốn từ đã cũ. Bởi chàng không có cơ hội để nhận biết thêm nhiều từ mới. Thế thì chúng ta có lợi thế hơn, đang sống với cộng đồng chung quanh, được tiếp nhận nhiều vốn từ mới, sao ta không vận dụng vào thơ?

         Ðừng nhìn đâu xa, chỉ nhìn nhà thơ Tú Xương sẽ thấy ông ý thức đưa nhiều từ mới vào thể thơ đã cũ. Cũng là một cách làm mới cho thơ. Chính sự thay đổi của thời đại đã tác động dữ dội đến cuộc đời và hồn thơ, khiến Tú Xương tự ý thức vận dụng, chọn lọc lời ăn tiếng nói của thời đại và nâng nó thành biểu cảm mới của nghệ thuật. Ðể làm được điều đó, ông không đi theo đường mòn các thi nhân trước đã đi. Mà ông chọn lối đi mới là khai tử những hình thức ước lệ, những công thức xơ cứng, những quy phạm gò bó… Trước Tú Xương, chưa có nhà thơ nào đem vào thơ những hình ảnh, những ngôn từ lạ lẫm, những tiếng nói dân dã đời thường như ông. Chẳng hạn: “Hẩu lớ, mét xì, đây thuộc cả/ Chẳng sang Tàu, cũng tếch sang Tây”.

         Sở dĩ Nàng Thơ dông dài thêm đôi chút, cũng không ngoài mục đích thưa rằng, khi hương xưa đã khuất, mỹ cảm cũ đã xa thì ta chẳng nên níu mãi làm gì. Phải tiếp cận với vốn từ mới. Nghĩ cho cùng, làm thơ là sáng tạo...

NÀNG THƠ

nguồn: http://tuoitre.vn/Ao-trang/450102/Huong-xua-da-khuat.html


 

Thứ Bảy, 20/08/2011, 11:21 (GMT+7)

Giục tằm nhả tơ

AT - Mau với chứ, vội vàng lên với chứ

Em, em ơi, tình non đã già rồi

Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi

Mau với chứ, thời gian không đứng đợi

        Mấy câu thơ mở đầu bài Giục giã, Xuân Diệu đang nói với người tình hay... nói với chúng ta? Thưa, nếu nhìn ở một góc độ nào đó cũng là nói với thế hệ trẻ làm thơ đó thôi. Trong  sáng tạo văn học nghệ thuật, tuổi trẻ vẫn có những cống hiến lớn lao. Nhìn lại trong tiến trình văn học Việt Nam, chúng ta còn kinh ngạc trước sức sáng tạo khủng khiếp của những người trẻ tuổi thuở ấy.

     Tố Hữu có Từ ấy ra đời năm ông 26 tuổi. Nhiều nhà phê bình cho rằng Lửa thiêng là tập thơ toàn bích nhất của phong trào Thơ mới, năm đó Huy Cận mới 21 tuổi. Xuân Diệu có tập Thơ thơ (1938) cũng năm 21 tuổi. Lỡ bước sang ngang (1940) của Nguyễn Bính được in năm ông 22 tuổi. Thế Lữ năm 28 tuổi đã có Mấy vần thơ (1935) được xuất bản và trở thành ngọn cờ đầu của phong trào Thơ mới.

       Có thể kể thêm Anh Thơ có Bức tranh quê (1941) lúc 20 tuổi. Chế Lan Viên với Điêu tàn (1937) lúc tròn 17 xuân... Thời đó họ trẻ thật, hay... già trước tuổi? Tập thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư in năm 1939, lúc đó ông mới 27 tuổi nhưng đã thấy: “Tình anh đà xế bóng/ Còn chi nữa em ơi!”. Ngay cả thế hệ gần đây cũng có những nhà thơ tạo được tên tuổi thuở còn rất trẻ. Lê Anh Xuân năm 25 tuổi đã có Tiếng gà gáy (1965), Thu Bồn năm 27 tuổi có Bài ca chim chrao (1962), Xuân Quỳnh năm 21 tuổi có Chồi biếc...

     Thế thì trong cả hàng ngàn bài thơ của bạn thơ gửi về AT, chúng tôi nhận thấy các bạn cũng đã... già rồi. Đã ngoài 20 thì không thể còn ỡm ờ, ngúng nguẩy: “Chứ em còn trẻ lắm mấy anh ơi!”. Suy nghĩ này khiến Nàng Thơ muốn thúc giục các bạn hãy nhanh, nhanh hơn nữa trong công việc làm thơ. Loạt bài trước đã ít nhiều chỉ ra cho các bạn thấy những khiếm khuyết cần tránh, nay Nàng Thơ muốn giới thiệu những câu thơ ít nhiều “đạt yêu cầu”. Qua đó mong rằng các bạn tiếp tục hào hứng phát huy nội lực chính mình:

Ôi con sông ôm chặt lấy làng quê

Đã bao lần ngập mình trong nước lũ

Con nước lớn chập chờn ru giấc ngủ

Đỏ ngầu cả tiếng mẹ ru...

(T.V.P. - Bình Phước)

        Hai từ “ôm chặt” tuy còn phải đắn đo, nhưng hai câu cuối tạo nên sự liên tưởng thú vị. Người viết tinh tế nhận ra cả sắc phù sa đẫm trong lời ru của mẹ. Hay quá đi chứ!

Mẹ gọi con, chợ hẹn sớm mai

Con chạy vội về để quên đôi dép

Lại chân đất giẫm trên rơm nếp

Nghe thơm lừng từ phía đồng xa

(C. - ĐH KHXH&NV TP.HCM)

       Dù nhịp điệu còn trúc trắc nhưng câu thơ cuối gợi mở được nhiều điều. Chân giẫm lên rơm mà đã nghe hương lúa thơm, phải là người từng gắn bó với nông thôn nên viết cứ  tự nhiên như không. Thoáng đọc ta nhớ đến nhà thơ Lê Thị Kim: “Giải phóng! Giải phóng/ Má như trẻ thơ/ Kêu ba ra đón/ Cây cũng hoan hô/ Niềm vui đất nước/ Em vội xuống đường/ Mang nhầm cả guốc”. Nhưng ở C., cái sự quên ấy còn được triển khai thêm. Vì thế câu thơ không lặp lại dấu vết của người đi trước.

Khát khao lời ru mẹ

Từ cái thuở nằm nôi

Mười mấy năm tìm kiếm

Giờ vẫn còn mồ côi

(T.T.N. - Trà Vinh)

        Bốn câu thơ tạo nên được cái tứ cho thơ, không dàn trải khiến người đọc bùi ngùi, thương cảm. Cũng là một cách nói mới về thân phận mồ côi. Ở đây tác giả khai thác từ lời ru của mẹ nên nghe xót xa quá đỗi.

Trò chuyện râm ran dưới tán cây bàng

Tia nắng tò mò dòm qua kẽ lá

(N.T.T. - Cần Thơ)

   Nắng “tò mò” cho thấy sự tinh nghịch trong cách nhìn của tuổi áo trắng, ở đó có cả tâm trạng hồn nhiên mới lớn. Cái sự hồn nhiên ấy ta còn bắt gặp qua hình ảnh thật dễ thương:

Xe vẫn dựng quanh những hàng bún ốc

Hoa điệp rơi vàng trong nhịp muỗng leng keng

(T.T.N.V. - TP.HCM)

     Hình ảnh thật như đời sống, nhưng không sống sượng. Chính nhịp muỗng leng keng ngộ nghĩnh ấy đã tạo nên âm thanh reo vui, vô tư trong cảm xúc của người yêu thơ.

Chiều nay trước cơn mưa mùa hạ đến

Trẻ con đùa nghịch nước thả thuyền trôi

Chợt thèm lắm làn roi ngày mẹ mắng

Ta vẫn là đứa trẻ tắm mưa chơi

(L.T.V. - Đắk Lắk)

       Vần điệu khá chỉn chu. Lại là một ước mơ có thật trong đời của nhiều người, vì thế câu thơ dễ tạo nên sự đồng cảm. Đọc xong, ắt “làn roi” vẫn còn hằn trong tâm cảm của nhiều người.

          Thỉnh thoảng đọc những câu thơ này, Nàng Thơ thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng và yêu thơ hơn nữa. Chỉ tiếc bên cạnh những câu thơ hay còn quá nhiều câu dàn trải, lan man, khiến chủ đề của bài thơ thiếu đi sự cô đọng cần thiết. Thế thì ta có thể “rút được kinh nghiệm” gì không? Thưa rằng khi làm xong một bài thơ, bạn khoan vội gửi về AT. Hãy để nó “ngủ quên” trong sổ tay, dăm ba ngày hoặc một tuần đem ra đọc lại.

      Lúc ấy tâm đã tĩnh hơn, cảm xúc đã lắng hơn, bạn có thể dễ dàng nhận ra những câu thơ thừa, câu thơ chỉ có tác dụng “độn” thêm cho dài bài thơ. Tự bạn sẽ thấy bất hợp lý và sẵn sàng “cắt phéng” đi những câu thừa thãi. Thậm chí có những từ đã dùng, bạn sẽ thay thế từ khác cho “đắt” hơn... Ấy cũng là một cách để có được bài thơ hay.

NÀNG THƠ

nguồn: http://tuoitre.vn/Ao-trang/451719/Giuc-tam-nha-to.html

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com