THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC bình thơ ÁO TRẮNG - 3. Hương xưa đã khuất

LÊ MINH QUỐC bình thơ ÁO TRẮNG - 3. Hương xưa đã khuất

Mục lục
LÊ MINH QUỐC bình thơ ÁO TRẮNG
1. Trục trặc lục bát
2. Râu này cằm nọ
3. Hương xưa đã khuất
4. Giục tằm nhả tơ
Tất cả các trang

 

Thứ Năm, 11/08/2011, 05:05 (GMT+7)

Hương xưa đã khuất

           AT - Thử tưởng tượng, nếu Robinson biết làm thơ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Sống một mình trên đảo hoang, không giao tiếp với con người, không biết gì  thế giới bên ngoài..., liệu vốn từ của chàng như thế nào?

     Sở dĩ hỏi như thế vì vốn từ trong thơ mỗi thời mỗi khác, phong phú hơn và cũng đa dạng hơn. Khi làm thơ có một số từ thuộc về mỹ cảm của số đông. Thử đọc: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau một giậu mồng tơi xanh rờn” (Nguyễn Bính). Thì cái giậu mồng tơi ấy là mỹ cảm của Nguyễn Bính và được nhiều người chấp nhận. Nếu đổi cái “giậu mồng tơi” ngăn cách ấy cho “hiện đại” hơn, “cái hàng rào” chẳng hạn. “Nhà mày ở cạnh nhà tao/ Cách nhau một cái hàng rào con con”, bỗng dưng thấy như đang đọc thơ trào phúng, nghe buồn cười nữa.

         “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung/ Thành tiền mong tiến bệ rồng/ Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời” (Chinh phụ ngâm). Những từ như hào kiệt, xếp bút nghiên, đao cung, bệ rồng...  rõ ràng hợp cảnh, hợp tình của tâm thế người làm thơ trong thời “Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi” (Vương Hàn). Nhưng vốn từ tạo ra một mỹ cảm cho người sáng tác lẫn người thưởng thức luôn thay đổi theo thời gian. Ở thế kỷ @ này, chỉ cần một cú nhấp chuột thì đã Tây sang Đông, nếu cũng sử dụng vốn từ ấy thì liệu có tạo ra mỹ cảm cho người đọc hôm nay? Chưa vội tranh luận, bởi điều đó còn tùy thuộc vào tài năng nhà thơ, vào ngữ cảnh của mạch thơ... Nhưng có một điều chắc chắn, mỗi thời đại đều có cách nói mới, vốn từ mới phù hợp với thời đại đó. Nếu với vốn từ vừa trích dẫn, ta dùng để miêu tả hình ảnh người lính đi nghĩa vụ quân sự thì nghe rất sáo! Đó cũng là một trong nhiều cách để phân biệt thơ của mỗi thời đại.

       Ấy thế mà đọc thơ của nhiều bạn thơ gửi về AT, tôi có cảm tưởng như các bạn đang sống từ nửa đầu thế kỷ XIX. Bởi vốn từ đã cũ, đã trở thành sáo mà nay không mấy người sử dụng nữa. “Rồi tôi chợt nhận ra/ Thời gian sao quá phũ phàng/ Cứ trôi mãi chẳng tuần hoàn trở lại” (L.H.N.). Thế nào là tuần hoàn? Là “lặp đi lặp lại đều đặn sau khoảng thời gian bằng nhau (gọi là chu kỳ)” (Từ điển tiếng Việt). Thế thì dùng từ như thế liệu có hợp lý?  Lại nữa:

Bước đi là bóng phai mù

Trong sương trùng lấp miên du cuộc tình

(L.T.T.D.)

Anh là tiền kiếp cô đơn

Sa trường mù mịt mỏi mòn tâm can

(K.N.B.)

       Miên du là cái gì vậy? Những tiền kiếp, sa trường, tâm can có phải là cách nói của những người trẻ hôm nay? “Trong lòng biển ôm ấp bóng Hằng Nga/ Gió hiu hắt cho chiều tà mỏi cánh” (N.T.N.), Bây giờ còn ai gọi vầng trăng là chị Hằng Nga nữa không? Chắc có, nhưng chỉ có trong... cổ tích. Chính vì thế câu thơ đọc lên, ta cứ ngỡ như được viết từ xa xưa lắm.

       Một trong nhiều từ các bạn hay dùng, chẳng hạn như để chỉ sự trong trắng gì gì đó:

Tôi tìm em giữa hoang vu xa lạ

Ðánh rơi trinh nguyên mảnh vụn... vỡ òa

(fanynhi@...)

Ở dưới đó người có trông thấy

Nụ cười con vẫn mãi trinh nguyên

(T.T.T.T.)

Trinh nguyên lòng dạ trắng ngần

Ðể anh rạo rực chân thành yêu em

(T.T.N.)

       Có còn cách diễn đạt nào khác không? Hay cứ phải mãi bám riết lấy hai chữ “trinh nguyên”? Lại có những câu thơ liên tục xuống dòng, như: “Hồn thơ/ Lạc/ Kiếp con người/ Hèn sang/ Sinh tử/ Luân hồi cuồng quay” (N.T.H.), thì những từ rất to tát sinh tử/ luân hồi vẫn không mảy may đọng lại trong trí người đọc một điều gì cả. Lại thêm một từ nữa các bạn hay sử dụng là “lệ”, thoạt đọc đã nghe “Thôi nín đi em lệ đẫm vai rồi...”. Từ “lệ” chẳng “tội lỗi” gì cả, nhưng trong ngữ cảnh của thơ hôm nay, đọc lên nghe thấy nó sáo lắm, mòn lắm, thậm chí còn buồn cười nữa:

Anh cứ đứng chờ em nơi cuối phố

Là giọt lệ buồn hoen đôi mắt đỏ

(chuthienlam@...),

Trai truyền thanh không anh hùng gan dạ

Phút yếu lòng rơi lệ dưới chân em

(P.Q.L.)

Có ngờ chia ly

Ngày xưa tình mộng mị

Nên lệ sầu hoen mi

(N.H.M.D.)

Mặt trời nâu ứa lệ chia sầu

Nỗi buồn đôi lối tít tận sâu

Lả chân dựa vào triền núi

Ôm giọt máu tình biết về đâu

(T.V.P.)

       Mặt trời nâu ứa lệ thì nó ra làm sao? Rồi chẳng lẽ tâm thế của các đấng mày râu hôm nay hở một chút là rơi lệ? Chắc không. Nhưng có thể theo họ, do vốn từ ấy tạo nên mỹ cảm của thơ nên họ chỉ sử dụng như một thói quen đấy thôi. Thói quen ấy khiến câu thơ trở nên không thật.

       Trước đây ta thường nghe “hoa lệ”, nay có còn ai sử dụng cụm từ như “Trong ánh đèn của phố phường hoa lệ” (L.M.N.)? Từ “phong trần” cũng được các bạn sử dụng nhiều. Chẳng hạn: “Ta khô khốc/ Tưởng chừng như cô độc/ Bụi phong trần bủa ấp ngày qua” (N.Q.T.). Những từ ấy, cách nói ấy, người ta đã sử dụng nhiều lắm và cũng... đã lâu lắm rồi. “Thầm mong con thảo dâu hiền/ Công hầu nào biết kim tiền nào hay” (P.A.), Cô khách ngày xưa đã lấy chồng/ Cô đã làm quen với thuyền rồng” (L.V.N.)... Những từ “kim tiền”, “thuyền rồng” nghe xa xăm quá thể, cứ như những câu thơ được viết đâu từ thế kỷ trước vậy.

        Nếu Robinson sống đến ngày nay và làm thơ, tôi tin chắc rằng chàng chỉ sử dụng những vốn từ đã cũ. Bởi chàng không có cơ hội để nhận biết thêm nhiều từ mới. Thế thì chúng ta có lợi thế hơn, đang sống với cộng đồng chung quanh, được tiếp nhận nhiều vốn từ mới, sao ta không vận dụng vào thơ?

         Ðừng nhìn đâu xa, chỉ nhìn nhà thơ Tú Xương sẽ thấy ông ý thức đưa nhiều từ mới vào thể thơ đã cũ. Cũng là một cách làm mới cho thơ. Chính sự thay đổi của thời đại đã tác động dữ dội đến cuộc đời và hồn thơ, khiến Tú Xương tự ý thức vận dụng, chọn lọc lời ăn tiếng nói của thời đại và nâng nó thành biểu cảm mới của nghệ thuật. Ðể làm được điều đó, ông không đi theo đường mòn các thi nhân trước đã đi. Mà ông chọn lối đi mới là khai tử những hình thức ước lệ, những công thức xơ cứng, những quy phạm gò bó… Trước Tú Xương, chưa có nhà thơ nào đem vào thơ những hình ảnh, những ngôn từ lạ lẫm, những tiếng nói dân dã đời thường như ông. Chẳng hạn: “Hẩu lớ, mét xì, đây thuộc cả/ Chẳng sang Tàu, cũng tếch sang Tây”.

         Sở dĩ Nàng Thơ dông dài thêm đôi chút, cũng không ngoài mục đích thưa rằng, khi hương xưa đã khuất, mỹ cảm cũ đã xa thì ta chẳng nên níu mãi làm gì. Phải tiếp cận với vốn từ mới. Nghĩ cho cùng, làm thơ là sáng tạo...

NÀNG THƠ

nguồn: http://tuoitre.vn/Ao-trang/450102/Huong-xua-da-khuat.html



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com