THƠ Suy nghĩ về Thơ Lê Minh Quốc viết Bạt tập thơ NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

Lê Minh Quốc viết Bạt tập thơ NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

Bạt

tari-cam-R

 

1.
     Trong cõi trần gian bụi bặm, xô bồ có bao giờ ta tĩnh tâm ngước lên trời xanh để nhìn một vạt mây trắng đang lãng du, sắp phiêu lãng và đã phiêu bồng như một cách rong chơi không mệt mỏi? Có đấy chứ. “Mây buông rèm nỗi nhớ/ Gió hun hút heo mây”. Trong một chiều nhạt nắng có bao giờ ta ngước nhìn một chùm hoa phượng đang cháy bùng ở góc trời hiu hắt? Có đấy chứ. “Có những giọt nước mắt của mùa hè. Rơi xuống thành chùm hoa phượng đỏ”. Một sự liên tưởng cũng rất... thơ. Mà thơ là gì ở trong cái nhân gian bé tẹo này? Chẳng là gì cả. Thế thì “chạy theo thơ” để làm gì? Cũng chẳng để làm gì cả. Mọi sự có có không không ở cuộc đời này cũng như đám mây vô tư lự trên vòm trời xa tít... Hư ảo và vô thường.
    Tôi đã đọc bản thảo tập thơ này trong một ngày. Một ngày cuốn tôi trôi về cái phía của một tâm trạng đang yêu, muốn yêu và khao khát được yêu. Thơ viết về tình yêu, không phải bây giờ mới có mà đã có từ hàng ngàn năm trước. Chẳng hề gì. Ngàn năm trước người ta cũng phải hít thở để sống. Yêu để sống. Thế thôi. Và cũng vì đang yêu nên người ta mới có những ước mơ ngộ nghĩnh và thăng hoa “Với tay hái ánh trăng mềm. Luồn vào gối ấm ru êm mộng người”. Thậm chí khi ru con, người ta cũng bâng quơ tự hỏi như trẻ thơ “À ơi! Con dế ngoài vườn. Hát gì cùng với giọt sương trong lành?”. Cũng có lúc người ta tự nhủ “Chưa xòe tay bắt một tiếng ve. Mùa hè đã trôi qua ngoài cửa”. Cũng có lúc người ta băn khoăn: “Ai chải tóc cho đôi hàng liễu rũ. Ai vẽ lên trời giáng mi cong?”. Giữa cái thế kỷ XXI, của thời đại computer đang chiếm vị trí ưu thế còn nghe được câu hỏi đáng yêu, còn nhận ra những suy tư hoa mộng như thế ai mà không xúc động?
2.
    Một mảng thơ của nàng đang rong chơi đâu đó ở mãi ngoài Hà Nội. Năm tháng thơ mộng ấy đã từng soi bóng xuống Hồ Gươm chập chờn liễu rũ chăng? “Mưa phùn bay nhẹ má em hồng. Hương xuân biếc chợt thơm nồng góc phố”. Rồi lại “Mưa phùn ướt lạnh bờ vai. Những  khoảng trống thở dài”. Từ Hà Nội, nàng lại nhớ về Sài Gòn với ám ảnh “Có còn cơn mưa áo ạt trắng cả đêm?”. Đó cũng là khoảnh khắc “Những cánh bàng rực đỏ tiễn thu đi”. Tôi ngờ rằng cuộc tình này đi qua đời nàng cũng chỉ mới thoáng qua nhẹ nhàng như cơn mưa phùn lãng đãng ở ba mươi sáu phố phường rêu xám và tràn đầy nỗi nhớ. Nhưng tôi ạ, mưa phùn cũng đủ làm ướt áo đấy chứ!  Nghĩ thế chợt bùi ngùi. Chao ơi! Da diết nhất trong thơ của nàng không phải hẳn là mưa phùn lấm tấm như hoa xoan rơi trên môi, trên tóc mà lại là mùa thu. Mùa thu đã có Tương Phố với Giọt lệ thu ảm đạm sầu não từ đầu thế kỷ XX, đã có Apollinaire với “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo”... Và vây giờ với nàng. Nàng có gì với mùa thu, cái mùa luôn gợi trong tâm hồn người làm thơ những cảm xúc vô bờ bến? “Thu ôm nắng quyện mùi hương xanh ngái. Cựa vào nhau lá cỏ cũng nôn nao”... Rồi gì nữa? Gì thì gì, nhưng hay nhất vẫn là “Thời gian vàng héo ủng. In trên đôi tay gầy”. Cảm giác này rất thật. Có nhiều lần, sau nhưng thất vọng cuộc tình, lo toan cơm áo, não nề đường xa, ngao ngán tình người tôi cũng từng ngậm ngùi nhìn xuống hai bàn tay mình để tìm lại một chút êm đềm xa xưa hy vọng vẫn còn sót lại... Và nàng? “Chiều nay đạp xe bên Hồ Tây canh ao sen cuối vụ. Nghe lòng mình xao xác gọi mùa thu”...
3.
    “Chạy theo thơ”? Đôi lần tôi tự hỏi như thế. Và bây giờ với một cây bút nữ, tôi ngờ rằng nàng cũng có đôi lần tự  hỏi như thế. Tập thơ đầu tay của một người làm thơ, với tôi bao giờ cũng đón nhận với tất cả sự trân trọng yêu mến. Bởi tập thơ đầu tay ra đời cũng giống như người con gái chính thức bước lên xe hoa về nhà chồng. Có thể phía chân mây cuối trời sẽ bắt gặp những tiếng cười giòn tan hạnh phúc; cũng có thể nhặt được những giọt nước mắt trong khuya mưa hiu hắt. Nào ai có thể biết trước một điều gì?
   Khép lại một tập thơ ta gặp một nhan sắc.
   Đó là Quế Mai.
   Sao ta không mở rộng vòng tay để đón một tập thơ mới trong cõi vô thường hư ảo này?

LÊ MINH QUỐC
Sài Gòn 19.7.2008

(nguồn: tập thơ Trái cấm của Nguyễn Phan Quế Mai)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com