THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Về cuộc thi THƠ THỜI TÔI SỐNG

LÊ MINH QUỐC: Về cuộc thi THƠ THỜI TÔI SỐNG

toi-tu-duyGọi là cuộc thi của tập san Áo Trắng, nhưng thật ra đây là sự tiếp nối của sân chơi Bút mới của báo Tuổi Trẻ đã có từ nhiều năm trước. Vẫn là mục tiêu tìm kiếm những gương mặt thơ mới. Trong thời đại này, dẫu vội vã đến cỡ nào đi nữa thì sáng tác văn học, cụ thể là thơ, vẫn có chỗ đứng trong tâm trí của bạn đọc. Những con chữ lặng lẽ trên hành trình tìm đến với người yêu thơ vẫn bất biến. Không thay đổi. Nếu có khác chăng là “hồn vía” của câu chữ trong từng bài thơ nhằm phản ánh tâm trạng, khát vọng của người sáng tác.

Thử hỏi, thơ đứng ở đâu trong cái cõi nhân sinh này. Nó đứng trên trời chăng? Nó thấp lè tè dưới đất chăng? Cũng đúng mà cũng chưa đúng. Nếu đứng trên trời thì nó xa rời thực tế, không cảm nhận được sức sống của Đời. Nếu đứng dưới đất, thì nó lại thiếu đi sự bay bỗng đặc trưng của một thể loại nghệ thuật. Vậy phải kết hợp cả hai. Đó cũng là điều “khổ tâm” của ban giám khảo khi “nhăn mặt nhíu mày” một cách nghiêm túc nhằm tìm ra những bài thơ hay nhất để trao giải. Có bài thơ hay về tứ, nhưng diễn đạt câu chữ thô ráp. Có bài thơ hay về vần điệu, nhưng ý tứ trong thơ lại không phản ánh được chủ đề của cuộc thi lần này. Khó thật. Vâng, khó thật đấy chứ!


Khó, nhưng cũng phải tìm, phải tranh luận cho ra nhẽ để trao giải. Tìm và tranh luận bằng cách nào? Cuối cùng ban giám khảo quyết định phải tìm cho được những bài thơ đạt hai tiêu chí: mới trong phong cách thể hiện; mới trong cảm xúc về năm tháng họ đang sống. Qua cuộc thi lần này, ta thấy tâm trạng họ thế nào?

Có thể nói, hoài niệm về một vùng quê và tuổi thơ trong ký ức chiếm một lượng đáng kể trong kỳ thi thơ lần này. Điều đó cho thấy chủ đề “Thời tôi đang sống” vẫn là sự tiếp nối những trải nghiệm từ quá khứ cho đến cuộc sống bây giờ, không có sự đứt khúc giữa kỷ niệm êm đềm, hoa mộng và nhịp sống xô bồ, gấp gáp hiện nay. Hình ảnh cha ông, đất đai quê nhà vẫn là điểm tựa tâm hồn cho tuổi trẻ trong tiến trình tìm đến tương lai, hòa nhập bản thân giữa dòng thế sự.

Có thể đó là tâm tình của Lê Văn Lâm (ĐH Kinh tế TP.HCM): “Tôi mãi là chàng trai nói giong phù sa/ Thèm ngửi mùi bùn, mùi dốt đồng dẫu năm dẫu tháng/ Hạnh phúc giản dị như bát nước chè xanh giữa trưa hè chang nắng...” (Tự khúc  -giải Nhì). Có thể là tâm trạng của Đoàn Văn Mật (K.8 ĐH Văn hóa Hà Nội): “Sao tôi thấy tôi ngày càng giống họ/ Những khuôn mặt nhàu ứ/ tắt đọng trên đường/ giờ cao điểm...”(Sao tôi thấy tôi ngày càng giống họ - giải Ba). Có thể là “Nốt buồn” của Lê Minh Tú (Long An) phản ánh một thực trạng: “Khi gặp người quen/ “Dạo này mét đất giá bao nhiêu?”/ Thay cho câu hỏi thăm mùa màng đặng, thất.../ Quê tôi vào vùng quy hoạch/ Bản nhạc vui sao lắm nốt buồn” (giải Khuyến khích). Buồn, đã đành, nhưng ở người trẻ tuổi vẫn còn nuôi dưỡng những khát vọng lớn của đời mình - như tâm thế trong  bài thơ Trên bước đường tôi đi (giải Khuyến khích): “Tôi không muốn như cha tôi, mẹ tôi, anh tôi. Tôi quyết tâm lao về phía trước” (Hồ Huy Sơn- ĐH Văn hóa Hà Nội”. Họ lao về phía trước với hành trang gì? Thật lạ, Đinh Hiếu Minh (Hà Nội) trong bài thơ Rời nhà (giải Nhất) cho biết “Ngày rời nhà/ Tôi mang theo ngọn gió đồng/ Ủ trong phòng trọ”. Những câu thơ này đủ sức bám vào trí nhớ người đọc. Và “Phố xá lạnh lùng/ Chẳng ấm lòng như bếp lửa mẹ nhen lên buổi sớm/ Bình minh thức dậy bằng tiếng còi xe”. Chỉ đôi nét phác họa nhưng đã vẽ lên đời sống ở phố. Sự “rời nhà” tưởng mở ra một nguy cơ lạc lối, phai nhạt tình quê giữa “phố xá lạnh lùng”, nhưng không, chính những cái tưởng là vu vơ nhất như ngọn gió đồng, đàn gà con, ngọn lửa bếp… đã đồng hành cùng kẻ xa quê, đủ sức “giữ’ họ lại giữa những ngã ba ngã bảy cuộc đời. Hình ảnh hai chiếc hộp màu xanh và đỏ “đặt bên cửa sổ” có sức ám ảnh người đọc. Bản chất thuần hậu dân dã (lầu đời) trong dòng máu luôn trỗi dậy mạnh mẽ: “Ngọn gió đồng và giấc mơ/ Bật nắp chiếc hộp màu xanh/ Lao về quê/ Khi cánh đồng đang vào mùa gặt”.

Lục bát của Huỳnh Anh Thư dung dị, tự nhiên nhưng đó là cái nhuần nhuyễn của người thành thạo trong sử dụng câu chữ, vần điệu. Hình ảnh đẹp, thơ, “thơ như nói” mà không thô, ngược lại diễn đạt được những ý tình uẩn khúc: “Bao con đường rộng thênh thang/ Nửa quen nửa lạ dưới bàn chân tôi/ Cũng như bao nỗi buồn vui/ Không còn giản dị như hồi năm xưa/ Chỉ riêng có những chiều mưa/ Vẫn còn thương cánh chim... chưa có nhà” (Con chút niềm thơ ấu - giải Ba). Cà phê hẻm (giải nhì) của Nguyễn Vũ Minh, là bức tranh thu nhỏ về một phong cách sinh hoạt của trí thức trẻ, có buồn vui, có dự định tương lai, cũng có những mảnh vụn tình đời vu vơ như lỡ một chuyện tình, nhắc đến sự vắng mặt của một người bạn gái, nghe người già kể chuyện hôm qua… Ngôn ngữ gần gũi cuộc sống hiện đại nhưng không cường điệu mà thủ thỉ như quen như lạ, như xa như gần: “Khi đi hoang đâu đó về thăm ngõ/ Xay ly nâu thảng thốt thấy mình gầy/ bạ ạ, cô ấy sẽ không về qua nữa/ Cháu cũng không vẽ vời, đã cuối mùa heo may...”

Tuy nhiên, cuộc thi thơ lần này cho thấy “Thời tôi đang sống” chưa được quan sát đầy đủ, nhiều chiều, toàn diện hơn như ta mong muốn. Có lẽ do điều kiện ngắn hạn của cuộc thi, do chỉ tập trung những cây bút trẻ, mới, chưa có bề dày sáng tác,v.v…, nên không ít tác giả vẫn lấy đề tài quê nhà, ký ức tuổi thơ… làm cảm hứng chủ lực; một số khác có nhắc đến cuộc sống hiện đại nhưng chỉ mới dừng lại ở chỗ “ghi chép sổ tay hiện thực”, chưa đi đến khái quát, chưa có những ý tưởng mới la đến thật sự cún hut người đọc... Song có điều vui,  ấy là dù có hăm hở đi kiếm tương lai giữa những đồ thị quanh co xô bồ của cuộc sống đương đại, đa phần những người trẻ vẫn có sự kết nối với quá khứ, với cha ông, với đất đai quê nhà…, như thể đó là vẫn là “người bạn” tốt nhất bảo vệ họ giữ được bản sắc tâm hồn mình, không bị tha hóa giữa dòng đời xô đầy, bon chen.

Về thi pháp, ta thấy đa phần là thể thơ tự do, nhưng vẫn giữ nhịp điệu, nhạc tính trong thơ, ngôn ngữ, nội dung không sa vào bí hiểm, ồn ào nhưng sáo rỗng kiểu “hậu hiện đại” như vẫn thấy trên các diễn đàn thơ mạng hiện nay.

Có thể nói, với chủ đề “Thơ thời tôi sống” của cuộc thi lần này đã cho thấy một “mùa gặt” mới về thơ của những cây bút trẻ, của những tâm hồn mà tuổi đời chỉ mới phơi phới ngoài hai mươi.

LÊ MINH QUỐC
ĐOÀN VỊ THƯỢNG

(nguồn: Tạp san Áo Trắng) 

Kết quả thi thơ Bút Mới lần 7 "Thời tôi đang sống"

TT - Chiều 2-1-2008, ban giám khảo cuộc thi thơ Bút Mới lần 7 "Thời tôi đang sống" do báo Tuổi Trẻ và tuyển tập Áo Trắng tổ chức, với sự tài trợ của Công ty văn hóa Hương Trang & nhà sách Quang Minh đã họp chấm giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

Ban giám khảo gồm các nhà phê bình và nhà thơ Huỳnh Như Phương, Nguyễn Thái Dương, Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc, Đoàn Vị Thượng.

Kết quả:

1 Giải nhất: Rời nhà (Đinh Hiếu Minh, ĐH Hà Nội)

2 Giải nhì: Tự khúc (Lê Văn Lâm, ĐH Kinh tế TP.HCM), Cà phê hẻm (Nguyễn Vũ Minh, TP.HCM)

3 Giải ba: Cô bé không đi hài (Võ Thị Ngọc Duyên, ĐH Nha Trang), Sao tôi thấy tôi ngày càng giống họ (Đoàn Văn Mật, ĐH Văn hóa Hà Nội), Còn chút niềm thơ ấu (Huỳnh Anh Thư, Trà Vinh).

10 Giải khuyến khích:

- Trên bước đường tôi đi (Hồ Huy Sơn, ĐH Văn hóa Hà Nội), Tìm lại tuổi thơ (Cù Thị Mến, ĐH KHXH&NV TP.HCM), Thưa với quê nhà (Trang Nguyệt Hạ, Đà Nẵng), Nốt buồn (Lê Minh Tú, Long An), Chiều trong câu hát (Vân Nhi, TP.HCM), Chuyện bên hồ (Lương Đình Khoa, Học viện Báo chí & tuyên truyền Hà Nội), Phố (Đoàn Minh Châu, Học viện Quan hệ quốc tế Hà Nội), Đặt tên cho con (Nguyễn Xa, ĐH An Giang), Năm tháng biết đợi chờ (Lê Thị Hồng Thanh, Cần Thơ) và Đỏ, vàng, xanh (Trần Phong Vũ, TP.HCM).

Dự kiến buổi lễ trao giải sẽ được tổ chức sau Tết Mậu Tý và sẽ có thông báo trên báo Tuổi Trẻ cùng thư mời gửi đến các tác giả trúng giải.

TUỔI TRẺ

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com