Từ lúc biết tận hưởng thú vui thân xác, trong ý thức con người đã sự chiếm đoạt và sở hữu. Dù không nói ra, nhưng Đông sang Tây đều mặc nhiên thừa nhận, khi đã chung sống nghĩa là người này thuộc về người kia và ngược lại. Đó là một sự dứt khoát. Nguyên tắc này bất di bất dịch như “hai lần hai là bốn”, chứ không thể có được một đáp án khác. Với phụ nữ Á Đông, nguyên tắc này đã được quy định rạch ròi và nâng lên tầm “triết lý”: “Chưa chồng liếc dọc liếc ngang / Có chồng cứ thẳng một một đàng mà đi”. Mà đâu phải đợi lúc đã nên duyên chồng vợ, kìa, hãy nhìn sang Thúy Kiều. Nàng lộng lẫy tài hoa đã khiến biết bao tài tử say đắm nhưng khi đến với Kim Trọng thì sao? Chỉ mới hẹn hò, chưa trao thân xác cho nhau nhưng tự nàng đã thấy mình thuộc về người tình. Ngược lại, Kim Trọng cũng thế thôi. Sau gặp gỡ đó, cả hai đừng hòng có quyền tơ tưởng, léng phéng đến ai khác. Tóm lại, chỉ một lời hẹn ước, các đôi lứa đã tự điều hành vi, chứ huống gì đã “ăn nằm” với nhau.
Về “lý thuyết” là vậy. Tuy nhiên, cuộc đời lại không đơn giản chút tẹo nào.
Nếu con người ta lúc nào cũng suy nghĩ nghiêm túc như thế, có lẽ, các tình huống trong tình cảm sẽ nhạt đi nhiều lắm. Sẽ không có những gây cấn, những bất ngờ, những dằn vặt, những đớn đau… giúp người ta cảm thấy đời sống thăng hoa hơn. Nói nghe lạ, lúc xáo trộn trong cảm xúc lại khiến đời sống thăng hoa, chứ không phải rắc rối hơn à? Đúng vậy, tâm lý con người đôi lúc kỳ cục lắm. Khó có thể lý giải một cách rạch ròi, cân đong đo đếm một cách khoa học. Anh chàng Tú Xương tài hoa nhưng lận đận, “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”, thi rớt ạch đụi nhưng bù lại có bà Tú rất mực thương chồng. Được vậy đã yên phận rồi, phải không? Không, anh chàng vẫn cứ tơ tưởng bóng hồng “ngoài luồng”: “Non non, nước nước, tình tình/ Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ”.
Đàn ông nào cũng vậy thôi. Giây phút ngẩn ngơ này, đã khiến đời sống tình cảm của họ thăng hoa hơn, giàu cảm xúc hơn và cảm thấy đời vui hơn. Và lúc quay về, họ cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với mái ấm đang có. Đây là sự thật, chứ không phải sự bào chữa. Chỉ có những kẻ thiếu bản lĩnh, mới lấy cái ảo thay thế cái thật đang hiện hữu. Có điều, những lúc ấy, nếu ứng xử không khéo có thể gây sóng gió, ồn ào, mệt cả đầu nhưng rồi, họ vẫn cứ lao vào như một lẽ tự nhiên. Lúc ấy, lý trí đã “đi chỗ khác chơi”, chỉ còn lại nhịp đập điên cuồng trong cảm xúc. Không phải họ rẻ rúng tình cảm đang có, bạc bẽo nghĩa vợ tình chồng nhưng họ còn có nhu cầu khác. Có những nỗi niềm riêng ở góc khuất trong tâm hồn.
Nhu cầu này, nỗi niềm riêng này có chính đáng hay không? Với người đàn bà, họ không cần biết. Chỉ cần biết chồng mình “dạ nọ lòng kia” thì đừng hòng yên thân. Họ “giải quyết vấn đề” tới nơi tới chốn, không bao giờ chia sẻ “chủ quyền” cho bất cứ ai khác, bất kỳ tình huống nào. Đâu chỉ riêng yểu điệu thục nữ, các đấng mày râu cũng “ích kỷ” vậy thôi. Không một người đàn ông nào cho phép “người của mình” tơ tưởng đến kẻ khác, dù chỉ trong suy nghĩ. Chung sống với nhau, nghĩ cho cùng là cả một chuỗi nghịch lý. Dù ai cũng tự ý thức như vậy nhưng rồi, chính họ lại cho phép mình được quyền thỏa mãn những nhu cầu khác.
Những nhu cầu về tình cảm của con người có muôn sắc màu. Mà dù có sắc màu gì đi nữa, thì người trong cuộc cần bình tĩnh phán xét, chứ đừng vội vàng “nâng quan điểm” cho rằng người này phản bội người kia. Đánh giá như thế là hạ thấp nhu cầu thẩm mỹ, tâm lý đa chiều của con người. Trong xã hội, có rất nhiều người thành đạt, ngay cả chuyện chăn gối hằng đêm chẳng có gì đáng phàn nàn. Chung sống hạnh phúc “như chim liền cánh, như cây liền cành”, vậy mà, họ vẫn có những nhu cầu khác về tình cảm. Tại sao? Hôn nhân không phải là lúc giai đoạn kết thúc mọi mối quan hệ.
Có thể, vào một ngày đẹp trời thay vì ở nhà hú hí với vợ con, họ lại thích tếch xuống phố cà kê dê ngỗng với cô nàng mới quen. Cô nàng này chưa chắc đã hơn gì vợ mình, nhưng có thể do tính nết, nhan sắc ngồ ngộ, giọng nói hay hay, tiếng cười mơn trớn nên thúc giục họ phải tìm gặp cho bằng được. Gặp gỡ, cũng chỉ dăm ba câu chuyện trên trời dưới biển, trăng mây tuyết nguyệt, vô thưởng vô phạt rồi… về. Chỉ có vậy thôi. Mà nếu, táo bạo hơn một chút, có thể liều lĩnh ghì cô nàng về phía mình để cấu lấy nụ hôn lạ lẫm như trái chín đầu mùa thì đã sao? Nghĩ cho cùng, các tình huống này cũng “bình thường thôi”. Chẳng có gì phải ầm ĩ cả. Mọi chuyện chỉ trở nên ầm ĩ, nếu mối quan hệ này không dừng lại đó mà ngày càng có nguy cơ đi xa hơn. Vậy thì, giới hạn của sự việc đến đâu là do cả hai quyết định và điều chỉnh.
Lại nữa, mỗi con người luôn có nhiều mối quan hệ khác nhau. Có thể là mối tình thời đi học, không đến với nhau được, rồi đường ai nấy đi nhưng khi tình cờ gặp lại có thể tránh được cảm xúc cũ bồi hồi dậy sóng? Một câu chào hỏi, một cuộc hẹn hò ở quán cũ của ngày xưa thân ái có thể diễn ra lắm chứ? Giây phút này có thể chấp nhận được không? Được quá đi chứ, nếu người đàn ông chỉ dừng lại đó chứ không dại dột “đứng núi này trông núi nọ”, quên béng đi “hậu phương vững chắc” đã tạo dựng từ bấy lâu nay. Vậy, vấn đề đặt ra chính là thái độ và ý thức của người trong cuộc.
Đừng bao giờ nghĩ rằng, khi đã vợ chồng thì người này hoàn toàn thuộc về người kia. Suy nghĩ như thế là máy móc, không phù hợp với chuyển biến tâm lý của con người nói chung. Mỗi con người, dù nam hay nữ, dù âm hay dương thì họ cũng có những góc khuất riêng mà ngày cả người đầu ấp tay gối, có với nhau vài mặt con cũng không thể chạm đến sự sâu kín ấy. Ai có thể quả quyết, cô vợ của mình đã quên đi nụ hồn đầu đời của năm mười tám với gã tình nhân đầu tiên? Dù mình sờ sờ ra đây, ve vuốt, mơn trớn mỗi đêm nhưng làm sao có thể cấm đoán từ trong tiềm thức của cô ấy đừng bao giờ nhớ lại kỷ niệm chăn gối lúc chưa có mình?
Khó lắm.
Biết như vậy để thấy rằng, ngay cả khi chung sống với nhau, con người còn có những nhu cầu khác. Nói như thế này, ắt có người phùng mang trợn mắt cãi lại cho bằng được. Cãi rằng, “lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy”, ban đầu có thể chỉ là những tình cảm bạn bè, đồng nghiệp nhưng biết đâu họ sẽ “được đàng chân lân đàng đầu” thì sao? Đáng lo quá. Phải tìm cách ngăn chậm, cấm đoán ngay thôi. Suy nghĩ này chỉ có thể của người yếu bóng vía, thiếu bản lĩnh và điều quan trọng là không tin vào người bạn đời của mình. Đã yêu thì thì tin. Tin chắc rằng, dù chàng/ nàng của mình thật sự có nhu cầu đó. Mà nhu cầu đó là lẽ tự nhiên, không thể dùng biện pháp hành chính để cấm đoán.
Trong trường hợp này, cách tốt nhất vẫn hãy đặt câu hỏi, vì sao có những chuyện mà chàng/ nàng lại chia sẻ với người khác? Khiếm khuyết ấy là do chính mình, chứ đừng đổ lỗi hoặc trách móc, dằn vặt người kia. Mà nghĩ cho cùng, trong đời ai cũng vậy thôi. Họ có những niềm riêng, những nhu cầu mà ngay cả người đầu ấp tay gối cũng khó có thể chia sẻ. Vì thế, khi đứng trước bất kỳ một tình huống nào, nếu thấy có “nguy cơ” đụng chạm đến “chủ quyền” có lẽ khôn ngoan nhất là người đàn ông/ phụ nữ đó phải tự hỏi chính mình, chứ không phải đổ riệt lỗi cho người kia.
Đã đến lúc cần thay đổi suy nghĩ, hôn nhân lứa đôi không phải kết thúc các mối quan hệ. Thế giới nội tâm của con người ta thiên hình vạn trạng. Làm sao có thể cấm đoán một người đã có vợ / chồng không được quyền si mê một giọng ca hay, tơ tưởng một gương mặt kiều diễm dẫu chỉ gặp thoáng qua? Không được có những lúc thư giản với người bạn khác giới để chia sẻ một sở thích nào đó? Những tình cảm, cảm xúc ấy chỉ giúp đời sống tình cảm con người ta phong phú hơn thêm. Vấn đề đặt ra có lẽ cần thiết nhất vẫn là sự tự điều chỉnh hành vi của mình khi đón nhận tình cảm, cảm xúc ấy. Bởi lẽ, dù có bất kỳ nhu cầu, nỗi niềm riêng gì nữa thì đừng quên rằng bên cạnh mình còn có một người khác nữa. Người đó luôn đóng một vai trò thiết thực nhất trong cuộc đời mình.
L.M.Q
(Nguồn: Tạp chí Duyên dáng Việt Nam - 12.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|