Huế, thiên nhiên nơi ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn con người trở thành thi sĩ, trong đó có nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Anh kể về thiên nhiên ấy như tự tình với người tình: “Ở Huế mùa hạ thường có những cơn mưa bất chợt. Có khi vào buổi sáng, thường là vào buổi chiều. Một thứ chiều chưa chiều lắm, mưa chưa kịp tạnh hẳn, nắng đã đột ngột bừng lên, sáng bằng một thứ ánh sáng trong vắt như pha lê, như những mảng thủy tinh long lanh trong vườn qua những kẻ lá, qua những khoảng cách chật hẹp giữa những hàng cây. Không ai đã đặt tên cho cái màu nắng ấy. Cả tôi cũng vậy. Chính bản thân nắng ấy có tên là nắng thủy tinh. Cái tên cúng cơm của một thứ tinh thể vô nhiểm ở một phút giây màu nhiệm khi được lọt lòng từ thiên nhiên”. Và một người bụi bặm một cách trong trẻo là Bùi Giáng một lần đến nơi ấy đã nhặt được mấy vần thơ lấp lánh đến diệu kỳ:
Dạ thưa phố Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
Và Trịnh Công Sơn có lần sực nhớ:
Năm xưa phố lục mây hồng
Giờ đây Bùi Giáng phiêu bồng nơi đâu?
Một câu hỏi vừa thân tình cũng vừa da diết quá đỗi. Thơ Trịnh Công Sơn không nhiều. Mỗi bài thơ anh thường đôi câu, thậm chí chỉ hai câu. Tản mát đâu đó. Nay tôi vừa sưu tập được, chưa mấy người biết đến. Không chỉ để lại trần gian này thông điệp “Quê hương, Tình yêu và Thân phận”, Trịnh Công Sơn còn vẽ, làm thơ. Một bài thơ của anh gần với “chìm khuất trong ta một lời nói vu vơ, chìm khuất sương thu là một đóa thơm tho” mà tôi còn nhớ:
Nỗi đau ngày ấy là em ạ
Là chút hao mòn của bể dâu
Bể dâu sông bãi con thuyền bé
Trong cõi vô thường nhẹ cánh chao
Có lúc Trịnh Công Sơn cũng đã nhìn thấy một hình ảnh lạ:
Hôm nay làng xóm vô thường
Có người đang đứng bên đường ngủ quên
Anh tự nhủ:
Đường xa mỏng mộng vô thường
Trái tim chợt tỉnh tôi nhường nhịn tôi
Ở tuổi “ngũ thập”, anh viết:
Năm năm mươi tuổi tôi ngồi
Thiên thu hãy giúp tôi bồi đắp tôi
Nếu nhạc Trịnh viết nhiều về phố thì trong thơ anh cũng hiện hữu:
Ở đây phố xa hiền như cỏ
Có nỗi hồn nhiên giữa mặt người
Ở đây cỏ sẽ hiền hơn phố
Bởi dưới chân em có mặt trời
Trong bài thơ Chỗ ngồi tạo nên một sự bâng khuâng lạ lùng:
Chỗ em ngồi ngày xưa còn ấm lắm
Anh gối lên và ngủ một giấc dài
Em có hiểu đời cho em là mộng
Để anh về cứ tưởng một là hai
Trong một bài thơ Chiều là những câu hỏi:
Em ơi nắng bỏ đường dài
Chiều hôm hiu quạnh ta ngồi với ta
Dòng sông suối hở mặn mà
Tấm thân trinh bạch em là là ai?
Bóng dáng mùa xuân cũng đi vào thơ Trịnh Công Sơn. Ta hãy đọc Xuân đành:
Em ơi nắng bỏ trời không tiện
Vì thế xuân đành khép nép lên
Tuyệt đi chứ? Và đây:
Em ơi tuyết đổ
Bàng hoàng tuyết rơi
Mùa xuân tuyệt khổ
Lá cỏ ngậm ngùi
Em đi nho nhỏ
Giữa mùa tuyết bay
Ta đi vô độ
Giữa mùa tuyết say
Tim ta vò võ
Tuyết trở mặt rồi
Mùa xuân năm ấy
Mùa xuân năm này
Hồn ta bỏ ngõ
Ai nào ai hay?
Dù không phải là một tín đồ suốt đời nghiên cứu về kinh Phật nhưng Trịnh Công Sơn lại rất am tường triết lý của đạo Phật. Anh viết:
Trăm năm cứ gõ vô cùng tận
Lặng lẽ nơi đây một tiếng cười”
Như trong đạo Phật gọi là “duyên”, Trịnh Công Sơn lại gặp nhan sắc xa xăm từ hoa niên tươi trẻ, anh viết về duyên hội ngộ này dưới một mùa tuyết trắng:
Bỗng nhiên gặp lại nơi này
Những khuôn mặt cũ một thời có nhau
Ngày xưa phố cổ ngọt ngào
Ngày nay xứ lạ điệu chào ngẫu nhiên
Xứ lạ ấy anh có “tiết lộ” trong bài thơ Nhìn phố Phái ở Montréal:
Gió mùa đông bay vào cửa nhỏ
Phố em buồn ngọn cỏ cũng buồn theo”.
Còn “phố cổ” nào vậy? Là Huế chăng? Huế của những mùa “nắng thủy tinh”, của những mùa “mưa vẫn mưa bay”. Để rồi có lúc ngẫu nhiên, anh viết:
Quế Hương là quế hương nào
Trời hiu hiu gió ta vào mùa đông
Ta xưa ở Huế
Có dòng sông
Hôm nay ở Huế người không có người
Bạn bè mỗi đứa một nơi
Bóng ta phố cũ sóng đôi một mình
Một đời người, nghĩ cho cùng, trước đó Nguyễn Gia Thiều cũng đã nhìn ra một cách đau đớn “Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì”. Biết vậy, biết sao không “cần có một tấm lòng” cho nhau? Để làm gì? Để sống nhẹ nhàng hơn, sống đẹp với nhau hơn. Đơn giản vậy thôi. Cuối cùng là “để gió cuốn đi”. Đừng bận tâm. Một mình đi với một mình. Thân phận ấy khiến ta nhớ đến hình ảnh kẻ lưu đày, là chàng Sisyphe hàng ngày nhọc nhằn đầy tàng đá lên núi cao và thả tay cho lăn xuống vực, để rồi lại lập cứ lập lại suốt một kíp người. Đó cũng là thân phận của thi sĩ. Với Trịnh Công Sơn, ước mơ cuối cùng của anh chính là để lại một thông điệp về cái Đẹp - thông qua tác phẩm của mình - trước khi vĩnh viễn rời bỏ cõi trần gian này. Trong thế kỷ chúng ta, Trịnh Công Sơn là một trong số ít ỏi, rất ít ỏi đã hoàn thành sứ mệnh của chính mình trước lúc về lại cõi vô thường. Vì lẽ đó, anh không mất đi, mà “chìm dưới đất kia một người sống thiên thu”.
Bóng dáng của Trịnh Công Sơn quá lớn, thế hệ chúng tôi và trước đó, sau đó đã được chia xẻ, được an ủi và được nuôi dưỡng tâm hồn bằng âm nhạc của anh. Anh nhắn nhủ: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”. Trong tâm thức của chúng ta, không phải bây giờ, mà từ đã lâu lắm rồi, ta đã ý thức ca khúc của anh đã là một phần máu thịt trong đời sống tâm linh của chính mình... Mà thật ra không chỉ có âm nhạc, còn có cả thơ của Trịnh Công Sơn nữa.
LÊ MINH QUỐC
(nguồn: Phụ Nữ Ấp Bắc Xuân 2011)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|