THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Nội lực của một chữ trong một câu thơ

LÊ MINH QUỐC: Nội lực của một chữ trong một câu thơ

minh-hoa-tho

Tạp chí Văn số đặc biệt về thơ (Sài Gòn - 1972). Chỉ mang tính minh họa. Tư liệu L.M.Q

 

Ghê gớm cho ông nhà văn Nam Cao (1917-1951) đã mấy mươi năm trôi qua, tôi không thể quên được cái tên nhân vật của ông: Trạch Văn Đoành! Cứ như là súng thần công bắn vào lỗ tai. Nếu cái tên ấy được nhà văn đặt khác đi thì có lẽ nó không gây được ấn tượng như thế. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987) khẳng định: “Nghề văn là nghề của chữ - chữ với tất cả mọi nghĩa mà mỗi chữ phải có được trong một câu, nhiều câu”. Xin kể một giai thoại văn chương thú vị: nhà thơ Pháp Malherbe (1555-1628) đã may mắn được nhà in sắp sai một chữ! Tên nàng Rosette bị sắp nhầm thành rose (hoa hồng) nên câu thơ hay của ông đã biến thành câu tuyệt hay:

Et rose elle a vécu ce que vivent les rose

L’aspace d’un martin

Nghĩa của câu thơ này: từ nàng Rosette đã sống cuộc đời của những bông hồng chỉ trong một buổi sáng, thì do sắp nhầm chữ nên nàng đã hóa thân thành hoa hồng, nhờ vậy câu thơ linh hoạt và độc đáo hẳn lên. Thế mới biết, một chữ trong câu thơ quan trọng biết chừng nào. Chẳng hạn, Huy Cận trong bài thơ Chiều xưa, ban đầu ông viết:

Ngàn năm sực tỉnh lê thê

Trên thành son nhạt. Chiều mê mải sầu.

Nhưng sau đó ông sửa thành “chiều tê tái sầu”. Khi qua bàn tay Xuân Diệu - ông vua thơ tình V N đã “biên tập” thành “chiều tê cúi đầu” thì hình ảnh câu thơ đột nhiên mới mẻ và sáng tạo lạ thường. Cũng tương tự như thế, năm 1935 khi Xuân Diệu gửi bài thơ đầu tiên Với bàn tay ấy cho báo Phong Hóa:

Một tối vòm trời chẳng gợn mây

Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy

Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ

Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy

Thì kiện tướng lừng lẫy của phong trào thơ mới lúc bấy giờ là Thế Lữ đã “biên tập” lại:

Một tối bầu trời đắm sắc mây

Ba mươi năm sau, Xuân Diệu vẫn còn hào hứng nhớ lại: “Vòm trời chẳng gợn mây” ý muốn cho trăng trong veo sáng vắt đấy, nhưng như thế thì trời quê một mình, trời chẳng tựa một cái gì cả, câu đầu lẻ loi không tương xứng với sự song sóng của ba câu dưới”. Và sau khi Thế Lữ đã chữa thì: “chuyển sang cái thế bốn cảnh giao hòa trong bốn câu, trời có đôi với mây, trời đã đắm sắc mây thì đây là mây trắng, mà có ít thôi chứ không nhiều (Công việc làm thơ - NXB Văn học, 1984, tr.26).

Lâu nay chúng ta vẫn thường miệt thị “nôm na là cha mách qué” vậy nhìn vào những câu ca dao cực kỳ nôm na, quê mùa thử xem sao. Tôi tin rằng bạn đọc Mực Tím sẽ kinh ngạc vì cách dùng chữ rất đắt giá:

Bao giờ cho gạo bén sàng
Cho trăng bén gió, cho nàng lấy anh

hoặc

Tay bưng trắp đĩa cau đầy
Hỏi em mấy tuổi em gầy nhân duyên

hoặc:

Người xinh giọng nói cũng xinh
Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn

Những từ ấy làm sao chúng ta có thể thay thế? Có thể nói, trong câu thơ đôi khi có được một chữ đắt giá, thì chữ ấy góp phần quyết định trong việc “đóng đinh” vào trí nhớ người đọc. Đây không phải là ý kiến cực đoan - mà nó có thể được chứng minh qua hàng loạt câu thơ khác nhau. Chẳng hạn, Một tiếng chim kêu sáng cả rừng (Khương Hữu Dụng), Cỏ non xanh rợn chân trời (Kiều), Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ (Hàn Mặc Tử). Với câu thơ của Tú Xương:

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngổng đầu rồng

Nhà thơ Xuân Diệu đã có lời bình độc đáo: “Những bà đầm công sứ, bà đầm tòa án, bà đầm lục lộ, bà đầm chủ dây thép… những con mẹ “ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao” ấy ngồi bảnh chọe trên ghế, thỉnh thoảng muốn khoe sang, khoe oai vệ, lại ngoi đít vịt một cái, để thấy rằng ta đây ngồi đã thật nặng, thật vững. Chúng nó thỏa mãn! Trong khi đó, trên lễ đài cái đít đầm động đậy theo chiều ngang thì “dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng” cử động theo chiều dọc, đội mũ cánh chuồn, ngẩng lên sụp xuống lạy tạ. Lạy ai? Lạy những cái đít đầm! Nhưng tựu trung, Tú Xương cũng trả thù ngầm cho các ông cử bằng chữ “ngỏng” (Các nhà thơ cổ điển Việt Nam - NXB Văn học 1987, tr.124). Thì rõ ràng không thể thay thế được hai từ “ngoi”“ngỏng” trong ngữ cảnh này được.

Xin trở lại với giai thoại của nhà thơ Pháp Malherbe đã nêu trên. Do sự sắp nhầm một chữ nên ông đã có được câu thơ tuyệt hay, ngược lại cũng có trường hợp do nhà in cẩu thả mà nhà thơ lại đau đứt ruột! Bài thơ của Nguyễn Thái Dương in trên báo Xuân SGGP  - 1998 được kết bằng… ba câu:

Vui lên nào búp bê ơi!

Múa theo bé, hát theo lời bé reo

Nào ngoan nhé, nụ hoa yêu!

Thật ra còn một câu nữa mà nhà in đã… bỏ sót:

Nở theo môi bé cho đều nhánh xuân!

Ở câu này nhà thơ ngầm chỉ “nụ cười” qua hình ảnh “nở theo môi bé” để tương xứng với “nụ hoa yêu” ở câu trên. Thế mới biết dụng công của nhà thơ quả là một sự lao động cực lực về ngôn ngữ. Nhưng làm thơ không chỉ công phu về chữ, về từ mà nó còn là tứ thơ, hình ảnh trong thơ, nhịp điệu câu thơ, v.v… Chuyện “gay go” này xin hẹn với bạn đọc Mực Tím vào một dịp khác nhé!

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: báo Mực Tím  ra ngày 7.5.1998)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com