Lật lại nội san số 3 của Đoàn văn nghệ sinh viên khoa học (Sài Gòn - ấn hành tháng 4-1970), đọc lại truyện ngắn “Chiếc còng” của Phượng Cầm, có đoạn viết: “Hai giờ sáng hôm sau, bệnh nhân lại chuyển dạ. Người bệnh vật vã trên giường. Thỉnh thoảng nàng rùng mình xuống để uốn cong người trong cơn đau xé ruột. Chân phải nàng không cong lên được vì vướng chiếc còng. Trong cơn đau bệnh nhân rướn người vùng vẫy một cách tuyệt vọng, đoạn dây xích bật lên những tiếng loảng xoảng (trang 61). Bỗng nhiên tôi choáng váng, tưởng như còn nghe âm vang đến rợn người tiếng xích sắt của một thời đen tối. Người nữ bệnh nhân đó là cô Phương - nhân vật chính của truyện bị tình nghi là cộng sản. Do đó, truyện càng có sức tố cáo mạnh mẽ.
Tư liệu L.M.Q
Có thể nói khi đề cập đến dòng văn học yêu nước, tiến bộ và cách mạng trong vùng địch tạm chiếm - không cho phép chúng ta quên đi tiếng nói của đông đảo sinh viên Sài Gòn trước đây. Bằng những đặc san in roneo của lực tượng sinh viên, (1) tôi xin được nói lên đôi điều về suy nghĩ và tình cảm của họ trong cuộc đấu tranh chống Mỹ ở trong thơ.
Từ năm 1966, anh Trần Quang Long đã viết những câu thơ rất hay, có thể xem đó như tuyên ngôn sáng tác của lực lượng sáng tác trẻ trong sinh viên thời bấy giờ.
Tôi muốn tặng người trong lúc tuổi hai mươi
Tuổi anh lớn lên bằng năm kháng chiến
Một cây tầm vông hai đầu vạt nhọn
Một đầu để anh đâm vào ngực kẻ thù
Còn một đầu
Để anh viết lên dòng đất Mẹ một bài thơ
Những bài thơ đó, dĩ nhiên, được viết từ trong cuộc đấu tranh chung của cả nước. Họ viết bằng máu của mình, bằng niềm tin chói ngời lý tưởng:
Thành phố đang trút bão
Cả nước gọi lên đường
Phố phường bay áo trắng
Như én rợp trời xuân
Cờ bay trong nắng ráo
Người đi như cây rừng
(Rạch Gầm)
Lòng yêu nước đã liên kết họ đứng kề vai sát cánh bên nhau. Như Hường đã nói lên đúng tâm trạng chung:
Bắt đầu âu lo
Từng tin chiến sự
Từng hàng biểu ngữ
Từng tấm truyền đơn
Tung bay trắng phố Sài Gòn
Cháy trong khói đạn mù cơn hận thù
Làn sóng đấu tranh chính trị của quần chúng lan rộng đã tác động mạnh mẽ đến những người làm thơ, họ ý thức được vấn đề nóng bỏng của đời sống mà họ đang giáp mặt. Thơ như một lời kêu gọi xuống đường đấu tranh cho độc lập, cho tự do:
Ta vui reo trên bước đường nhập cuộc
Bạn bè ơi! Đã tới lúc ra quân
(Nghi Hà)
Tư liệu L.M.Q
Không còn dửng dưng “Sống giữa quê hương mà như xa lạ”, họ đã nhập cuộc chiến đấu chung của cả nước:
Bước ta đi kẻ thù run rẩy sợ
Bước ta đi rầm rập chuyển lay đời
Ôi, đêm nay ta vẫy chào mặt trời thật đỏ
Đêm đầu tiên ta xứng đáng làm người
(Hồn Quyên)
Và tự nguyện:
Xiết chặt từ nay, từ nỗi khổ đau
Trong đêm tối cùng mời cao ngọn đuốc
Em nghe đó lời thề không bỏ cuộc
Vẫn bên nhau nghe vận nước kêu gào
(Nhã Thảo)
Trong đêm tưởng niệm chị Nhất Chi Mai tại Đại học Văn khoa tháng 5-1971, họ nghĩ đến chị Võ Thị Sáu:
Vạn tiếng reo hò tung trời thành phố
Chị Sáu chết, hoa Lê-ki-ma vẫn nở
Giặc cút về giặc phải về thôi
Đêm nay hoa nở hồn người
(Nguyễn Cửu Long)
Hoa ấy chính là màu cờ đỏ của Tổ quốc - cũng không phải ngẫu nhiên mà số xuân Giáp Tuất đã cho in bài “Chức vụ cao cả của văn nghệ” của nhà văn Vũ Hạnh, hoặc trích thơ của Trần Quang Long, Thu Bồn… Hoặc trong vở kịch thơ “Quà xuân cho con” của Đoàn văn nghệ sinh viên khoa học đã trích dẫn những câu thơ sôi sục lòng tự hào về đất nước của Nam Hà để làm cái nền cho sự diễn biến hành động kịch. Điều đáng quý nhất là lòng tự hào về thành phố mà mình đang sống, thành phố giàu truyền thống đấu tranh bất khuất chống bạo ngược và bất công.
Anh đã đứng lên giữa thành phố lớn
Thành phố oai hùng của tuổi trẻ Việt Nam
Cùng bạn bè anh em
Đôi bàn tay với quả tim hồng bất khuất
Hùng khí vươn cao với bài ca dân tộc
Quyết vùng lên dù súng đạn bạo quyền
Quyết đấu tranh dù tù ngục xích xiềng
Cho mẹ cho em da vàng máu đỏ
Dù gian nan anh vẫn không ngược chiều gió
Vững niềm tin chiến đấu tới cùng
(Thu Ganh)
Thành phố đó là thành phố Sài Gòn trong những năm sôi sục xuống đường đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Có phải họ làm thơ không nhỉ? Ở đây, thơ chính là cuộc sống, thơ chính là vũ khí chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của mình. Điều này hoàn toàn xa lạ với lời chẳng định của một cây bút “thời danh” của Sài Gòn viễn mơ: “Thi sĩ không thể là người của đám đông, người của thành phố” (2) Vậy thi sĩ là ai đó chăng?
Ta đưa ta đến cõi vô thường
Truồng chạy long rong ngoài phố vắng
Ta đưa ta đến cõi vô ngần
Đập nát đầu xanh vào đá tảng (3)
Thật tội nghiệp cho những ai mất phương hướng giữa cuộc đời. Nhắc đến điều này để thấy nhiệt tình của những người sinh viên làm thơ lúc ấy, hết sức đáng quí. Trong cái hỗn độn bát nháo của cái xã hội cũ giữ được sự trong sạch của tâm hồn đã là điều khó. Và càng khó hơn là biết hướng về đâu là chân lý đích thực, đã làm mục tiêu phấn đấu.
Trong tập nội san của sinh viên Văn khoa Sài Gòn (số ra ngày 15-10-1972) đã in lại thơ anh Trần Quang Long dưới bút danh Trần Hạo, có đoạn:
Tôi muốn tặng cho người yêu văn học
Bài Bình Ngô đại cáo mực còn tươi
Một quyển sách dày binh gia yếu lược
Sáng lẫy lừng mưu trí Bạch Đằng giang
Thì những vần thơ ấy đến bây giờ vẫn còn mang ý nghĩa tích cực. Họ đã xác định được giá trị của ngòi bút và sử dụng ngòi bút như một vũ khí: “Người làm văn nghệ không còn đóng vai trò đấm bóp cho độc giả, một kẻ làm trò cho độc giả mua vui - mà người làm văn nghệ phải nhận lấy nhiệm vụ làm đẹp hơn nữa quê hương và chiến đấu bảo vệ quê hương. Ngòi bút phải biến thành vũ khí để đánh trả lại những mưu toan đen tối, bỉ ổi bất cứ từ đâu tới, với ý chí sắt đá đó chúng ta đã sẵn sàng “Và gọi đích danh vạch mặt kẻ thù”:
Đường em qua không còn bom đạn Mỹ
Không vết thù của bọn khác màu da
(Tường Chinh)
Để từ đó có một niềm tin vững chắc vào thắng lợi:
Rồi ngày mai đất ta thơm lúa mới
Rồi ngày mai rừng lúa sẽ đơm bông
Nhìn từng hạt gạo thơm, nếp trắng
Mắt chị rực lên trong nắng mai hồng
(Đinh Quang Long)
Điều còn hấp dẫn trong thơ của lực lượng sinh viên là họ nói được khát vọng hào bình dân chủ của cả một thế hệ trai trẻ - dám nói ở trong nanh vuốt của kẻ thù. Họ đã thấy được hình ảnh tuyệt đẹp của ngày mai:
Ôi! Đẹp quá quê ta ngày hội lớn
Ngọn cờ bay lộng gió buổi bình minh
Ta ngây ngất trong niềm vui nỗi nhớ
Trong tiếng hò reo độc lập thái bình
Sáng nay nắng đẹp quê mình
Chuyến tàu Nam Bắc ngát tình quê hương
(Đ.Q.Long)
Đã hơn mười năm ngày giải phóng miền Nam, ngày thống nhất đất nước. Thế nhưng mỗi khi nghĩ lại ngày 30-4-1975, mỗi chúng ta vẫn còn rạo rực và sung sướng trước niềm vui vĩ đại ấy. Tôi có cảm tưởng ngay từ trong hang ổ của giặc, từ bất công áp bức hàng ngày - họ đã ước mơ và thấy được ngày thiêng liêng này:
Và sáng nay ánh mặt trời đã sáng
Sáng bầu trời, sáng tình nghĩa anh em
Tia nắng sớm ngời lên niềm kiêu hãnh
Như ngàn năm dân Việt vẫn một lòng
Như ngàn năm dân Việt vẫn soi chung
Câu: “Độc lập là quý hơn tất cả”
(Nắng hòa bình)
Chúng ta như tìm thấy tâm trạng của chính mình:
Và sáng nay lòng người vui mở hội
Nắng hòa bình rọi ấm cả quê hương
Tìm một nguồn máu chảy thắm tình thương
Hoa dân tộc nở bừng mùa Thống nhất
(Lê Hoàng Văn)
Đó là ý nghĩa đích thực của những vần thơ trong ngày xuống đường đấu tranh chống Mỹ – của tuổi trẻ Sài Gòn ở vùng địch tạm chiếm trước 1975.
Lê Minh Quốc
(nguồn: báo Văn Nghệ TP.HCM ra ngày 26-3-1986)
(1) Tư liệu viết bài này được sử dụng trong các nội san: - Đường mới số 4 của nhóm Đại học văn khoa (ấn hành 1-1973); - Nội san số 3 của Đoàn Văn nghệ khoa học (4-1970) và số 7 (xuân Canh Tuất) số ra ngày 15-9-1972 và những bản tin lưu hành nội bộ của lực lượng sinh viên Sài Gòn. Nhân đây cám ơn anh Như Đình Ngoạn, anh Hưng, chị Loan và đoàn trường Đại học Tổng hợp đã giúp đỡ người viết về mặt tư liệu.
(2), (3) Tạp chí Thời Tập (Sài Gòn) số 20 ra ngày 14.2.1974
< Lùi | Tiếp theo > |
---|