THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Dễ nhớ lại khó quên

LÊ MINH QUỐC: Dễ nhớ lại khó quên

 

Trong trí nhớ của nhiều người, thời sinh viên vẫn là tháng năm đẹp nhất. Dễ nhớ lại khó quên. Lúc ấy, họ đủ lớn “đứng ngẫn trông vời áo tiểu thư” (Huy Cận), nhưng chưa phải lo toan với những chuyện nhọc nhằn cơm áo gạo tiền. Họ vừa trường thành lại vừa trẻ con. Đi dưới đất nhưng tâm hồn lại bay bổng trên ngọn cây. Và “có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” (Đinh Hùng). Tháng năm ấy, chúng tôi sống ở ký túc xá trên Thủ Đức. Trong căn phòng số 6. Đọc lại một truyện ngắn của nhà văn Nga Tchekov, ta biết, phòng số 6, ông dành cho… người điên! Mà lúc đó chúng tôi “điên” thật chứ chẳng phải đùa:

 

minh-hoa-bo-xuan

 

“Có những đêm khuya cô độc một chỗ ngồi

Cúi gằm vào trang sách

Chữ chạy lên trời còn chúng tôi thấy bóng mình lênh đênh trên vách

Mà cười chua chát như không

Có đêm khuya với mơ ước viễn vông

Được lội ngược dòng văn chương cổ điển

Để gặp một Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến...

Cũng từng lều chõng

Cũng từng có nhiều đêm lạnh cóng

Mượn sách thánh hiền sưởi ấm giấc mơ…”

Thời đó, có những đêm chúng tôi thức suốt, ngồi bên nồi sắn, khoai nấu sùng sục giữa sân trường, ánh lửa cháy bập bùng, sương đẫm áo, để nói với nhau về những nguyên lý văn học, về văn học phương Tây, về những dòng thơ cổ điển phương Đông… Thời đó, có những đêm dưới ngọn đèn vàng vọt trong văn phòng số 6: tôi, Trương Nam Hương, Nguyễn Quốc Chánh, Lê Đại Anh Kiệt nằm dài trên giường với cái bụng đói meo mà làm những bài thơ, viết những truyện ngắn. Lúc ấy, phía dãy sinh viên nữ cũng có những người ấp ủ văn chương như Kiều Kim Loan, Thu An… Họ cũng viết. Viết được câu nào đắc ý,  chúng tôi đọc oang oang lên để bạn bè thưởng thức và góp ý cho nhau.

Những sáng tác này, chúng tôi gửi về cho báo Văn Nghệ TP.HCM và không ít lần đã lọt vào “mắt xanh” của nhà thơ Chim Trắng - người đang chọn thơ, văn. Thời đó, chưa hề có internet. Muốn biết sáng tác của mình có được in hay không, cứ mỗi sáng thứ bảy chúng tôi lại rủ nhau đạp xe về chợ Thủ Đức. Lấm la lấm lét bước đến sạp báo, hồi hộp lật trang báo mới, đọc cọp. Có lúc tiu nghĩu như mèo bị cắt tai, có khi rú lên cười sung sướng. Phải nói thật, nhuận bút thơ đã giúp cho chúng tôi có những bữa ăn ngon mà hằng ngày chỉ

Tô canh đầy nước trong leo lẻo

Vài cọng rau muống bé teo tẻo

Mỗi chàng một muỗng múc đưa vèo

Ăn xong đứng dậy cười như méo”.

Ấn tượng của tôi về năm tháng đó vẫn là… chuyện ăn. Cái đói luôn thường trực, réo gào bao tử. Lúc nào cũng thấy đói. Thời bao cấp mà, thiếu thốn lắm lắm. Có những lúc đang ngồi học, chúng tôi chuồn ra khỏi lớp, chạy tọt xuống nhà bếp để xin chị nuôi những miếng cơm cháy và chia nhau ngấu nghiến ngon lành. Trong Bài hát  giữa sân trường, tôi viết:

“Tôi đi học nghe chim hót trên cây

Tiếng chim hót rót đầy bao tử

Rất no nê cùng trăm lời ngàn chữ

Ở giảng đường

Có thi ca Long Tống - Thịnh Đường

Có tiếng cười Molière chua chát

Có ngô đồng nhất diệp lạc

Để cuối giờ đói lả với tay run…”.

Bây giờ đọc lại, cứ nghĩ như chuyện của thời cổ tích xa xăm. Những câu thơ hay nhất của tôi viết về năm tháng đó vẫn là:

“đêm đói run môi hoa mày chóng mặt/

tôi đi trong phòng nghiêng ngã điệu valse

thấy mảnh trăng gầy về trong mắt

cứ ngỡ đó là... củ khoai lang

đêm đói mặc quần vào là tụt xuống

bụng lép vô với ba mươi sáu xương sườn

tôi ung dung đưa tay hứng nuớc uống

bụng phình to đời lại lên hương…”.

 Thế đấy, sá gì “ba chuyện lẻ tẻ”. Cái đói dù dữ dội bao nhiêu cũng không thể làm chúng tôi cụt hứng khi bàn về chuyện thơ văn và nhất là chuyện tình yêu. Tháng năm này, chúng tôi vừa trưởng thành để biết yêu, nhưng lại vừa trẻ con để thấy chuyện tình của mình luôn đẹp như giọt sương treo đầu ngọn cỏ.

“Thời sinh viên yêu nhau trong lớp học

Không có trái me chua giấu dưới góc bàn

Mà ở đó là củ khoai, củ sắn

Để người thương lót dạ điểm tâm”.

Đọc lại thấy thương cho thời sinh viên của mình. Trong trẻo quá. Hiền lành quá.

Với tôi, hào hứng nhất vẫn là những lúc:

“Có những mùa trăng đốt lửa hát thâu đêm

Giọng nam trầm khàn khàn như ngỗng đực

Giọng nữ cao ồ ồ như gà mái ghẹ

Hát rất vui thật miệng thật lòng”.

Và cũng có khi:  

“Rất hào hoa tiêu xài như công tử

Mừng sinh nhật mình bằng nồi cháo khoai lang

Gạo có ít thêm nước vào cho đủ

Ngồi cùng nhau và chúc tụng rất sang”.

Những lúc ấy, chúng tôi chia sẻ với nhau rất nhiều về công việc sau này, lúc ra trường. Phải làm một cái gì đó thật oách! Tuổi trẻ mà. Ai lại không nuôi nhiều mộng mị?

Truyền cảm hứng cho thế hệ chúng tôi là các thầy Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Trần Đình Hượu, Mai Cao Chương… Qua lời giảng của các thầy, chúng tôi cảm nhận làm “nghệ sĩ” như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… là oách nhất! Sau này ra trường, chúng tôi lại đi theo con đường của các bậc tiền bối. Cũng có thơ in báo. Cũng có tác phẩm được ấn hành. Và… cũng nổi tiếng!

Khi đọc lại những sáng tác thơ của mình đã viết từ năm tháng đó, thoáng chốc đã gần 30 năm rồi. Nhanh quá. Trong tôi, vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh của những cô cậu sinh viên:

“đêm đêm đến giảng đuờng tự học rất ngoan

nụ cười mong manh và hiền như lá

đến với cuộc đời tiếng hát âm vang…”.

Kể lại những chuyện này, không rõ thế hệ sinh viên của thời đại tin học có chia sẻ cảm hứng gì không? Còn tôi, tôi sẽ nói gì thêm với các bạn? Tôi lại nói điều mà thế hệ chúng tôi đã từng tự nhủ:

“Sáng hôm nay giữa sân trường Đại học

Chúc mừng em dù chưa hát thảnh thơi

Đôi mắt sáng tâm hồn đừng chai sạn

Cùng niềm tin em hãy bước vào đời”.

 

LÊ MINH QUỐC

15.XII.2012

(nguồn: Báo Sinh viên Việt Nam số Xuân 2013)

 

Cùng một chủ đề:

Thời đó ở giảng đường

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com