Sau những lần đi công tác, lúc nào quay về và bước vào nhà, cô vợ cũng hoảng hồn như lạc chân vào bãi chiến trường. Nhà cửa gì bừa bãi thế này? Chẳng cái gì ra cái gì. Từ nồi niêu, soong chảo lổn nhổn đến quần áo, giày dép quăng tứ tung. Từ bếp ra đến phòng khách, vào phòng ngủ cũng hắm bà lằng mọi thứ. Lập tức, cô vợ xốn con mắt phải, ngứa luôn mắt trái.
Đêm ấy, nằm bên nhau, nàng lại có cảm giác chồng sụt mấy ký lô bởi ăn uống thất thường. Tự nhiên trong lòng dội lên một cảm xúc dạt dào về tình yêu chồng vợ. Nàng nhỏ nhẹ: “Nhà mình phải mướn Osin thôi, anh à”. Anh chồng giẫy nẫy: “Lương ba cọc bà đồng có đủ thiếu gì đâu. Vẽ chuyện”. Nàng cười khì khì: “Bộ anh không nhớ là em vừa thăng chức à? Hơn nữa anh nhịn bia rượu, thuốc lá và hạn chế vài khoảng linh tinh khác là xong thôi. Chứ em đây, thỉnh thoảng công cán này kia mà ở nhà, anh “một thân vận động”, em chẳng yên lòng chút nào”. Anh chồng ban đầu còn ngần ngừ, giây lát sau nghe vợ phân tích phải trái bèn gật đầu cái rụp.
Vợ giao chồng nhiệm vụ phải tìm Osin.
Vài tuần sau đó, trong căn nhà nho nhỏ, bấy lâu chỉ có hai trái tim vàng và cái Tủn, cái Tún thì nay có thêm một người nữa. Mà người giúp việc, đâu phải ai xa lạ. Cô cháu bên chồng ở quê lên. Mối ruột rà có cự ly thân thiết đến độ đại bác bắn ba ngày cũng cũng không tới. Quan hệ xa xa gần gần, bên nội ngoại gì gì đó, vợ chỉ biết loáng thoáng. Ừ, người lạ vào nhà mà chỗ thân thiết càng dễ tin cậy. Dù ít hơn chừng năm, bảy tuổi nhưng lúc nào cô ta cũng “gọi dạ, bảo vâng”, “cô cô cháu cháu”. Nghe mát cả ruột.
Từ ngày có người giúp việc, mọi việc đâu vào đó. Cửa nhà tinh tươm, ngăn nắp, sạch sẽ. Chẳng gì đáng phàn nàn. Không chỉ chỉnh chu, mà cô ta còn cưng chiều, chăm sóc rồi đưa đón hai đứa nhóc đi học chu đáo lắm. Vợ vui. Chồng cũng vui. Dạo sau này, chồng còn có thói quen tốt là xong việc thì tếch về nhà, chứ không bù khú rượu chè tối mờ tối mịt mới vác xác về. Tan sở, vợ về đến nhà thường thấy chồng nằm dài trên ghế đọc báo, xem truyền hình. Phởn lắm. Yên tâm quá. Vì thế, có lúc cô vợ cao hứng hát oang oang: “Và như thế tôi sống vui từng ngày. Và như thế tôi đến trong cuộc đời”. Rõ ràng, quyết định của cô sáng suốt, hợp tình hợp lý. Nếu cứ mãi như thế, đời vui quá chứ còn gì? Vâng rất vui bởi những chuyến đi công tác dài ngày, cô không còn phải lo lắng gì nhiều nữa.
Ngày nọ, sau những ngày công cán, đã lâu rồi vợ chồng con cái mới có bữa ăn chung. Từ bếp, Osin bưng bát canh lên nhưng ngón tay cái lại chấm vào trong tô. Cô vợ thấy thế, có ý nhờn, chỉ cau mặt chứ không nói gì. Anh chồng ái ngại: “Ấy chà, canh nhà mình nóng sốt lắm đó”. Không ngờ, cô nàng đáp tỉnh bơ: “Cậu đừng lo, đừng ngại, dù canh nóng nhưng không đến nổi phỏng tay cháu đâu”! Nghe câu nói ra chiều thân mật ấy, cô vợ giật mình, lờ mờ đoán biết có chuyện bất thường. Lại nữa, lần khác cái Tún, cái Tủn hư quá, mải mê chơi trò chơi, không chịu ngồi vào bàn học. Đã bảo mấy lần nhưng chẳng vâng lời liền bị mẹ quát cho một câu. Nào ngờ, thay vì sà vào lòng bố làm nũng như mọi lần, cả hai lại níu áo Osin rồi khóc ấm ức như muốn tìm sự chở che.
Phụ nữ vốn nhạy cảm, có những chuyện dù không tân mắt thấy cụ thể nhưng bằng linh cảm, họ có thể tìm ra câu trả lời chính xác. Tra hỏi liên tiếp mấy đêm liền, anh chồng phải thú thật mối quan hệ linh tinh lang tang, vụng trộm ba chớp ba nháng với Osin. Thế đấy! Osin hiền. Osin ngoan. Osin chịu thương. Osin chịu khó. Và Osin… lọt vào “tầm ngắm” của ông chủ là những chuyện đã xẩy ra.
Có nhiều người phụ nữ quyết không mướn Osin. Người lạ vào nhà không khéo “lửa gần rơm”, “mỡ treo miệng mèo”. Giải quyết hậu quả, mệt đầu lắm. Có người khôn ngoan, nhờ cô em ruột giúp một tay. “Sẩy vú mẹ, bú vú dì”, ông bà mình từng nói thế cơ mà. Dì vừa chăm nom cháu, vừa quán xuyến việc nhà. Còn gì yên tâm hơn? Thế mà cũng xẩy ra chuyện tréo ngoe, dở khóc dở cười.
Do sống chung một nhà, lúc giao tế, tiếp xúc lời ăn tiếng nói hằng ngày, ông anh rể vốn lịch thiệp, khéo léo v.v… nên có thể gieo trong tình cảm cô em vợ sự quý mến nhất định. Chỉ vậy thôi, tốt quá. Tuy nhiên lại có nhiều trường hợp hơn cả “tình thương mến thương" - mà hầu hết đóng “vai trò chủ động” vẫn là người đàn ông khoái “mía ngọt đánh cả cụm”.
Thế thì, với vai trò của mình, các cô em vợ (hoặc Osin) nếu muốn ổn định việc làm; hoặc giữ được tình cảm chị em thì cần thể hiện khoảng cách và thái độ chừng mực. Điều này hết sức cần thiết. Bởi thân mật quá, dù phát xuất chỉ vì quý trọng, thậm chí vì kính trọng nữa là khác nhưng đừng quên, đàn ông vốn thường hay “tưởng bở” nên có lúc họ hiểu nhầm thiện ý đó. Đôi khi chỉ một lời bình phẩm vu vơ khen chê về thời trang của ông anh rể/ ông chủ; hoặc ngày sinh nhật lại nổi hứng thay chị/ bà chủ nhanh nhẩu tặng một bó hoa cũng có “nguy cơ” sinh chuyện.
Trong đời sống riêng tư, hiện nay nhiều gia đình cần có người giúp việc là nhu cầu có thật. Trước khi cho một người phụ nữ khác, dù Osin hoặc em vợ vào nhà, cả vợ lẫn chồng cần có sự bàn bạc chu đáo trước, lường trước sự việc có thể xẩy ra, dù trước đó chẳng ai có suy nghĩ tiêu cực đó. Nhất là người vợ nên cảnh giác, "cẩn thận củi lửa" vẫn hơn. Mà những người khôn ngoan thường không để “mất bò mới lo làm chuồng”. Bài toán này, chỉ người trong cuộc mới có thể đề ra “phương án” hiệu quả nhất.
L.M.Q
(nguồn: tạp chí TGPN 9.21.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|