Em ơi đừng chê anh nghèo
Anh có “cục gạch” nó reo trong quần
“Cục gạch” đó ngày càng cải tiến, muôn hình vạn trạng, đủ màu sắc, kích cỡ và nhất là có biết bao tiện ích. Đi ra đường có thể, quên thứ gì cũng được nhưng không thể quên điện thoại di động. Nó đã trở thành vật bất ly thân, gắn bó với chủ nhân như hình với bóng. Từ bà thu mua ve chai đến siêu mẫu chân dài; từ cậu nhóc hỉ mũi chưa sạch đến cụ già ngắc ngoải sắp “tiên du vân cảnh”… ai ai cũng sắm một (hoặc vài) chiếc. Ngày trước có tâm lý “quen sợ dạ, lạ sợ áo quần” thì nay, làm nên “đẳng cấp” người đó còn phải kèm thêm chiếc smartphone kè kè trên tay nữa.
Song, cũng chính vì thế mà không ít người đã bị lệ thuộc. Họ có cảm giác không thể sống thiếu nó dù chỉ… một giây, ngay cả lúc vào nhà vệ sinh, dù leo lên giường ngủ... Không có nó lập tức họ có triệu chứng là ảo giác lo lắng, bồn chồn, thậm chí trầm cảm như hụt hẫng.
Bà xã nhà tôi là một ví dụ sinh động: Ngày cuối tuần, cả hai tìm ra nơi hương đồng gió nội, thư giản sau một tuần mệt mỏi. Lúc ấy có thể gác công việc qua một bên được chăng? Không! Dù cả hai hoặc đang cùng trò chuyện với bạn bè, con mắt của cô chỉ hướng về màn hình và ngón tay di di liên hồi như đang khiêu vũ. Đã thế, thỉnh thoảng câu chuyện lại ngắt quảng bởi cô phải kiểm tra các tin nhắn, comment trên facebook. Tâm lý chung của những người nghiện smartphone là vậy. Họ luôn có thói quen cứ tưởng rằng, bao giờ cũng có thông tin gì đó dành cho mình?
Ngày trước, lúc gặp gỡ con người ta có thể hàn huyên, trò chuyện, hỏi han, cùng ngắm cảnh như một cách thư giản, chia sẻ tâm tình thì nay đã khác. Một hình ảnh phổ biến, dễ dàng nhận ra nhất là dù ngồi chung, cùng bàn luận công việc chung nhưng chẳng ai toàn tâm toàn ý cả. Có những lúc “bốn phương phẳng lặng như tờ” bởi ai nấy cũng đều cắm cúi thao tác cùng “dế xinh”, không ai thèm nói với ai một lời, nếu có chỉ là những câu nhát gừng cho phải phép! Đừng tưởng chỉ có “chip hôi chanh cốm” mà nhiều cỡ trung niên cũng không thoát khỏi thói quen này.
Có lúc, nửa khuya giật mình tỉnh dậy, anh chồng méo mặt ngạc nhiên khi nhìn thấy cô vợ nằm sát bên vẫn đang… cười toe toét với ai đó trên màn hình smartphone. “Online với ai vậy em?”. “À, cô bạn cũ tình cờ gặp nhau trên mạng anh à”. Nghe thì nghe vậy, biết thì biết vậy nhưng rõ ràng không gian riêng tư nhất đã không còn.
Lại có những cặp vợ chồng đang ân ái mặn nồng, bỗng nghe “ò í e” ầm vang như tiếng kèn xung trận khiến cảm hứng như con tàu lao nhanh xuống dốc! Rõ ràng, khi smartphone xuất hiện mọi lúc mọi nơi khiến nhiều vợ chồng đã có cảm giác bất an, nghi ngờ, cô đơn và lạc lõng. Ai đời, dù nàng/ chàng đang ngủ nhưng màn hình điện thoại vẫn… sáng nhấp nháy dưới tấm chăn. Điều này cho thấy, “người của mình” đang có ai đó chứ không phải chỉ là riêng của mình. Chỉ cần thấy và nghĩ đền đó đã thấy cáu tiết rồi!
Khi sở hữu smartphone, con người ta còn nẩy sinh tâm lý cho “cả thế giới biết mình là ai” nên vô tình lệ thuộc vào nó. Vào trong nhà hàng, khi phục vụ bưng bê đầy đủ thức ăn lên, những tưởng sẽ “chén” ngay? Không. Phải chụp hình “check-in” đã. Rồi, “chờ một chút nha” để “bắn” những cái hình đó lên facebook cho thiên hạ… lác mắt chơi. Chưa xong, khi có các comment hoặc like phản hồi, lại phải dừng đũa bấm, trượt. Thế có bực mình không chứ? Tất tần tật cảm xúc, “ai? việc gì? ở đâu?” chỉ trong nháy mắt, chỉ một phút sau là bàn dân thiên hạ đều biết rõ và bình phẩm. Khổ nỗi, người nghiện smartphone lại thích thế, thèm có cảm giác kỳ cục đó. Trong khi đó, “người thật việc thật” đang cần sự quan tâm, chia sẻ thì lại ít màng tới!
Trong các trường hợp oái oăm trên, khó có thể đưa ra một lời “góp ý” gì. Chỉ xin nhấn mạnh rằng, smartphone chỉ là một công cụ tiện ích để con người ta chủ động sử dụng chứ không phải trở thành nô lệ của nó.
L.M.Q
(nguồn: tạp chí TGPN 21.10.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|