THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: QUÁCH TẤN - Sứ Giả "Mùa Cổ Điển"

LÊ MINH QUỐC: QUÁCH TẤN - Sứ Giả "Mùa Cổ Điển"

quach-tan

Bài viết của Lê Minh Quốc về bài thơ của nhà thơ Quách Tấn (Báo Nhi Đồng số 4.8.1995)


 

Thuở mười lăm, mười bảy, tôi đã đọc những câu thơ của Quách Tấn và cả “Hồi ký về Thơ” của ông - mà hồi đó ông cho đăng trên tạp chí Văn (do Nguyễn Đình Vượng chủ trương). Trong hồi ký, ông kể lại chặng đường đến với thơ của ông, trong đó có một chi tiết mà tôi nhớ mãi. Đó là thời tuổi trẻ, vốn được nhiều người khen ngợi tài thơ của mình, Quách Tấn đã gửi đúng một trăm bài thơ cho An Nam Tạp Chí của Tản Đà, thế nhưng, Tản Đà chỉ chọn đăng đúng... một bài! Chuyện này xảy ra trước năm 1939 - khi tập thơ đầu tay Một tấm lòng của Quách Tấn chưa ra đời. Tập thơ này thi sĩ Tản Đà đề tựa, Hàn Mặc Tử viết lời bạt. “Ôi chao! Sao ta không phải là trăng để soi sáng mãi Một tấm lòng vàng ngọc? Và nếu ta là trăng, người thiên hạ sẽ reo lên hoan hỷ, vì cứ tưởng từng mảnh trăng là từng mảnh thơ, từng mảnh thơ là từng mảnh lòng thơm tho, ngọt ngào như hương vị buổi ban đầu.”. Lời văn du dương của tác giả Gái quê cũng làm tôi nhớ mãi…

Có thể nói, trong phong trào Thơ mới (1932 - 1945), Quách Tấn là một gương mặt thơ riêng biệt. ông vẫn tuân thủ một cách nghiêm ngặt niêm luật của thơ Đường. Không phải ngẫu nhiên mà Quách Tấn đặt tựa Mùa cổ điển cho tập thơ thứ hai, ra đời năm 1941. Hoài Thanh, khi tuyển chọn những nhà thơ trong phong trào Thơ mới để làm Thi nhân Việt Nam, đã nói về Quách Tấn: “Tôi lắng lòng tôi để đón nhận một sứ giả đời Đường, đời Tống”. Còn Vũ Ngọc Phan, khi biên soạn Nhà Văn hiện đại, cũng đã nhận định về Quách Tấn : “Cái tình của thi sĩ tràn lan đến cả những vật cỏn con, chiếc lá bay theo gió đối với con mắt thi nhân đã trở nên vật có cảm giác biết xê dịch. Đến như tả lòng bị xao động bằng những lời tao nhã, thì hai câu này cũng là tuyệt bút:

Muôn điệu tơ lòng run se sẽ
Nữa vời sóng nhạc gợn lâng lâng

Điều làm tôi không quên được Quách Tấn, ngoài những tập thơ của ông, chính là những tập hồi ký ông viết về bạn hữu của ông, như Đời Bích Khê, Đôi nét về Hàn Mặc Tử. Điều đó làm tôi nhớ đến tình bạn giữa Vẻlen và Rimbaud, Xuân Diệu và Huy Cận… Nếu trước khi Huy Cận cho ra đời tập Lửa thiêng trên báo Ngày Nay, Xuân Diệu cũng đã viết bài về Thơ Huy Cận (đọc Ngày Nay số 151/4-3-1939) - thì sau khi Bích Khê, Hàn Mặc Tử đã qua đời, Quách Tấn có những tập sách rất cảm động về những bài thơ này. Về loại sách này, Quách Tấn có lời thưa như sau: “Viết để thấy rõ rằng Bích Khê, cũng như Hàn Mặc Tử, vẫn còn sống trong lòng như lúc sống, và dù cho thế sự thăng trầm, tình bạn vẫn trường tồn như tình dân tộc. Nếu bậc cao minh ghé mắt thì chỉ coi là một mớ tài liệu trộn trạo với tâm tình. Dù cho văn chẳng thành văn, chắc cũng sẵn sàng tha thứ. Phát xuất tự nhiên, âu viết sao cứ để vậy. Tri âm như có, tiện đây xin gửi chút tình” (NXB Lửa Thiêng, 1971).

Có thể nói, nhờ những tập sách này, tôi đã hiểu hơn và thêm yêu những nhà thơ mà mình đã từng yêu. Riêng với Hàn Mặc Tử thì sau này, về lúc cuối đời, Quách Tấn cũng bị những “tai tiếng”, hiểu lầm không ít. Đó là sau khi có tập Hàn Mặc Tử, anh tôi (NXB Văn Nghệ, 1991) của ông Nguyễn Bá Tín, báo chí bỗng rộ lên vấn đề Di cảo thơ của Hàn Mặc Tử. Trước đó, năm 1942, Trần Thanh Mại và Quách Tấn cũng đã từng bút chiến về việc in thơ Hàn Mặc Tử. Năm mươi năm sau, Quách Tấn lại bị lôi vào “vòng chiến”. Trả lời cho báo Thanh Niên (17-11-1991), ông nói: “Tôi sẽ không trả lời ông Tín. Hai ông bạn già trên dưới tám mươi tuổi cãi nhau về một chuyện liên quan đến người đã khuất cách đây nửa thế kỷ thì thật vô duyên”.

Thú thật, đọc những bài báo đó, với tư cách là một độc giả đã yêu Quách Tấn, yêu Hàn Mặc Tử, hơn nữa biết được tình bạn của họ, tôi cảm thấy đau lòng.

Bây giờ, Quách Tấn cũng không còn nữa. Hãy xếp lại những tranh luận đã rụng. Còn đâu hình bóng của một thi sĩ mà Hoài Thanh đã từng cảm nhận: “Đêm đã khuya, tôi ngồi một mình xem thơ Quách Tấn. Ngoài kia, có lẽ trăng sáng lắm. Nhưng trời về thu, khí trời lạnh lạnh, cửa sổ bên bàn viết đóng kín. Ngọn nến trên bàn toả ra một bầu ánh sáng chỉ đủ sáng chỗ tôi ngồi. Chung quanh tối cả. Tối và im. Một thứ im lặng dày đặc. Trong đó có muôn ngàn thứ tiếng ta không nghe . Lúc này chính là lúc xem thơ xưa. Tôi lắng lòng tôi để đón sứ giả đời Đường, đời Tống”.

Vị sứ giả ấy đã vĩnh viễn ra đi…

LÊ MINH QUỐC
(Trích Bán Nguyệt san Thế Giới Mới số 48 tháng 2 năm 1993)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com