THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Xuân trong cảm hứng thi ca

LÊ MINH QUỐC: Xuân trong cảm hứng thi ca

 

 

Trong tâm tưởng người dân Việt Nam, mùa xuân bao giờ cũng gợi lên những âm điệu của sự đoàn tụ - lễ hội, niềm vui-hạnh phúc, đôi lứa - tình yêu…Do đó, từ ngàn năm nay, cứ đúng tiết, mùa xuân lại đến với tùng nhà, từng người và đến với…thi ca. Và cũng qua thi ca, nhiều thế hệ yêu thơ vẫn cứ mê đắm nhan sắc của nàng xuân. Chỉ có đôi nét phóng bút tài hoa, mùa xuân như hiện ra trước mắt chúng ta, thi hào Nguyễn Trãi đã viết những câu thơ long lanh:

suoi-hoa-1

Sơn dầu của họa sĩ Suối Hoa

 

Một đóa hoa đào khéo tốt tươi

Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười

Đông phong ắt có tình chăng nữa

Kín tiễn mùi hương dễ động người

Thi hào bâng khuâng hạ bút: chúa xuân có tình ý gì chăng nên kín đáo đưa mùi hương để xao động lòng người. Chỉ riêng câu thơ ấy đủ thấy Nguyễn Trãi cótâm hồn rất nhậy cảm và cũng rất…thơ. Nếu sau này Nguyễn Du viết về mùa xuân: “Cỏ non xanh rợn chân trời” thì trước đó Nguyễn Trãi đã từng thấy: “Cỏ xuân đầu bến xanh như khói”.

Có lẽ, thi hào Nguyễn Du là người đắm đuối nhất với nàng xuân. Trong 3254 câu thơ Kiều đã có đến 42 câu dùng chữ xuân như: Xuân lan thu các mặn mà cả hai (câu 162), Giọt sương gieo nặng, cành xuân là đà (176), Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng (câu 1286)…; 9 câu có chữ xuân với ý nghĩa là cây xuân - có bộ mộc trong Hán tự - dùng để chỉ tuổi già, cha già như: Cội xuân tuổi hạc càng cao (câu 673), Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng (câu 759)…; có 10 câu dùng chữ xuân đi với từ khác để có ý nghĩa riêng biệt như cành xuân chỉ người con gái đẹp: Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay (câu 1262), vườn xuân để chỉ cảnh gia đình đoàn tụ, hạnh phúc như Vườn xuân một cửa để bia muôn đời (câu 3240)… ; thậm chí  còn có đến 3 câu thi hào Nguyễn Du dùng đến hai chữ xuân như Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng (câu 424), Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài (1006), Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân (1294). Riêng trong các tập thơ chữ Hán như Thanh Hiên thi tập, Nam Bắc tạp ngâm… Nguyễn Du cũng dành cho nàng xuân những vần thơ tuyệt hay như Đêm xuân với những câu như (Lê Thu Yến dịch):

Đêm đen đâu thấy ánh dương hồng

Rặng liễu âm u phía trước song

Hồ hải, bệnh thướng quen chứng cũ

Gió mưa đêm sịch báo xuân nồng

Hơn ai hết, thi nhân cũng vốn là người lạc quan , yêu đời. Dù vậy, khi xuân đến, trong tâm hồn họ cũng rộn ràng những âm điệu mới, những sắc màu tươi thắm của nàng xuân. Cho đến nay Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử vẫn gợi cho người yêu thơ những bâng khuâng khó tả. Bâng khuâng vì hình ảnh trong từng cuâ thơ trong trẻo quá:

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lý bóng xuân sang

 

Sóng cỏ non tươi gợn tới trời

Bao cô thôn nữ hát trên đồi

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

Mối “ quan tâm” này không phải ngẫu nhiên vì thuở ấy, Hàn Mặc Tử còn trẻ.Những người trẻ tuổi ai mà không nghĩ đến lứa đôi ? Cũng với “ đám xuân xanh ấy” Nguyễn Bính lại hỏi:

Lòng xuân lơ đãng má xuân hồng

Cô gái xuân mơ  chuyện vợ chồng

Đôi tám xuân đi trên mái tóc

Đêm xuân cô ngủ có buồn không ?

Câu hỏi xem ra âu yếm quá chừng. Có người, khi thấy nàng xuân lại mơ về tiên giới, nguời đó là Thế Lữ. Điều này cũng dễ hiểu vì mùa xuân luôn gợi đến những gì tươi đẹp nhất:

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi

Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng

Hình ảnh ấy chỉ có thể bắt gặp trong tiết xuân. Và cũng vì nàng xuân mơn mởn ấy mà xuân Diệu tham lam đến độ: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” và cũng là lúc mà “ông vua thơ tình Việt Nam” nhìn thấy:

Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui

Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời

Sao buổi đầu xuân êm ái thế

Cánh hồng kết những nụ cười tươi

Nàng xuân bước vào thi ca Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, có lẽ mỗi nhà thơ đều tìm được cho mình một  nỗi niềm khi chiêm ngưỡng nhan sắc của nàng. Và niềm tin vào sự sống bất tận của mùa xuân bao giờ cũng trọn vẹn trong tâm tưởng con người. Từ thế kỷ thứ 10, Mãn Giác thiền sư (1052-1096) đã dạy cho chúng ta ý thức về sự vĩnh hằng của mùa xuân trong Cáo tật thị chúng:

Xuân qua, trăm hoa rụng

Xuân tới, trăm hoa tươi

Trước mắt, việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước nở hoa mai.

 

L.M.Q

(nguồn: báo Bình Thuận số Tân niên 1.1/2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com