THƠ Suy nghĩ về Thơ Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: “Ấy là một thời đầy lãng mạn…”

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: “Ấy là một thời đầy lãng mạn…”

 

Các bạn biết không, đời người, ai cũng có một thời rất đẹp và rất đáng nhớ. Đó là thời tuổi trẻ. Thời mới lớn. Thời học trò. Thời mới bắt đầu biết để trái tim thổn thức rung động trước một ai đó tóc ngắn tóc dài… Cho dù cuộc sống có khó khăn vất vả hay xuôi buồm thuận gió thì quãng đời ấy hồ dễ mấy ai quên. Trong ngăn kéo ký ức của mỗi người, nơi đẹp nhất là nơi cất giấu những vui buồn thời mới lớn. Đây là một “gian hàng” riêng của Tuổi Ngọc dành… bật mí cho các bạn biết những “bí mật” thời… tuổi ngọc của những người… lớn hơn mình và có đôi chút (hoặc thật nhiều) tiếng tăm trong các lĩnh vực xã hội. Nếu như các bạn có tình cờ hoặc cố ý phát hiện ra điều gì mới mẻ của… ai đó trong lĩnh vực này, xin hãy “ký gửi” vào gian hàng đặc biệt này nhé! Còn bây giờ, mời các bạn cùng chia sẻ với  “người lớn” này những phút lội ngược dòng thời gian…

THOITUOINGOC

Thời còn đi học, tôi cũng thuộc loại “nhất quỷ nhì ma…”, nghịch ngợm như bất cứ tên học trò nào thuở ấy và bây giờ. Thời của tôi, bối cảnh xã hội tác động rất lớn đến tuổi trẻ. Tôi cũng “a dua” theo các anh chị lớn “xuống đường” biểu tình, tham dự các cuộc đấu tranh chống Mỹ của sinh viên học sinh. Một đứa con nít tham gia vào một cuộc chơi chứ chưa có ý thức rõ ràng việc mình làm. Tôi yêu thích thơ văn và cũng làm thơ.

Năm lớp tám tôi đã có thơ in trên tờ báo Thiếu nhi hồi đó http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tho-truoc-1975/739-thuo-mo-lam-thi-si.html?start=1 và tham gia trong mọi hoạt động có “dính líu” tới báo chí. Ngoài việc được học, được chơi, điều làm tôi sung sướng nhất là làm báo. Viết báo tường, viết báo cho lớp, cho trường… hồi đó mỗi trường, mỗi lớp, đều làm một tờ báo in roneo, làm xong tự phát hành. Người đi phát hành cũng chính là người đã lui cui ngồi viết báo và dĩ nhiên là phải có một khả năng… hùng biện thật tốt mới hòng bán báo được. Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn thấy tuổi mới lớn bây giờ sướng hơn bọn tôi vì các bạn… ngây thơ và hồn nhiên hơn nhiều.

Còn… chuyện tình yêu?

Mối tình đầu của tôi là một cô gái nhà đối diện nhà tôi. Phải nói là tôi say mê cô ấy đến độ lúc nào cũng chỉ muốn lẽo đẽo ở bên cạnh thôi. Nàng không biết rằng có một anh chàng mê mình đến độ… Hình ảnh trong một bài hát hồi ấy “Em tan trường về, anh theo Ngọ về…” diễn tả rất đúng hình ảnh tôi thời bấy giờ. Mà có lẽ vì thế mà tôi làm được rất nhiều thơ.

Suốt một thời gian dài, hình ảnh cô gái có mái tóc bom-bê, áo đầm xanh yểu điệu đi trước cứ ám ảnh tôi trong bữa ăn giấc ngủ không rời. Sau đó cô ấy vượt biên theo gia đình và đã chết trong chuyến ấy. Đó là mối tình thiêng liêng nhất mà tôi có được và mãi mãi không quên.

Sau này tôi gặp khá nhiều người, yêu cũng… nhiều lần, nhưng những mối tình sau đều chỉ là kinh nghiệm, không thể lấy đâu ra cảm xúc trong trẻo như mối tình đầu… Tôi tặng cho các bạn bài thơ mới nhất của tôi viết về tháng năm này:


Tuổi mười lăm


Cây trái chín như mộng người con gái
Tuổi mười lăm bướm trắng với sân trường
Tôi là kẻ suốt đời thơ dại
Đi tìm kỷ niệm ẩn trong sương

Đi tìm giấc mơ lúc em mười lăm tuổi
Đêm đầu tiên mộng mị có những gì?
Trang vở mới lấp lánh dòng mực tím
Thầy giáo già với ánh mắt uy nghi?

Mười lăm tuổi là tôi mọc… cây si
Trước ngôi nhà từ trong ký ức
Tôi hóa thành chim mỗi lúc nằm mơ
Bay vào nhà em từ đêm thứ nhất

Đêm thứ nhất của tuổi mười lăm
Hoa ngọc lan còn thơm mãi ngoài sân
Cây trái chín như mộng người con gái
Em bước đi trời đất mãi thanh tân

Tôi đi tìm con đường in những dấu chân
Em vừa bước qua lúc mười lăm tuổi
Bằng đò hay thuyền mỗi lúc qua sông
Hay bằng giấc mơ lội qua dòng suối?

Tôi đi tìm tuổi mười lăm đắm đuối
Lúc thấy em ngậm đóa cúc vàng trên môi
Hương đầy ắp để tôi nằm ngủ
Tưởng em là mây bay thấp dưới chân đồi


Tuổi mười lăm thương mến của tôi ơi…

Vâng, thưa các bạn, không riêng nhà thơ mới có nhận định ấy mà hầu như ai cũng thấy mối tình đầu của mình là đẹp và đáng nhớ nhất. Nhưng thôi, chúng ta hãy hẹn lại kỳ sau, nhé!

Lê Minh Quốc

(nguồn: Tạp chí Tuổi Ngọc - khoảng năm 2001?)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com