Điều kỳ diệu nhất trên đời, có lẽ vẫn là chuyện vợ chồng lúc ăn đời ở kiếp với nhau. Ai đời, từ hai người xa lạ, từ môi trường sống đến nhận thức văn hóa chưa chắc tương đồng, vậy mà chỉ cần một “tiếng sét ái tình” là cả hai choáng váng, ngất ngây, ngã nhào vào nhau và trở thành “cặp đôi hoàn hảo”. Từ trong nhà ra ngoài ngõ, công việc nào cũng chung, họ gánh vác cho nhau mà không hề tỵ nạnh. Hễ ai làm được thì cứ làm chứ chẳng phải chuyện của riêng ai. Phải chia sẻ, phải quan tâm sát sàn sạt thì mới có thể chung sống trọn đời chăng? Về “lý thuyết” không sai, nhưng thực tế đôi khi “nói dzậy mà không phải dzậy”.
Có nhà tâm lý cho rằng, trong đời sống lứa đôi, không cần phải luôn luôn thể hiện bản lĩnh hoàn hảo “trên cả tuyệt vời” mà có lúc phải tỏ ra khiếm khuyết một chút. Nghe ra “lạc quẻ” quá chừng chừng, thế nhưng lại cần thiết. Dù tài ba như Tề Thiên Đại Thánh, nhưng đôi khi tỏ ra mình thô vụng mới là người đàn ông khôn ngoan. Qua đó, người vợ mới hài lòng và cảm thấy mình đảm đang, tài giỏi hơn trong mắt người khác. Bằng không, sự “ra tay” nhiệt tình quá mức lại trở thành tác dụng ngược.
Ngày nọ, bạn bè kéo đến chơi nhà. Các bạn gái hào hứng kéo nhau vào bếp trổ tài nấu nướng. Chuyện này tất nhiên, chẳng có gì phải bàn cãi lôi thôi. Thế nhưng, anh chồng lại khác, nghĩ đây mới là lúc làm “đẹp mặt” vợ nên bèn lọt tọt đi theo! Than ôi, bản lĩnh của người chủ gia đình, đường đường chính chính, uy nghi lẫm liệt là ngồi trên phòng khách tiếp đám bạn trai, chứ không phải lọ mọ lăn xả vào bếp! Chàng hành động như thế nhằm tỏ ra ta đây lúc nào cũng quan tâm đến vợ. Thấy chướng mắt quá, các cô bạn bảo, chưa cần đến anh nhà đâu, bọn em “thao tác” nhanh thôi mà. Anh chỉ cười khì khì. Bình thường, hành động đó luôn được vợ khen nhưng trong tình huống này xốn mắt quá. Hình ảnh “đấng trượng phu” mất giá thê thảm.
Rõ ràng, có những trường hợp, người này thể hiện tính cách hoàn hảo quá mức cũng chưa chắc đem lại sự hài lòng cho người kia. Nhiều người còn nhớ câu chuyện đàm tiếu ầm ĩ thời gian dài, rằng, đôi vợ chồng son nọ vừa có nhóc đầu lòng. Vợ làm báo, chồng chưa có việc làm nên nhận trách nhiệm chăm con. Chuyện này hợp lý quá nhưng thay vì ở nhà, chàng lúc nào cũng kè kè theo vợ, đã thế, trước ngực đeo cái ba lô đèo đứa con đỏ hỏn, tay còn cầm theo bình sữa. Ấy là cách anh thể hiện sự hoàn hảo của người đàn ông đã có vợ. Khi người nàng hiên ngang bước vào phòng dự họp báo, đàng hoàng phát biểu, kẻ săn người đón thì chàng ngồi lếch thếch góc phòng vừa dỗ con đang khóc oe oe. Ban đầu, ai cũng khen đôi uyên ương hạnh phúc, vợ đâu chồng đó, kết dính như sam thật hiếm có. Rồi, dần dà hình ảnh ấy lặp đi lặp lại khiến thiên hạ ngao ngán. Làm như thế chỉ xấu mặt cả hai. Nghe lời xầm xì của đồng nghiệp, cô vợ cấm tiệt lần sau anh chồng không cần phải tỏ ra đảm đang quá mức đến thế.
Mà phải như thế thôi.
Người phụ nữ khôn ngoan là luôn có cách để “tôn” vai trò của chồng mình trong xử thế. Anh bạn tôi có ưu điểm đáng khen là rất sợ vợ và nhát như cáy. Mọi việc trong nhà đều do vợ quyết định, thế nhưng nàng khôn ngoan không giành lấy hết nếu việc đó phải là của chồng. Kìa, tay hàng xóm sát cạnh nhà mấy hôm nay chẳng hiểu trở chứng gì cứ đóng đinh bình bịch vào tường lúc giữa trưa, chẳng thể nào ngon giấc. Lẽ ra, với tính cách mạnh mẽ “sư tử Hà Đông”, nàng sẽ lừng lững như xe công nông sang nhà hàng xóm nói phải nói trái. Thế mà không. Nàng vẫn đẩy chồng đi trước. Lập tức, anh chồng trở thành người có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán.
Không phải võ đoán, nói xa chẳng qua nói gần, trong tình cảm sâu xa có lúc người phụ nữ thương chồng như thương con! Có điều kiện thì tình cảm ấy bộc lộ không giấu diếm. Vậy mà nhiều anh chồng không hiểu khiến vợ tự ái đùng đùng. Ngày nọ, chàng ốm sốt, nàng lấy làm lo sót vó. Sáng đi làm nàng bảo, trưa về em mua thêm thuốc và tiện chân vào chợ mua lá xông. Một nồi xông cho toát hết mồ hôi, rồi ăn bát cháo nóng là khỏe ngay anh à. Khi nói như thế, tự nàng cũng mát ruột vì có dịp bày tỏ sự quan tâm. Và ít ra, dù chồng có cao “hơn mình cái đầu” nhưng cũng có lúc phải dựa vào mình đấy chứ? Thế nhưng, trưa nàng vợ về đến nhà, hỡi ôi, mọi việc đã đâu vào đấy! Cô cảm thấy bẽ bàng, tự ái ngút trời xanh. Vậy hóa ra mình không đóng một vai trò gì trong đời anh ta à?
Không phải đâu, nói thế là nhầm. Có điều anh chồng chỉ có suy nghĩ khác một chút. Anh nghĩ, ai lại để vợ phải tất bật đến thế, cảm sốt xoàng thôi thì tự mình lo cho xong, chẳng phải phiền đến nàng. Nghĩ được như thế tốt quá nhưng người phụ nữ vẫn không chấp nhận, họ vẫn muốn tự mình chăm sóc, lo lắng nhiều hơn nữa. Đấy! Chia sẻ công việc với vợ dẫu hợp lý nhưng chắc gì đã hợp tình? Mà trong chuyện lứa đôi, một bó lý không bằng một tý tình kia mà.
Trong công việc mỗi ngày, cả hai gánh vác chung là lẽ tất nhiên nhưng còn phải tùy trường hợp cụ thể nữa. Tâm lý con người cũng lạ, họ muốn người bạn đời lúc nào cũng giỏi giang nhưng vẫn còn có khiếm khuyết, thô vụng gì đó. Có như thế, họ mới còn có cơ hội thể hiện sự quan tâm chu đáo, giỏi giang của mình. Biết như thế, trong quan hệ vợ chồng đôi khi chàng/ nàng cũng nên “giả vờ” không hoàn hảo một chút. Chuyện này, chẳng chết ai mà đôi khi lại là một thứ gia vị khiến đời thêm vui.
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí TGPN 18.11.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|