TA CHỢT NHẬN RA MÌNH HÓA SÓNG BAO GIỜ...
Khi làm thơ, anh đứng ở đâu trong cái cõi nhân sinh ta bà này? Anh tựa vào đâu để viết những câu thơ máu thịt? Cõi nhân sinh dẫu đầy yêu thương, nhưng cũng không ít tị hiềm, bắt trắc. Tựa vào đâu cũng là chông chênh và gẫy đổ. Làm thơ ư? Anh quay về với chính bản thể của anh, may ra, có thể tìm được những câu thơ trong sạch. Tâm hồn nhà thơ là một sự trong sạch như chính tuổi thơ của mỗi một đời người. Những câu thơ của Hoàng Nguyên Vũ là một sự độc thoại, một cuộc trở về bản thể của chính anh. Những câu thơ có sức ám ảnh và nhằm truyền đạt đến người đọc một tín hiệu. Đó là tín hiệu của thời gian đã trở thành quá vãng. Vì thế, trong những câu thơ ấy thấp thoáng sự tiếc nuối và ngậm ngùi lặng lẽ...Một ngày kia, gió mùa tràn về, anh giật mình tự nhủ:
Ta đã đi quá xa những gì ta có
Ta đã không còn ấm nhau từng hơi thở
Sao lại là hơi thở kia chứ? Thở là một lẽ tự nhiên, không ý thức, nhưng với Vũ là một ám ảnh không nguôi:
Em có còn đi về, phố Nguyễn Du
Gầy cả hàng cây, gầy cả từng hơi thở
Còn gì buồn hơn không? Cay đắng hơn không? Cái giây phút độc thoại ấy đã cho phép soi rọi lại chính mình và tự hỏi:
Anh tìm gì giữa tám tiếng một ngày với những người không quen và không nên quen
Giữa ngôi nhà độc thân với chiếc máy vi tính và những cuộc trò chuyện không đầu không cuối?
Không những thế, có lúc anh lại nhìn ra một sự kỳ lạ:
Chỉ có anh và cơn mưa hốc hác
Lạnh tanh tiếng khóc bạc màu
Đó là những câu thơ hay. Gợi cảm và còn ở lâu trong trí nhớ người đọc. Đó là những câu thơ viết bằng tâm cảm của một họa sĩ đang tung tẩy hình tượng với sắc màu. Sự tung tẩy phóng khoáng ấy có lúc anh lại “gặt” được những câu thơ lung linh, ấm áp:
Người vẫn tươi như nụ gió sang mùa
Ta thèm nghe tiếng chim mùa làm tổ
Cái nhìn ấy, cái mơ ước ấy thật ra cũng chỉ là sự hoài niệm của thời gian quá vãng. Ấy cũng là lúc Vũ đã không còn trẻ. Đã không còn mơ mộng. Đã không còn ngây ngô trước cái cõi đời này, mà bắt đầu chuẩn bị bước vào một hành trình mới. Một hành trình anh bắt đầu đi qua với tâm trạng:
Thương con đường và bước chân không mới
Thương dáng mình liêu xiêu
Nhưng rồi, dù biết thế, người ta cũng phải đi cho hết cả một kiếp nhân sinh. Lầm lủi đi. Không tuyên ngôn. Chỉ có những câu thơ dẫn dắt... Tôi sực nhớ đến tình yêu của Vũ! Những câu thơ hay nhất trong tập thơ này, có được, tôi ngờ rằng cũng từ cuộc tình đã xa khuất của Vũ. Trong đớn đau, trong phiền muộn ấy anh đã viết câu thơ khiến tôi đã giật mình:
Có một ngày em không mở cửa
Cây sầu đông trước sân nhà quên đắng
Câu thơ không đủ gọi nắng
Tôi trở về khoát áo sầu đông
Và Hà Nội? Hà Nội trong thơ Vũ mà một khắc khoải đến run người:
Hai mươi mùa mắt biếc
Hà Nội rêu ướt những hàng mi
Từng đọc thơ của nhiều nhà thơ, tôi nhận thấy, có những câu thơ bộc lộ sự cố gắng, nhưng càng cố gắng thì càng điệu đàng; có câu thơ viết “dễ như không”, nhưng lại ẩn chứa sự sâu sắc, thâm trầm. Tôi thích câu thơ của Vũ như:
Giã từ nhé ngày tôi trộn tôi với gió
Thổi hoài thổi hoài manh áo thiếu nữ
Mà không biết mình đang heo may
Viết tự nhiên mà đầy tâm trạng. Tôi tin rằng, làm thơ là tâm trạng, một tâm trạng không thể sẻ chia. Nhưng tâm trạng ấy có đủ sức để còn có thể đánh đu trên sợi dây của của thơ, của một kiếp người hay không còn là chuyện khác. Tài năng ư? Đành rồi. “Trời cho” ư? Đành rồi. Nhưng làm thơ là số phận. Nếu không có số phận, anh sẽ nửa chừng rẽ sang một ngả khác. Đừng cầu mong một sự yên bình,lặng lẽ. Khi Vũ viết:
Muốn lặng im cho hết đời giông bão
Vũ ạ! Muốn là muốn thế thôi. Cuộc đời này, sự sống này chẳng cho phép ai muốn một điều gì cả. Sự lập trình đã có sẵn trong tâm hồn của người làm thơ, không thể thoát ra khỏi nó. Tôi chỉ cầu mong cho, từ tập thơ đầu tay này về sau, hãy tự ý thức:
Ta chợt nhận ra mình hóa sóng bao giờ...
Tôi tin ở Vũ. Vì thế mới viết những dòng tự sự này, như một lời giới thiệu một cây bút mới đến với công chúng yêu thơ của thời đại computer. Một thời đại mà người yêu thơ, đọc thơ, sống chết với thơ, không vụ lợi vì thơ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
LÊ MINH QUỐC
(nguồn: Tập thơ đầu tay của Hoàng Nguyên Vũ)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|