Đã phụ nữ, dứt khoát ai cũng thích được khen xinh đẹp, dù có thể chỉ câu nịnh nọt nhưng vẫn thích nghe. Vì thế, những cô gái xinh ở công sở luôn có “quyền lực ngầm” đáng nể.
Trong quan hệ xã hội thì lần đầu gặp gỡ, người “sắc nước hương trời” luôn có lợi thế dễ lấy được cảm tình người khác, không chỉ có lợi thế trong giao tiếp, xin việc làm mà khi đã làm trong cơ quan, họ cũng nhận được nhiều “ưu ái” hơn từ sếp và đồng nghiệp. Đó chính là “quyền lực” chứ gì nữa.
Không phải ngẫu nhiên, có những lúc nơi khi người đàn ông đến liên hệ công việc, chỉ gặp ánh mắt “lừ đừ như ông từ vào đền”, miệng câm như hến. Nhưng nếu đó là người đẹp thì thái độ lập tức vồn vã, nhiệt tình và mọi “của ải” tưởng đầy hiểm trở bỗng chốc trở thành… đất bằng êm ái.
Anh bạn tôi đường đường một trưởng phòng, các nhân viên dưới quyền sợ một phép. Vậy mà khi cô thư ký - “lính” của anh chỉ cần hắt hơi, sổ mũi một chút là anh đã đon đả quan tâm, hỏi han rối rít. Trong khi đó, người khác dẫu có “trầm trọng” hơn, anh vẫn tỉnh bơ “cứng đơ như cây cơ”, chẳng mảy may biểu lộ cảm xúc gì! Mối quan tâm ở đây, hoàn toàn không phải tình riêng gì cả, đơn giản chỉ vì sự cảm tình tự nhiên dành cho cô nữ nhân viên xinh đẹp.
Có nhiều “gái xinh” dù giỏi chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lúc được nâng lương, khen thưởng vẫn có tiếng xì xầm: “Hứ! Chỉ nhờ cái mã bên ngoài mà được sếp ưu ái quá cỡ”. Nhận xét này bất công bởi không nhìn nhận công sức đóng góp của đồng nghiệp. Nếu chỉ đẹp mà chây lười làm sao họ có thể hoàn thành công việc? Lại nữa, lúc sếp phân công nhiệm vụ và do quá hợp lý nên chẳng ai phản đối. Thế mà sau đó lại có tiếng nhỏ to: “Đẹp thế mà tốt số! Lẽ ra công việc đó phải dành cho người này, người nọ mới phải”. Sự phân bì, ganh tị này hết sức cảm tính, chỉ vì luôn mặc định rằng, nguời đẹp thường được sếp cất nhấc, nâng đỡ nhiều hơn. Suy nghĩ thế, khác nào phủ nhận công sức người ta.
Chuyện éo le na ná ấy còn nhiều, “người trong cuộc” khó có thể “thanh minh thanh nga”. Bởi sự tị nạnh chẳng hề phát biểu rành mạch trong các buổi họp mà chỉ “tám” lúc tụ năm tụ bảy. Rồi cũng lọt vào tai người cần nghe. Nghe xong, bực mình bèn hùng hùng hổ hổ “ba mặt một lời” nhưng ai nấy chối phắt đi thì cũng làm gì nhau?
Ôi! “gái xinh” ở công sở cũng có nỗi niềm riêng đấy chứ?
Nỗi niềm đó, cũng chẳng là gì cả nếu “nhân sự” ý thức được vị trí của mình. Công ty nhận mình vào làm việc là do yếu tố gì? Câu trả lời không thể rất trẻ con là do “đẹp và xinh”. Thế nhưng, oái oăm thay lại có người vẫn không nhận ra.
Cô bạn tôi dù đẹp, rất đẹp nhưng chẳng thế “trụ” lâu ở một công ty nào. Do biết có lợi thế hơn đồng nghiệp nên cô ta tận dụng tối đa, miễn là “được việc” cho cá nhân mình. Được từ sếp đến đồng nghiệp quan tâm nên cô ta ỷ lại, dựa dẫm mà không trau giồi nghiệp vụ. Tất nhiên, ban đầu việc này việc nọ có người này người kia gánh giùm nhưng dần dà về sau thì không thể. Do đó, khi nhận xét, đánh giá năng lực thì cô không đạt yêu cầu bởi chẳng một công sở nào muốn tuyển chọn và trả lương cho “bình hoa di động”.
Thật vậy, sự xinh đẹp ở người phụ nữ chỉ là lợi thế ban đầu. Lợi thế này tạo cho họ có nhiều thuận lợi hơn trong cùng thời điểm xuất phát. Thậm chí dù xuất phát sau nhưng họ vẫn có thể vượt lên với người cùng hàng. Nói như thế để thấy rằng, chính vì vậy sự ganh ghét nếu có cũng không phải ngẫu nhiên.
Vấn đề đặt ra ở đây, trong guồng máy vận hành tại công sở thì sự góp mặt của ai ở vị trí nào đó cũng đều do chuyên môn của từng người. Mỗi người mỗi phận sự. Đánh giá mức độ hoàn thành công việc là từ đó, chứ đừng nhìn vào vẻ đẹp bề ngoài.
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí TGPN 23.9.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|