Nhiều người đàn ông mạnh miệng tuyên bố, trong gia đình chỉ quan tâm đến “chuyện lớn”, còn “chuyện nhỏ” không thèm đếm xỉa đến. Chuyện vặt vãnh ấy à? Dành cho vợ. Đàn ông mà! Đi ngược đi xuôi, xông pha đầu sóng ngọn gió, làm những chuyện “đại sự” ngoài xã hội chứ chẳng lẽ tầm nhìn chỉ quẩn quanh xó bếp? Biết thế, nhưng tất tần tật mọi chuyện, người vợ đều bảo: “Ối! Chuyện nhỏ mà, anh mặc em xoay xở”. Ban đầu, người chồng cũng có đôi chút bực bội bởi không còn chút tẹo “quyền lực” nào. Riết rồi đâm ra quen. Dần dà anh có thói quen ỷ lại vợ. Từ đó, người vợ được trớn tự mình quyết định mọi việc dù lớn hay nhỏ.
Ngày nọ, cô bạn của vợ ghé nhà chơi. Chẳng biết hai chị em thậm thà thậm thụt những gì mà sau khi bạn ra về, vợ phớn phở lắm. Anh nghi ngờ gặng hỏi, vợ chỉ tủm tỉm cười. Qua tuần sau, vợ tuyên bố sẽ nghỉ dạy. Anh há mồm kêu trời, vợ cười khì khì: “Lương ba cọc ba đồng làm sao bằng chị bằng em? Anh cho em có cơ hội “đổi đời” đi anh!”. “Nhưng em có biết nghề ngỗng gì, ngoài đi dạy?”. Vợ cười xòa: “Nghề này dễ lắm anh à, lại mau “phất” lắm”. Hỏi riết, vợ “bật mí”: “Bạn em đang cần một số vốn lớn làm ăn. Nó nhờ em đứng ra vay vốn giúp, ngoài lãi suất hàng tháng trả cho người ta, nó trích lại cho em vài phần trăm hoa hồng. Anh thấy “ngon ăn” chưa? Chỉ cần thuyết phục người ta bỏ tiền ra, mình có trước mắt một số tiền rồi. Khỏe re!”.
Anh cương quyết không đồng ý. Vợ chồng cãi vã nhau mấy ngày liền. Vợ bù lu bù loa, làm mình làm mẩy. Cuối cùng, anh đành xuôi xị, thở dài sườn sượt: “Tùy cô! Tôi không dính dáng vào chuyện này đâu nhá!”. Từ đó, anh chẳng thèm quan tâm gì đến chuyện này nữa. Dù không quan tâm, nhưng anh biết rõ ràng thu nhập của vợ khấm khá hơn trước nhiều. Bằng chứng là vợ mua sắm thêm nhiều thứ trong nhà. Lúc ấy, anh mới gật gù khen vợ giỏi, dù không nói ra.
Vợ giỏi quá, sống dựa vào vợ nên nhiều lúc hình bóng người chồng trở nên mờ nhạt. Có câu chuyện hoàn toàn không hề bịa, chắc chắn đã, đang, sắp và sẽ có nhiều đấng mày râu cũng lâm vào một cảnh ngộ trớ trêu. Lần nọ, một ngày “cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc” như khung cảnh trong câu văn của Thanh Tịnh, có người tâm sự với bạn: “Do ngán ăn ở các nhà hàng quá nên tớ đã thuê một đầu bếp về làm ôsin. Chà, cô ấy nấu món ăn ngon ơi là ngon. Tuy nhiên, cái thời sung sướng đó đã qua rồi. Bây giờ, tớ phải đi chợ, tự nấu lấy thức ăn”. Người bạn ngạc nhiên há mồm: “Ủa? Vậy ôsin của anh nghỉ việc rồi à?”. Anh chàng này mặt mà buồn xo mà rằng: “Không, cô ấy đã trở thành vợ của tớ!”.
Thế đấy. Khi người vợ làm ra tiền nhiều hơn, người chồng dựa vào vợ phải gánh vác việc nhà là lẽ tất nhiên. Cũng câu chuyện của anh chàng khen vợ giỏi, sự việc còn có thêm diễn biến khác. Khoảng hai tháng sau, nửa đêm, vợ đánh thức dậy và tỉ tê bảo anh nghỉ quách chỗ đang làm. “Trời đất! Em điên rồi à?”. Vợ cười ỏn ẻn: “Anh xem, công việc em là giao tế với các đại gia mà anh chỉ là công nhân quèn! Em oải quá”. Thấy chồng ngơ ngác, vợ giải thích: “Đi làm ăn thì phải có đôi có cặp anh à. Bạn bè em, ai ai cũng vậy. Anh diện quần áo bảnh bao, chở em đi giao dịch mỗi ngày có phải sang trọng, nhẹ nhàng hơn không? Công việc đang thuận buồm xuôi gió, nghề này lại nhàn nhã. Vợ đâu chồng đó, mới là mái ấm chứ anh?”.
Vợ tỉ tê suốt mấy đêm liền, nhưng anh vẫn không nghe. Cuối cùng, anh cũng nghe theo. Chỉ nghĩ, vợ mình giỏi, tháo vát mà lâu nay mình vẫn dựa vào vợ đó thôi. Thế rồi, ở đời khó ai học được chỡ ngờ, ngày nọ, bỗng đâu như sét đánh ngang, cô bạn của vợ anh đã bỏ trốn biệt xứ. Anh cảm tưởng như đất lún dưới chân. Ngay lập tức, anh đã nghĩ đến cảnh con nợ vây quanh nhà mình. Mà thật vậy, khi giao tiền người ta chỉ biết, chỉ ký giấy tờ với vợ chồng anh, chứ nào biết người khác mặt ngang mày dọc quái quỷ thế nào đâu! Từ người đang sở hữu căn nhà, công việc ổn định, vợ chồng anh phải bán nhà trả nợ, rồi dắt díu rời khỏi làng quê êm ấm đi trốn nợ!
Trường hợp này không phải cá biệt.
Khó có thể nói là lỗi do ai. Động cơ làm giàu của người vợ không phải là xấu. Việc làm của họ cũng chỉ vì muốn đời sống ngày một khấm khá hơn. Chỉ nghĩ trong đầu, việc làm của mình “bình thường như cân đường, hộp sữa” chứ có phạm pháp, cặm bẫy gì đâu. Trong lúc đó, do người chồng thiếu sự quyết đoán, tĩnh táo, suy xét, nhìn xa trông rộng nên cuối cùng mới xẩy ra cớ sự mà họ không lường trước.
Nói đi cũng phải nói lại, đã có không ít “nhà tan cửa nát” cũng do vai trò cầm chịch thiếu bản lĩnh của người chồng. Chuyện cô hoa hậu ầm ĩ trong dư luận một thời cũng là hoàn cảnh đáng thương. Sau khi chạm tay vào vương miện rực rỡ, ngay lập tức cô lọt vào mắt xanh của người có vai về trong xã hội. Từ đây “lên ngựa xuống xe”, mọi “chuyện lớn” đã có chồng lo. Ai cũng mừng cơ may đã mỉm cười với cô. Nhưng không. Chỉ một thời gian ngắn, anh chồng nước mắt ngắn dài cho biết đang nợ chồng nợ chất vì thua bạc. Lúc này, chồng lại dựa vào mình, thế là với uy tín đang có, cô vay đầu này trả lãi đầu kia miễn sao có thể giúp chồng thoát hiểm. Nào ngờ, cuối cùng chính cô phải sa chân vào lao lý.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Không một “công thức” nào có thể áp dụng chung. Chỉ biết rằng, dù có thề thốt, có tâm nguyện ăn đời ở kiếp, dù “tuy hai là một” nhưng cũng không thể ai dựa vào ai cả. Cũng không thể phân biệt “chuyện lớn” người này, “chuyện nhỏ” người kia. Cách tốt nhất vẫn là dựa vào nhau. Trước khi quyết định một vấn đề nào đó nhằm “nâng cấp” mái ấm, cả hai cần dựa vào nhau để bàn bạc, thảo luận, suy xét chu đáo nhất.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 4.11.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|