THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Ca dao với các nhà thơ

LÊ MINH QUỐC: Ca dao với các nhà thơ

 

Các nhà thơ học được gì ở ca dao? Trước hết, tôi muốn nói đến nhà thơ Nguyễn Bính. Với lối ví von duyên dáng, mộc mạc - những vần thơ của ông rất gần gũi với ca dao. Cái mô-típ bến cũ, con đò trong ca dao:

Trăm năm đã lỡ hẹn hò

Cây đa, bến cũ con đò khác xưa

Đã trở thành hình ảnh rất sáng tạo trong thơ Nguyễn Bính, người đọc gặp ở đó một tâm trạng bất đắc chí trong cảnh “Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả” và trong cảnh vất vưỡng ngao ngán:

cadao-1

Quê người đứng ngắm mây lưu lạc

Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng

để rồi dằn vặt chính mình với câu hỏi bẽ bàng của tình duyên, tình đời:

Bao giờ bến mới gặp đò

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?

không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Bính thường mượn hình ảnh “bến cũ, con đò” để giải bày tâm sự của chính mình. Chính hình ảnh đó, đã từ xa xưa vốn trở thành hình ảnh quen thuộc trong đời sống của nhân dân Việt Nam. Ai không một lần trong đời ngeh câu ca dao:

Nong tằm, ao cá nương, dâu

Đò xưa, bến cũ nhớ câu hẹn hò

Không phải chỉ riêng Nguyễn Bính mà một nhà thơ khác cũng mượn hình ảnh đó của ca dao:

Con đò - lá trúc đêm đông

Nhớ thương chi sóng bềnh bồng trêu ngươi

Trăng đừng vội úa trăng ơi

Ngoài câu ca đã một trời cô đơn

(Hoài Anh)

Bên cạnh “mô típ” đó tôi không quên được lời dặn dò của cô xuân nữ nào đó trong ca dao đã nói với người bạn tình:

Trầu này trầu quế cùng vôi

Anh ăn một miếng kết đôi vợ chồng

đến miếng trầu mời khách của Bà Chúa Thơ Nôm:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương mới quẹt rồi

là một mối quan hệ biện chứng giữa sáng tác quần chúng và sáng tác chuyên nghiệp, giữa quần chúng và nghệ sĩ. Điều này ta còn gặp trong thơ hiện đại “Chờ em ăn dập miếng trầu em sang”; hoặc:

Nhà em có một giàn trầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng

(Nguyễn Bính)

Người ta nói đến trầu, đến cau là nói đến sự se duyên kết tóc, sự thủy hcung đằm thắm:

Dậy từ mờ tối

Gọi nhau xin lửa qua rào

Nhà em có một giàn trầu

Lá tốt xanh trùm bể nước

(Nguyễn Bao)

Truyền thống tốt đẹp đó trong đạo lý làm người ta đã gặp ở ca dao:

Trầu này trầu tính trầu tình

Trầu nhân trầu ngãi, trầu mình lấy ta

Và kết duyên thành vợ thành chồng từ miếng trầu thì:

Trầu này bọc khăn tơ hồng

Trầu này kết nghĩa loan phòng từ đây

Tôi nhớ thi sĩ Nicolas Guillen (Cuba) đã có lần nói: “Thơ ca bình dân là một loại thơ rất khó. Tưởng chừng như ta tiến mãi trên lưỡi dao nhọn…”. Nếu hình ảnh “bến cũ, đò xưa” trở thành nhân chứng trong tình yêu đôi lứa, của sự hò hẹn, chờ đợi và “miếng trầu” trở thành nghĩa loan phòng, tình nhân ngãi, duyên vợ chồng thì “con cò” là “hình ảnh của người nông dân Việt Nam cần cù, chịu đựng gian khổ, gặp giông tố không sờn, bền bỉ và tích cực đấu tranh để nâng cao đời sống của mình” ( xem Tục ngữ ca dao, dân ca Việt Nam - NXB KHXH -HN 1978, tr. 79 - Vũ Ngọc Phan). Từ con cò kiếm ăn, con cò bay lả bay la, con cò lặn lội, con cò bay bổng bay cao đến lúc “Thằng Tây bắn súng cò què một chân” đều để trong ta một vẻ đẹp thanh cao, trong trắng. Và các nhà thơ đã mượn hình ảnh con cò:

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

đã trở thành:

Ngủ yên, ngủ yên cò ơi đừng sợ

Cành cò mềm mẹ đã sẵn tay nâng

(Chế Lan Viên)

Riêng tôi, khi đọc rất nhiều thơ cũng gặp rất nhiều cánh cò này. Con cò trong thơ Tú Xương là cả một sự nhẫn nhục, chịu thương chịu khó. Là hình ảnh đôn hậu, tình nghĩa của người đàn bà Việt Nam. Nó trở về trong lời ru của Xuân Quỳnh:

Cành tre gãy trước hiên nhà

Con cò trắng đã bay qua mất rồi

Tôi vẫn còn mường tượng mãi khi nó bay lả bay la trong những câu thơ “Cánh cò bay lả dập dờn / Mây che đỉnh núi Trường Sơn sớm chiều” (Nguyễn Đình Thi). Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta (Bế Kiến Quốc)… Và nhà thơ Xuân Diệu cũng là người học tập rất nhiều ở ca dao “Mãi đến sau cách mạng tháng Tám, vào kháng chiến tôi mới biết học tập ca dao (…) phải trải một quá trình quần chúng hóa, mới biết thấm thía cái đẹp dân gian, cái hay của ca dao”. (Công việc làm thơ - trang 101). Điều đó hoàn toàn phù hợp với quy luật nhận thức của mỹ học. Nếu không có một đời sống gần gũi với quần chúng lao động trong thời gian dài thì dễ gì ta cảm nhận được!

Gió sao gió mát sau lưng

Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này!

Và Xuân Diệu bình luận: “Tôi cho là một trong những câu hay nhất trên đời! Người chèo thuyền lấy việc có thể không thấy gió mát trước mặt mà mình đứng chèo chỉ thấy gió mát sau lưng, đặng mà liên hệ giận cho cái trái tim của mình thương nhớ làm chi  cái kẻ không yêu mình! Cái người  dưng mà mình không thể dửng dưng được” (xem Tạp chí Văn Học số 19, 1967) cho nên, ta không ngạc nhiên khi thấy câu ca dao ấy biến hóa thành:

Chùng chiềng ngọn nước chuyến đò xuôi

Gió sao gió mát phía sau người

Dạ kia có nhớ người thương nhỉ?

Mà mái chèo em chẳng nghỉ ngơi

(Nguyễn Thái Dương)

và cũng là một cách làm duyên:

Trưa An Phú Đông anh đi giữa khoảng trời con gái

Ngược sông Sài Gòn nghe gió mát sau lưng

(Dương Trọng Dật)

Từ đó, ta thấy rằng: Nếu hoạt động cá nhân của nghệ sĩ đạt đến những điểm sáng tạo cao nhất có nghệ thuật toàn vẹn thì phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa nghệ sĩ với đời sống xã hội và sáng tác quần chúng. Khi Thanh Thảo trong “Trường ca những nghĩa sĩ Cần Giuộc” có viết:

Gõ mái chèo này ca đôi câu

Chừng nhẹ bớt đường đời

bỏ buồn cho em, bỏ buồn cho tôi

hỡi người qua truông về giồng dứa

thì cảm hứng đó bắt nguồn từ ca dao Nam Trung bộ:

Ai về giồng dứa qua truông

Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em

Hoặc Nông Quốc Chấn viết trong bài thơ “Nhớ”:

Ngọn đèn nhớ ai

Suốt đêm không ngủ

Như mắt canh trời

Bừng bừng tia lửa

Không xa lạ gì với câu ca dao rất quen thuộc:

Đèn thương nhớ ai

Mà đèn không tắt

Mắt thương nhớ ai

Mà mắt không ngủ

Hoặc kín đáo hơn trong lời ru con của Xuân Quỳnh:

Ngủ đi nào hãy nằm mơ

Thấy con cá lội, cánh cò trắng bay.

Cánh cò trắng bay thì ta đã gặp ở trên. Riêng con cá lội này đã lội nghìn năm trong đời sống dân dã, chất phác quê mùa của nó:

Sông sâu cá lội biệt tăm

Chín tháng cũng đợi mười năm cũng chờ

hơn cái khoảnh khắc thời gian cũng là con cá lội:

Sông dài cá lội biệt tăm

Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ

Tôi không có tham vọng trình bày để đối chiếu tất cả cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của ca dao mà các nhà thơ đã kế thừa và nâng cao giá trị thẩm mỹ. Nhưng bằng những dẫn chứng và so sánh ở trên cũng đủ cho ta thấy được mối quan hệ biện chứng của nó. Vậy, các nhà thơ học những gì ở ca dao? Cũng đặt câu hỏi như vậy, Xuân Diệu đã đưa ra nhiều cái học được ở ca dao (xem Tạp chí Văn Học số 19, 1967). Riêng tôi - người làm thơ cũng rất tâm đắc và thấm thía. Đó là câu trả lời thỏa đáng và thuyết phục nhất.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Báo Văn nghệ TP.HCM năm 1988)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com