THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Vào đời từ cuộc chiến

LÊ MINH QUỐC: Vào đời từ cuộc chiến

 

Nhà thơ Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại thành phố Đà Nẵng. Cha quê Ninh Bình. Mẹ người Quảng Nam. Năm 1977, anh là bộ đội tình nguyện tại mặt trận Tây Nam. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TPHCM năm 1987. Hiện nay, ông là trưởng ban Văn hoá Văn nghệ báo Phụ Nữ tp.HCM. Đã xuất bản trên 30 tác phẩm, gồm thơ (9 tập), truyện dài (6 tập), tiểu thuyết lịch sử (4 tập), các thể loại khác (trên 10 tập). Lê Minh Quốc là một trong những nhà thơ có bút lực rất sung mãn.


BO-DOI-QUOCR

Lê Minh Quốc

Ai trong đời có lẽ cũng có một cú hích đầu tiên. Nhưng với tôi, cú hích đó không chỉ cho riêng mình mà cho cả thế hệ tôi:

Thuở tôi lớn, mẹ chắt chiu hạt gạo

mỗi bữa cơm độn thêm sắn khoai

cha còng lưng kéo xe ngoài phố

nhưng môi cười đã khắc khoải niềm vui

Khi lồng ngực của tuổi mới lớn ưỡn trước nắng mai với nhiều hoài vọng, tôi đã gặp ngọn gió Giải Phóng. Đất nước thống nhất sau nhiều năm tháng chia cắt. Đất nước sau chiến tranh với nhiều lo toan, vất vã. Rồi chiến tranh Tây Nam. Đất nước vừa hòa bình. Đất nước vừa chiến tranh: 

Chúng nó muốn nã pháo trên đầu mẹ 

muốn bẻ gãy chiếc đòn gánh tì trên vai mấy ngàn năm

hối hả áo xanh lên miền biên giới

chặn bàn tay chém mẹ vết dao đâm..

 Không còn một lựa chọn nào khác, thế hệ chúng tôi đã trở thành người lính. Như một lẽ tự nhiên.

Bước vào chiến trường, tôi làm thơ. Ngày đó, tôi mới vừa 18 tuổi. Những đêm mưa, trong phiên gác đêm trên một cao điểm sát với biên giới K, tôi đã nghe trong gió hú một nỗi nhớ nhà xa thăm thẳm. Nhớ nhà khủng khiếp. Tôi nhớ đến ly chè đậu đen thật ngọt trước cổng trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), tôi nhớ đến cô bạn học cùng lớp dịu dàng như mây trời. Nhưng lúc ấy trước mắt tôi chỉ có bóng đêm và những ngọn lau sậy vật vờ trong gió cuốn. Sau phiên gác, không thể chợp mắt, dưới ngọn đèn dầu chập chờn, tôi nằm sấp trong hầm làm thơ: 

Em ơi, đất lửa chiến trường

Làm sao vọng lại gió hương bạch đàn

Mùa xuân ơi! Có hân hoan

Trăng đêm Đà Nẵng, nắng vàng Tây nguyên

Ít lâu sau, chúng tôi bắt đầu hành quân sang đất K. Trên đường đi, tôi đã gặp những anh em TNXP cán thương, tải đạn... gọi nhau ơi ới. Rồi có tiếng mìn nổ. Có người quay về tuyến sau trên chiếc võng toòng teng những máu. Năm tháng này, một thời gian dài, chúng tôi phải sống trong hầm dưới hào công sự và sẵn sàng nổ súng. Cái sống và cái chết chỉ gần nhau như một gang tấc. Tôi lại làm thơ như một cách ghi nhật ký, bởi từng ngày phải đón nhận những điều khủng khiếp mà mình chưa hề chuẩn bị trước, không thể lường trước...

Nếu lúc ấy cả nước bước vào cuộc chiến tranh, tâm trạng chúng tôi đã khác. Khổ nỗi, đất nước vẫn đang hòa bình. Chỉ có tiếng súng nổ ra ở biên giới. Đêm đêm đứng trên chốt, nhìn về phía sau, chúng tôi vẫn còn thấy những ngọn đèn mờ nhạt từ phía Pleiku hắt lên nền trời đen. Như những lời mời gọi rất quyến rũ. Chỉ cần quay đầu, chúng tôi đã có mặt tại đô thị, đã có thể nhân nha vị ngọt hòa bình ngày ngày bình yên vô sự. Nhưng rồi không thể. Chúng tôi lại tiếp tục đi về tuyến lửa. Rồi một buổi chiều nắng úa trên những vòm cây đã bị cụt ngọn bởi hỏa lực, tại một giao thông hào chật hẹp, chúng tôi được kết nạp vào Đoàn. Không còn cờ, không có hoa, chỉ có lời tuyên thệ. Sáng hôm sau, Sư đoàn 307 mở màn chiến dịch đánh thẳng qua K. Từ đó, tôi thật sự trưởng thành người lính:  

Cái nắng quái như lửa nung cháy họng

cổ bỏng lên! ôi khát! ôi nắng

chúng tôi đi rùng rùng bụi đỏ

hái lá tai voi nhai suốt chặng đường dài

ba lô đeo vai/ súng và gạo đeo vai/

vác trái đất nặng ba mươi ký

chúng tôi hành quân qua Xam - coong Thmây

  Đó là những câu thơ tôi còn ghi trong sổ tay.

Thật ra, lúc bấy giờ, suốt năm tháng hành quân và tác chiến, chúng tôi không có báo để đọc, không có đài để nghe. Vì thế, một lá thư từ hậu phương gửi đến là niềm vui không thể nào tả nổi. Thư viết cho bạn, nhưng mình cũng xin đọc ké cho đỡ buồn. Chỉ trong lính mới có loại "thư tọa độ". Nghĩa là chúng tôi "san sẻ" cho nhau địa chỉ của những cô gái mà mình biết để bạn mình viết thư làm quen. Thư gửi đi một cách hú họa vì biết đâu sẽ có "bóng hồng" nào đó hồi âm! Nếu được, thì cứ tiếp tục viết thư chia sẻ "buồn vui đời lính", tha hồ tưởng tượng và bay bổng yêu thương dù không hề biết mặt nhau! Chính nhờ cảm xúc đó, mà trong thời gian ở lính, tôi cũng làm khá nhiều thơ tình. Một mối tình hoàn toàn chỉ có trong tưởng tượng.

Mà cũng phải làm thơ thôi. Như một cách để tìm cái gì đó mà đọc khi sống trong rừng sâu chỉ có mìn, tiếng súng và cái chết rình rập đến từng ngày...  

Câu thơ nào bên bếp lửa

Ngồi hơ lạnh cóng bàn tay

Áo quần mưa ướt chềm chệp

Làm thơ rét lạnh không hay

Câu thơ toòng teng cánh võng

Nối liền tiền tuyến hậu phương

Lính nằm vắt chân chữ ngũ

Đọc thơ ấm cả chiến trường...

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi trở về trường đại học và tiếp tục làm thơ. Như một lẽ tự nhiên.

L.M.Q

(nguồn: báo Mực Tím 1.5.2009)

 

 

 

 

Cùng một chủ đề:

Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn - ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com