Mục lục |
---|
LÊ MINH QUỐC bình thơ ÁO TRẮNG |
1. Trục trặc lục bát |
2. Râu này cằm nọ |
3. Hương xưa đã khuất |
4. Giục tằm nhả tơ |
Tất cả các trang |
TRỤC TRẶC LỤC BÁT
“Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy đuổi theo mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào để thể hội rằng lục bát Việt Nam là một cõi thi ca hoằng víễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba sông bảy hồ” (Tạp chí Văn số ra ngày 18.5.1973). Đó là lời của trung niên thi sĩ Bùi Giáng đã phát biểu. Hầu như khi làm thơ, ít nhiều ai ai cũng đã thử phóng bút với thể thơ lục bát. Ừ, có gì khó đâu. Chỉ cần chữ cuối của câu sáu vần với chữ thứ sáu của câu tám, câu kế theo, là ổn thôi. Bài học vở lòng ấy, tiếc rằng không phải bạn thơ nào cũng thực hiện được. Trong hàng ngàn bài thơ gửi về AT, Nàng Thơ đã nhặt ra không ít bài thơ sái vận. Như thế quả đáng lo. Điều đáng lo này cũng tựa như khi mời người yêu vào quán nước, nhưng lúc thanh toán… lại quên tiền ở nhà. Có ai chấp nhận cái sự quên ấy không? Chắc là không. Thi pháp của thơ lục bát cũng vậy thôi.
Nói có sách, mách có chứng. Nàng Thơ xin nêu ra vài trường hợp phổ biến, đặng chúng ta cùng… rút kinh nghiệm chung.
Qua Đèo Ngang lá đua chen
Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chào
(N.T.T)
Trà nồng mất vị từ lâu
Trăng soi gió lượn ngỡ người cõi tiên
(T.M.H)
Bà già không hiểu đành cười
Dù sao nó cũng là con cháu mình
(H.Y)
Ngày đi xóa mãi câu thề
Buổi ban sơ thoắt có còn chi đâu
Còn đây yêu dấu qua tay
(B.K.L)
Thỉnh cầu trời đất xếp đôi
Vợ chồng hòa thuận “con rồng cháu tiên”
(L.T.T.H)
Có một điều Nàng Thơ lấy làm lạ, trong cái sự trực trặc này đã có không ít bạn đang là sinh viên, là hội viên của chi hội văn nghệ nào đó nhưng vẫn còn va vấp! Có những bạn gieo đúng vần, nhưng lại trùng từ, trùng chữ thì cũng không thể chấp nhận được. Sự trùng lắp này cho thấy người viết nghèo nàn chữ nghĩa, hoặc ít ra cũng là một sự cẩu thả cần nên tránh. Ví dụ:
Tôi về thăm tuổi thơ tôi
Khói un rơm rạ mắt tôi cay xè
(V.L)
Xa rồi những buổi chiều mưa
Tôi em đứng lặng nhìn mưa trắng đường
(T.V.P)
Con xin làm đất quê hương
Má hòa cùng đất ươm hương ngọt ngào
(N.V.Q)
Về làng hái trái mù u
Thời gian khắc nghiệt mù u rụng rồi
(V.L)
Lại có những câu thơ vần từ chữ thứ sáu sang chữ thứ tám, để rồi câu lục kế theo cũng nối vần. Cách gieo vần lặp đi lặp lại khiến câu thơ cũng… đơn điệu. Lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Chẳng hạn:
Giá gì có chiếc đò ngang
Để tôi sớm tối đi sang thăm nàng
Đằng này cách trở đò giang
Để tôi mỗi tối ngóng sang bến bờ
(C.G)
Bánh mì đặc ruột thơm giòn
Tạo nên thương hiệu Sài Gòn món ngon
(H.N.L.Q.T)
Có bạn biết gieo vần đúng bài bản, nhưng tiếc thay lại là một sự gượng ép, khiến câu thơ cũng trục trặc nốt. Ví dụ:
Cây tùng dám thách mùa đông
Đố ông dám thách cái ngông… con gà
(H.A.T)
Ngờ đâu bé đã sang đò
Tháng ba bé cưới làm to nhất làng
(H.L)
Sau khi đọc mấy câu thơ này, có ai nén được cái cười tủm tỉm không? Hoặc cũng có thể gieo đúng vần, nhưng chữ nghĩa lại quá cũ khiến ta ta có cảm giác như nó được viết từ đầu thế kỷ XX. Chẳng hạn:
Thầm mong con thảo dâu hiền
Công hầu nào biết kim tiền trao tay
(P.A)
Tôi, em như giấc chiêm bao
Đời không phụ bạc, tôi nào dối gian
(T.T.N)
Trên đây là những “ca” phổ biến nhất, Nàng Thơ hy vọng các bạn thơ sẽ né tránh. Có như thế, may ra chúng ta mới “làm chủ” được thể loại lục bát - một thể loại mà thi sĩ Bùi Giáng cho rằng: “lục bát Việt Nam là một cõi thi ca hoằng víễn nhất, kỳ ảo nhất”. Nhân đây cũng xin thưa, khi các anh Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức giao mở đầu chuyên mục này, có ân cần dặn dò: “Cố gắng đãi cát tìm vàng, tìm ra những câu thơ hay của bạn đọc và giới thiệu trên AT để “động viên” anh em”. Thưa, dù đã cố gắng nhưng Nàng Thơ vẫn chưa tìm ra. Vậy xin hẹn vào dịp khác nhé.
NÀNG THƠ
< Lùi | Tiếp theo > |
---|