THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Nghệ thuật thể hiện của thơ

LÊ MINH QUỐC: Nghệ thuật thể hiện của thơ


Nghệ thuật đã đạt đến chỗ điêu luyện khi cũng từng ấy chữ, cũng chữ ấy nhưng bằng tài năng, họ đã biến hóa dưới nhiều hình thức khác nhau. Nỗ lực ấy có lẽ xuất phát từ ý tưởng muốn đổi mới sự rập khuôn quen thuộc. Có người thành công và có kẻ thất bại. Điều này bình thường thôi, bởi lẽ, sự thể nghiệm nào cũng được người đồng tình và kẻ phản đối. Để diễn tả cơn mưa, nhà thơ Nguyễn Vỹ viết câu đầu chỉ một chữ, sau đó nhiều chữ và cuối cùng chỉ… một chữ. Khoan đọc bài thơ, nhìn hình thức ta có thể hình dung bắt đầu mưa vài giọt, rồi mưa lớn và mưa tạnh hẳn (xem minh họa ở cuối góc phải trang này).

nghethuat-tho1

 

Có lẽ, Nguyễn Vỹ là người có nhiều tìm tòi hơn các nhà thơ đương thời. Chẳng hạn Tiếng chuông chùa, ông đã sắp xếp câu chữ để người đọc có cảm giác thấy được từng tiếng chuông rơi trong không gian:

Hồi chuông

   Rơi,

         Bon !

                 Bon !

                           Trong sương mơi,

                                       Véo von…

Hồi chuông

         Trôi

               Êm ru,

                      Vô âm u

                             Hồn tôi…

Hoặc khi viết về cảnh Hoàng hôn, ông dựng từng câu thơ để ta hình dung ra đường bay của cánh cò:

Một đàn

         Cò con

              Trắng nõn

                        Trắng non

                                   Bay về

                                         Sườn non

                                                    Gió giục

                                           Mây dồn

                                  Tiếng gọi

                         Hoàng hôn

                     Buồn bã

               Nỉ non

Loại thơ hai chữ này, nhiều người đã thể nghiệm nhưng hay nhất, thành công nhất vẫn là bài thơ Sương rơi của Nguyễn Vỹ.

Thường khi đọc thơ, chúng ta thấy êm ái vì nhịp điệu câu thơ được sắp xếp nhịp nhàng với “bằng bằng, trắc trắc” tuân theo quy luật của nó. Nhưng lại có nhà thơ bất chấp quy luật đó, họ tạo ra âm điệu mới. Chẳng hạn, nhà thơ Bích Khê “chơi” toàn âm bằng - thành công đến nỗi nhà phê bình Hoài Thanh phải kêu lên sung sướng: “Tôi đã gặp trong “Tinh huyết” những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”:

Ô hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông !

Thật vậy, bài thơ Tì Bà của Bích Khê với 7 khổ (28 câu) toàn âm bằng là một trong những bài thơ hay nhất của ông. Không những thể nghiệm âm bằng, có người còn dùng cả trắc. Thử đọc hai câu thơ của Tản Đà, khi ông về thăm quê và gặp những nấm mồ vô chủ bên đàng:

Tài cao, phận thấp, chí khí uất

Những âm trắc đặt cạnh nhau, tạo cho người đọc cảm giác được sự trắc trở, bất đắc chí của người nằm dưới mộ. Kế tiếp ông buông toàn âm bằng để như hoài niệm, an ủi và cũng để nói lên tính cách của người đã khuất:

Giang hồ mê chơi quên quê hương

Nghe ngậm ngùi lắm. Những ví dụ như thế này còn nhiều. Hoặc có người lại dùng cách điệp âm - cùng một phụ âm đầu xuất hiện ở hàng loạt từ trong câu. Thử đọc bài thơ toàn phụ âm M của nhà thơ Tú Mỡ:

Mênh mông muôn mẫu một màu mưa

Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ

Mộng mị mỏi mòn mai một một

Mỹ miều may mắn mấy mà mơ

Sau này, có người chuyên sử dụng lối độc âm, độc vận là Thảo Am Nguyễn Khoa Vy. Để tạm chấm dứt bài viết này, xin mời các bạn mực tím cùng “thư giãn” với bài thơ Trách kẻ đa tình hay đau bệnh tình mà không chừa của nhà thơ xứ Huế là Thám Am:

Chạy chữa chai chân chẳng chịu chừa

Chín chìu chua chát chán chê chưa

Cha chài chú chóp chơi chung chạ

Chả chính chuyên chi chớ chực chờ.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Mực Tím 26.11.1998)

 

NGUYỄN VỸ

Mưa rào

 

Mưa

Lưa thưa

Vài ba giọt.

Ai khóc tả tơi

Giọt lệ tình đau xót?

Nhưng mây mù mịt… gió đưa

Cây lá rụng xào xạc giữa trưa

Mưa đổ xuống ào ạt, mưa, mưa, mưa!

Thời gian trôi tan tác theo tiếng mưa cười!

Đàn em thơ nhào ra đường, giỡn hát chạy dầm mưa!

Cỏ hoa mừng nên vận hội, ngả nghiêng tắm gội say sưa!

Nhưng ta không vui, không mừng. Lòng không ca, không hát!

Ta đưa ta về trời, xin dòng mưa thấm mát,

Tưới vết thương lòng héo hắt từ năm xưa!

Nhưng, ô kìa! Mưa rụng, chóng tàn chưa!

Trời xanh xanh, mây bay tan tác

Ai còn ươm hạt mưa dào

Lóng lánh trong tim Họa?

Ai ươm mơ sầu

Ôi mong manh

Trong tim

Ta!

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com